TIẾNG NÓI TRONG VĂN HỌC PHÁP: CỦA RIÊNG BÀ

Lời người dịch: Nhân dịp Annie Ernaux được trao Nobel Văn Chương 2022 làm nức lòng người hâm mộ khắp nơi, thân là một người hâm mộ bé nhỏ của bà, tôi đã dịch nhanh một bài phỏng vấn của Annie Ernaux cho tờ The New York Times vào đợt Pháp bị phong tỏa do Covid-19 năm 2020. Một phỏng vấn giúp ta nhìn tổng quan về Ernaux và văn chương của bà.

Mời đọc bản gốc tại ĐÂY.

Từ thập niên 1970, Annie Ernaux đã dốc ký ức cả đời mình vào những tác phẩm mang đậm tính cá nhân. Giờ đây, độc giả nói tiếng Anh đang dần tiếp cận.

Annie Ernaux trong vườn của bà tại Cergy Pontoise, ngoại ô Paris. Cuốn sách mới nhất của bà, “Hồi Ức Một Cô Gái” sẽ được phát hành tại Mỹ trong tuần này. Isabelle Eshraghi chụp cho The New York Times

Vào một buổi chiều gần đây, qua điện thoại, từ ngôi nhà ở ngoại ô của mình, nhà văn Pháp Annie Ernaux đã mô tả phòng khách của bà. “Tôi đang ngồi trên chiếc ghế bành cũ kỹ. Từ khung cửa sổ hướng ra phía Nam, tôi có thể nhìn thấy bầu trời, một vài đám mây, và một cái cây ở bên trái,” bà nói, lựa chọn những chi tiết với sự dễ dàng từ một bậc thầy ký ức. “Đó là một nơi rất yên tĩnh. Thậm chí còn yên tĩnh hơn vào lúc này.”

Nước Pháp mới bước vào một đợt phong tỏa nghiêm ngặt do virus corona, và Annie Ernaux, 79 tuổi, không thể gặp mặt trực tiếp cho cuộc phỏng vấn. Nhưng thật dễ dàng mường tượng ra bà và ngôi nhà của bà trông như thế này từ những tác phẩm đậm tính cá nhân của bà: Bà đã dốc cả cuộc đời mình vào chúng.

Từ thập niên 1970, Annie Ernaux đã chiếm một vị trí đặc biệt trong ngôi đền văn chương Pháp vì khả năng không chỉ khơi gợi những ký ức cá nhân, mà còn thể hiện cách thức đầy tinh tế mà chúng tương tác với trải nghiệm đại chúng.

Cuốn sách đầu tiên của bà, “Quét Sạch” (Cleaned Out), ra đời năm 1974, là tường thuật mạnh mẽ của bà về tuổi thơ thuộc tầng lớp lao động ở Normandy, và cuộc phá thai chui mà bà đã trải qua. Tác phẩm được xuất bản một thời gian ngắn trước khi thủ thuật này được hợp pháp hóa tại Pháp. Trong khi những tác phẩm của bà ở thời kỳ đầu tương đối tiểu thuyết hóa, bà tập trung vào thể loại hồi ký từ thập niên 1980, viết về cuộc hôn nhân bất hạnh, sự suy sụp của người mẹ vì bệnh Alzheimer, trải nghiệm của chính bà với căn bệnh ung thư, cũng nhưu những cuộc tình đầy đam mê ở tuổi trung niên.

Dù cho Ernaux được tán dương từ lâu tại Pháp, bà vẫn ít được biết đến tại các nước nói tiếng Anh cho đến năm ngoái, khi một trong những cuốn tự họa gần nhất của bà được xuất bản, “Những Năm” (The Years), và được liệt vào chung khảo Giải thưởng Booker Quốc Tế. Giờ đây, độc giả Anh ngữ đang khám phá những tác phẩm trước của bà, và cuốn sách gần đây nhất, “Hồi Ức Một Cô Gái” (A Girl’s Story) sẽ được xuất bản tại Mỹ tuần này.

“Hồi Ức Một Cô Gái” bản tiếng Anh xuất bản bởi Seven Stories Press.

“Hồi Ức Một Cô Gái” là mảnh ghép còn thiếu trong bộ xếp hình tiểu sử Annie Ernaux. Ở đó, bà tìm đường trở lại mùa hè năm 1958 và trải nghiệm tình dục đầu đời của mình – một sự kiện để lại sang chấn, đã bị bỏ ngỏ ở những cuốn sách trước, khiến bà rơi vào trầm cảm và gây ra chứng rối loạn ăn uống.

Ernaux nói rằng phải mất gần sáu thập kỷ để bà bước ra khỏi sự kiện đó “bởi vì nó thật phức tạp. Nếu đó là một vụ cưỡng hiếp, có lẽ tôi đã có thể nói về nó trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như thế.” Thay vào đó, tác phẩm của bà nương vào vùng xám về đồng thuận tình dục, ở thời mà khái niệm đó còn chưa được dạy hay thảo luận.

“Người đàn ông đó lớn tuổi hơn – điều đó quan trọng với tôi – và tôi thỏa hiệp, vậy nên có thể nói rằng, vì thiếu hiểu biết,” Ernaux bày tỏ. “Tôi thậm chí còn chẳng nhớ mình đã nói ‘Không’”.

Sau những sự kiện mùa hè năm đó, Ernaux mất thêm một thập kỷ rưỡi để tìm thấy tiếng nói của mình. Những ảnh hưởng đầu tiên của bà, từ Simone de Beauvoirs đến biến động xã hội vào tháng 5/1968, đã được thu vào những hình ảnh đầy sống động trong “Những Năm”, thứ đã dệt nên gần 70 năm tự truyện và lịch sử.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, viết thời đại học, bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì “quá tham vọng”, bà kể. Khi bà bắt đầu viết trở lại vào thập niên 1970, bà đang là một giáo viên tiếng Pháp và một người mẹ của hai đứa con, mới làm quen với nhà xã hội Pierre Bourdieu và lý thuyết tái sản xuất xã hội của ông.

Sự nhấn mạnh của Bourdieu vào cách thức hệ thống giáo dục loại trừ trẻ em ở tầng lớp lao động đã mang đến cho Ernaux một nhận thức: Bỗng nhiên, nỗi xấu hổ mà bà từng cảm thấy khi là một sinh viên nhận học bổng, với hoàn cảnh khác xa với các bạn đồng trang lứa trở nên hợp lý.

Bà viết “Quét Sạch” mà không kể với ai. “Chồng tôi đã trêu chọc tôi sau bản thảo đầu tiên. Tôi giả vờ đang làm luận văn Tiến sỹ vào những lúc một mình,” bà kể lại. Khi cuốn sách được chọn bởi một nhà xuất bản danh tiếng, Gallimard, chồng bà Philippe đã buồn phiền, Ernaux kể: “Anh ấy nói với tôi: Nếu em có thể viết một cuốn sách bí mật, vậy thì em cũng có thể lừa dối anh.” Trong cuốn sách thứ ba, “Người Phụ Nữ Băng Giá” (A Frozen Woman), cuốn sách khám phá những cảm xúc mâu thuẫn của nhà văn trong vai trò một người vợ và người mẹ, chuyện ly hôn xuất hiện.

Ernaux nói lựa chọn không tái hôn đã mang đến tự do cho bà. “Tôi sống với đàn ông một thời gian, nhưng nhanh chóng, tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tôi hình dung nó như việc bị phong tỏa với ai đó vào lúc này – một cơn ác mộng”, bà nói và cười.

Vào đầu thập niên 1990, bà gây choáng váng nhiều người ở Pháp với “Đam Mê Giản Đơn” (A Simple Passion), tường thuật về cuộc tình của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình, để khám phá khát khao trong sự giải phóng, chi tiết gợi cảm bất tuân đạo đức. Nhờ đó, Ernaux dừng bất cứ sự giả tạo giả tưởng nào, và cuốn sách bán được 200,000 bản trong vòng hai tháng, đã nhận thấy những lời chỉ trích nanh nọc từ những người thủ cựu trong xã hội.

Bất chấp điều đó, nhiều độc giả thấy bản thân mình trong “Đam Mê Giản Đơn”, và Ernaux ngập lụt trong thư từ, bà kể lại. “Đàn ông và đàn bà giãi bày với tôi, nói rằng họ ước gì họ viết cuốn sách đó,” bà thêm vào. (Một bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết, đạo diễn bởi Danielle Arbid, sẽ phát hành tại Pháp vào cuối năm nay.)

. “Thẳng thắn mà nói, tôi thà chết bây giờ còn hơn mất đi mọi điều tôi đã từng thấy và nghe,” Annie Ernaux bày tỏ. Isabelle Eshraghi chụp cho The New York Times

Nhà xã hội học, tiểu thuyết gia Chirstine Détrez, giáo sư tại Đại học Sư phạm Lyon, nói trong một cuộc phỏng vấn điện thoại rằng tác phẩm của Ernaux “loại bỏ đặc tả” các trải nghiệm của phụ nữ. “Bạn sợ công nhận bản thân, bởi vì sau đó bạn sẽ phải vẽ ra đoạn kết cho chính mình, nhưng bạn vẫn làm”, cô nói, bổ sung thêm rằng ảnh hưởng của Ernaux lên cuộc sống của phụ nữ pháp có thể sánh bằng ảnh hưởng của Beauvoir đến các thế hệ trước. Giáo sư Détrez cũng nói thêm, “Nó có ích, bởi vì như vậy có nghĩa là những gì bạn trải nghiệm là kết quả của một điều kiện chung.”

Điều này rất rõ ràng từ phản ứng của khán giả trong suốt buổi đọc cộng đồng cuốn “Hồi Ức Một Cô Gái” tạp rạp Comédie-Française tôn nghiêm ở Paris hồi đầu tháng Ba. Khi nữ diễn viên Dominique Blance cất tiếng, những tiếng rì rầm tán dương và tiếng cười khúc khích chào đón từng chi tiết đã tái hiện một thời kỳ đã mất từ rất lâu trước: sự đột phá của băng vệ sinh dùng một lần, một loại bánh quy nổi tiếng thời đó. Với những phụ nữ thuộc thế hệ Ernaux, họ là những miếng bánh madeliene của Proust.

Hôm đó Ernaux đã ngồi ở vị trí khán giả, nhưng bà thường thích tránh xa khỏi văn đàn Paris. Thay vào đó, bà ngày càng trở nên bộc trực trong các buổi phỏng vấn hay các tiểu luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Bà thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với phong trào #MeToo, còn khó khăn để đạt được sự chú ý trong giới văn nghệ Pháp, cũng như phòng trào Áo Vàng đã làm rung chuyển cả đất nước vào năm ngoái. “Tôi đến từ nhóm người có thể được xếp vào những người Áo Vàng”, Ernaux nói.

