“More than a mistress” – Đôi khi, ta chỉ cần một người biết lắng nghe

Ôi, đây là một cuốn tiểu thuyết đáng yêu không thể tưởng và không thể cưỡng lại được. Tôi đã luôn có cảm giác bồn chồn mỗi khi chuẩn bị đọc một cuốn tiểu thuyết của Mary Balogh, vì những cảm xúc mà tôi (có lẽ) sẽ phải đối mặt khi đọc những gì Mary Balogh viết. Nhưng hỡi ôi, “More than a mistress” (tựa Việt xuất bản: Tin em và yêu em) thực sự đáng yêu, và phải nói là cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng nhất tôi từng đọc của Balogh. Tôi yêu Jocelyn, công tước Tresham, vì con người nồng nhiệt, vì phẩm chất cao thượng của chàng, vì lòng dũng cảm cũng như cảm xúc đong đầy trong trái tim chàng. Tôi yêu cái cách Jane từng bước “chạm” đến con người chân thật của Jocelyn. Phải, Jocelyn, tôi sẽ không gọi chàng bằng Tresham hay bất cứ cái tên nào khác, chàng là Jocelyn với tâm hồn của một nghệ sĩ bị cầm tù trong nền giáo dục hà khắc mà chàng nhận được từ cha và ông mình, chàng là Jocelyn của Jane, chàng là người đã đàn những khúc nhạc như phơi bày hết tâm can chàng, chàng là người đã vẽ bức tranh quý giá của Jane – bức tranh đã bộc lộ được ánh sáng, vẻ đẹp cốt lõi của chàng. Không dễ dàng gì cho Jocelyn để thừa nhận tình yêu của chàng, để chân thật đối mặt với chính mình, nhưng nhờ có Jane, chàng đã cởi bỏ xiềng xích của mình. Sau rốt, Jocelyn đã chấp nhận rằng chàng không phải là cha và ông chàng. Jane đã dạy chàng điều đó. Nàng không chỉ dạy chàng về tình yêu, mà nàng còn dạy chàng nhiều hơn thế.
Kể từ khi Jane ngăn cản cuộc đấu súng của chàng, nàng đã bước vào cuộc đời Jocelyn. Nàng là một người biết lắng nghe, nàng mang đến cho Jocelyn một mái nhà, một gia đình, tình yêu và sự bầu bạn mà vị công tước cao ngạo chưa bao giờ được biết đến. Nàng là Jane của Jocelyn. Nàng dạy cho chàng biết rằng yêu thương không phải là mềm yếu, mà nó là sức mạnh lớn lao hơn bất cứ thứ gì. Nàng đưa Jocelyn thoát khỏi cơn ác mộng của chàng và đưa chàng về ngôi nhà ấu thơ mà chàng vẫn hằng yêu, nhưng không nhận thấy. Nàng dạy cho Jocelyn biết giá trị của chính chàng, tin tưởng vào giá trị của chàng chỉ bằng cách tin tưởng tuyệt đối vào giá trị của bản thân mình.
Tôi thích khái niệm “ta”, “em” và “chúng ta” của tác giả vô cùng. Mặc dù ý niệm về bản thân là một trong những khái niệm vô cùng khó biểu đạt trong triết học, nhưng Mary Balogh thực sự đã làm rất xuất sắc khi biểu đạt những khái niệm trừu tượng ấy một cách giản đơn đến thế.
Cách xây dựng nhân vật, dẫn dắt tình tiết và phát triển tính cách nhân vật của Mary Balogh thực sự tài tình, tinh tế đến từng chi tiết nhỏ.
Chỉ có duy một điều tôi không cảm thấy thỏa mãn lắm trong câu chuyện là việc anh bạn Charles của Jane xuất hiện một cách bất thình lình và khăng khăng đòi nàng kết hôn với anh ta. Tôi ước chi Jane cứng rắn hơn, ước chi tác giả viết thêm về sự bẽ bàng của anh Charles đáng ghét kia (dù phải thú thực là mong muốn này hơi nhẫn tâm chút xíu), nhưng thực là chưa có nhân vật phụ nào tôi ghét như cái anh này, kể cả ông bác của Jane hay thằng con trai bỏ đi của ông ta.
Và thật ngạc nhiên là, tôi đã hết bồn chồn vì tiểu thuyết của Mary Balogh sau khi đọc xong quyển này.
“Vâng,” cô đưa tay áp vào một bên má anh. “Vâng, Jocelyn. Em muốn trở thành một phần của tên ngài, một phần của con người mang cái tên ấy, một phần tâm hồn bên trong con người ấy. Em muốn hòa làm một với ngài.”
“Em, ta, chúng ta.” Anh cúi xuống thì thầm bên miệng cô. “Ta hãy cùng tạo ra một đại từ mới, Jane. Từ đơn ‘ta’ và từ phức ‘chúng ta’ kết hợp thành một từ mới dài vô tận cho Jane và Jocelyn.”
Cô hé môi dưới môi anh, đột nhiên đói khát và bàng hoàng trước những lời họ đã nói và những lời họ không nói. Đây không phải cách cô mong đợi. Đây không phải đàn ông và nhân tình. Đây là hai người yêu nhau.
Nó không nằm trong thỏa thuận, về phía cô hoặc – chắc chắn – phía anh.
Nhưng đó là điều đang diễn ra.

