Machiavelli: A Biography – Miles J. Unger

Mặc dù chưa có một thước đo nào định lượng được sự đóng góp hay tầm ảnh hưởng của Niccolò Machiavelli đối với khoa học chính trị hiện đại là đến đâu, nhưng không gì có thể phủ nhận được Machiavelli đã đặt một tiền đề cho khoa học chính trị và việc nghiên cứu chính trị hiện đại. Tuy nhiên, vị Đại pháp quan thứ hai của Florence thường được gắn liền với những tính từ như mưu mô, xảo quyệt, và tư tưởng chính trị của ông thường bị coi là ủng hộ khuynh hướng đàn áp bằng bạo lực, dối trá, và tư tưởng chuyên chế thông qua những điều mà người ta biết về ông từ tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất, có tầm ảnh hưởng nhất của ông – Quân Vương. Tác phẩm ra đời trong thời kỳ thất thế của Machiavelli với mục đích ban đầu là một bản “CV xin việc” mà ông định dâng lên những nhà cầm quyền Florence lúc đó để mong được trở lại với công việc ngoại giao của mình, nhưng sau này đã trở thành một trong những tác phẩm chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất, từng nằm trong danh mục sách cấm của Giáo hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ đọc “Quân Vương” và nghe/đọc những phân tích của giới khoa học cũng như giới chính trị về tác phẩm này thôi và phán xét về tác giả của nó thì sẽ thật thiếu sót, mặc dầu “Quân Vương” mang nặng tư tưởng chuyên chế và được các nhà độc tài như Hitler, Stalin…ưa chuộng, nhưng rõ ràng “Quân Vương” là một tác phẩm mang nặng tính suy nghiệm và đưa ra các phân tích nhiều hơn là sự phán xét dù được viết bằng một thứ ngôn ngữ thẳng thắn, bộc trực, và không hoa mỹ. Vậy nên, thật khó để chấp nhận rằng người viết ra những tư tưởng sâu sắc dường đó lại là người ngây ngô đến nỗi chỉ thể hiện duy nhất một khía cạnh của mình, thậm chí là để cho khía cạnh ấy hiển lộ rõ ràng như thế trong tác phẩm.  Cuốn tiểu sử về Machiavelli được chắp bút bởi Miles J. Unger – một cây viết kỳ cựu về nghệ thuật và văn hóa của các tờ báo lớn như The Economist, The New York Times – sẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho những nghi ngại của chúng ta về vị Đại pháp quan đặc biệt của thành Florence.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút ở Florence vào thời Phục Hưng, với người cha là một học giả có khuynh hướng yêu sách vở hơn là lo gầy dựng lại gia tộc đang sa sút, Niccolò Machiavelli có lý do để cho rằng bản thân ông sinh ra trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, chính hoàn cảnh đó đã giúp tạo ra một người đàn ông mang đầy đủ cả những phẩm chất của một nhà quý tộc lẫn phẩm chất của một học giả. Như con em của các gia đình danh giá khác, Machiavelli được giáo dục hết sức tử tế và cũng giống cha mình, ông có niềm đam mê đặc biệt với các tác phẩm kinh điển, hiểu biết sâu sắc về lịch sử và triết học, và được ảnh hưởng sâu sắc bởi chính các nhà tư tưởng trong quá khứ và những bài học lịch sử mà chính chúng đã góp phần tạo ra trí tuệ mẫn tiệp và góc nhìn sâu sắc và sắc sảo của ông đối với chính trị. Trí tuệ đó không ngừng được mài giũa trong những cuộc đi sứ trên danh nghĩa Cộng hòa Florence trên cương vị Đại pháp quan thứ hai của Florence, ông đã gặp gỡ và đàm phán với những vị vua, những vị lãnh chúa hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ và có cơ hội được chứng kiến tận mắt sự xung đột chính trị đương thời trên con đường đi sứ của ông tới các thành quốc của nước Ý. Thời kỳ mà Machiavelli sống là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử nước Ý nói riêng và lịch sử châu Âu nói chúng, đó là thời kỳ mà nước Ý chia năm xẻ bảy thành các lãnh địa riêng biệt với những lãnh chúa đầy tham vọng, hùng mạnh và chưa bao giờ ngừng kiếm tìm sự xung đột. Đó cũng là thời kỳ mà người ta gọi là “ra ngõ gặp thiên tài” khi sản sinh ra những nhà nghệ thuật lẫn những triết gia vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Dante,v.v. Thế nên có lẽ, đó là lý do mà tài năng của Machiavelli đã không được nhìn nhận và đón nhận đúng mực khi đó. Cuộc đời ông gắn liền với việc phụng sự chính quyền và khao khát vực dậy những vinh quang từ thời tổ tiên của đất nước mà ông yêu hơn tất thảy, tuy nhiên, với tính cách thẳng thắn đến mức thô lỗ, ông lại không được lòng mọi người, đặc biệt là những nhà cầm quyền, chính vì lẽ đó nên cuộc đời của Machiavelli cũng thăng trầm như chính số phận của đất nước quê hương ông vậy.