Sự chú ý của bà đối với các cấu trúc thống trị xã hội đã dọn đường tại Pháp cho các nhà văn như  Édouard Louis, 27 tuổi, người đã gây chú ý với “Kết Cục Của Eddy” (The End of Eddy) – tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chính sự trưởng thành từ tầng lớp lao động của anh. “Với tôi, nó là một sự bùng nổ”, Louis nói trong lần trao đổi đầu tiên với Ernaux, qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại: “Tôi thấy mình được đại diện.” Anh cũng thêm vào rằng Ernaux đã khiến anh “nhận ra tự truyện có thể phá hủy đến mức nào.”

Dầu vậy, khi chính trị hay các sang chấn cá nhân xuất hiện trong cuộc điện với Ernaux, không hề có chút dấu hiệu nào của sự phẫn nộ trong giọng bà. Bà trực tính nhưng có thể đo lường một cách ấn tượng; ngay cả trong “Hồi Ức Một Cô Gái”, khi loại bỏ được tổn thương mà bà đã trải qua vào năm 1958 dẫn đến một cảm thức bình yên.

Dường như, nỗi sợ duy nhất của Ernaux là mất đi khả năng nhìn sâu vào bên trong và tái hiện quá khứ, sau khi thấy những ký ức của mẹ mình dần phai nhòa vào thập niên 1980. “Thẳng thắn mà nói, tôi thà chết bây giờ còn hơn mất đi mọi điều tôi đã từng thấy và nghe,” bà bày tỏ. “Với tôi, ký ức là vô tận.”

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens

Rating: 3 out of 5.

Có nhiều cách để người ta có thể tóm gọn lại những thành tựu và hiểu biết của cuộc đời mình, thường thì người ta sẽ làm nó thông qua một cuốn sách, còn Delia Owens viết một cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ về nỗi đau và sức mạnh chữa lành kỳ diệu của tự nhiên.

Bìa sách. Ảnh: Fado

Vào cái này cô bé Kya 6 tuổi chứng kiến mẹ mình bỏ đi, mở đầu cho sự rời bỏ nối tiếp rời bỏ trong cuộc đời mình, cô cũng đã bắt đầu học cách sống một mình, đối diện với nỗi cô đơn, chỉ có một mình đơn độc trong vùng đồng lầy hoang dã nơi miền Nam nước Mỹ. Sống bên cạnh một người cha luôn say xỉn và có thể đánh đập bất cứ ai trong gia đình bất cứ lúc nào, Kya sớm học được cách sống luồn lách trong cái lán nhỏ mà gia đình cô bé sinh sống – ngôi nhà duy nhất mà cô biết, và sau này kỹ năng chạy trốn đó đã giúp Kya an toàn khỏi con người để sống trong vòng tay bao dung và đầy tình yêu của đồng lầy. Mọi người trong cái thị trấn bé nhỏ đó đều mang một định kiến sâu sắc trong lòng về cô gái đồng lầy, chính vì thế Kya càng lùi sâu vào nơi đồng lầy, nơi trú ẩn an toàn của mình. Nhưng khi cơn đói cồn cào hành hạ một đứa bé 6 tuổi, Kya vẫn phải xoay xở tìm cách ra bên ngoài để kiếm thứ gì đó lấp đầy cái bụng trống rỗng, nhờ thế cô gặp được Jumpin’ và vợ ông Mabel, hai con người tốt bụng đã cho cô bé nhỏ cái mặc, cái ăn và đã bảo vệ, ấp ôm lòng tự trọng của cô bé bằng việc không cho đi một cách hiển nhiên mà bằng sự trao đổi, Kya bán vẹm để đổi lấy tiền đổ xăng cho con thuyền, cho đi những con cá hun khói để đối lấy quần áo. Cô bé cũng đã gặp Tate, người bạn của anh trai Jodie của cô bé, một cậu trai được nuôi dạy bằng tình yêu thương và sống trong hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt với Kya. Nhưng Tate đã là điều đẹp đẽ hiếm hoi khác trong cuộc đời Kya, nếu Jumpin’ và Mabel yêu thương Kya như con gái của mình, thì Tate đã thay đổi cuộc đời cô bé bằng ánh sáng của tri thức và tình yêu thủy chung, đằng đẵng.

Continue reading “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens”

Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát – Một bức tranh toàn diện về một con người cao đẹp hiếm có

Lin Feng Ph. D. - First News - Trí Việt
Bìa sách Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, một biên dịch và tổng hợp từ khảo cứu Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom của tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng. Ảnh: First News – Trí Việt.

Đối với giới mộ điệu và dân nghiên cứu điện ảnh (ít nhất là trong khu vực Châu Á), Châu Nhuận Phát đóng một vai trò quan trọng không thể thay thế. Không chỉ nhận được sự mến mộ rộng khắp trong công chúng, Châu Nhuận Phát là một tượng đài lớn của nền điện ảnh Hồng Kông. Ông là người với sự nghiệp không chỉ gắn liền với từng nấc thang thăng trầm suốt hơn bốn mươi năm của một trong những nền điện ảnh lớn nhất Châu Á và trên thế giới, mà cuộc đời cũng như con người với nhân cách cao cả ấy đã trở thành hiện thân cho bản sắc Hồng Kông. Trong khảo cứu chi tiết và toàn diện của mình, tiến sỹ Lin Feng đã nói “Diễn viên Châu Nhuận Phát chính là giấc mơ có thực, giấc mơ gần gũi nhất đối với người Hồng Kông, bản sắc Hồng Kông và ở một góc nhìn khái quát, Châu Nhuận Phát có thể đại diện cho những thuộc tính nổi bật của Hồng Kông.”

Một khảo cứu toàn diện và chi tiết

Trong khảo cứu có tên Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom, mà chúng ta được biết đến dưới cái tên tiếng Việt là Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng đã sắp xếp các dữ kiện về cuộc sống và sự nghiệp của Châu Nhuận Phát theo trình tự từ lúc ông bắt đầu sự nghiệp đến đỉnh cao và thời điểm xế chiều của sự nghiệp diễn xuất theo một cấu trúc tuần tự và khoa học. Trong khảo cứu công phu của mình, Lin Feng còn gắn sự nghiệp rực rỡ của Châu Nhuận Phát với lịch sử điện ảnh và truyền hình Hồng Kông, từ đó, đặt trên tương quan với một bối cảnh lịch sử và xã hội rộng lớn hơn là những ẩn ức và nỗi chênh vênh mơ hồ trong lòng xã hội và con người Hồng Kông từ trước và sau năm 1997 – thời điểm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Thật khó có thể nói về Châu Nhuận Phát nếu không đặt ông trong bối cảnh lịch sử của Hồng Kông, bởi người dân Hồng Kông sớm đã coi ông là một đại diện cho bản sắc của họ. Là một ngôi sao lớn nhưng Châu Nhuận Phát rất chân thành, gần gũi và điều này khiến người Hồng Kông có thể nhìn thấy chính họ qua cuộc đời thật của ông.

Vốn xuất thân nghèo khó và từng bước vươn lên trên những nấc thang xã hội, Châu Nhuận Phát chưa bao giờ quên đi xuất thân bần hàn của mình, ông đi xe buýt và tàu điện ngầm, không sa đà vào cuộc sống sa hoa dù là diễn viên hàng đầu Hồng Kông với khối tài sản hàng trăm triệu USD, ông vẫn đi chợ bình dân, ăn uống ở các tiệm ăn lề đường, nhường ghế cho người già và vui vẻ chụp hình, nói chuyện với tất cả mọi người, Châu Nhuận Phát xóa nhòa ranh giới giữa một ngôi sao và người dân, ông sống trong lòng người Hồng Kông không chỉ như một ngôi sao điện ảnh mà là một anh hàng xóm thân thiện, tốt bụng, một phần của họ. Mặt khác, ông xuất hiện trên màn ảnh (cả truyền hình lẫn điện ảnh) đều vào vai những nhân vật có xuất thân thấp nhưng từng bước, bằng nỗ lực của mình, đã đạt được thành công và vị thế xã hội, được xã hội trọng vọng, điều này cũng khiến Châu Nhuận Phát gần gũi với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng trong xã hội Hồng Kông vào thập niên 50, 60 khi tầng lớn chuyên gia ngày càng gia tăng và những người này tiến vào thế giới trung lưu. Châu Nhuận Phát hiện diện trong đời sống của người Hồng Kông ở mọi khía cạnh, mọi tầng lớp, và vì thế mà ông đã trở thành đại diện cho bản sắc Hồng Kông.

Ngoài ra, khảo cứu của Lin Feng còn chỉ ra một sự thật thú vị rằng các mốc trong sự nghiệp của Châu Nhuận Phát hầu như đều gắn liền với các giai đoạn bản lề của lịch sử Hồng Kông, và ở mỗi giai đoạn đó, Châu Nhuận Phát đều có những vai diễn thể hiện chính xác đời sống xã hội, những nỗi lo lắng và chênh vênh của người Hồng Kông trước thời điểm sự kiện trao trả diễn ra. Điều này càng khắc họa thêm mối liên hệ sâu sắc giữa Châu Nhuận Phát với đời sống và dòng chảy của quê hương yêu dấu của ông. Cùng với các tư liệu quý giá từ các học giả và nhà nghiên cứu điện ảnh khác, Lin Feng đã hoàn thiện một bức tranh về không chỉ sự nghiệp của một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn hoàn thiện một bức tranh đa sắc màu về lịch sử điện ảnh Hồng Kông cũng như một tổng quan về lịch sử điện ảnh thế giới có sự góp mặt của các yếu tố châu Á.

Chow Yun fat - Alchetron, The Free Social Encyclopedia
Một khảo cứu toàn diện và chi tiết về một trong những đại nhân vật được kính trọng và quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông. Ảnh: Alectron.