 

Series Crown’s Spies – Julie Garwood

Thực sự là tôi quá thích series Crown’s Spies đầy lôi cuốn, hài hước, đáng yêu này của Julie Garwood để mà ngăn bản thân viết một bài review cho cả series.

“The Lion’s Lady” là cuốn đầu tiên của series, nói về Lyon, ngài Hầu tước xứ Lyonwood, và công chúa Christina xinh đẹp. Chàng là một chiến binh lão luyện, mạnh mẽ, một người đàn ông không bao giờ sợ hãi bất cứ điều gì, nhưng lại mang trong tim vết thương từ quá khứ, cộng thêm với tính chất công việc, tất cả những điều đó biến chàng trở thành một người đàn ông khắc nghiệt nhất nước Anh, chưa kể ngoại hình của chàng khiến cho không ít người hoảng sợ. Nhưng chỉ có nàng, nàng công chúa xinh đẹp, bí ẩn, với cuộc đời đầy những điều lạ lùng, dối trá, có trái tim lương thiện, trong sáng mới thấu hiểu được chàng, chỉ có nàng mới nhìn thấy được những điều thẳm sâu trong trái tim mà chàng luôn muốn giữ kín. Lyon bị thu hút bởi Christina ngay từ giây phút đầu tiên mà chàng nhìn thấy nàng, và tôi tin là hai người đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên đó. Tôi thích cái cách Christina làm chàng rối tinh rối mù lên để hiểu được nàng và phải hụt hơi đuổi theo nàng, vì rõ ràng là ngài Hầu tước Lyonwood chưa bao giờ phải rơi vào bất cứ tình cảnh nào tương tự, sự phản bội của người vợ và người anh trai đã biến chàng trở thành người hay nghi ngại, đề phòng và đã khóa kín trái tim chàng. Còn Christina thì rõ ràng là yêu chàng, nhưng đồng thời nàng cũng đầy sợ hãi, không đủ lòng tin với chàng vì những vết thương và bài học của quá khứ, nhưng hiển nhiên, nàng cũng là một nữ chiến binh mạnh mẽ, một nàng sư tử cái sinh ra để dành cho Lyon, khi đã xác quyết rằng chàng là định mệnh của mình, nàng công chúa của chúng ta sẽ không ngại gì mà nắm lấy cơ hội được hạnh phúc. Nếu nói Lyon là một người đàn ông bao dung, vậy thì Christian hẳn phải là một vị thánh mới có thể dịu dàng chịu đựng gã khó ưa ấy đến thế. Tôi đã không thể ngăn được bản thân tan chảy ra trước mỗi câu nói âu yếm mà Lyon nói với nàng, và không khỏi hạnh phúc thay cho Christina khi nàng từng bước khám phá định mệnh của đời mình. Christina mạnh mẽ, nhưng Lyon cũng mạnh mẽ như thế, và họ sinh ra để dành cho nhau. Continue reading “Series Crown’s Spies – Julie Garwood”

The Secret – Julie Garwood

“The Secret” (tạm dịch: Bí mật) của Julie Garwood thực sự là một cuốn tiểu thuyết nữ tính, đầy tình yêu thương.

Lấy bối cảnh cao nguyên Scotland xinh đẹp với cuộc sống trong những lãnh địa như những thiên đường thu nhỏ nhưng tách biệt, khi con người vẫn còn đang ghét nhau vì những lý do hết sức vô lý – hay nói đúng hơn, sinh ra là để ghét nhau.

