“Chân trời đảo ngược” hay niềm hi vọng của con người vào một “Kiếp sau” thực sự.

(Nguồn ảnh: www.bookaholic.com)

Tôi nghĩ lần này sẽ thật khó cho mình để không thiên vị Marc Levy với “Chân trời đảo ngược”, lý do vì sao thì tôi sẽ nói ngay đây.

“Chân trời đảo ngược” đối với tôi là một phiên bản đầy tính khoa học của “Kiếp sau”. Nếu như trong “Kiếp sau”, cái chết  và sự sống đến với Jonathan và Clara mang đầy màu sắc huyền bí và liêu trai, thì trong “Chân trời đảo ngược”, Marc đã diễn tả cái chết và sự sống, cùng với tình yêu sâu nặng của hai nhân vật chính qua vẻ đẹp của khoa học. Josh, Luke, và rồi Hope đã tạo thành một bộ ba thân thiết khó tách rời ở trường Đại học, và họ cùng chung tay trong một dự án khoa học gần như không tưởng nhưng nếu thành công sẽ có thể thay đổi tương lai của nhân loại, và ý tưởng của họ là biến ra một “chân trời đảo ngược”, đảo ngược cái chết, thách thức sự hữu hạn của cuộc sống, thách thức số phận. Sự ngông cuồng trong đầu óc những người trẻ và đồng thời là những nhà khoa học trẻ. Nhưng rồi, sự ngông cuồng ấy không còn là ngông cuồng khi căn bệnh hiểm nghèo đột ngột ập đến đe dọa hạnh phúc của đôi bạn trẻ và cuộc đời bình yên của những cô cậu sinh viên ấy. Josh giờ đây đã không còn tiến hành dự án điên rồ của anh vì chính anh mà còn vì người anh yêu. Để cô được tiếp tục tồn tại, để tình yêu của họ được tiếp tục ở một cuộc đời khác, nơi mà họ vẫn còn tồn tại, nhưng ở trong những thực thể khác, những thân xác khác, chỉ là tâm hồn họ vẫn tồn tại, và tìm thấy nhau trong muôn vàn thực thế trong nhân loại.

Marc Levy, như mọi lần, đã viết nên một câu chuyện tình yêu vô song, đẹp vô ngần, mãnh liệt, sâu sắc đến vô vàn. Khó có lời nào có thể chê trách được tình yêu được miêu tả dưới ngòi bút của Marc. Lúc nào cũng tràn đầy hi vọng, lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng, lúc nào cũng mãnh liệt, lúc nào cũng giống như âm vang của một điệu nhạc bình yên, êm dịu.

Nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn phải thừa nhận một điều rằng “Chân trời đảo ngược” đã cho thấy rõ ràng sự bất ổn định trong phong độ viết của Marc kể từ cặp đôi “Nếu như được làm lại” – “Mạnh hơn sợ hãi”. Cuốn sách này về mặt nội dung vẫn phần nào chưa thỏa mãn được tôi, những vấn đề khoa học nếu muốn lồng ghép được vào một cuốn tiểu thuyết tình yêu thì đó là một công việc đòi hỏi sự khéo léo ngang ngửa một nhà giả kim và sự tinh tế ngang ngửa một họa gia bậc thầy thời kì phục hưng, để làm sao cho những thứ khô khan có thể được mềm mại bên cạnh những điều đầy chất thơ. Và phải nói là Marc đã làm điều này không thực sự tốt. Mặc dầu tôi đánh giá rất cao ngòi bút tinh tế và lãng mạn của Marc, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng lần này ông đã làm chưa tới, đó chính là điều khiến trong lòng tôi vẫn còn lợn cợn một đôi chút suy tư, chưa thỏa mãn.