Chân dung Machiavelli vẽ thời Phục Hưng, theo Wikipedia

Tuy nhiên, nếu như chỉ nhìn vào “Quân Vương” và đánh giá thì quả thực rất dễ để cho rằng vị Đại pháp quan thứ hai của Florence là một kẻ vô đạo đức, xảo quyệt, không vững lập trường và gió chiều nào che chiều nấy. Nếu chiếu theo quan điểm đạo đức dựa trên sự trung thành với chính thể thì Machiavelli còn xa với đạt tới được ngưỡng chớm bắt đầu. Vậy nhưng, tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa chúng ta đến một cách tiếp cận khác với nhiều góc nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về nhân vật này. Unger sử dụng lối tiếp cận vấn đề khá tương đồng với nhân vật chính của mình khi cố gắng hết sức đưa ra càng nhiều nhất các góc nhìn có thể và trung thực hết sức nhưng không sa đà vào sự phán xét, điều này cũng giống như Machiavelli khi viết “Luận bàn về Livy” – một tác phẩm nổi tiếng khác của ông, ra đời trước “Quân Vương”, hay các báo cáo mà ông gửi về nhà cầm quyền Florence trong những cuộc đi sứ của mình. Trên nền lịch sử và chính trị thời kỳ Phục Hưng, Unger cho thấy rõ ràng những ảnh hưởng của sự đổi thay của thời cuộc lên sự nghiệp của Machiavelli, mặc dầu là một người hay châm biếm, thích mỉa mia, bất tuân mọi tiêu chuẩn đạo đức và các chuẩn mực của Giáo Hội, cũng từ chối kiểu mê tín, tin vào thần thánh, nhưng ông nhắc nhiều đến nữ thần Số Mệnh và sự đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa của vị thần này như một cách để nói về những “trò đùa tai quái, trêu ngươi” mà số phận đã giáng lên ông không khoan nhượng. Trong tác phẩm tiểu sử của mình, Unger đã giải thích được cho thái độ “gió chiều nào che chiều ấy” của Mechiavelli khi mới ngày hôm trước còn ủng hộ người bạn, nhà cầm quyền cũ của Florence – Sordini; thì thời gian ngắn sau ông đã cố gắng tìm cách để lấy lòng những người nhà Medici – những vị quân vương mới của Cộng hòa Florence sau khi phế truất Sordini; thái độ đó của Machiavelli thường bị cho là vô đạo đức và không nhất quán lập trường, tuy nhiên, từ Unger chúng ta thấy được vị Đại pháp quan thứ hai của Florence chưa bao giờ thực sự quan tâm đến việc ai là nhà cầm quyền mà ông quan tâm hơn đến việc làm sao để nhà cầm quyền thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Lòng trung thành của Machiavelli, vốn bị những đồng liêu đương thời và các thế hệ sau đánh giá một cách sai lầm, không đặt trên người nhà cầm quyền mà đặt ở chính mảnh đất quê hương mà ông yêu quý và chiến đấu cả đời để bảo vệ, đau đáu, do đó, với ông, chỉ cần là chính quyền mang lại lợi ích cho nền cộng hòa và nước Ý thì ông sẽ phụng sự chính quyền đó. Tuy nhiên, với bản chất là một người bộc trực và thẳng thắn đến mức thô lỗ, ưa thích châm biếm và tự trào, Machiavelli, như đã nói ở trên, không được lòng bất cứ phe phái nào, chưa kể đến việc ông cũng không màng đến chuyện phe phái và công khai khinh bỉ ra mặt các kiểu phe phái. Việc một con người đứng giữa dòng chảy lịch sử nhưng lại từ chối nghe lệnh của dòng chảy đó vốn đã là một hành động báo trước những bấp bênh trong số phận của con người ấy. Cuốn tiểu sử của Unger đi sâu vào những mâu thuẫn từ Machiavelli và cố gắng xoay lăng kính của mình ở mọi góc độ để thấu hiểu và lý giải những mâu thuẫn đó, và Unger đã làm được điều đó. Phẩm chất của một nhà báo và một nhà nghiên cứu đã giúp cho Unger phản ánh trung thực và khách quan hình ảnh của một nhà chính trị, triết gia đặc biệt sinh ra trong một thời kỳ đặc biệt, người mà cho đến giờ vẫn không ngừng gây tranh cãi nhưng cũng không có ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của ông tới nền khoa học chính trị hiện đại. Tuy nhiên, dù khắc họa ở khía cạnh sự nghiệp của Machiavelli khách quan bao nhiêu, thì ở khía cạnh cá nhân và tính cách, Unger hẵng còn sa đà vào những thiên kiến khi cố gắng tẩy trắng cho đời sống cá nhân của nhân vật. Machiavelli, dù là một trí tuệ mẫn tiệp của thời đại, nhưng cũng không nghi ngờ gì là một người đàn ông bình thường ở thời Phục Hưng, sinh ra trong một gia đình quý tộc, nên bên cạnh thú vui trí tuệ, ông cũng có những thú vui tầm thường khác như qua lại với gái điếm, một thú vui mà ông không bao giờ từ bỏ ngay cả khi đã có vợ con đề huề và sống trong cảnh điền viên bị ép buộc ở thời kỳ thất thế. Đây có lẽ là điểm trừ khiến cho cuốn tiểu sử của Unger không thực sự trọn vẹn như kỳ vọng.