Tôi khá thích hình tượng được Garwood xây dựng trong “The Secret” mặc dù vẫn còn hơi non nay, phải thú thực là như vậy. Judith được xây dựng với hình tượng một cô tiểu thư người Anh điển hình, được nuôi dạy bởi một người mẹ vô trách nhiệm và một người bác suốt ngày say xỉn, cô lớn lên trong những lời dối trá về cha mình, chịu đựng những nỗi đau trong một gia đình mà không lúc nào muốn nhắc tên và là một người bạn trung thành và tận tụy. Judith độc lập và mạnh mẽ, đồng thời cũng rất ngây thơ và đúng mực, tốt bụng, và sẵn sàng đặt lợi ích của người khác lên trước bản thân mình. Một nét tính cách đặc biệt ở Judith mà tôi thích hơn những cô nữ chính khác là cô không cố gắng dấu diếm tình cảm của mình, mặc dù chịu nhiều tổn thương nhưng cô vẫn sẵn sàng nắm lấy hạnh phúc của mình khi nó đến và mang hạnh phúc và hơi ấm đến trong cuộc đời Iain – chàng lãnh chúa lạnh lùng, độc đoán, mạnh mẽ, thích ra lệnh nhưng có trái tim nồng ấm của chúng ta. Continue reading “The Secret – Julie Garwood”

Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.

img039

Bao nhiêu đời nay, toàn bộ loài người đều cố công đi tìm hiểu, giải thích và cắt nghĩa “tình yêu”, nhưng rốt cuộc có ai làm được đâu. Vì thế, người ta mới đem tình yêu vào thi tứ, vào hội họa, vào âm nhạc, như một cách tôn vinh một loại cảm tình riêng có ở nhân loại, một loại cảm tình đã tưới tắm biết bao khối óc và trái tim khô cằn ở nhân thế, vừa là nỗi đau lại vừa là niềm hạnh phúc, vừa là quả ngọt nhưng cũng lại vừa là trái đắng, một thứ tình cảm mà càng cố càng chẳng thể nắm bắt được nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai thoát được ma lực của nó.

Chính thế, cho nên “Con hủi” của nữ văn sĩ Ba Lan – Helena Mniszek đã có thể đi từ một tác phẩm bị ghẻ lạnh bởi giới phê bình trở thành một kiệt tác văn chương để đời nơi nhân thế. Hàng vô vàn con người đã ca ngợi “Con hủi” như là một tác phẩm viết về mối tình tuyệt đẹp đầy đắm say nhưng bi kịch giữa chàng đại công tử Waldermar Michorowski – chàng thanh niên đứng đầu dòng họ quyền quý nhất cả nước, người quyền quý nhất trong những người quyền quý, ông chủ của những ông chú – với nàng Stefcia Rudecka – con gái một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Nhưng trong tôi, “Con hủi” mang nhiều giá trị và niềm gửi gắm lớn lao hơn là chỉ một câu chuyện tình giữa hai con người.

