Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens

Rating: 3 out of 5.

Có nhiều cách để người ta có thể tóm gọn lại những thành tựu và hiểu biết của cuộc đời mình, thường thì người ta sẽ làm nó thông qua một cuốn sách, còn Delia Owens viết một cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ về nỗi đau và sức mạnh chữa lành kỳ diệu của tự nhiên.

Bìa sách. Ảnh: Fado

Vào cái này cô bé Kya 6 tuổi chứng kiến mẹ mình bỏ đi, mở đầu cho sự rời bỏ nối tiếp rời bỏ trong cuộc đời mình, cô cũng đã bắt đầu học cách sống một mình, đối diện với nỗi cô đơn, chỉ có một mình đơn độc trong vùng đồng lầy hoang dã nơi miền Nam nước Mỹ. Sống bên cạnh một người cha luôn say xỉn và có thể đánh đập bất cứ ai trong gia đình bất cứ lúc nào, Kya sớm học được cách sống luồn lách trong cái lán nhỏ mà gia đình cô bé sinh sống – ngôi nhà duy nhất mà cô biết, và sau này kỹ năng chạy trốn đó đã giúp Kya an toàn khỏi con người để sống trong vòng tay bao dung và đầy tình yêu của đồng lầy. Mọi người trong cái thị trấn bé nhỏ đó đều mang một định kiến sâu sắc trong lòng về cô gái đồng lầy, chính vì thế Kya càng lùi sâu vào nơi đồng lầy, nơi trú ẩn an toàn của mình. Nhưng khi cơn đói cồn cào hành hạ một đứa bé 6 tuổi, Kya vẫn phải xoay xở tìm cách ra bên ngoài để kiếm thứ gì đó lấp đầy cái bụng trống rỗng, nhờ thế cô gặp được Jumpin’ và vợ ông Mabel, hai con người tốt bụng đã cho cô bé nhỏ cái mặc, cái ăn và đã bảo vệ, ấp ôm lòng tự trọng của cô bé bằng việc không cho đi một cách hiển nhiên mà bằng sự trao đổi, Kya bán vẹm để đổi lấy tiền đổ xăng cho con thuyền, cho đi những con cá hun khói để đối lấy quần áo. Cô bé cũng đã gặp Tate, người bạn của anh trai Jodie của cô bé, một cậu trai được nuôi dạy bằng tình yêu thương và sống trong hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt với Kya. Nhưng Tate đã là điều đẹp đẽ hiếm hoi khác trong cuộc đời Kya, nếu Jumpin’ và Mabel yêu thương Kya như con gái của mình, thì Tate đã thay đổi cuộc đời cô bé bằng ánh sáng của tri thức và tình yêu thủy chung, đằng đẵng.

Continue reading “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens”

Thời niên thiếu của anh và em – Cửu Nguyệt Hi

Quan hệ cộng sinh là quan hệ của hai loài sinh vật sống dựa vào nhau, đôi bên cùng có lợi, thiếu nhau thì sự sinh tồn sẽ chịu ảnh hưởng cực lớn, thậm chí chết.

Câu mở đầu của truyện dài Thời niên thiếu của anh và em của Cửu Nguyệt Hi cũng là lời mô tả chính xác nhất cho mối quan hệ của Trần Niệm và Bắc Dã trong truyện. Thời niên thiếu của anh và em là câu chuyện về Trần Niệm, cô nữ sinh cuối cấp, nhà nghèo, người mẹ đi làm ăn xa biền biệt, cô chỉ có một ước mong duy nhất là đến Bắc Kinh học Đại học để thoát khỏi trường Trung học, thoát khỏi sự bắt nạt ở trường. Vì lẽ đó, Trần Niệm học rất giỏi, cô vùi đầu vào học tập. Bỗng một ngày, bầu không khí hăng hái học tập xen lẫn căng thẳng của những cô, cậu học trò cuối cấp bị phá vỡ khi cô nữ sinh Hồ Tiểu Điệp nhảy lầu tự sát, nhiều lời đồn đoán rằng cái chết của Hồ Tiểu Điệp là do thời gian bị bắt nạt kéo dài ở trường học. Trần Niệm là người cuối cùng gặp Tiểu Điệp nên ai cũng muốn moi móc thông tin từ cô, cảnh sát cũng đến tìm cô. Từ đầu đến cuối, Trần Niệm đều từ chối trả lời, cô chỉ muốn yên ổn chờ qua kỳ thi để được rời khỏi ngôi trường này, vùng đất này cho đến khi cô nói ra sự thật vì một lời hứa hẹn của người bạn học, và đặt niềm tin một lần vào anh cảnh sát Trịnh Dịch. Trần Niệm trở thành đối tượng bị bắt nạt tiếp theo, bị trả thù, bị đánh, bị làm nhục. Trong những ngày tháng ngặt nghèo đó, cô gặp Bắc Dã khi cậu đang bị bắt nạt, cô định gọi cảnh sát nhưng lại bị mấy tên côn đồ bắt được, chúng trấn lột tiền của cô và bắt cô hôn Bắc Dã rồi mới tha cho cậu. Rồi Bắc Dã trở thành người bảo vệ của Trần Niệm, trở thành ánh sáng và người cô tin tưởng nhất trong cuộc đời. Hai đứa trẻ giữa nghiệt ngã của cuộc đời, nương tựa vào nhau mà sống, bấu víu vào nhau mà tin tưởng, đem sự tồn tại của đối phương trở thành phần cốt yếu nhất trong sinh mệnh của mình.