Bất chấp những điểm còn chưa trọn vẹn, thì tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa cho chúng ta góc nhìn đa chiều về không chỉ Machiavelli mà còn có cả một bức tranh tổng quan về tình hình chính trị, địa chính trị, lịch sử, và xã hội của nước Ý thời Phục Hưng. Đó là một thời kỳ đặc biệt, khi ở đó, nước Ý đã sản sinh ra những thiên tài của thế giới, những danh họa kiệt xuất, các nhà tư tưởng và triết gia xuất chúng, mà cũng chỉ có thời kỳ đó mới có thể sinh ra hai con người vĩ đại với sự trái ngược hoàn toàn, không có lấy bất cứ một điểm chung nào, thời kỳ đó đã sinh ra Niccolò Machiavelli, một triết gia, một nhà chính trị sắc sảo, người đã đặt tiền đề cho khoa học chính trị hiện đại, người đã dành cả đời để phụng sự cho quê hương nhưng lại bị hắt hủi và ghẻ lạnh bởi chính quê hương và đồng bào mình. Cuốn tiểu sử về Machiavelli là một sự gợi mở để chúng ta không chỉ đi tìm hiểu nhiều hơn về vị triết gia gây tranh cãi mà nó còn là một tiền đề thúc đẩy cho tinh thần tìm tòi, khám phá, luôn hoài nghi những khẳng định được đưa cho trước khi có thể tìm đến hoặc khẳng định sự thật.

Gạt bỏ định kiến để bước trên “Con đường Hồi giáo”

Trung Đông là gì ư?