Nhưng sau hết thì, ta vẫn được chứng kiến một câu chuyện tình yêu vô song, như những câu chuyện khác được viết nên dưới ngòi bút Marc Levy. Có lẽ, trên cõi đời này, sẽ chẳng thể kiếm tìm đâu ra một câu chuyện thứ hai như vậy nữa. Và quả thực, Hope chính là một trong những nhân vật nữ thành công nhất của Marc khi mà ông đã vẽ nên một người phụ nữ đầy hi vọng, yêu mãnh liệt, đậm sâu và mạnh mẽ đến mức không bao giờ để bất cứ điều gì ngáng trở tình yêu của chính cô, ngáng trở con đường cô tìm đến với yêu thương của mình.

Josh và Hope cũng như Jonathan và Clara, tất cả họ đã tạo nên cho chúng ta niềm hi vọng sâu sắc về cuộc sống, niềm tin sâu sắc vào tình yêu, và hơn thế nữa, họ, chính họ chứ chẳng phải ai khác, đã dạy cho chúng ta cách để yêu thực sự.

Cà phê cùng Tony – dành cho những người trẻ

Kết quả hình ảnh cho tony buổi sáng

Tôi đọc page “Tony buổi sáng” và “Ăn trưa cùng Tony” trên facebook từ khá lâu rồi, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định mua sách của tác giả Tony hết, bởi đơn giản là bình thường tôi không hề thích những dòng trạng thái viết trên facebook rồi được biên tập để in thành sách, nó khiến tôi có cảm giác như mình đang phải bỏ tiền ra mua những dòng trạng thái mà mình có thể đọc nhan nhản, đầy rẫy mỗi ngày.

Rồi đến hôm sinh nhật mình, ông anh họ mới mua tặng tôi quyển “Cà phê cùng Tony” này, nói là chẳng biết thích quyển nào nên đi nhà sách thấy cũng hay hay với nổi nổi bèn mua tặng. Tôi thì là đứa thích sách mà, đặc biệt còn thích được tặng sách, nên dù là sách gì cũng hí hửng nhận lấy, nhưng nếu là loại mình không thích, sẽ cất lên giá sách và để yên ở đấy thôi. Tròn 1 năm từ lúc được mua tặng, nhân một đêm mất ngủ tôi mới lôi đại một cuốn sách nào đó trong tủ ra để “gặm” chờ cơn buồn ngủ kéo đến, chẳng hiểu sao lại rút phải quyển này, tặc lưỡi đọc luôn xem sao.

“Cà phê cùng Tony” đúng như những gì tôi nghĩ, là những dòng chia sẻ, trạng thái trên page của “Tony buổi sáng” được biên  tập, sửa lại cho chỉn chu hơn. Đó là về mặt hình thức. Còn về nội dung, những bài viết của Tony quả thực rất trào phúng, vừa có sự châm biếm nhẹ nhàng, vừa có tâm tình chân thành và sâu sắc, cũng lại vừa có những câu nói đánh trúng vào chỗ yếu nhất trong lòng, trúng tim đen khiến người ta thấy xấu hổ cũng khiến người ta thấy ức chế nhưng không thể không thừa nhận nó sai.

Tôi nghĩ “Cà phê cùng Tony” là một cuốn sách nên đọc cho những bạn trẻ đang tìm một phương hướng cho mình. Có rất nhiều điều tác giả nói trái với quan điểm sống của cá nhân tôi, tôi không biết là do tác giả thực sự có ý vậy hay đó chỉ là một cách làm quá lên, nhưng việc xung đột quan điểm là chuyện không thể tránh khỏi giữa hai cá nhân hoàn toàn độc lập về tư duy và suy nghĩ với nhau nên chúng ta sẽ tạm không bàn đến vấn đề này. Còn về tổng thể, những ý tưởng cùng tư duy của Tony về việc lập thân, lập nghiệp, trau dồi kĩ năng và tri thức,..đều là những chỉ dẫn hết sức có ích dành cho người trẻ, những người đang ở phần đời tươi đẹp nhất của một cuộc đời con người và luôn có quá nhiều cơ hội để dấn thân.

Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.

img039

Bao nhiêu đời nay, toàn bộ loài người đều cố công đi tìm hiểu, giải thích và cắt nghĩa “tình yêu”, nhưng rốt cuộc có ai làm được đâu. Vì thế, người ta mới đem tình yêu vào thi tứ, vào hội họa, vào âm nhạc, như một cách tôn vinh một loại cảm tình riêng có ở nhân loại, một loại cảm tình đã tưới tắm biết bao khối óc và trái tim khô cằn ở nhân thế, vừa là nỗi đau lại vừa là niềm hạnh phúc, vừa là quả ngọt nhưng cũng lại vừa là trái đắng, một thứ tình cảm mà càng cố càng chẳng thể nắm bắt được nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai thoát được ma lực của nó.

Chính thế, cho nên “Con hủi” của nữ văn sĩ Ba Lan – Helena Mniszek đã có thể đi từ một tác phẩm bị ghẻ lạnh bởi giới phê bình trở thành một kiệt tác văn chương để đời nơi nhân thế. Hàng vô vàn con người đã ca ngợi “Con hủi” như là một tác phẩm viết về mối tình tuyệt đẹp đầy đắm say nhưng bi kịch giữa chàng đại công tử Waldermar Michorowski – chàng thanh niên đứng đầu dòng họ quyền quý nhất cả nước, người quyền quý nhất trong những người quyền quý, ông chủ của những ông chú – với nàng Stefcia Rudecka – con gái một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Nhưng trong tôi, “Con hủi” mang nhiều giá trị và niềm gửi gắm lớn lao hơn là chỉ một câu chuyện tình giữa hai con người.

Trong tác phẩm này, tác giả đã nêu ra một cách rất rõ ràng và chi tiết về sự phân tầng trong xã hội ngày ấy, không chỉ là sự phân chia tầng lớp giữa tầng lớp quý tộc và thứ dân, mà ngay cả trong tầng lớp quý tộc của Waldermar và Stefcia cũng có sự phân rẽ sâu sắc. Tầng lớp đại quý tộc của Waldermar sẽ không bao giờ chấp nhận tầng lớp quý tộc nhỏ bé của Stefcia, dù cho nàng có là một người thiếu nữ đức hạnh và tốt đẹp đến đâu, dù cho nàng còn cao quý hơn biết bao nhiêu tiểu thư đại quý tộc khác. Nhưng thói ích kỉ và sự phù phiếm vẫn đạp lên tất cả trong cái xã hội hậu phong kiến đang dần đi đến hồi kết ấy, những con người trong tầng lớp cao quý luôn nhìn kẻ dưới với con mắt của kẻ bề trên lại luôn cho rằng bản thân mình đức hạnh khi là người ban phát những đặc ân nhưng kì thực lại không hiểu ra rằng chính mình lại đang sắm vai những kẻ đạo đức giả và phi nhân tính. Nói như Waldermar thì đó là sự vô luân. Và sự vô luân ấy được thể hiện ở những hành động đáng khinh rẻ từ việc vị hôn thê hụt của Waldermar công khai ra mặt bỉ bai Stefcia ở chốn công cộng đến việc những lá thư nặc danh gửi đến hạ nhục nàng khiến nàng lâm trọng bệnh, những hành động đầy tính dân đen và hèn hạ đó cho thấy sự đi ngược lại hoàn toàn những giá trị cao quý mà chính bản thân những kẻ tự cho mình cao quý nhất đó thường rao giảng. Mà cũng chính từ sự vô luân đó, ta mới đồng thời thấy rõ rệt rằng, sự khác biệt của con người chẳng hề nằm ở địa vị, tầng lớp hay tiền bạc; không thể nào phân chia kẻ này hạ đẳng và người kia cao quý chỉ dựa vào tầng lớp hay tước vị họ có được; mà sự khác biệt của con người nằm ngay trong chính nội tại của mỗi người, từ chính những sự giáo dục họ nhận được và cách cư xử. Vậy nên, đám đại quý tộc hèn hạ trong tầng lớp của Waldermar chẳng hề cao quý như chúng vẫn tưởng, trong khi đó, Stefcia lại thực ra mang đầy đủ những phẩm chất cao quý và đức hạnh mà giới quý tộc đó yêu cầu. Vậy thì sự phân tầng đó có còn thực sự cần thiết và xứng đáng tồn tại nữa không? Việc viết ra những điều mang ẩn ý sâu sắc như vậy của tác giả lại giống như một cái tát thẳng vào giới quý tộc đang ở thời kì suy kiệt và tàn tệ nhất. Để rồi, khi đọc được  những điều ấy, ta mới thấy trân trọng hơn một thế giới đang hết sức mình tiến đến với sự bình đẳng giữa con người với con người với nhau. Continue reading “Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi hay là sự mở mang về vai trò của “thực học”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi là một cuốn sách đặc sệt tinh thần và tư tưởng Nhật Bản hiện đại, được viết ra bởi một học giả người Nhật Bản, nói về xã hội và con người Nhật Bản, và được viết ra từ tận thế kỉ thứ XIX, nhưng khi cầm trên tay cuốn sách và đọc rồi thấm lấy từng dòng chữ tác giả viết trong sách, tôi có cảm tưởng như Yukichi đang viết về chính Việt Nam của tôi, về chính xã hội và con người Việt Nam hiện tại – tại thế kỉ XXI này.