Một gợi nhắc về một thời vàng son của điện ảnh Hồng Kông

Anh hùng bản sắc (1986) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm là bộ phim đã đưa tên tuổi của Châu Nhuận Phát vụt sáng trở thành ngôi sao điện ảnh hàng đầu của nền điện ảnh Hồng Kông và toàn bộ nền điện ảnh Hoa ngữ nói chung cho đến ngày hôm nay. Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc đứng bên bến cảng, phóng tầm mắt nhiều nỗi niềm và mông lung nhìn về xa xăm đã in đậm trong tâm trí những người yêu điện ảnh ở khắp muôn nơi và đã giúp Châu Nhuận Phát mãi mãi là “Phát ca” của Hồng Kông. Khảo cứu của tiến sỹ Lin Feng không chỉ cho người đọc một cái nhìn chi tiết, toàn diện về sự nghiệp điện ảnh của Châu Nhuận Phát, mà còn đưa khán giả sống lại những ngày tháng huy hoàng của điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim – một nền điện ảnh đầy bản sắc đã sản sinh ra những con người đặc biệt như Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, Thành Long… Anh hùng bản sắc (1986) không chỉ mang lại danh tiếng cho Ngô Vũ Sâm và Châu Nhuận Phát, mà nó còn đưa chính bản sắc điện ảnh của người Hồng Kông đến với thị trường Hollywood – một trường hợp chuyển dòng ngược đầy kỳ lạ và độc nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Đây là khởi đầu cho dòng phim xã hội đen thịnh hành ở Hồng Kông vào thập niên 80, 90 và trường phái “Võ súng Gun-fu” được sáng tạo bởi đạo diễn Ngô Vũ Sâm, hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc với áo choàng, kính đen, nụ cười nửa miệng, bắn súng hai tay như một của Châu Nhuận Phát đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn lừng danh của Hollywood sau này như Quentin Tarantino, Robert Rodriguez…và được áp dụng trong nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng sau này trong đó có thể kể đến The Matrix, Equilibrium, Captain America: The Winter Soldier…

From Face/Off to A Better Tomorrow: A John Woo Primer
Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc ngạo nghễ mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng cồng chúng yêu điện ảnh trên khắp châu Á. Ảnh: Vulture

Những trăn trở về sự chênh vênh của số phận Hồng Kông

Nếu đã nhắc đến Hồng Kông, dù là điện ảnh hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, thật khó mà không nhắc đến những ẩn ức, những chênh vênh, mơ hồ trong tâm trí người Hồng Kông về số phận của họ. Những cảm thức này đã có từ trước năm 1997 rất lâu và nó càng thể hiện rõ khi thời điểm này càng đến gần. Tiến sỹ Lin Feng chia khảo cứu của mình thành hai phần: Phần I nói về sự nghiệp điện ảnh tại Hồng Kông của Châu Nhuận Phát từ năm 1973 đến năm 1995 – như đã bình luận ở trên, sự nghiệp điện ảnh của ông trong khoảng thời gian này gắn liền với sự thăng trầm và những nỗi lo lắng mơ hồ trong lòng xã hội Hồng Kông. Vừa tự do với vai trò là con rồng châu Á, trung tâm sự phát triển, vừa mang một ẩn ức xa xăm về số phận không rõ ràng của mình, Hồng Kông hăm hở trong công cuộc toàn cầu hóa và sớm đi tìm bản sắc của mình, đồng thời cũng cựa quậy trong nỗ lo lắng uẩn quẩn mơ hồ về tương lai. Nhà phê bình điện ảnh Julian Stringer đã chỉ ra “Nam chính trong các bộ phim của Ngô Vũ Sâm, đặc biệt là những vai do Châu Nhuận Phát thủ vai, đã chỉ ra nỗi sợ, sự không chắc chắn và sự hoang mang về tương lai của Hồng Kông.” Điều này đồng thời càng tỏ rõ sự gắn bó của Châu Nhuận Phát đối với Hồng Kông và lý giải vì sao người dân Hồng Kông lại coi Châu Nhuận Phát chính là đại diện cho bản sắc của họ. Chúng ta hẳn không quên rằng Châu Nhuận Phát là một trường hợp diễn viên Hồng Kông đã công khai ủng hộ phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hồng Kông chống lại các chính sách của Trung Quốc với biểu tượng là chiếc Dù Vàng. Khi bị phong sát tại Đại Lục, ông chỉ đơn giản nói rằng “Kiếm tiền ít đi thì đã làm sao?”. Phần II của cuốn sách tập trung vào sự vươn mình ra thị trường điện ảnh quốc tế của Châu Nhuận Phát, khẳng định ông không chỉ với vai trò một ngôi sao điện ảnh Châu Á mà là một ngôi sao điện ảnh toàn cầu, tại đây, Châu Nhuận Phát còn nắm vai trò một cầu nối cho sự hòa hợp Đông – Tây. Tiến sỹ Lin Feng dành hẳn một chương trong phần này để nói về tham vọng quyền lực và củng cố địa vị của Trung Quốc nhằm thu phục Hồng Kông trở về dưới trướng mình. Trung Quốc đã dùng Châu Nhuận Phát với hy vọng ông cũng sẽ trở thành cầu nối để thu phục Hồng Kông. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc không ngờ tới là dù thời thế biến động thăng trầm, Châu Nhuận Phát mãi mãi là một Phát ca của Hồng Kông không thay đổi bản sắc. Ý thức rõ ràng về vị trí của mình, không chạy theo đồng tiền nhưng cũng không giữ thái độ khinh khi tiền bạc, không khuất phục trước cường quyền và vật chất, Châu Nhuận Phát tỏ rõ lập trường và thái độ của mình, ông ủng hộ những con người dũng cảm đang đấu tranh cho mảnh đất quê hương yêu dấu của họ khỏi móng vuốt cường quyền và độc tài.

Toàn bộ cuốn khảo cứu công phu này của tiến sỹ Lin Feng là một nguồn tư liệu quý và toàn diện về không chỉ sự nghiệp điện ảnh của một long đầu đại ca được trọng vọng của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn gói gọn trong đó toàn bộ dòng chảy của điện ảnh Hồng Kông và khái quát hóa lịch sử điện ảnh thế giới có sự tham gia của các yếu tố châu Á.

Hong Kong Stuck in the Middle of U.S.-China Power Struggle | Time
Hồng Kông – nơi chứa đựng biết bao ẩn ức, nỗi lo lắng mơ hồ và sự chênh vênh trước số phận của mình. Ảnh: TIME

Lời chê dành cho cách làm sách của First News

Điều đầu tiên, phải thừa nhận rằng đội ngũ biên dịch của First News đã thực hiện một nhiệm vụ tuyệt vời khi biên dịch một khảo cứu khoa học ra tiếng Việt một cách mượt mà, sát nghĩa, và vẫn giữ được tinh thần trung lập khoa học của tác phẩm.

Tuy nhiên, việc First News đưa thêm các thông tin tổng hợp vào trong cuốn sách và chèn các nội dung không có trong bản thảo gốc là một việc làm lợi bất cấp hại. Những thông tin mà đội ngũ First News bổ sung không thể nói là không thú vị nhưng nó không thực sự cần thiết với nội dung khảo cứu chặt chẽ và trung lập của tiến sỹ Lin Feng. Việc bổ sung thêm chương sách so sánh Châu Nhuận Phát với diễn viên Thành Long là một sự bổ sung (có thể nói là) đã đi chệch hướng hoàn toàn với bản thảo gốc, điều tối kỵ trong công tác biên dịch. Những so sánh mang tính chủ quan và có phần chỉ trích nặng nề với một bên để nâng một bên lên không những không đạt được hiệu quả khắc họa phẩm chất cao đẹp của Châu Nhuận Phát mà nó còn gây ra một cảm thức về sự cạnh tranh không lành mạnh. Có lẽ, nếu là Châu Nhuận Phát thì ông cũng sẽ không ủng hộ cách làm này. Là một diễn viên tài năng có tác phong lịch thiệp, cư xử khéo léo và thái độ công minh với mọi người, Châu Nhuận Phát không cần thiết phải dìm bất cứ ai xuống để nâng mình lên, tự thân ông đã là biểu tượng tuyệt vời cho một tài năng và một nhân cách sống. Ngoài ra, sự so sánh mang tính chỉ trích này, như đã nhấn mạnh ở trên, làm mất đi tính độc lập của một khảo cứu điện ảnh – điều mà chắc chắn không phải là ý định ban đầu của tác giả. Còn chương về đời sống cá nhân của Châu Nhuận Phát là một bổ sung thú vị, dù nó không cần thiết lắm nhưng đơn vị làm sách bổ sung thêm để giới thiệu thêm đến các khán giả (hẳn sẽ có những người tò mò về đời sống riêng tư của các ngôi sao) cảm thấy thích thú và có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật.

Tuy nhiên (một lần nữa), First News đã thiếu sót một điểm trầm trọng và tối kỵ khác trong hoạt động làm sách đó là bỏ đi toàn bộ các trích dẫn. Nội dung gốc của tiến sỹ Lin Feng có một mục rất dài các nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách của mình, việc First News bỏ đi nội dung này là không tôn trọng tác phẩm gốc cũng như không có sự tôn trọng đối với các nội dung được trích dẫn trong các nghiên cứu học thuật khác, một điều tối kỵ trong nghiên cứu. Thứ nữa, những thông tin được tổng hợp không có ghi chú để độc giả có thể phân biệt được nội dung dịch từ bản thảo gốc với nội dung được bổ sung thêm có thể gây nhầm lẫn cho người đọc, khiến tác phẩm trở thành một tác phẩm không hoàn toàn là biên dịch mà gần như là một kiểu phóng tác, nhưng là phóng tác không trung thực và không cung cấp đầy đủ thông tin cho người đọc. Cuối cùng, sự thiếu sót trong việc đưa mục lục trích dẫn đối với các thông tin mà First News tổng hợp là một hành vi rất không đúng mực trong không chỉ khoa học mà còn trong vấn đề tác quyền. Các thông tin được tổng hợp, như First News đã nhấn mạnh trong rất nhiều bài viết giới thiệu sách của họ, tức là các thông tin này được tham khảo và trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải do chính người tổng hợp, người dịch của First News tự mình có được thông qua các gặp gỡ trực tiếp với nhân vật, và cũng tức là họ đang sử dụng một lượng thông tin thứ cấp. Nguyên tắc của việc trích dẫn và sử dụng các thông tin thứ cấp là bạn cần cho người đọc biết được bạn đang sử dụng thông tin thứ cấp từ ai, nguồn nào, nhưng First News hoàn toàn lờ đi việc này. Điều này là một hành vi khá đáng tiếc vì nó thể hiện sự nhập nhằng về nguồn gốc thông tin, thiếu trung thực và thiếu tôn trọng đối với các tác giả gốc và hoàn toàn có khả năng First News đang có một hành vi vi phạm bản quyền (điều này còn tùy thuộc vào các tác giả gốc có nhận ra và đưa các cáo buộc hay không).

Những thiếu sót không đáng có và không nên có của đơn vị xuất bản đã làm giảm đi giá trị của một tác phẩm khảo cứu xuất sắc về một nhân vật mà hình ảnh của ông không chỉ được gắn liền với tài năng toàn diện mà còn là nhân cách cao đẹp, tinh thần của một vị nhất đại tông sư. Quả thực là một sự đáng tiếc và khó chấp nhận.

Bitna dưới dưới bầu trời Seoul – thế gian này có hình dạng thế nào?

Trong Bitna dưới bầu trời Seoul, Le Clézio mang đến cho độc giả câu chuyện về Bitna, một cô gái 19 tuổi từ làng chài nhỏ Joella lên Seoul học đại học. Cô sống chung với người bác là chị gái của bố cô và cô chị họ Paek Hwa nhưng thực chất cuộc sống của cô không khác nào một người giúp việc cho nhà bà bác, lại còn phải trông coi cô chị họ kênh kiệu và hư hỏng, tất cả mọi sai lầm của Paek Hwa đều bị đổ lên Bitna và bị bà bác coi là đồ vô ơn. Để rời khỏi nhà bác và có tiền đi thuê nhà bên ngoài, Bitna nhận một công việc làm người kể chuyện cho Salomé, một cô gái giàu có, tật nguyền muốn tìm người mang đến cho cô những câu chuyện đầy sắc màu về thế giới mà cô chưa bao giờ được nhìn ngắm và sắp không còn cơ hội để làm điều đó nữa. Bitna, trong vai trò của một nàng Scheherazade, đã đưa Selomé ra với thế giới đầy sắc màu bên ngoài, xoa dịu nỗi đau của cô và níu giữ cô lại với cuộc sống.