Trung Đông đối với tôi là rất nhiều khía cạnh, rất nhiều mảng màu, giống như chiếc kính vạn hoa đủ màu bằng nhựa mà ngày nhỏ tôi vẫn thường được mua cho mỗi dịp Trung thu về. Bắt đầu từ những mảng màu sặc sỡ của đền đài, cung điện, những đêm Ả Rập huyền bí, trong chiều sâu văn hóa, sự bí ẩn, nơi có ông hoàng ác độc ở thành Bagdah đã được cảm hóa bởi nàng Scheherazade xinh đẹp bằng ngàn lẻ một câu chuyện kể hàng đêm đã làm mê mẩn tôi suốt những ngày thơ ấu. Cho đến những câu chuyện lịch sử, những cuốn phim Thổ làm về Đế chế Ottoman hùng mạnh, từng xứng bá trên địa cầu và là nỗi khiếp sợ của toàn cõi châu Âu, châu Á và cả châu Phi. Sau này, cứ như thể nhìn thấu suốt những bất an trong quãng đường trưởng thành của tôi, số phận lần nữa đưa tôi gặp Trung Đông trong những tin tức kinh hoàng về khủng bố, về giết chóc, những câu chuyện về thế giới huyền bí năm xưa bị thay thế bằng những tin tức rùng rợn, niềm tin bị thử thách đến tận cùng, những mơ mộng tươi đẹp của thuở ấu thơ bị đập tan tành, sự mơ mộng bị thay thế bởi nỗi sợ, hàng loạt câu hỏi diễn ra trong tôi trong sự hoang mang tột độ đòi hỏi phải đi tìm bằng được câu trả lời cho thực xác đáng.

Nếu ai đã từng đọc “Tôi là một con lừa” của Nguyễn Phương Mai và thấy rằng mình cần phải thay đổi, thấy rằng tác giả đã dẫn mình đi qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đập tan hàng loạt định kiến bên trong mình, thì với “Con đường Hồi giáo” sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác hẳn – hoàn toàn không định kiến, rộng mở hơn rất nhiều, thấu suốt và sâu sắc hơn rất nhiều, đòi hỏi tất cả chúng ta phải cởi bỏ hoàn toàn những tư duy thâm căn cố đế trong đầu mình để cùng tác giả bước trên một hành trình mới – khám phá Trung Đông nhiều ẩn ức.


Đầu tiên, tôi phải nói rằng tôi ngưỡng mộ tác giả – vì sự dũng cảm của chị, vì tinh thần trân trọng tri thức hết sức đáng quý và đầy kiên định của chị, mà ta có thể thấy ngay ở đoạn đầu của cuốn sách, trong thái độ gay gắt chị dành cho kẻ đáng ghét chẳng những đã không hiểu được niềm vui khám phá và tiếp nhận tri thức, mà còn chẳng hiểu cái quái gì về cuộc đời hết.

Một thương nhân tầm thường như George không thể tiêu thụ được cái sự thật là một cô-gái-Việt-Nam (rất không liên quan!) đã lao động cực nhọc suốt gần một năm qua, không mua một xu quần áo mới, trở thành kẻ bủn xỉn vắt cổ chày ra nước để dành tiền cho một chuyến đi nhiều hiểm nguy hơn vui thú, một chuyến đi không hề liên quan gì đến niềm tin tôn giáo của cá nhân cô ấy, cũng không phải do sự đồng thuận văn hóa, hoặc thậm chí cũng chẳng phải là đòi hỏi công việc. Một chuyến đi chỉ đơn thuần với một mục đích để hiểu biết, và để chia sẻ sự hiểu biết ấy đến mọi người.

Nguyễn Phương Mai, 2014

Chị lên đường đến Trung Đông với một trái tim trần trụi – một trái tim không vương định kiến dù bị bủa vây với biết bao tin tức tiêu cực hàng ngày, chị chỉ đơn giản là đi để trải nghiệm, để mở toang tâm trí và trái tim mình và tìm kiếm sự thật. Đây vừa là tinh thần của một nhà khoa học luôn và chỉ luôn đi tìm sự thật, chân lý trong trái tim của một kẻ phiêu lưu luôn khao khát được tới những chân trời mới, và sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố này trong Nguyễn Phương Mai đã đưa chị dấn thân vào cuộc hành trình 9 tháng băng qua một nửa Trung Đông (trải dài trên 3 lục địa Á, Phi, và Âu). Chị từ chối tin vào và chịu sự dẫn dắt của truyền thông hiện đại, từ chối tin vào điều mà đám đông xung quanh chị vẫn tin – sự đi ngược lại số đông đó vốn dĩ đã là một sự dũng cảm, nhưng tôi đồ rằng chị sẽ không chấp nhận chúng ta gọi nó như vậy đâu, và chặng đường của chị qua vùng đất mà thế giới đang nhìn họ với con mắt nửa khinh bỉ nửa ngán ngẩm ấy cũng là một lựa chọn dũng cảm không kém. Nhưng cũng nhờ thế, mà con người mới được gột bỏ những điều sai lệch đã bắt rễ trong tâm trí, nhờ thế mà chúng ta mới được cùng chị bước đến Trung Đông – nơi đã từng là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại, vùng đất đầy kiêu hãnh với lịch sử tiến bộ và những tư tưởng đi trước thời đại, nhưng cũng đồng thời đang bị giằng xé giữa những ẩn ức của quá khứ và hiện tại, trong xung đột của tôn giáo và đức tin, trong sự hèn hạ của những kẻ đã biến tôn giáo trở thành thứ công cụ chính trị phi nhân hòng kiểm soát con người.