Thời niên thiếu của anh và em khác với mô-tuýp của một câu chuyện thanh xuân vườn trường thông thường. Câu chuyện của Trần Niệm và Bắc Dã, cùng với những nhân vật trong này, chứa đựng đầy những điểm đem, đầy những góc tối của xã hội. Đây là một câu chuyện về những đứa trẻ bị xã hội và thể chế bỏ quên, chúng mất niềm tin vào người lớn, mất niềm tin vào sự bảo vệ của xã hội đáng ra phải đặt lợi ích của chúng lên hàng đầu, nhưng lại tìm thấy niềm hy vọng nơi những người đồng cảnh ngộ với mình.

Ở ngôi trường Trung học trọng điểm, tất cả những gì thầy cô quan tâm là thành tích thi tốt nghiệp của bọn trẻ. Chuyện bạn bè bắt nạt sẽ được coi như chuyện cãi nhau tầm phào, thầy giáo muốn bảo vệ học trò của mình nhưng cũng chỉ có giới hạn, không ai quan tâm hơn, không ai đi sâu hơn. Chuyện gì cũng không quan trọng bằng một kỳ thi, bằng thành tích của nhà trường. Một đứa trẻ nói ra nó bị bắt nạt, sẽ không ai tin, hoặc có tin cũng sẽ coi như chuyện cãi vã thông thường, không ai đứng về phía nó, bảo vệ nó. Người lớn luôn coi chuyện của trẻ con là những chuyện chẳng hề quan trọng.

Ở người cảnh sát trẻ Trịnh Dịch, anh có tài năng, có sự kiên định, đức độ của một người thi hành pháp luật nhưng anh lại quá tự tin vào chính mình, dẫn đến dễ dàng hứa hẹn. Anh đi cùng Trần Niệm để bảo vệ cô, nhưng rồi vẫn không khống chế được sự bận rộn của Cục Cảnh sát, của việc vây bắt những tên tội phạm khác. Cả Cục Cảnh sát cũng không ai đủ quan tâm để lưu ý đến những đứa thiếu niên bắt nạt trong trường học và những thiếu niên bị bắt nạt.

Cả xã hội đó, không ai là người xấu, nhưng cũng không ai là người tốt. Một chút coi nhẹ, một chút thờ ơ, một chút suy nghĩ giản đơn, một lời hứa dễ dàng nói ra, tất cả đều góp phần vào sự hủy hoại niềm tin của một cô bé.

Trịnh Dịch luôn lặp đi lặp lại với Trần Niệm rằng “Có việc gì thì tìm anh”, cũng từng hỏi Trần Niệm khi xảy ra chuyện rằng “Tại sao không gọi cho anh”. Nhưng anh không hiểu, với những đứa trẻ như Trần Niệm và Bắc Dã, niềm tin của chúng được xây dựng nên vốn xa xỉ, đã mất đi một lần thì sẽ không bao giờ có lại được nữa. Trịnh Dịch là người tốt, nhưng anh không thể bảo vệ Trần Niệm như Bắc Dã, không thể đặt hết tâm tư lên một người như Bắc Dã, cũng không thể vì một người mà chu toàn cẩn trọng suy tính và sắp đặt như Bắc Dã, thậm chí là hy sinh tự do cả đời của mình. Mối quan hệ của Bắc Dã và Trần Niệm giống như đoạn văn vang lên ở điểm đầu tiên của câu chuyện cũng như hiển hiện xuyên suốt câu chuyện, đó là một mối quan hệ cộng sinh mà nếu như thiếu đi một người thì người kia sẽ chịu ảnh hưởng cực lớn, thậm chí có thể chết.