Trong tác phẩm này, tác giả đã nêu ra một cách rất rõ ràng và chi tiết về sự phân tầng trong xã hội ngày ấy, không chỉ là sự phân chia tầng lớp giữa tầng lớp quý tộc và thứ dân, mà ngay cả trong tầng lớp quý tộc của Waldermar và Stefcia cũng có sự phân rẽ sâu sắc. Tầng lớp đại quý tộc của Waldermar sẽ không bao giờ chấp nhận tầng lớp quý tộc nhỏ bé của Stefcia, dù cho nàng có là một người thiếu nữ đức hạnh và tốt đẹp đến đâu, dù cho nàng còn cao quý hơn biết bao nhiêu tiểu thư đại quý tộc khác. Nhưng thói ích kỉ và sự phù phiếm vẫn đạp lên tất cả trong cái xã hội hậu phong kiến đang dần đi đến hồi kết ấy, những con người trong tầng lớp cao quý luôn nhìn kẻ dưới với con mắt của kẻ bề trên lại luôn cho rằng bản thân mình đức hạnh khi là người ban phát những đặc ân nhưng kì thực lại không hiểu ra rằng chính mình lại đang sắm vai những kẻ đạo đức giả và phi nhân tính. Nói như Waldermar thì đó là sự vô luân. Và sự vô luân ấy được thể hiện ở những hành động đáng khinh rẻ từ việc vị hôn thê hụt của Waldermar công khai ra mặt bỉ bai Stefcia ở chốn công cộng đến việc những lá thư nặc danh gửi đến hạ nhục nàng khiến nàng lâm trọng bệnh, những hành động đầy tính dân đen và hèn hạ đó cho thấy sự đi ngược lại hoàn toàn những giá trị cao quý mà chính bản thân những kẻ tự cho mình cao quý nhất đó thường rao giảng. Mà cũng chính từ sự vô luân đó, ta mới đồng thời thấy rõ rệt rằng, sự khác biệt của con người chẳng hề nằm ở địa vị, tầng lớp hay tiền bạc; không thể nào phân chia kẻ này hạ đẳng và người kia cao quý chỉ dựa vào tầng lớp hay tước vị họ có được; mà sự khác biệt của con người nằm ngay trong chính nội tại của mỗi người, từ chính những sự giáo dục họ nhận được và cách cư xử. Vậy nên, đám đại quý tộc hèn hạ trong tầng lớp của Waldermar chẳng hề cao quý như chúng vẫn tưởng, trong khi đó, Stefcia lại thực ra mang đầy đủ những phẩm chất cao quý và đức hạnh mà giới quý tộc đó yêu cầu. Vậy thì sự phân tầng đó có còn thực sự cần thiết và xứng đáng tồn tại nữa không? Việc viết ra những điều mang ẩn ý sâu sắc như vậy của tác giả lại giống như một cái tát thẳng vào giới quý tộc đang ở thời kì suy kiệt và tàn tệ nhất. Để rồi, khi đọc được  những điều ấy, ta mới thấy trân trọng hơn một thế giới đang hết sức mình tiến đến với sự bình đẳng giữa con người với con người với nhau. Continue reading “Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.”

Lord of Scoundrels – Tình yêu của nàng hoàn thiện ta

Tôi là một fan cứng cựa của “Beauty and the Beast”, thậm chí còn đến mức điên cuồng. Suốt những năm qua, tôi đã sưu tầm hàng chục câu chuyện “Beauty and the Beast” – những dị bản khác nhau, những câu chuyện, những cuốn sách, những cuốn tiểu thuyết và những bộ phim được lấy cảm hứng từ “Beauty and the Beast”. Dạo gần đây, tôi có tìm ra một loạt sách được lấy cảm hứng từ “Beauty and the Beast”, do đó tôi sẽ bắt đầu một series các bài bình luận về những cuốn sách trong danh sách.

Cuốn sách đầu tiên tôi chọn đọc là “Lord of Scoundrels” (Dịch: Vô lại và quyến rũ) của nữ văn sĩ Loretta Chase. Sebastian Ballister, ngày Hầu tước Dain giàu có, quyền lực, tên trác táng bậc nhất London, tôi trộm nghĩ có khi là tên trác táng bậc nhất toàn cõi châu Âu luôn cũng nên, “chúa tể của những tên vô lại, tên đại dâm tặc trong cộng đồng các con chiên của Chúa, kẻ vô ơn cục súc và kiêu căng” theo lời vợ chàng và chính chàng thừa nhận, là một con quái vật trong hình dạng con người với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một đứa con trai không được cha mình yêu thương, ghét bỏ người mẹ của mình vì sự hiểu lầm suốt bao năm, một kẻ đã lớn lên với việc thay vì được học hỏi về lòng yêu thương và rộng lượng lại phải học và nhận biết quá sớm về sự khắc nghiệt và tàn tệ của thế giới này. Chàng đã sống, và có lẽ sẽ sống như thế đến hết đời, như một kẻ cặn bã dưới đáy xã hội, một kẻ mà bất cứ tiểu thư quyền quý nào nhìn thấy cũng sẽ giật mình ngất xỉu hoặc chạy xa trối chết bất kể chàng có giàu có đến đâu và quyền lực đến đâu. Nhưng, ở đâu đó sâu bên trong trái tim và tâm hồn mình, ngài Hầu tước Dain của chúng ta, chàng quái vật của chúng ta vẫn còn tồn tại những xúc cảm yếu mềm – thứ xúc cảm mà dù nó mềm mại và dịu dàng nhưng lại có sức mạnh vô song có thể khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn ai hết hết – là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Có lẽ chàng sẽ mãi mãi chối từ phần mềm yếu đó của mình, nếu như tiểu thư Jessica Trent, một cô nàng thông minh hơn cả trăm tên đàn ông cộng lại, tính tình độc lập thẳng thắn với miệng lưỡi độc địa, tâm địa trong sáng, lương thiện nhưng vẫn rất nhiệt thành và rộng rãi, không xuất hiện và vẫy đũa phép của nàng lên quái vật. Người đẹp xuất hiện và dần dần thuần hóa con dã thú. Chỉ có điều, tiểu thư Jessica của chúng ta rõ ràng là dũng cảm hơn Belle rất nhiều, và nàng chưa từng sợ chàng, hơn nữa, rõ rành rành là, yêu chàng say đắm, quá nhiều để mà buông tay thả rơi tình yêu của mình khi chưa có bất cứ sự cố gắng nào.