Nguyễn Phương Mai thâm nhập vào đời sống của Trung Đông, sống, đi, quan sát, và cả thực hiện những nghiên cứu của riêng mình, rồi rút ra những kết luận cho riêng mình. Để rồi từ đó, rút ra những bài học quý giá về con người, về tôn giáo, về đức tin, về tự do. Nguyễn Phương Mai đặt ra nhiều câu hỏi đắt giá trong cuốn sách của mình, vừa là cho chính bản thân chị cũng vừa là cho những độc giả của mình. Chuyến đi của chị thách thức niềm tin của tất cả chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng mang lại niềm tin cho chúng ta về lòng tốt và sự hướng thiện của con người.

“Con đường Hồi giáo” đã vượt qua khuôn khổ của một cuốn sách du ký thông thường, bởi tác giả dã không chỉ đơn thuần là kể về cuộc hành trình của mình, đi những đâu, làm những gì, sống ở đâu. Mà trong cuốn sách này, tác giả đã đi sâu hơn, làm nhiều hơn, sống gần gũi với người dân bản địa, và đi với tâm thế không phải một người khác du lịch từ phương xa tới mà là một con người đang muốn học, khẳng định, đi tìm sự thật, và bác bỏ tin đồn, đây là sự kiểm chứng của riêng tác giả với những điều mà chị còn đang nghi ngờ. Bên cạnh đó, “Con đường Hồi giáo” là một nghiên cứu để bóc tách, nghiền ngẫm, và suy tư về tôn giáo, về bản chất của tôn giáo, và về văn hóa, lịch sử Trung Đông, từ đó, là suy tư sâu xa hơn về lịch sử, về con người và vai trò của con người trong xã hội, trong vũ trụ này, và từ đó, đối sánh với chính Việt Nam – quê hương của chị, vừa để thừa nhận những điều còn chưa tốt, nhưng cũng vừa để công nhận những điều mà chúng ta có.

Tác giả Nguyễn Phương Mai – hình trên Tạp chí Đẹp online

👋

Tìm hiểu về thế lực Khách trú ở Nam kỳ thế kỉ XX trong một tác phẩm của Đào Trinh Nhất

Kết quả hình ảnh cho thế lực khách trú và vấn đề di dân vào nam kỳ bìa sau

Trong lịch sử hơn hai ngàn bảy trăm năm của Việt Nam, có lẽ, không có một dân tộc nào có nhiều mối liên hệ, hiềm khích, duyên nợ với chúng ta hơn Trung Quốc. Từ một ngàn năm Bắc thuộc cho đến những người Hoa kiều đến sinh sống, lập nghiệp và làm ăn ở miền Nam vào thế kỉ 20, không sai chút nào nếu có ai đó nói rằng Trung Quốc, người Hoa hay văn hóa Trung Hoa đóng một vai trò quan trọng trong chiều dài lịch sử dân tộc ta.

“Lịch sử sự đọc vẫn chưa quên, ở vào thời điểm “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” xuất hiện, đã từng gây nên một “best-seller lộn kèo”, sách vừa ra đến tiệm thì các nhóm Khách trú đã thuê sẵn người, mua vét cho kỳ hết mà đem đốt,. Một phản ứng dội ngược, quyết liệt mang tính tự vệ tiêu cực của kẻ bị đánh trúng điểm yếu huyệt, thay vì phản biện ại bằng một công trình khoa học mang tính đối thoại, thì những người Hoa, một cách quen thuộc, lại sử dụng “chiêu trò” sức mạnh đồng tiền và khủng bố để bôi xóa sự thật.”