Lạc giữa cánh đông lau tại Công viên Bầu trời Seoul
Rồi ngày này hay ngày khác, chúng ta sẽ gặp lại nhau dưới bầu trời Seoul. Ảnh: Tour Du lịch – Du lịch Việt Nam

Bằng óc tưởng tượng và sự quan sát sắc bén của mình, Bitna đã phác họa lên hình hài của Seoul – một thành phố đầy cô độc khi con người sống giữa con người nhưng lại chẳng ai nhìn đến ai, thành phố chứa đựng đầy những ẩn ức con người và hoài vọng quá khứ xa xăm, thành phố là trái tim của quốc gia vốn mãi mãi mang vết thương của sự chia cắt. Chuỗi câu chuyện mở đầu bằng chuyện về ông Cho và những con bồ câu của ông. Người đàn ông thuộc thế hệ người Triều Tiên thứ hai ở Hàn Quốc, cả đời mình ông đã đau đáu tìm cách liên hệ với những người họ hàng còn ở Triều Tiên, để được cho họ thấy rằng mình vẫn còn sống, rằng đứa con của mẹ ông – là ông, vẫn mong nhớ họ, và cũng để hoàn thành nỗi tiếc nuối của mẹ ông. Sự chăm sóc, thương yêu của ông Cho cùng những hy vọng, hoài nhớ ông đặt vào lũ chim bồ câu mang đến một cảm tình đầy thương mến và dịu ngọt cho Selomé vốn buồn rầu và héo hon vì bệnh tật. Hình ảnh tự do của lũ chim bồ câu khi sải cánh vút bay trên bầu trời như làn gió mát lành thổi vào đời Selomé, mang đến cho cô những giấc mơ, niềm khao khát có được niềm vui hạnh ngộ với lũ chim ở phương trời xa xăm nơi cô cũng được tự do bay lượn như vậy.

Sau ông Cho, chúng ta đến với câu chuyện về con mèo Kitty bí ẩn xuất hiện lần đầu ở salon tóc dưới chân chung cư. Không ai biết con mèo đến từ đâu và trở về đâu, nhưng nó gây ngạc nhiên về những thông điệp mà nó mang theo ở mỗi nơi nó đến. Dần dà, con mèo trở thành một người chuyên chở những thông điệp, thông qua con vật nhỏ bé ấy, những con người chẳng hề quen biết nhau đã giao tiếp, tìm đến nhau, đã thấu hiểu nhau, và sau cùng đã cứu vớt lẫn nhau. Rồi con mèo biến mất. Một bí ẩn lạ lùng và đầy tò mò cuốn Salomé và độc giả vào một thế giới ly kỳ, khác hẳn với bầu trời tự do của những con bồ câu của ông Cho.

Bitna: Under the Sky of Seoul by J.M.G. Le Clézio
Ảnh: Goodreads

Dần dà, những câu chuyện dần mang nhiều những sắc thái tối tăm hơn, như tên sát thủ wannabe, kẻ bám đuôi, cô ca sỹ Nabi là nạn nhân của những gã đàn ông đạo mạo biến thái và dần trở thành cỗ máy kiếm tiền bị vắt kiệt sức và vứt bỏ như một kẻ vô giá trị của ngành công nghiệp giải trí, cô bé Naomi có thể nói chuyện và nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những hình hài khác nhau của cuộc sống, có điều đẹp đẽ, nhưng cũng có cả những tai ác, nghiệt ngã của con người. Hiện thực đời sống đan xen với niềm hy vọng, vừa để kéo Salomé lại với cuộc sống đang trực rời bỏ cô từng giờ nhưng cũng vừa để cô biết rằng thế giới này muôn vẻ muôn dạng, không có cái gì là tốt đẹp mãi mãi và không có cái gì là xấu xa mãi mãi. Con người mãi là một tổng thể đầy phức tạp và ta chẳng bao giờ có thể nhìn thấu hết mọi nhẽ ở họ, cũng như ta chẳng bao giờ có thể lý giải hoàn toàn cách mà thế giới này vận hành. Ta chỉ biết rằng, mỗi người đều có phần sáng và phần tối trong tâm hồn họ, những điều họ sẵn sàng cởi mở và những điều họ muốn vùi lấp mãi mãi, chúng ta gặp nhau vào lúc này hay lúc khác vì thế giới này hình tròn, vì ta cùng sống trong cuộc sống lặp đi lặp lại mãi mãi, như câu ngạn ngữ mà nhà văn đã lấy làm đề từ của cuốn sách Rồi ngày này hay ngày khác, chúng ta sẽ gặp lại nhau dưới bầu trời Seoul.

Qua câu chuyện của Le Clézio về Bitna, ta thấy một cô gái tỉnh lẻ lạc lõng giữa thành thị rộng lớn, nơi chẳng có ai nhìn thấy hay để tâm đến cô, nhưng đồng thời lại là nơi có thể giúp cô hoàn thành những giấc mơ mà nơi làng quê lại chẳng thể thấu hiểu. Seoul giống như Bitna, vừa khát khao tìm được chỗ đứng của mình trong thế giới rộng lớn, vừa muốn náu mình khỏi cái nhìn phán xét của người khác. Cô bị cuốn vào trò chơi tình ái của anh Pak, bị anh ta lôi cuốn, tác động và ảnh hưởng mà không thể thoát ra. Cô trả lại chính xác những gì Pak đã làm với mình lên Selomé vì cảm thức thỏa mãn khắc nghiệt về việc thao túng người khác, điều mà cô không thể trả lại cho anh Pak. Nhưng sau cùng, tất cả họ đều bị cuốn vào những lạc lõng, cô độc, buồn bã của riêng mình. Bitna nhạy cảm hơn những gã đàn ông mà cô gọi là những ông hoàng con, mấy kẻ trịch thượng và khinh khỉnh, chính vì thế nên bản thân cô cũng không hứng thú gì với trò chơi tai quái của mình với Selomé. Hoặc giả, mặc dầu nói rằng cô đang cuốn Selomé vào trò đùa của mình, thì thực chất cô lại đang cố gắng, bằng những câu chuyện của mình, giữ Selomé lại với thế giới này càng lâu càng tốt, mang lại niềm vui sống cho một cô gái vốn là tù nhân của bệnh tật và nỗi buồn sâu thẳm của một người biết trước cái chết nhưng lại không có chút sức mạnh nào để chống lại nó, hay thậm chí để làm một việc đơn giản là tận hưởng cuộc sống cũng không thể.  

Với cấu trúc truyện lồng trong truyện, Bitna dưới bầu trời Seoul kéo độc giả vào một thế giới lạ lùng, huyền nhiệm với đầy phức cảm đan xen, thế giới ấy đầy những tưởng tượng và hiện thực được xếp chồng lên nhau thành những lớp lang đòi hỏi người đọc phải từ từ vén mở và cảm nhận. Cả câu chuyện mà Le Clézio kể và những câu chuyện mà Bitna kể đều nhuốm màu hoài niệm, ẩn ức, những hoài mong về quá khứ xa xăm hư ảo, và bóc trần những tai ác của con người ở góc độ nào đó.  Thế giới ấy như giống như một lâu đài thủy tinh, đẹp đẽ bên ngoài nhưng muốn ngắm nhìn cũng phải cẩn trọng biết bao, bởi chỉ cần sơ sảy chút thôi, lâu đài thủy tin sẽ tan vỡ, còn lại chỉ còn là đổ nát, vụn vỡ. Trong thế giới ấy, cô gái mười chín tuổi Bitna chênh vênh khi vừa trong hành trình thấu hiểu bản ngã lại vừa nhìn thấy thế giới ở quá nhiều mặt khiến cho những giá trị của cô nhiều khi chao đảo, khiến cho cô gái trẻ tuổi lại nhìn thế giới đầy bình thản, lạnh nhạt.

Tottochan: Cô bé bên cửa sổ – Tính nhân văn trong một triết lý giáo dục

Nếu bạn đang trên con đường đi tìm một triết lý giáo dục hay đơn thuần là tìm kiếm một hình thức giáo dục hiệu quả, vậy thì Tottochan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi chính là lựa chọn thích hợp nhất để bắt đầu. Thật khó có thể tưởng tượng được chứa đựng trong một cuốn sách mang hình thức nhỏ bé và giản đơn như thế lại là những tư tưởng lớn được truyền tải hết sức mộc mạc, gần gũi, đồng thời cũng rất mạnh mẽ, dứt khoát.

Tottochan: Cô bé bên cửa sổ là hồi ký tự truyện của chính tác giả. Tottochan từng là một cô bé khiến các giáo viên ở trường học phải đau đầu. Trong giờ học, thay vì ngồi yên tại chỗ như các bạn, em lại đứng ngoài cửa sổ để đợi những người hát rong. Có hôm, khi những người hát rong đi qua, em đề nghị họ hát và kết quả là cả lớp dồn đến chỗ em và những người hát rong, còn cô giáo thì đành bất lực đợi cho đến khi việc hát hò xong xuôi thì mới có thể hô hào đám trẻ vừa tò mò vừa ngịch ngợm trở về vị trí ban đầu của chúng. Tâm hồn treo ngược cành cây và luôn luôn làm trái những quy định ở trường học, Tottochan trở thành một em bé bất trị. Kết cục của chuyện đó là em bị đuổi học – một việc khiến cho mẹ của Tottochan khổ sở lo lắng. Tuy nhiên, nỗi khổ tâm của mẹ em, điều mà Tottochan chẳng hề hay biết vì mẹ đã hết sức cẩn thận để không cho em biết rằng em bị đuổi học, đã trở thành xúc tác đưa em đến trường Tomoe Gakuen – một ngôi trường có phương pháp giáo dục kỳ lạ với một người thầy hiệu trưởng khác với tất cả những người khác. Ở Tomoe Gakuen, Tottochan không chỉ tìm được niềm vui học tập, gặp gỡ được những người bạn tốt khiến em nhớ mãi không quên, mà ở đó, em đã hiểu về chính mình và lẽ phải bằng những cách thức tự nhiên và mộc mạc nhất, không hề giáo điều nhưng lại khiến em ghi nhớ chúng mãi mãi.

Tottochan | Wiki | Japan Amino
Cô bé ngồi bên cửa sổ chờ những người hát rong đi qua. Nguồn: Amino Apps

Tottochan: Cô bé bên cửa sổ trước hết là một tác phẩm dịu dàng cho con trẻ. Bằng lời văn chân phương, trong sáng và cách kể dung dị, Tetsuko Kuroyanagi kể về những ký ức của mình bằng thái độ tươi sáng và trân trọng nhất. Mặc dù là một cuốn sách dài, nhưng nó lại được chia thành những mẩu chuyện nhỏ với độ dài vừa phải, không nhất thiết phải đọc tất cả các mẩu chuyện một cách tuần tự giúp cho các độc giả ở độ tuổi nhỏ dễ tiếp cận với nội dung truyện, không cảm thấy chán vì quá dài, không cảm thấy nặng nề vì giáo điều.