“Lord of Scoundrels” là một cuốn tiểu thuyết đầy lôi cuốn, đầy đam mê và say đắm. Một cuốn tiểu thuyết nhuốm đầy hơi thở của nhục dục, và tình yêu; nhuốm đầy màu đỏ như rượu vang của trái tim nồng nhiệt tô điểm thêm màu trắng trong như tuyết của tâm hồn thanh khiết, trong trẻo. Người đọc sẽ khó lòng mà rời ra khỏi được những trang sách đầy quyến rũ và nóng bỏng ấy. Sẽ không khỏi nhíu mày vì cái thái độ quá ư là cứng đầu cứng cổ, khó chiều, sáng nắng chiều mưa của ngài hầu tước; sẽ không khỏi bật cười mỗi khi thấy chàng bị nàng chọc cho tức phát điên mà không làm gì được; sẽ không khỏi ngưỡng mộ trước tình yêu rõ rành rành của Jess dành cho chàng mà nàng còn dũng cảm đến mức chẳng thèm che giấu nó, thẳng thắn đến mức chẳng thèm vòng vo mà thừa nhận nó với chàng; sẽ không khỏi cảm thấy tim mình mềm đi trước tình cảm chân thành sâu sắc của người đẹp đã dần cảm hóa quái vật và nàng không chỉ cho chàng tình yêu của mình, mà còn một gia đình.

Tuy nhiên, mặc dù nam chính của chúng ta là đại diện tiêu biểu cho tất cả những phẩm chất đáng ghét, suy đồi nhất ở một người đàn ông; và hiển nhiên là thứ biểu tượng đạo đức hoàn toàn đối lập với quy chuẩn đạo đức của cá nhân tôi; nhưng tôi lại hoàn toàn không thể ghét bỏ gì được người đàn ông đó. Bởi xuyên suốt cả cuốn sách, tất cả những gì tôi nhìn thấy là một người đàn ông với những nỗi đau và tổn thương quá sâu sắc đã ghi hằn trong trái tim chàng, không phải chàng không biết yêu thương mà là chàng không được dạy cách để yêu thương và không biết làm thế nào để yêu thương; bóng ma tâm lý trong lòng Sebastian giống như lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ quá mức quá quắt với con cái mình, quá mức lạnh lùng và quá mức ích kỉ để chấp nhận đứa con của mình bằng tình yêu thương vô điều kiện. Sebastian quả thực cần Jess, không chỉ vì chàng cần tình yêu của nàng sưởi ấm tâm hồn chàng và thắp sáng cuộc đời chàng, mà chàng cần  nàng dạy cho chàng cách để yêu thương, để hòa nhập vào cộng đồng mà bao lâu rồi chàng đã chối bỏ nó, để sống một cách trọn vẹn và hoàn thiện. Jess là nửa kia của Sebastian, là mặt sáng của chàng, là mảnh ghép hoàn thiện cuộc đời chàng.

Về phần dịch thuật, lần này tôi lại muốn vỗ tay khen cho phần dịch thuật của Nhã Nam, dịch rất mượt, ngôn ngữ thuần Việt mà vẫn không mất đi hồn văn chương và văn phong của tác giả.

Dancing at Midnight – Để tình yêu sưởi ấm tâm hồn bạn

Có lẽ cũng khá lâu rồi tôi mới quay lại với một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử, và sự thật luôn chứng minh, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử luôn có khả năng làm mềm mại bất cứ trái tim lãng mạn bậc nhất nào. Cuốn sách lần này tôi chọn là “Dancing at Midnight” (Tạm dịch: Khiêu vũ lúc nửa đêm) của Julia Quinn. Một cuốn sách đáng yêu, một tác phẩm ngọt ngào về tình yêu.