Vấn đề được tác giả đề cập đến xuyên suốt trong tác phẩm là vấn đề – THỰC HỌC, lấy học vấn làm trung tâm và cụ thể là vấn đề “Thực học”, từ đó đưa ra những quan điểm về đạo đức, xã hội, pháp luật, tư duy, quan hệ giữa người với người hay là vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội. Mặc dù vẫn có những tư tưởng không phù hợp với hiện tại, vì đây là cuốn sách đã được viết từ thế kỉ cũ, nhưng về bình diện chung và trên mọi khía cạnh mà cuốn sách đề cập đến, tính thời sự và tính mới mẻ của nó vẫn còn rất lớn, rất sâu rộng và sâu sắc.

Ngoài ra, ở “Khuyến học”, tác giả còn đưa cho ra một hình dung bao quát và sinh động về một đất nước Nhật Bản ở thời kì đó – phong kiến, lạc hậu, tư tưởng thuần Nho học, mà cũng chính nhờ thế, ta mới có thể hiểu hết được sự “thần kì” trong sự phát triển và đi lên của nhà nước Nhật Bản hiện đại.

Yukichi phải nói là một học giả có tư tưởng Tây phương và hết sức cấp tiến, điển hình ở việc ngay từ đầu cuốn sách ông đã đề cập đến vấn đề “bình đẳng” giữa con người với con người trong xã hội, giữa đàn ông với phụ nữ – một vấn đề mà sự bất bình đẳng của nó được thể hiện rất rõ ràng trong xã hội cũ, ngay tại thời điểm đó, Yukichi đã đặt lại khái niệm bình đẳng trong xã hội và đề cao vai trò của học vấn, ông cho rằng sự bình đẳng không phải là sự cào bằng giữa các cá nhân mà là sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người, ai bỏ ra nhiều sẽ nhận lại được nhiều và ai bỏ ra ít thì sẽ nhận lại được ít, mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội là những nhiệm vụ và nghĩa vụ riêng cần thực hiện và không ai xâm phạm đến quyền lợi của ai. Một tư tưởng hoàn toàn hiện đại mà có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, ông cũng đặt lại khái niệm “học vấn”, đề cao tinh thần học hỏi và sự tự học, cho rằng đó là cái “đinh” nhất của việc học, bài bác những cách học cổ hủ của Nho học và đề cao học vấn đích thực. Ông còn nêu rõ ra vai trò của học vấn khi cho rằng học vấn mới chính là chìa khóa để định hình xã hội chứ không phải việc phân chia các giai tầng như trong xã hội cũ.