Cách viết của Cửu Nguyệt Hi khiến mạch truyện trôi đi tuần tự, không nhanh không chậm, những nỗi đau bị bắt nạt, bị làm nhục, bị lãng quên của Trần Niệm dường như nhẹ đi khi có Bắc Dã ở đó. Nhưng bên dưới những nhẹ nhõm, thanh thản ấy vẫn luôn phảng phất nỗi lo sợ, run rẩy, nghi ngờ với con người và với cuộc đời. Cách viết khắc họa sâu sắc sự quan trọng của Bắc Dã với Trần Niệm, mỗi khi hai đứa trẻ ở bên nhau, thế giới này mới an toàn, mới bình lặng. Mỗi khi không thấy Bắc Dã, mọi thứ đều trở nên mơ hồ, bất an. Nửa đầu câu chuyện, người đọc có thể không cảm thấy đây là một câu chuyện có gì đặc biệt lắm. Nhưng ở nửa sau, khi những lớp lang, những bức màn dần được hé ra, cách viết của tác giả cũng chắc tay hơn, người đọc bỗng ngạc nhiên, lặng đi trước sự dụng tâm suy tính của Bắc Dã, ta chợt tự hỏi từ bao giờ sự tồn tại của Bắc Dã lại trở thành thiết yếu với Trần Niệm đến như thế. Ở nửa cuối này, ta thông cảm hơn cho Trịnh Dịch, cho thiết chế nhưng đồng thời cũng cảm thấy khó tha thứ cho những người này, bởi nếu họ làm đúng nhiệm vụ của mình ngay từ đầu, quan tâm ngay từ đầu thì đã bớt đi một đứa trẻ phải đau khổ. Sự đan cài những hình ảnh biểu tượng như “sinh vật cộng sinh” để gợi liên tưởng đến mạch truyện chính luôn là đặc sản trong văn chương Trung Quốc và ở truyện dài của Cửu Nguyệt Hi ta cũng thấy rõ điều này.

Thời niên thiếu của anh và em không thể nói là một tác phẩm xuất sắc về mặt văn chương, già nửa đầu câu chuyện cách viết, cách mô tả cũng như cách gợi liên tưởng của tác giả vẫn còn tương đối non tay. Tuy nhiên, ở nửa sau, khi mọi thứ được vén mở, tác giả cũng đã viết chắc tay hơn, nội dung thể hiện sự hiểu biết của tác giả về tâm lý học cùng với một vài vấn đề pháp luật giúp cho câu chuyện trở nên trọn vẹn hơn và mang đến những lý giải hợp lý cho những tình tiết trước đó. Đây là một câu chuyện nên đọc vì cách lựa chọn đề tài và khai triển của nó, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác để có thể nói là một tác phẩm văn chương xuất sắc.

Flipped – You never forget your first love

Kết quả hình ảnh cho flipped book

(Nguồn ảnh: Google Image)

“You never forget your first love.” (“Bạn không bao giờ quên được mối tình đầu của mình.”) – đó là câu đề của “Flipped” đã gây ấn tượng cho tôi ngay từ khi cầm trên tay cuốn sách và trong suốt quãng thời gian đọc “Flipped” tôi đã không ít lần mân mê dòng chữ ấy và suy ngẫm về nó. “Flipped” trước hết đối với tôi là một câu chuyện hết sức đáng yêu và nhẹ nhàng về mối tình đầu. Khi nhắc đến tình đầu, người ta thường nghĩ đến những mối tình dang dở và đầy nuối tiếc lắm, những khắc khoải nằm mãi trong lòng người chẳng thể tan biến dẫu thời gian có trôi đi bao lâu, nhưng với Julianna, mối tình đầu đến một cách đơn giản, chỉ trong một khoảnh khắc mà cô bé 7 tuổi bị lạc trong đôi mắt xanh tuyệt đẹp của cậu bạn mới đến ở ngôi nhà phía bên kia đường là đã đủ cho những cảm xúc dâng trào, sâu lắng nhưng cũng đầy những đắn đo và mâu thuẫn trong tâm tưởng. Tôi cảm thấy mình trong hình ảnh của Juli, một cô bé chưa bao giờ nổi bật ở trường, không đủ xinh đẹp để khiến người ta chú ý hay khiến lũ con trai phải giành giật để được làm bạn với mình, không đủ đặc biệt trong mắt mọi người để tỏa sáng mọi nơi mọi lúc mình xuất hiện và luôn bị cho là một đứa lập dị, dở hơi; nhưng Juli và những cô gái như tôi, tỏa sáng theo một cách rất riêng mà không phải ai cũng có thể nhìn ra được. Juli là một cô gái trẻ đầy bản lĩnh, dũng cảm, tự tôn và luôn biết giá trị của  bản thân mình. Juli đơn phương thích Bryce rất nhiều năm kể từ lần gặp đầu tiên, cho dù luôn bị cậu bạn từ chối, thậm chí là xa lánh nhưng dường như cô bạn vẫn luôn nhìn nhận mọi điều với thái độ lạc quan của mình. Juli sống với những giá trị mà cô tin tưởng, với trái tim rộng mở và tràn đầy yêu thương sâu sắc. Julianna Baker có thể là một đứa dở hơi, điên rồ, hâm hấp hay là bất cứ cái tên nào mà bạn bè và mọi người gán cho cô, nhưng Juli không bao giờ là một người mờ nhạt, cô sống với những giá trị riêng của mình, tỏa sáng theo cách riêng của mình, như một ngôi sao lúc nào cũng lấp lánh trên bầu trời đầy kiêu hãnh. Continue reading “Flipped – You never forget your first love”