Đây là lời giới thiệu nằm sau cuốn sách khảo cứu lịch sử – xã hội “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” của tác giả Đào Trinh Nhất đã khiến tôi bị ấn tượng mạnh và tò mò để rồi đọc nó. Đào Trinh Nhất là một nhà văn và nhà báo xã hội nổi tiếng ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỉ 20, ngòi bút của ông sắc bén, tư duy tiến bộ với những nhận định đi trước thời đại khiến cho những tác phẩm của ông luôn có sức hút lớn đối với người đọc, đặc biệt là người đọc ở thế hệ sau.

Cuốn sách được chia ra thành hai phần, phần đầu là nhận định của tác giả về thế lực của người Hoa ở Nam kỳ, và từ những nhận định đó, tác giả đưa ra những lý do tại sao phải di dân vào Nam kỳ và những khuyến nghị cho chính phủ để giải quyết vấn đề di dân vào Nam kỳ sao cho vừa có lợi cho người dân lại vừa có lợi cho chính phủ. Continue reading “Tìm hiểu về thế lực Khách trú ở Nam kỳ thế kỉ XX trong một tác phẩm của Đào Trinh Nhất”

Đã có thời Hà Nội lầm than!

“Hà Nội lầm than” là một thiên phóng sự của Trọng Lang được in trên báo Đời Nay từ năm 1938, tức là thời kì trước Cách mạng tháng Tám 1945. Để viết “Hà Nội lầm than”, tác giả đã đi đến những nơi cùng bần, khổ đau nhất của mảnh đất rồng bay để sâu sát đến những con người đau khổ nhất trên mảnh đất này, để hỏi chuyện, để lắng nghe họ, và để xót xa cho những kiếp người khổ đau ấy. Trọng Lang đã đến gặp những gái nhảy, những nhà cô đầu, thậm chí đã đi đến cả cái nơi ô uế nhất mà “người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm. Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào…nhà thổ”, và cả những ổ ăn mày mà thời đó, người ta còn có những thứ nghề nghiệp hết sức mỉa mai như “nghề ăn mày” hay theo như cách nói của tác giả, là “ăn mày chuyên nghiệp”. Trong “Hà Nội lầm than”, tác giả dành một niềm cảm thương sâu sắc cho cô đầu, những người đàn bà đáng ra đem tiếng hát của mình để góp vui cho đời, cho người; nhưng vì cái thối nát bần tiện của xã hội, vì cái xâm lăng đau đớn của những thói phù phiếm, xa hoa mà họ đã phải bán đi cả con người và linh hồn mình, để cho những gã đàn ông phù phiếm thỏa mãn thứ dục vọng bần hèn của mình mà vẫn khoác lên người “tấm áo” đạo mạo, cao sang. Rồi đến những kiếp đàn bà trong nhà thổ mà thậm chí tác giả cho rằng họ chẳng còn là đàn bà mà là một loại con vật nào đó, một loại sinh vật chẳng ra hình người, lệ thuộc vào thuốc phiện và chỉ sống vật vờ qua ngày như cái xác khô để chờ chết. Dưới ngòi bút của mình, Trọng Lang đã viết nên nỗi cơ cực của những kiếp người ấy; đã viết nên sự ác độc của cái gọi là sự xâm lược về tinh thần khi mà những làn khói thuốc phiện đang giết dần, giết mòn một thế hệ, một dân tộc; đã viết về những cảnh người bần cùng nhất trong mọi sự bần cùng, đau khổ nhất trong mọi cái đau khổ; đã khắc họa lên một xã hội mục ruỗng, thối nát mà ở đó, ai nhìn vào cũng thấy là một bức tranh sơn son thếp vàng nhưng kì thực bên trong đã bị mối mọt gặm nhấm đến tận cùng; tác giả cảm thương cho thân phận người đàn bà trong xã hội ấy và chỉ trích sâu cay những gã đàn ông mạt hạng chà đạp lên thân xác những người đàn bà yếu đuối để thỏa mãn cái dục vọng của mình và để vắt kiệt những người đàn bà ấy đến tận hơi thở cuối cùng để thỏa mãn những cơn thèm thuốc phiện. Thậm chí, còn có những con chuột, con mèo…bị gia chủ cho dùng thuốc phiện để chúng nghe lời, trung thành với gia chủ, để chúng có thể nghe theo lời sai khiến của gia chủ. Cả một xã hội bị bao bọc trong khói thuốc phiện hiện lên dưới ngòi bút của Trọng Lang làm ta cảm thấy không khỏi rùng mình mà cũng chẳng khỏi xót xa. Quả là Hà Nội lầm than! Cái lầm than ánh lên từ mọi ánh mắt, mọi ngóc ngách trong cái thành phố đã từng là đất kinh kỳ, phồn hoa ấy.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta đều biết đến một Việt Nam anh dũng, kiên cường và hào hùng; chúng ta đều biết một Hà Nội vẫn sừng sững, hiên ngang vươn mình sau những đau thương chất chồng từ giặc lũ xâm lược; nhưng chúng ta lại không biết, hoặc là vì một lý do nào đó đã vô tâm bỏ qua, một Hà Nội đã từng chịu những cảnh đau thương mà chẳng phải do súng bom, đạn dược mang tới – đó là những nỗi đau thương trong những cảnh người lầm than, những nỗi đau thương trong tinh thần rệu rã của một kiếp người bị chìm trong khói thuốc phiện, một kiếp những con người bị những thứ tha hóa, bỉ ổi, bẩn thỉu và vô đạo chà đạp; một kiếp mà những hình người không ra hình người, những con người chẳng còn là người mà chỉ là những con vật vô cảm chỉ bởi nỗi cùng cực đã ngày này qua tháng khác tẩy đi hết phần “người” trong họ. Vậy nên mới phải đọc “Hà Nội lầm than” của Trọng Lang để được cảm nhận hết những nỗi đau đó của đất kinh kì phồn hoa, để thấy được Hà Nội để có thể vươn mình sừng sững như hôm nay, đã từng phải oằn mình gồng gánh biết bao kiếp người đau khổ. Đã có thời, Hà Nội lầm than!