Những câu chuyện tinh nghịch của cô bé Tottochan còn dễ gợi sự đồng cảm cho các bạn nhỏ, bởi làm gì có bạn nhỏ nào mà không có chút tinh nghịch, hiếu động, hay đầy tò mò về thế giới xung quanh. Mỗi đứa trẻ, hay thậm chí là mỗi người, đều có thể tìm thấy mình trong cuộc kể chuyện dài quên thời gian của Tottochan với thầy hiệu trưởng, trong việc chui ra chui vào cái hàng rào dây thép gai nên ngày nào cũng rách quần, hay trong cả việc nằng nặc đòi bố mẹ mua cho mình con gà con ở chợ dù cha mẹ phản đối.

Totto-chan: The Little Girl At The Window | Wiki | Japan Amino
Nguồn: Amino Apps

Điều quan trọng hơn là, ở Tomoe Gakuen,Tottochan và các học sinh được thoải mái làm tất cả những điều các em muốn mà không chịu sự ngăn cản nào bởi vì các em có một môi trường giáo dục mang triết lý độc đáo nhưng đầy nhân văn. Tất cả đều xuất phát từ thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi, người đã thể hiện ngay lòng tôn trọng với Tottochan kể từ giây phút đầu tiên thầy gặp em khi thầy nói với mẹ Tottochan rằng: “Bây giờ bà có thể về nhà được rồi đó. Tôi muốn nói chuyện với Tottochan.” Thông thường, khi trẻ em đến trường, nhà trường, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh thay vì học sinh, điều này có mặt tốt là nó thể hiện sự liên kết của gia đình và nhà trường trong việc chung tay giáo dục con trẻ, nhưng vô hình trung lại bỏ qua nhu cầu của chính đứa trẻ. Trong khi đó, thầy Kobayashi đi ngược lại, ông tôn trọng học sinh của mình hơn hết thảy, và vì thế, ông sẽ trao đổi với chính Tottochan – người sẽ vào học tại trường, thay vì mẹ của em. Bắt đầu từ hành động này, ta đã nhìn thấy rõ triết lý lấy người học làm trung tâm của thầy Kobayashi và trương Tomoe Gakuen. Thêm nữa, học sinh của trường không bị buộc phải ngồi tại một vị trí cố định mà có thể dịch chuyển theo mong muốn của các em, không bị buộc phải học một môn học cố định mà có thể lựa chọn học các môn học em mong muốn…đây chính là biểu hiện của triết lý giáo dục khai phóng lấy người học làm trung tâm mà xu hướng giáo dục của thế giới hiện nay đang ngày càng dịch chuyển theo hướng này.

Điều tuyệt vời hơn nữa là không gian học tập được thiết kế để học sinh đạt được sự phát triển toàn diện nhưng không bị giới hạn sức sáng tạo của mình. Các học sinh ngoài học các môn học lấy kiến thức còn được tham gia vào các môn học phát triển thể chất như môn thể dục nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc và vận động giúp học sinh vừa tăng độ tập trung, vừa sáng tạo, vừa khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

Thầy Kobayashi rất tôn trọng học trò của mình và ý kiến của các em. Khi thầy thấy Tottochan múc phân ra khỏi bể chứa, thay vì hốt hoảng và la mắng em, thầy chỉ đơn giản hỏi Tottochan đang làm gì, kiên nhẫn lắng nghe và thầy yên tâm rời đi khi nghe được lời hứa của Tottochan rằng em sẽ múc đống phân trở lại sau khi đã hoàn thành công việc mình cần làm. Sự tin tưởng và phó thác đó của thầy đã giúp một học trò tự tin vào quyết định của mình và biết giữ đúng lời hứa của mình. Để xây dựng tình thương yêu và lòng trắc ẩn ở học trò, ngôi trường của thầy Kobayashi chào đón tất cả các học sinh và thầy đảm bảo rằng tất cả mọi người đều không phải cảm thấy lạc lõng khi ở trường, ví dụ như khi thầy cho học trò tắm cùng nhau mà không mặc quần áo để gìn giữ và xây dựng sự tự tin của các em vào cơ thể mình, hay một cuộc thi thể dục thể thao để giúp một cậu học trò thấp bé tin rằng ngoại hình sẽ không bao giờ là rào cản của mình.

Totto-chan: The Little Girl At The Window | Wiki | Japan Amino
Phương pháp giáo dục đặc biệt tại trường Tomoe Gakuen. Ảnh: Amino Apps

Thầy Kobayashi là một hình ảnh đẹp đẽ về người thầy, một người yêu thương học trò và cả đời chỉ đau đáu về sự nghiệp giáo dục và phát triển con người. Khi chiến tranh Nhật – Mỹ leo thang, trương Tomoe Gakuen và các học trò cũng không tránh khỏi sự tàn phá của nó. Tuy nhiên, hình ảnh thầy Kobayashi đứng trên đường nhìn ngọn lửa bom thiêu đốt ngôi trường mà ông hằng yêu dấu, hay tay cho vào túi áo và hỏi cậu con trai rằng “Ta sẽ lại xây kiểu trường nào hở con?” đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ không lời. Đối lập với ánh lửa chói gắt nghiệt ngã của bom đạn chiến tranh là ánh sáng huy hoàng từ tâm hồn của một người thầy mà Lòng yêu trẻ và lòng yêu nghề của ông còn mạnh hơn cả những ngọn lửa đang bao phủ trường học, đó là thứ ánh sáng của niềm hy vọng được gìn giữ và xây đắp cho tương lai mà không một vũ khí nào, sự tàn phá nào, cuộc chiến nào có thể dập tắt được.

Cuối cùng, toàn bộ cuốn sách là một sự tóm gọn vừa hàm súc vừa đủ đầy về tinh thần và phẩm chất Nhật Bản. Ở thầy Kobayashi hội tụ đầy đủ những yếu tố mà người Nhật Bản coi trọng dù phương pháp của ông có thể khác biệt với những người khác, đó là tình yêu và niềm tin sâu sắc đặt vào những việc mình làm, luôn cố gắng để mọi thứ hoàn thiện, vì cộng đồng, tự lập và tự cường. Những bài học mà học trò của ông được học cũng thấm đượm tinh thần đó như học qua những quan sát thực tiễn và cụ thể – học nông nghiệp từ bác nông dân; giáo dục học trò để trở nên lo lắng cho sự an nguy của người khác – Tottochan lo lắng khi ai đó ăn vỏ cây và thấy đắng; giáo dục để lo lắng đến cảm nghĩ của người khác – Tottochan đồng ý không dùng cái nơ của em để thầy hiệu trưởng không phải chạy ngược xuôi tìm kiếm một chiếc nơ giống hệt cho con gái mình; và biết bao nhiêu bài học khác nữa như bài học về sự sẻ chia, bài học về thức ăn, bài học về nhận biết chính bản thân mình, bài học về lòng tử tế, hào hiệp và sự cao thượng.

Ra đời vào năm 1981, cuốn hồi ký tự truyện Tottochan: Cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi đã trở thành tác phẩm về giáo dục và tinh thần khai phóng tiêu biểu nhất của Nhật Bản – một tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa Tiểu học ở Nhật. Cuốn hồi ký tự truyện này vượt xa khỏi khuôn khổ của một cuốn hồi ký cá nhân thông thường, nó chứa đựng những bài học nhân văn, triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm, phản ánh toàn diện và sâu sắc về tinh thần và con người Nhật Bản bằng giọng văn mộc mạc, hàm súc, và giàu tính gợi tả, gợi cảm. Đây thực sự là một trong những tác phẩm về giáo dục, nhân văn xuất sắc và đáng đọc cho bất cứ ai, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, dù là cha mẹ hay con cái, dù là người làm giáo dục hay không làm giáo dục, bất cứ ai cũng đều sẽ nhận được một vài bài học từ cuốn sách.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ – hành trình tìm kiếm chính mình của những đứa trẻ bị tổn thương

Ngày đầu tiên của năm 2022, tôi đọc Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Tiến sỹ (TS.) Đặng Hoàng Giang và ở mỗi một chương, tôi cóp nhặt một mảnh ghép để kiến tạo nên hình hài của chính mình. Cuốn sách tập hợp những ghi chép của Đặng Hoàng Giang về những người trẻ ở độ tuổi trên dưới hai mươi, độ tuổi mà vừa bước qua tuổi thơ nhưng chưa đến trưởng thành, vì thế ông gọi đây là độ tuổi “hậu tuổi thơ”, cùng với những dẫn chứng từ các nghiên cứu tâm lý học để cố gắng đem đến những góc nhìn đầy nhân văn, thấu hiểu và thấu cảm đối với những người trẻ hoang mang, lạc lõng, bơ vơ trong dòng đời và hành trình kiếm tìm bản thân.

Những người trẻ cô độc

silhouette of a woman with pink and purple sky
“Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”. Ảnh: Unsplash.com

Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên. Những đứa trẻ, người trẻ trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đều ở trạng thái cô độc như thế, cô độc trong chính gia đình mình, trong vòng tròn xã hội của mình, cô độc ở tận sâu tâm hồn, cô độc trong tình yêu thương (hay những nhân danh tình yêu thương). Thật buồn đau khi nghe một cô gái mới mười tám tuổi thốt lên rằng “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”, nỗi buồn không chỉ là thoảng qua kiểu trùng xuống một chút nhưng chỉ cần cái chép miệng, thở dài là có thể qua đi, nỗi buồn giống như vũng nước đọng trên lòng đường, rồi cũng sẽ ngấm xuống và khô dần nhưng đã kịp ảnh hưởng lâu dài đến vùng đất phía dưới. Những bậc phụ huynh – là sản phẩm của một thời quá vãng, cũng là nạn nhân của những tổn thương, đớn đau mà họ chưa kịp nhận ra hay không muốn nhận ra, trở thành những người đi làm tổn thương đến chính con cái mình. Nỗi đau thành sẹo trở thành một nỗi ám ảnh, những đứa trẻ không được yêu thương trở nên không quen với việc yêu thương người khác.

Những mái ấm lạnh lẽo

Trong suốt hành trình của cuốn sách, nhiều lần ta sẽ không khỏi ngập ngừng và tự hỏi, Liệu rằng ta có thể trách cứ những bậc cha mẹ ấy? hay Có trách thì trách đến đâu là đủ? Điều nhân văn mà tác giả đưa được vào cuốn sách của ông là dù có đau đớn, tổn thương, nhức buốt đến tận tâm can, dù cho những tâm hồn bị tổn thương mãi mãi, bị hủy hoại vì chính người thân yêu của mình, thì đến cùng những đứa trẻ vẫn thổn thức tình yêu và tình thương với chính những người đã khiến chúng tổn thương. Tình yêu con cái với cha mẹ là một lẽ tự nhiên như vạn vật hữu sinh trên cõi đời này. Nhưng những đòn roi, chửi rủa, người mẹ dùng thắt lưng thắt cổ con gái mình, người mẹ chửi con mình là con chó, con đĩ, người cha thờ ơ, lạnh nhạt và vô trách nhiệm,…đã hủy hoại những tâm hồn ấy vĩnh viễn. Đó là khi tình yêu cũng không cứu rỗi nổi con người, không một sự bù đắp nào khỏa lấp được nữa cho những tháng năm đã mất, những phần đời đã bị hủy hoại. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ nỗ lực hướng đến nhân bản, đã cố gắng bóc tách và gợi mở trái tim những người cha người mẹ tưởng như lạnh lẽo ấy để ta thấy rằng sâu bên trong những người gây ra khổ đau cho người khác cũng là một trái tim và tâm hồn vằn vện những vết sẹo. Ta trách cứ họ một nhưng cũng phải thương họ một, thương cho những con người chưa từng được yêu thương, chưa từng được cứu rỗi khỏi hố đen địa ngục của chính mình.