John Blackwood – ngài nam tước mới được phong tước sau quãng thời gian ở trong quân đội của anh, sống trong một ngôi nhà nhỏ, à thực ra là cũng không nhỏ lắm, nhưng so với điền trang của ngài Công tước Ashbourne – người bạn chiến đấu cũ của anh, ở bên cạnh thì quả là một nơi khiêm nhường, thậm chí còn có một cái tên kì dị; và cô tiểu thư thành thị Arebelle Blydon xinh đẹp, con gái của một bá tước giàu có, rực rỡ, em họ vợ của ngày Công tước Ashbourne; hai người đó tưởng như không có điểm chung nào cả. Đặc biệt là khi John có quá nhiều những góc tối trong quá khứ, có quá nhiều những nỗi đau dày vò anh, khiến anh thật khó khăn để chấp nhận chính mình. Nhưng may mắn thay, định mệnh cho anh gặp được Belle, cô không giống như những cô tiểu thư thành thị tóc vàng và phù phiếm, cô có một trái tim tràn ngập tình yêu, tràn ngập khát khao, đầy độc lập và một cái đầu thực tế, lý trí. Một cô gái như thế sẽ không bao giờ từ bỏ người đàn ông đã khuất phục trái tim cô, ít nhất là không từ bỏ trước khi chưa thử cố gắng. Tôi luôn thích mẫu phụ nữ giống như Belle, một người luôn hết lòng trong tất cả những gì mình làm, yêu sách, lãnh mạn mà vẫn đủ thực tế và tỉnh táo để không để cho những thứ viễn vọng, phù phiếm làm chủ đầu óc mình; hết mình vì yêu, không bao giờ chịu khuất phục, nhưng cũng rất thông minh để tìm ra người đàn ông xứng đáng với mình, và đủ thông minh để giữ chặt lấy người đó và không buông bỏ khi chưa đấu tranh; một người phụ nữ không chỉ cần dựa vào sự bảo vệ của người đàn ông mà tự chính cô cũng sẽ đứng lên để bảo vệ người đàn ông cô yêu và tình yêu của họ. Belle có thể chỉ cho rằng John cần cô, cần tình yêu của cô; nhưng cũng đúng như những gì John đã nói, cô đã cứu anh, khi anh cứu sống cô cũng là khi cô đã  tháo bỏ những gông cùm, xiềng xích của quá khứ cho anh; cô dạy anh về tình yêu mà trước hết là cách để yêu thương, tha thứ và chấp nhận chính bản thân mình; cô đã kéo anh ra khỏi cơn ác mộng tuyệt vọng về quá khứ và về một thứ tội lỗi do người đàn ông khác gây ra mà anh đã đeo lên mình suốt bao năm. Belle đã dạy anh nhiều điều hơn bất cứ ai có thể dạy, đã cứu anh, đã yêu anh, đã cho anh một gia đình trọn vẹn và những người bạn thân thiết luôn sẵn sàng đứng lên vì họ; và ngược lại, anh cũng đã đền đáp lại cô với tất cả tình yêu và cuộc sống của mình, anh cũng đã cho cô sự công nhận mà cô xứng đáng có được – điều mà rất ít người đàn ông trong xã hội quý tộc phong kiến đó có thể nhìn nhận ở một người phụ nữ, anh đã ủng hộ cô, tung hô cô, tự hào vì cô; anh là một người chồng tận tụy và còn hơn cả thế, anh là một người chồng hoàn toàn say mê vợ mình và yêu cô điên cuồng với tất cả trái tim anh.

Tuy nhiên, ở “Dancing at Midnight” tôi vẫn cảm thấy một đôi chút không hài lòng vì các tình tiết diễn ra hơi quá nhanh so với mong đợi của tôi và hơi quá nhiều vấn đề, hai nhân tố đó kết hợp với nhau sẽ biến tiết tấu câu chuyện trở nên có phần hời hợt vì bị lướt quá nhanh và gây ra sự hụt hẫng. Có lẽ tiết tấu và nhịp điệu như trong series Brigerton sẽ là hợp lý hơn cho một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử mang phong cách Julia Quinn thế này. Ấy nhưng, tôi thực thích cách xây dựng nhân vật của tác giả, cả John và Belle đều được tái hiện một cách hết sức sinh động, chân thực và tinh tế, và tôi cho rằng họ đã lột tả một cách trọn vẹn những điều tác giả muốn ở họ.