Nhật kí Đặng Thùy Trâm -Lời đại diện của một thế hệ anh hùng

“Mà nói vậy: “Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu…”

(Trích “Bài ca mùa xuân 1961” – Tố Hữu)

Tôi vừa mới gập lại trang cuối cùng trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” – cuốn nhật kí của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc đời này.

“Nhật kí Đặng Thùy Trâm” là cuốn nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những năm tháng chị làm quân y ở chiến trường miền Nam trong thời kháng chiến chống Mĩ, chị, cũng như bao nhiêu người con miền Bắc thời đó, đã rời bỏ miền Bắc thương yêu, đã rời bỏ vòng tay gia đình ấm êm để lên đường vào Nam, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và Thùy Trâm cũng như bao nhiêu con người ở thời đó, đã chiến đấu, đã ngã xuống, đã đánh đổi ngày mai của chính mình cho ngày mai của dân tộc.

Trong cuốn nhật kí này, Thùy Trâm đã ghi lại những tháng ngày gian khó trên chiến trường, khi chị vừa phải cố gắng hết mình để chăm sóc cho các thương, bệnh binh trong chiến tranh, với chị, họ là những người đồng chí thân yêu, những con người mà với chị họ còn khổ đau hơn chị vì “ít ra mình còn được biết đến hòa bình; còn những con người ở đây, có người đã ngã xuống mà chưa được biết một ngày hòa bình”; chị cứu chữa cho những thương binh ấy không chỉ vì trách nhiệm của một người bác sĩ, mà còn vì trách nhiệm mà chị tự đặt ra cho riêng mình với tổ quốc – trách nhiệm ấy đòi hỏi chị phải cứu cho kì được những người con đã hi sinh tất cả của mình cho tổ quốc quyết sinh; với gia đình những người thương binh, với cha mẹ già, với vợ con họ. Thùy Trâm là một cô gái miền Bắc đã được nếm trải những ngày hòa bình, là một nữ trí thức với trái tim đầy nhạy cảm, và đầy ước mong; nhưng chị đã chọn ra đi vào chiến trường miền Nam, bỏ lại sau lưng những ấm êm để đi theo tiếng gọi của tổ quốc; trưởng thành qua bao khó khăn, gian khổ, nhưng ở chị vẫn luôn ánh lên một niềm lạc quan, những ước mong rất đỗi giản dị, rất đỗi lãng mạn, thơ mộng của một cô gái ở độ tuổi đôi mươi. Ở trong mỗi trang sách, ta nhìn thấy được cái ác liệt của chiến trường, nỗi đau của dân tộc, những hào hùng xen lẫn đau thương khiến cho trái tim người đọc chẳng khỏi run rẩy, những ngày tháng gian khó đến chẳng thể tưởng nổi; nhưng đồng thời ta cũng nhìn thấy sự lạc quan ánh lên qua mỗi trang viết của cô gái trẻ Đặng Thùy Trâm, những mơ ước của chị về ngày mai hòa bình sẽ lập lại trên mảnh đất mà chị đã coi như quê hương thứ hai của mình và dân tộc chị sẽ được đoàn viên; những ước vọng về ngày được sống trong vòng tay gia đình. Ở “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, ta nhìn thấy sự lạc quan đến kinh ngạc của những người lính, nhìn thấy những mối chân tình trong sáng chỉ đơn thuần là tình cảm giữa con người với con người mà chắc hẳn nếu không ở trong một hoàn cảnh gian lao, khổ cực như thế, người ta sẽ chẳng tìm thấy được – và ở cuộc chiến tưởng như là tận cùng của sự vô nhân đó, ta lại tìm thấy thứ ánh sáng chói lọi của tình người cao cả tột cùng.