Thứ tha và chữa lành

person with band aid on middle finger
“mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn.”. Ảnh: Unsplash.com

Cuộc hành trình nào rồi cũng có điểm kết thúc. Con đường dù tăm tối đến đâu thì cũng sẽ đến lúc nhìn thấy tia sáng cuối đường. Sau tất cả những tổn thương và đớn đau, người ta thường lựa chọn thứ tha, dù khó khăn. Thứ tha không phải là quên đi những nỗi đau, là coi như không có chuyện gì, thứ tha là để lòng thêm an bình và để cho những nỗi đau được cởi mở, những nút thắt được tháo gỡ, để rồi từ đó, họ an tâm bước tiếp trên hành trình đầy hy vọng đến với sự chữa lành. Hành trình này hẳn cũng không dễ chịu gì hơn, nhưng kết quả của nó thì luôn đáng giá. Cô gái cô độc tìm thấy những người sẵn sàng lắng nghe cô không phán xét. Một người mẹ đã hiểu con mình và cũng được chữa lành luôn cho cả chính mình. Một cậu con trai cuối cùng đã lựa chọn chụp cùng ba mình một bộ ảnh và nói với ông về những nỗi đau của cậu do ông gây ra. Thứ tha hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai dám nói rằng tha thứ là tốt hơn hay không tha thứ là tệ hơn, nhưng mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn. Mong rằng mỗi một con người trong cuốn sách này và trong cuộc đời này rồi đây sẽ tìm được những bình yên trong lòng.

Phân tích của một nhà khoa học

Điều khiến Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ khác biệt với những cuốn sách về tâm lý khác là nó không hướng đến sự tích cực ngạo ngược và giả tạo, nó không dùng thuần túy những quan sát cá nhân và võ đoán để dễ dàng nói về ai đó, nó cũng không sử dụng tiền đề tôn giáo và tâm linh như nhiều cuốn sách bán chạy khác trên thị trường. TS.Đặng Hoàng Giang đã viết lại những câu chuyện mà ông được lắng nghe từ người trong cuộc bằng sự thấu cảm tuyệt vời, lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn vô cùng, và ông phân tích chúng bằng kiến thức khoa học, bằng dẫn chứng có cơ sở từ các nghiên cứu tâm lý học nhưng không khô cứng và lạnh lùng.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là một cuốn sách đẹp về nỗi đau. Nó mô tả nỗi đau trần trụi nhưng không thô bạo, nó ân cần và dịu dàng với những tâm hồn chằng chịt vết thương và những trái tim đã bị hủy hoại, nó chứa đựng sự thấu cảm và nhạy cảm sâu sắc với con người. Đồng thời, nó vẫn mang tinh thần khoa học, vẫn đề cao sự thật và dùng khoa học, sự thật để cắt nghĩa nỗi đau, để kêu gọi người ta thấu cảm với những nỗi đau và không phán xét. Một cuốn sách thường thức vừa nhân văn với con người vừa ngợi ca vẻ đẹp của khoa học.

Thời niên thiếu của anh và em – Cửu Nguyệt Hi

Quan hệ cộng sinh là quan hệ của hai loài sinh vật sống dựa vào nhau, đôi bên cùng có lợi, thiếu nhau thì sự sinh tồn sẽ chịu ảnh hưởng cực lớn, thậm chí chết.

Câu mở đầu của truyện dài Thời niên thiếu của anh và em của Cửu Nguyệt Hi cũng là lời mô tả chính xác nhất cho mối quan hệ của Trần Niệm và Bắc Dã trong truyện. Thời niên thiếu của anh và em là câu chuyện về Trần Niệm, cô nữ sinh cuối cấp, nhà nghèo, người mẹ đi làm ăn xa biền biệt, cô chỉ có một ước mong duy nhất là đến Bắc Kinh học Đại học để thoát khỏi trường Trung học, thoát khỏi sự bắt nạt ở trường. Vì lẽ đó, Trần Niệm học rất giỏi, cô vùi đầu vào học tập. Bỗng một ngày, bầu không khí hăng hái học tập xen lẫn căng thẳng của những cô, cậu học trò cuối cấp bị phá vỡ khi cô nữ sinh Hồ Tiểu Điệp nhảy lầu tự sát, nhiều lời đồn đoán rằng cái chết của Hồ Tiểu Điệp là do thời gian bị bắt nạt kéo dài ở trường học. Trần Niệm là người cuối cùng gặp Tiểu Điệp nên ai cũng muốn moi móc thông tin từ cô, cảnh sát cũng đến tìm cô. Từ đầu đến cuối, Trần Niệm đều từ chối trả lời, cô chỉ muốn yên ổn chờ qua kỳ thi để được rời khỏi ngôi trường này, vùng đất này cho đến khi cô nói ra sự thật vì một lời hứa hẹn của người bạn học, và đặt niềm tin một lần vào anh cảnh sát Trịnh Dịch. Trần Niệm trở thành đối tượng bị bắt nạt tiếp theo, bị trả thù, bị đánh, bị làm nhục. Trong những ngày tháng ngặt nghèo đó, cô gặp Bắc Dã khi cậu đang bị bắt nạt, cô định gọi cảnh sát nhưng lại bị mấy tên côn đồ bắt được, chúng trấn lột tiền của cô và bắt cô hôn Bắc Dã rồi mới tha cho cậu. Rồi Bắc Dã trở thành người bảo vệ của Trần Niệm, trở thành ánh sáng và người cô tin tưởng nhất trong cuộc đời. Hai đứa trẻ giữa nghiệt ngã của cuộc đời, nương tựa vào nhau mà sống, bấu víu vào nhau mà tin tưởng, đem sự tồn tại của đối phương trở thành phần cốt yếu nhất trong sinh mệnh của mình.

Thời niên thiếu của anh và em khác với mô-tuýp của một câu chuyện thanh xuân vườn trường thông thường. Câu chuyện của Trần Niệm và Bắc Dã, cùng với những nhân vật trong này, chứa đựng đầy những điểm đem, đầy những góc tối của xã hội. Đây là một câu chuyện về những đứa trẻ bị xã hội và thể chế bỏ quên, chúng mất niềm tin vào người lớn, mất niềm tin vào sự bảo vệ của xã hội đáng ra phải đặt lợi ích của chúng lên hàng đầu, nhưng lại tìm thấy niềm hy vọng nơi những người đồng cảnh ngộ với mình.

Ở ngôi trường Trung học trọng điểm, tất cả những gì thầy cô quan tâm là thành tích thi tốt nghiệp của bọn trẻ. Chuyện bạn bè bắt nạt sẽ được coi như chuyện cãi nhau tầm phào, thầy giáo muốn bảo vệ học trò của mình nhưng cũng chỉ có giới hạn, không ai quan tâm hơn, không ai đi sâu hơn. Chuyện gì cũng không quan trọng bằng một kỳ thi, bằng thành tích của nhà trường. Một đứa trẻ nói ra nó bị bắt nạt, sẽ không ai tin, hoặc có tin cũng sẽ coi như chuyện cãi vã thông thường, không ai đứng về phía nó, bảo vệ nó. Người lớn luôn coi chuyện của trẻ con là những chuyện chẳng hề quan trọng.

Ở người cảnh sát trẻ Trịnh Dịch, anh có tài năng, có sự kiên định, đức độ của một người thi hành pháp luật nhưng anh lại quá tự tin vào chính mình, dẫn đến dễ dàng hứa hẹn. Anh đi cùng Trần Niệm để bảo vệ cô, nhưng rồi vẫn không khống chế được sự bận rộn của Cục Cảnh sát, của việc vây bắt những tên tội phạm khác. Cả Cục Cảnh sát cũng không ai đủ quan tâm để lưu ý đến những đứa thiếu niên bắt nạt trong trường học và những thiếu niên bị bắt nạt.

Cả xã hội đó, không ai là người xấu, nhưng cũng không ai là người tốt. Một chút coi nhẹ, một chút thờ ơ, một chút suy nghĩ giản đơn, một lời hứa dễ dàng nói ra, tất cả đều góp phần vào sự hủy hoại niềm tin của một cô bé.

Trịnh Dịch luôn lặp đi lặp lại với Trần Niệm rằng “Có việc gì thì tìm anh”, cũng từng hỏi Trần Niệm khi xảy ra chuyện rằng “Tại sao không gọi cho anh”. Nhưng anh không hiểu, với những đứa trẻ như Trần Niệm và Bắc Dã, niềm tin của chúng được xây dựng nên vốn xa xỉ, đã mất đi một lần thì sẽ không bao giờ có lại được nữa. Trịnh Dịch là người tốt, nhưng anh không thể bảo vệ Trần Niệm như Bắc Dã, không thể đặt hết tâm tư lên một người như Bắc Dã, cũng không thể vì một người mà chu toàn cẩn trọng suy tính và sắp đặt như Bắc Dã, thậm chí là hy sinh tự do cả đời của mình. Mối quan hệ của Bắc Dã và Trần Niệm giống như đoạn văn vang lên ở điểm đầu tiên của câu chuyện cũng như hiển hiện xuyên suốt câu chuyện, đó là một mối quan hệ cộng sinh mà nếu như thiếu đi một người thì người kia sẽ chịu ảnh hưởng cực lớn, thậm chí có thể chết.