Về phần dịch, bản ebook tôi đọc là một bản dịch khá mượt mà về câu cú lẫn cách dùng từ, tuy rằng có một số đoạn vẫn còn chút sạn vì một vài lỗi nhầm lẫn khi dịch, nhưng tôi không cho rằng đó là điều quá là to tát. Bản dịch đã lột tả được nhân vật rất chân thực và vẫn giữ được nét văn phong của tác giả, tôi cho rằng người dịch đã có sự hiểu biết nhất định đối với cả tác giả và tác phẩm.

“Dancing at Midnight” là một tác phẩm khá ổn cho những ai thích dòng tiểu thuyết lãng mạn lịch sử và đặc biệt là cho các fan của Julia Quinn, tuy nhiên với tôi đây vẫn chưa phải là tác phẩm tốt nhất của Quinn.

Hạt ngọc ẩn mình – Mary Balogh

hat-ngoc-2444-1381229223

Có những khi người ta hi sinh quá nhiều mà lại chẳng biết giữ lại gì cho bản thân mình, như vậy là ngu ngốc hay cao thượng? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời đó trong “Hạt ngọc ẩn mình” của Mary Balogh.

“Hạt ngọc ẩn mình” là câu chuyện về Adam Kent, Công tước Ridgeway hùng mạnh và không nghi ngờ gì là người giàu có nhất nước anh, và nàng Fluer bé nhỏ, xanh xao. Định mệnh đưa họ gặp nhau vào cái đêm ngài công tước đi ngang qua nhà hát và nhìn thấy một bóng dáng gầy gò, nhỏ bé của một người con gái đang đứng lặng lẽ trong góc tường bên ngoài nhà hát Dury Lane – người mà không nghi ngờ gì là một cô gái điếm. Trước đó, công tước đã luôn giữ lòng trung thành với cuộc hôn nhân không tình yêu, không cảm xúc của mình, cho đến khi ngài gặp cô gái, không biết sự thúc giục từ đâu đã khiến ngài mua một đêm của cô ta, và từ đó cuộc đời ngài thay đổi. Thật chẳng ngờ cô gái điếm mà ngài mua đó lại còn trong trắng, cảm giác tội lỗi đã đeo bám con người trách nhiệm của ngài công tước và khiến ngài phái thư kí riêng đi tìm bằng được cô, đưa cô trở thành gia sư của con gái mình và che chở cô dưới mái nhà của mình. Còn Fluer, cô gái gầy gò lặng lẽ ấy, điều cuối cùng cô mong muốn trên thế gian là gặp lại người đàn ông đã mua sự trong trắng của cô đêm đó và trả lại cho cô những cơn ác mộng, vì  thế cô đã gần như chết ngất khi biết anh chính là ông chủ của mình và mình được thuê để làm gia sư cho con  gái anh. Ban đầu, ngài công tước trong mắt Fluer thật đáng sợ, cô thiếu lòng tin nơi anh trầm trọng, và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ anh sẽ biến cô thành tình nhân của mình, nhưng mặt khác, cô lại yêu cuộc sống mới của mình ở Willoughby, dinh thự của Công tước Rigdeway, ở đó cô đã được sống như một con người, ở đó cô đã được làm công việc có ích, ở đó cô đã được tự do sống với âm nhạc. Chỉ duy có một điều mà công tước luôn muốn biết, đó là Lý do gì đã khiến một cô gái trẻ với đầy đủ trí tuệ và phẩm hạnh lại phải đi làm cái công việc mạt hạng của những kẻ đến từ phố Đông? Lại một lần nữa, anh quyết tâm tìm ra câu trả lời cho mình, anh đã phái người đi tìm hiểu về thân thế của cô gái mình đang che chở với tư cách là gia sư của con gái mình – gia nhân trong nhà anh. Khi biết sự thật, anh lại càng muốn bảo vệ và che chở cho cô, đảm bảo đến cùng sự an toàn của cô. Để rồi anh đánh mất trái tim mình cho cô lúc nào chẳng hay.