Tôi nghĩ, “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” nên là cuốn sách gối đầu của thế hệ trẻ Việt Nam, dù là ở bất cứ thời kì nào đi nữa. Không phải để nhắc nhở những điều mà mấy đứa trẻ đã được nghe cả triệu lần mà chưa chắc chúng đã thấm được “Nếu không có những con người đó thì sao có chúng mày ngày hôm nay!”, không, không phải thế, đó không phải mục đích tôi muốn mỗi người trẻ nên đọc cuốn sách này, mặc dù điều trên là đúng; mà, chúng ta nên đọc để thấy được mình nên sống như thế nào, để thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về cuộc sống này. Chúng ta không thể mãi nhìn về quá khứ, cũng chẳng thể nhìn đến tương lai khi mà hiện tại chưa trọn vẹn, hãy sống mỗi ngày thật trọn vẹn bởi chẳng ai nói được ngày mai sẽ ra sao, để mai này sẽ chẳng phải hối tiếc điều chi. Đặng Thùy Trâm và những con người ở thế hệ chị đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, họ đã hiến dâng tuổi xuân, ngày mai của họ, thậm chí là tính mệnh của họ cho sự nghiệp cao cả của tổ quốc, với sống thật trọn vẹn với lý tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; những con người ấy họ đã ngã xuống cho ngày mai của dân tộc, những con người dù chưa từng được nhìn thấy hòa bình nhưng họ đã chiến đấu đến từng hơi thở cho nền hòa bình mà họ sẽ mãi chẳng được nhìn thấy, và Đặng Thùy Trâm chính là một đại diện cho cả một thế hệ anh hùng như thế.

Cầm trên tay cuốn sách này, tôi tự hào vì mình được sinh ra trên đất nước này, tự hào vì mình đã được nghe, được biết, và được thấu hiểu những mất mát và nỗi đau của dân tộc. Và tôi tự hào vì dân tộc này đã vượt qua những đau thương, để lại đằng sau những hận thù, đớn đau để đi lên. Khi đọc xong cuốn sách, tôi đã nhìn lên bầu trời và hít căng đầy lồng ngực mình bầu không khí của tự do quý giá, nhìn ngắm bầu trời ngát xanh hòa bình mà những con người này đã ngã xuống để mang lại cho chúng tôi. Và khi gấp lại cuốn sách này, tôi cũng như đã gấp lại những đau đớn của quá khứ của chính mình, đã gấp lại những tăm tối trong tâm hồn mình, đã gấp lại những sân si trong lòng để bắt đầu nhìn cuộc sống khác đi, tập sống khác đi.

Một đoạn trích trong tác phẩm:

1.1 [70]

Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nưa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn đứng đắn Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đới còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có…

Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhưng bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm lin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th. mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hay giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thuỳ!