Cách viết của Cửu Nguyệt Hi khiến mạch truyện trôi đi tuần tự, không nhanh không chậm, những nỗi đau bị bắt nạt, bị làm nhục, bị lãng quên của Trần Niệm dường như nhẹ đi khi có Bắc Dã ở đó. Nhưng bên dưới những nhẹ nhõm, thanh thản ấy vẫn luôn phảng phất nỗi lo sợ, run rẩy, nghi ngờ với con người và với cuộc đời. Cách viết khắc họa sâu sắc sự quan trọng của Bắc Dã với Trần Niệm, mỗi khi hai đứa trẻ ở bên nhau, thế giới này mới an toàn, mới bình lặng. Mỗi khi không thấy Bắc Dã, mọi thứ đều trở nên mơ hồ, bất an. Nửa đầu câu chuyện, người đọc có thể không cảm thấy đây là một câu chuyện có gì đặc biệt lắm. Nhưng ở nửa sau, khi những lớp lang, những bức màn dần được hé ra, cách viết của tác giả cũng chắc tay hơn, người đọc bỗng ngạc nhiên, lặng đi trước sự dụng tâm suy tính của Bắc Dã, ta chợt tự hỏi từ bao giờ sự tồn tại của Bắc Dã lại trở thành thiết yếu với Trần Niệm đến như thế. Ở nửa cuối này, ta thông cảm hơn cho Trịnh Dịch, cho thiết chế nhưng đồng thời cũng cảm thấy khó tha thứ cho những người này, bởi nếu họ làm đúng nhiệm vụ của mình ngay từ đầu, quan tâm ngay từ đầu thì đã bớt đi một đứa trẻ phải đau khổ. Sự đan cài những hình ảnh biểu tượng như “sinh vật cộng sinh” để gợi liên tưởng đến mạch truyện chính luôn là đặc sản trong văn chương Trung Quốc và ở truyện dài của Cửu Nguyệt Hi ta cũng thấy rõ điều này.

Thời niên thiếu của anh và em không thể nói là một tác phẩm xuất sắc về mặt văn chương, già nửa đầu câu chuyện cách viết, cách mô tả cũng như cách gợi liên tưởng của tác giả vẫn còn tương đối non tay. Tuy nhiên, ở nửa sau, khi mọi thứ được vén mở, tác giả cũng đã viết chắc tay hơn, nội dung thể hiện sự hiểu biết của tác giả về tâm lý học cùng với một vài vấn đề pháp luật giúp cho câu chuyện trở nên trọn vẹn hơn và mang đến những lý giải hợp lý cho những tình tiết trước đó. Đây là một câu chuyện nên đọc vì cách lựa chọn đề tài và khai triển của nó, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác để có thể nói là một tác phẩm văn chương xuất sắc.

Vài dòng về Tanizaki Junichiro

Tanizaki Junichiro – Wikipedia tiếng Việt
Chân dung Tanizaki trên Wikipedia

Hai năm nay, nhà văn yêu thích nhất của mình là Tanizaki Junichiro, kế đó là Yukio Mishima. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đọc văn học Nhật cho đến khi đọc Lòng ái quốc của Mishima rồi Chữ Vạn của Tanizaki. Nhưng phải đến Hai cuốn nhật ký mình mới thực sự say đắm chất văn của Tanizaki.

Khi xưa, mình hẳn sẽ cực lực phản đối văn chương kiểu Tanizaki. Nó suy đồi quá mức cần thiết, vô đạo đức và bất tuân những chuẩn mực chung. Nhưng tài năng của Tanizaki mà mình nhận ra, cũng chính là điều mà văn đàn đã tung hô ông, chính là bóc trần bản ngã con người, bộc lộ phần hiểm ác, đồi phế trong thâm tâm của chúng ta. Đó là lý do mà mình không ưa nhưng không thể ngừng đọc. Ở văn chương của Tanizaki có một thứ chất gây nghiện khiến cho con người ta phải ngây ngất, bị lôi cuốn vào những miền thăm thẳm tăm tối của vùng ẩn ức.

Văn chương của ông dường như tương đồng với những phẩm chất hết sức Nhật Bản – nói ít hiểu nhiều, tiết chế những hoa mỹ, nhưng chứa đựng tầng tầng lớp lớp những ẩn ức bệnh hoạn, dục tính và đắm say đen tối. Tuy nhiên, văn của ông cũng mang những phẩm chất rất khác Nhật Bản – đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo tam quốc, không dùng chữ nói người. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn của văn hóa Đông – Tây hiển hiện rõ trong những tác phẩm của Tanizaki. Không có lạ gì khi có một thời văn chương của ông trở thành một cấm kỵ vì nó gây suy đồi “đạo đức đám đông”. Tuy nhiên, sự suy đồi thực chất không đến từ những ẩn ức hay khát khao nhục dục nhuốm màu bản năng của con người, mà nó đến từ những giằng xé do những giới hạn đạo đức bị vi phạm hoặc giả nó đến từ sự chối bỏ chính cái bản ngã thực sự của con người. Nước Nhật hiện đại chưa bao giờ thoát khỏi những ấn ức đầy dục tính như thế, nó trở thành một phần của nền văn hóa và lan rộng ra khắp thế giới, Tanizaki đơn giản là thọc sâu vào và phơi bày nó ra trước bàn dân thiên hạ mà thôi.

Chính vì thế, khi đọc văn của Tanizaki ta rất dễ rơi vào cái lưỡng nan của nhận thức và cảm xúc như thế. Ta vừa muốn chối bỏ những tệ hại, đồi phế, tăm tối của con người, nhưng lại vừa không tránh khỏi bị nó thu hút phải nhìn vào, xoáy vào, đối diện với nó. Và từ đó, ta vén mở, cùng với tác, những bi kịch của kiếp người, nhưng dằn vặt bên trong mỗi tâm hồn mà chúng ta, thường thì, sẽ chẳng bao giờ (dám) bộc lộ ra bên ngoài.

Machiavelli: A Biography – Miles J. Unger

Mặc dù chưa có một thước đo nào định lượng được sự đóng góp hay tầm ảnh hưởng của Niccolò Machiavelli đối với khoa học chính trị hiện đại là đến đâu, nhưng không gì có thể phủ nhận được Machiavelli đã đặt một tiền đề cho khoa học chính trị và việc nghiên cứu chính trị hiện đại. Tuy nhiên, vị Đại pháp quan thứ hai của Florence thường được gắn liền với những tính từ như mưu mô, xảo quyệt, và tư tưởng chính trị của ông thường bị coi là ủng hộ khuynh hướng đàn áp bằng bạo lực, dối trá, và tư tưởng chuyên chế thông qua những điều mà người ta biết về ông từ tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất, có tầm ảnh hưởng nhất của ông – Quân Vương. Tác phẩm ra đời trong thời kỳ thất thế của Machiavelli với mục đích ban đầu là một bản “CV xin việc” mà ông định dâng lên những nhà cầm quyền Florence lúc đó để mong được trở lại với công việc ngoại giao của mình, nhưng sau này đã trở thành một trong những tác phẩm chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất, từng nằm trong danh mục sách cấm của Giáo hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ đọc “Quân Vương” và nghe/đọc những phân tích của giới khoa học cũng như giới chính trị về tác phẩm này thôi và phán xét về tác giả của nó thì sẽ thật thiếu sót, mặc dầu “Quân Vương” mang nặng tư tưởng chuyên chế và được các nhà độc tài như Hitler, Stalin…ưa chuộng, nhưng rõ ràng “Quân Vương” là một tác phẩm mang nặng tính suy nghiệm và đưa ra các phân tích nhiều hơn là sự phán xét dù được viết bằng một thứ ngôn ngữ thẳng thắn, bộc trực, và không hoa mỹ. Vậy nên, thật khó để chấp nhận rằng người viết ra những tư tưởng sâu sắc dường đó lại là người ngây ngô đến nỗi chỉ thể hiện duy nhất một khía cạnh của mình, thậm chí là để cho khía cạnh ấy hiển lộ rõ ràng như thế trong tác phẩm.  Cuốn tiểu sử về Machiavelli được chắp bút bởi Miles J. Unger – một cây viết kỳ cựu về nghệ thuật và văn hóa của các tờ báo lớn như The Economist, The New York Times – sẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho những nghi ngại của chúng ta về vị Đại pháp quan đặc biệt của thành Florence.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút ở Florence vào thời Phục Hưng, với người cha là một học giả có khuynh hướng yêu sách vở hơn là lo gầy dựng lại gia tộc đang sa sút, Niccolò Machiavelli có lý do để cho rằng bản thân ông sinh ra trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, chính hoàn cảnh đó đã giúp tạo ra một người đàn ông mang đầy đủ cả những phẩm chất của một nhà quý tộc lẫn phẩm chất của một học giả. Như con em của các gia đình danh giá khác, Machiavelli được giáo dục hết sức tử tế và cũng giống cha mình, ông có niềm đam mê đặc biệt với các tác phẩm kinh điển, hiểu biết sâu sắc về lịch sử và triết học, và được ảnh hưởng sâu sắc bởi chính các nhà tư tưởng trong quá khứ và những bài học lịch sử mà chính chúng đã góp phần tạo ra trí tuệ mẫn tiệp và góc nhìn sâu sắc và sắc sảo của ông đối với chính trị. Trí tuệ đó không ngừng được mài giũa trong những cuộc đi sứ trên danh nghĩa Cộng hòa Florence trên cương vị Đại pháp quan thứ hai của Florence, ông đã gặp gỡ và đàm phán với những vị vua, những vị lãnh chúa hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ và có cơ hội được chứng kiến tận mắt sự xung đột chính trị đương thời trên con đường đi sứ của ông tới các thành quốc của nước Ý. Thời kỳ mà Machiavelli sống là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử nước Ý nói riêng và lịch sử châu Âu nói chúng, đó là thời kỳ mà nước Ý chia năm xẻ bảy thành các lãnh địa riêng biệt với những lãnh chúa đầy tham vọng, hùng mạnh và chưa bao giờ ngừng kiếm tìm sự xung đột. Đó cũng là thời kỳ mà người ta gọi là “ra ngõ gặp thiên tài” khi sản sinh ra những nhà nghệ thuật lẫn những triết gia vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Dante,v.v. Thế nên có lẽ, đó là lý do mà tài năng của Machiavelli đã không được nhìn nhận và đón nhận đúng mực khi đó. Cuộc đời ông gắn liền với việc phụng sự chính quyền và khao khát vực dậy những vinh quang từ thời tổ tiên của đất nước mà ông yêu hơn tất thảy, tuy nhiên, với tính cách thẳng thắn đến mức thô lỗ, ông lại không được lòng mọi người, đặc biệt là những nhà cầm quyền, chính vì lẽ đó nên cuộc đời của Machiavelli cũng thăng trầm như chính số phận của đất nước quê hương ông vậy.