Đúng vậy, Adam Kent, ngài công tước Rigdeway, anh có tất cả mọi thứ để cho, lòng chung thủy dành cho cuộc hôn nhân không tình yêu và người vợ căm ghét anh;  tình yêu thương dành cho đứa con gái mà anh biết không phải con ruột anh – đứa con mà “Nếu phải chọn giữa con bé và em, Fleur – và có lẽ là vậy thật – thì ta sẽ chọn con bé.”; anh trao cho những người làm trong nhà anh sự che chở và thân thiện của một ông chủ; và hơn hết, anh trao cho Fluer tất cả trái tim anh, nàng, không nghi ngờ gì, là tình yêu của đời anh. Nhưng khi đã trao đi nhiều như thế, anh lại chẳng giữ lại gì cho mình, sau cùng, anh vẫn biết mình còn bị trói buộc lại với cuộc hôn nhân không cảm xúc vì anh yêu Pamela – đứa con gái bé nhỏ mà anh đã yêu thương ngay cả khi anh biết đó chẳng phải con mình; anh còn trách nhiệm, và hơn hết, anh không thể trói buộc người phụ nữ anh yêu bằng cả trái tim khi anh biết mình không được tự do cho cô, mặc dù Fleur cũng đã yêu anh nhiều như anh yêu nàng. Họ đã quyết định dành cho nhau một đêm trọn vẹn, một đêm của người đàn ông và người đàn bà yêu nhau thắm thiết và say đắm, một đêm không bị ràng buộc bởi bất kì lề thói hay trách nhiệm, để rồi sau đêm đó, anh sẽ trở về là Công tước Ridgeway với những trách nhiệm, còn nàng sẽ trở về với ngôi nhà của mình. Nhưng định mệnh đã mang họ đến bên nhau, vậy liệu định mệnh có thể nào một lần nữa, đem họ về bên nhau không? Bạn biết đấy, số phận đôi khi nó nghiệt ngã, nhưng không phải mọi lúc, ít nhất thì sau cùng, nó sẽ ngưng lại khi cảm thấy mình đã thử thách người ta đủ, đúng không?

Tôi đã hiểu vì sao “Hạt ngọc ẩn mình” lại trở thành tiểu thuyết lịch sử số 1, thật tuyệt vời, những câu chữ đơn giản mà thật kì diệu. Cách hành văn đặc trưng của Mary Balogh, luôn xây dựng nhân vật với những tầng lớp tâm lý chồng lên nhau mà người đọc phải gỡ từng phần, từng phần mới nhìn thấu được bên trong. Adam và Fleur đã đi một quãng đường dài, một cuộc hành trình đầy khổ đau và hi sinh để tìm thấy nhau. Tôi thật ngưỡng mộ nàng Fleur nhỏ bé ấy, bởi sau biết bao đau khổ, những tưởng nàng sẽ gục ngã, nhưng không, sau mỗi lần như thế, nàng lại đứng dậy, mạnh mẽ hơn, và độc lập hơn. Và càng mạnh mẽ, độc lập bao nhiêu thì nàng lại càng yêu mãnh liệt bấy nhiêu. “Hạt ngọc ẩn mình” là sự lột xác của Fluer, từ một cô gái điếm nhỏ bé, xanh xao đứng nép ngoài nhà hát Dury Lane trở thành một người phụ nữ độc lập, một quý cô mạnh mẽ, và mang một trái tim rộng mở, mãnh liệt; từ một viện đá cuội trở thành một viên ngọc trai lấp lánh. Tôi nghĩ, đây là một câu chuyện mà mọi cô gái, mọi người phụ nữ đều nên đọc.

Còn về câu hỏi ở trên đầu, hãy đọc tác phẩm này, và tìm câu trả lời của riêng mình!

“Từ giây phút Pamela chào đời con bé đã là của ta, và ta sẵn sàng chết vì nó. Nếu thật sự có đề nghị hủy hôn để được ở bên em, thì ta không thể làm thế vì Pamela. Nếu phải chọn giữa con bé và em, Fleur – và có lẽ là vậy thật – thì ta sẽ chọn con bé.”

Cô rúc đầu vào ngực anh.

“Vâng,” cô nói. “Vâng.”

“Em có ghét ta vì điều đó không?” anh hỏi.

“Không.” Cô im lặng hồi lâu. “Đó chính là lý do em yêu ngài, Adam. Cuộc sống của ngài có rất ít chỗ dành cho bản thân. Nó tràn ngập những quan tâm lo lắng cho hạnh phúc của người khác. Ban đầu em đã không biết hoặc không ngờ được chuyện đó, nhưng càng ngày em càng thấy rõ.”