Chân dung Machiavelli vẽ thời Phục Hưng, theo Wikipedia

Tuy nhiên, nếu như chỉ nhìn vào “Quân Vương” và đánh giá thì quả thực rất dễ để cho rằng vị Đại pháp quan thứ hai của Florence là một kẻ vô đạo đức, xảo quyệt, không vững lập trường và gió chiều nào che chiều nấy. Nếu chiếu theo quan điểm đạo đức dựa trên sự trung thành với chính thể thì Machiavelli còn xa với đạt tới được ngưỡng chớm bắt đầu. Vậy nhưng, tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa chúng ta đến một cách tiếp cận khác với nhiều góc nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về nhân vật này. Unger sử dụng lối tiếp cận vấn đề khá tương đồng với nhân vật chính của mình khi cố gắng hết sức đưa ra càng nhiều nhất các góc nhìn có thể và trung thực hết sức nhưng không sa đà vào sự phán xét, điều này cũng giống như Machiavelli khi viết “Luận bàn về Livy” – một tác phẩm nổi tiếng khác của ông, ra đời trước “Quân Vương”, hay các báo cáo mà ông gửi về nhà cầm quyền Florence trong những cuộc đi sứ của mình. Trên nền lịch sử và chính trị thời kỳ Phục Hưng, Unger cho thấy rõ ràng những ảnh hưởng của sự đổi thay của thời cuộc lên sự nghiệp của Machiavelli, mặc dầu là một người hay châm biếm, thích mỉa mia, bất tuân mọi tiêu chuẩn đạo đức và các chuẩn mực của Giáo Hội, cũng từ chối kiểu mê tín, tin vào thần thánh, nhưng ông nhắc nhiều đến nữ thần Số Mệnh và sự đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa của vị thần này như một cách để nói về những “trò đùa tai quái, trêu ngươi” mà số phận đã giáng lên ông không khoan nhượng. Trong tác phẩm tiểu sử của mình, Unger đã giải thích được cho thái độ “gió chiều nào che chiều ấy” của Mechiavelli khi mới ngày hôm trước còn ủng hộ người bạn, nhà cầm quyền cũ của Florence – Sordini; thì thời gian ngắn sau ông đã cố gắng tìm cách để lấy lòng những người nhà Medici – những vị quân vương mới của Cộng hòa Florence sau khi phế truất Sordini; thái độ đó của Machiavelli thường bị cho là vô đạo đức và không nhất quán lập trường, tuy nhiên, từ Unger chúng ta thấy được vị Đại pháp quan thứ hai của Florence chưa bao giờ thực sự quan tâm đến việc ai là nhà cầm quyền mà ông quan tâm hơn đến việc làm sao để nhà cầm quyền thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Lòng trung thành của Machiavelli, vốn bị những đồng liêu đương thời và các thế hệ sau đánh giá một cách sai lầm, không đặt trên người nhà cầm quyền mà đặt ở chính mảnh đất quê hương mà ông yêu quý và chiến đấu cả đời để bảo vệ, đau đáu, do đó, với ông, chỉ cần là chính quyền mang lại lợi ích cho nền cộng hòa và nước Ý thì ông sẽ phụng sự chính quyền đó. Tuy nhiên, với bản chất là một người bộc trực và thẳng thắn đến mức thô lỗ, ưa thích châm biếm và tự trào, Machiavelli, như đã nói ở trên, không được lòng bất cứ phe phái nào, chưa kể đến việc ông cũng không màng đến chuyện phe phái và công khai khinh bỉ ra mặt các kiểu phe phái. Việc một con người đứng giữa dòng chảy lịch sử nhưng lại từ chối nghe lệnh của dòng chảy đó vốn đã là một hành động báo trước những bấp bênh trong số phận của con người ấy. Cuốn tiểu sử của Unger đi sâu vào những mâu thuẫn từ Machiavelli và cố gắng xoay lăng kính của mình ở mọi góc độ để thấu hiểu và lý giải những mâu thuẫn đó, và Unger đã làm được điều đó. Phẩm chất của một nhà báo và một nhà nghiên cứu đã giúp cho Unger phản ánh trung thực và khách quan hình ảnh của một nhà chính trị, triết gia đặc biệt sinh ra trong một thời kỳ đặc biệt, người mà cho đến giờ vẫn không ngừng gây tranh cãi nhưng cũng không có ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của ông tới nền khoa học chính trị hiện đại. Tuy nhiên, dù khắc họa ở khía cạnh sự nghiệp của Machiavelli khách quan bao nhiêu, thì ở khía cạnh cá nhân và tính cách, Unger hẵng còn sa đà vào những thiên kiến khi cố gắng tẩy trắng cho đời sống cá nhân của nhân vật. Machiavelli, dù là một trí tuệ mẫn tiệp của thời đại, nhưng cũng không nghi ngờ gì là một người đàn ông bình thường ở thời Phục Hưng, sinh ra trong một gia đình quý tộc, nên bên cạnh thú vui trí tuệ, ông cũng có những thú vui tầm thường khác như qua lại với gái điếm, một thú vui mà ông không bao giờ từ bỏ ngay cả khi đã có vợ con đề huề và sống trong cảnh điền viên bị ép buộc ở thời kỳ thất thế. Đây có lẽ là điểm trừ khiến cho cuốn tiểu sử của Unger không thực sự trọn vẹn như kỳ vọng.

Bất chấp những điểm còn chưa trọn vẹn, thì tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa cho chúng ta góc nhìn đa chiều về không chỉ Machiavelli mà còn có cả một bức tranh tổng quan về tình hình chính trị, địa chính trị, lịch sử, và xã hội của nước Ý thời Phục Hưng. Đó là một thời kỳ đặc biệt, khi ở đó, nước Ý đã sản sinh ra những thiên tài của thế giới, những danh họa kiệt xuất, các nhà tư tưởng và triết gia xuất chúng, mà cũng chỉ có thời kỳ đó mới có thể sinh ra hai con người vĩ đại với sự trái ngược hoàn toàn, không có lấy bất cứ một điểm chung nào, thời kỳ đó đã sinh ra Niccolò Machiavelli, một triết gia, một nhà chính trị sắc sảo, người đã đặt tiền đề cho khoa học chính trị hiện đại, người đã dành cả đời để phụng sự cho quê hương nhưng lại bị hắt hủi và ghẻ lạnh bởi chính quê hương và đồng bào mình. Cuốn tiểu sử về Machiavelli là một sự gợi mở để chúng ta không chỉ đi tìm hiểu nhiều hơn về vị triết gia gây tranh cãi mà nó còn là một tiền đề thúc đẩy cho tinh thần tìm tòi, khám phá, luôn hoài nghi những khẳng định được đưa cho trước khi có thể tìm đến hoặc khẳng định sự thật.

Nỗi buồn chiến tranh – “Chính nghĩa đã thắng, bạo lực phi nhân cũng đã thắng”

Chụp bằng Foodie app trong một buổi chiều lãng đãng đọc Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”

Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng, nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng.

(Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)

Với “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã trở thành một hiện tượng văn chương châu Á, làm hớp hồn giới phê bình Tây phương và được đem ra so sánh với cả Erich Maria Remarque. Tuy nhiên, dù cho mối tương đồng giữa Bảo Ninh và nhà văn phản chiến người Đức là gì, thì tôi vẫn cho rằng không cần thiết phải so sánh hai tác giả và tác phẩm, bởi vì tự tác phẩm đã mang hơi thở của chính nó, và thật khó để đặt chúng lên bàn cân mà ngẫm ngợi. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, rằng “Nỗi buồn chiến tranh” đã là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác biệt so với bất cứ cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nào trước đó và cả sau này.

Bảo Ninh đã dùng cách kể chuyện đầy tự sự trong dòng thời gian phi tuyển tính để dẫn dắt người đọc bước vào dòng hồi tưởng miên man, đầy buồn thương, và đầy ám ảnh của nhân vật Kiên về chiến tranh, về con người, về tình yêu. Kiên, cũng như bao nhiêu con người trưởng thành từ cuộc chiến, bị tàn phá bởi cuộc chiến, và cuối cùng là mãi mãi mang trong thâm tâm những vết sẹo chẳng bao giờ lành từ cuộc chiến, đã đối mặt và kể lại quá khứ một cách chân thành và chân thật hết sức. Đúng hơn, dường như anh không kể lại, mà anh đã sống trong đó, Kiên có lẽ sẽ mãi mãi sống trong cuộc chiến, khi trở về thực tại mới chính là khi anh đã chết, cả cuộc đời anh đã gói gọn lại trong những năm tháng của quá khứ huy hoàng nhưng đau thương và lớp lớp những bi kịch nối dài.

Chiến tranh là tàn phá, nó không chỉ tàn phá cuộc đời Kiên, cuộc đời Phương, hay cuộc đời những nhân vật trong câu chuyện, mà nó tàn phá cuộc đời của bất cứ ai từng bước chân qua nó. Nó tàn phá hòa bình, tàn phá nhân tính, tàn phá sự trong trắng của linh hồn lẫn thể xác, không chừa lại bất kể thứ gì. Nó vươn móng vuốt hôi hám, cáu bẩn, đen ngòm của mình đến đâu là mang đến đó sự héo úa, rũ rượi, sự chết chóc, và mất mát. Bảo Ninh đã mở ra trước mắt người đọc một sự thật trần trụi không khoan nhượng về chiến tranh, mà ở đó, ông không cho phép chúng ta được thối lui khỏi hiện thực, không cho phép chúng ta được phép nghĩ khác đi, không cho phép chúng ta được giữ niềm tin nhị nguyên về chính nghĩa hay phi nghĩa nữa, dù ông chưa bao giờ phủ nhận tính chính nghĩa của nó. Bằng việc Kiên cứ trở đi trở lại về quá khứ huy hoàng, dù ám ảnh bởi sự phi luân và bất nhân của cuộc chiến, anh cũng không thể dứt mình ra khỏi niềm vui chung của dân tộc khi tin rằng chính nghĩa đã chiến thắng. Chỉ có điều, khi người ta đã bước qua những đau thương của thời loạn lạc để tiến về phía trước, thì những người lính bước ra từ cuộc chiến đó dù bị thương tật hay lành lặn thì cũng đã vĩnh viễn mang những thương tật trong tâm hồn mà không cách gì chữa lành. Cuộc chiến đã xé toạc tất cả những điều tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn con người, nó không cho phép người ta vui mừng hay hạnh phúc đủ lâu trước khi lại một lần nữa lao đến triệt tiêu đi phần người cuối cùng. Sống giữa cuộc chiến ấy, con người buộc phải nghĩ đến sự hy sinh, bởi đó là thứ cao cả có vẻ gần nhất với nhân tính để mà bấu víu vào, vì nếu không có nó, con người sẽ chỉ còn là “con” thôi chứ chẳng còn sót lại phần manh mún nào của phần “người’.

Khi càng nhìn nhận được ở nhiều góc độ hơn về chiến tranh, dù có nhìn bằng kiểu gì thì vẫn chỉ có thể nhìn bằng con mắt của người ngoài cuộc, thì chúng ta càng không thể nào cho phép mình nhìn chiến tranh bằng tư duy về chính nghĩa và phi nghĩa nữa, và càng chẳng thể nào tha thứ cho bản thân vì đã từng giữ niềm tin ngây thơ rằng có cuộc chiến nào đó là chính nghĩa. Bởi khi ta chỉ nhìn cuộc chiến ở khía cạnh chính nghĩa của nó mà quên mất phần nhân tính, luân lý, khía cạnh đạo đức căn bản của nó, thì nghĩa là ta đang gián tiếp phủ nhận sự tàn phá thực sự, âm ỉ và sâu sắc, dài lâu của nó, cũng có nghĩa là đang phủ nhận những tâm hồn mà nó đã xé nát, đã nghiến ngấu, đã băm vụn trong cái cối xay dã man và tàn ác của nó. Và nếu ta sống tiếp mà bỏ qua cái bài học đau thương ấy của lịch sử, thì chiến tranh sẽ chẳng bao giờ kết thúc trên thế giới này, giữa loài người này.