Ngoài ra, mặc dù là một người rất ngưỡng mộ văn hóa phương Tây nhưng tác giả cũng đồng thời là người rất coi trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, điển hình ở việc ông đã viết trong Phần mười sáu của cuốn sách về việc học hỏi phương Tây rằng việc học hỏi cần phải có chọn lọc, đó là quá trình tiếp thu tinh hoa rồi biến thành của mình chứ không phải quá trình bão hòa nền văn hóa dân tộc, ông đã liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về việc không phải cái gì của Tây cũng tốt hơn của Ta, và rằng văn hóa dân tộc cần được đề cao, gìn giữ, phê phán thói sính Tây của các nhà khai hóa và lối hành văn sính Anh ngữ của những người trẻ. Mỗi một vấn đề đều được tác giả trình bày một cách súc tích với ngôn từ dễ hiểu nhất, nhưng đều để lại thật nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.

Sẽ có nhiều người khi đọc “Khuyến học” thì cảm thấy nhàm chán và giáo điều vì trong đó viết toàn những chuyện họ đã biết và thậm chí là đã hiểu, tuy nhiên hãy đặt mình vào trong bối cảnh của tác phẩm, khi đó mới có thể thấy rõ được hiệu ứng về cảm xúc, tư duy và tinh thần tác phẩm mang đến mạnh mẽ thế nào. Và đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện đại, mặc dù Việt Nam đã thoát phong kiến từ rất lâu rồi, nhưng về mặt bằng chung, xã hội Việt Nam hiện đại đang gặp những vấn đề chẳng khác nào xã hội Nhật Bản mà Yukichi đã đề cập đến vào thời kì đó, những vấn đề của các nhà trí thức, các vấn đề của xã hội, các vấn đề của người dân với chính phủ,…dường như ta đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Thật không phóng đại chút nào khi nói rằng “Khuyến học” chính là tác phẩm đã làm thay đổi bộ mặt đất nước Nhật Bản và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến tư tưởng của các nhà giáo dục sau này. Tôi thực sự hi vọng mọi người dân Việt Nam có thể đọc được tác phẩm này, bởi biết đâu đến khi đó, Việt Nam chúng ta cũng có thể trở thành một điều “thần kì” tiếp theo của Châu Á này.

Xúc xắc tình yêu & London ngày nắng hạ – Emily Giffin

Hiếm khi nào tôi viết hai cuốn sách chung với nhau cho dù chúng có là một cặp đôi đi nữa, nhưng với “Xúc xắc tình yêu” và “London ngày nắng hạ” của Emili Giffin thì tôi thực sự không tìm được cách nào để tách hai cuốn sách này ra khỏi nhau, bởi cặp đôi này là một sự kết hợp quá hoàn hảo, cuốn sách sau là sự hoàn thiện, bổ sung hoàn hảo cho cuốn sách trước, hai cuốn sách nói về một cuộc hành trình dài của con người để hiểu được con người thật của mình, rồi mới đến hiểu được ý nghĩa chân chính của tình bạn và tình yêu.

Mặc dù mỗi cuốn sách đề cập đến những nhân vật khác nhau, nhưng với tôi, nhân vật trung tâm, xuyên suốt cả hai cuốn sách là Darcy. Ở “Xúc xắc tình yêu”, Darcy gần đến ngày cưới phát hiện ra chồng sắp cưới và bạn thân mình có quan hệ với nhau, là một người phụ nữ thì ở trong trường hợp ấy có ai lại không đau đớn, có ai lại không giận dữ, oán hận, có ai lại không muốn chồm lên nắm tóc chồng sắp cưới và cái đứa bạn phản trắc cướp chồng bạn mà cho chúng một trận chứ, và tất nhiên đó cũng chính xác là phản ứng của Darcy. Nhưng nếu ở “Xúc xắc tình yêu”, dù rất thông cảm với Darcy, nhưng tôi vẫn cảm thấy việc Rachel và Dex có thể đến với nhau đó hóa ra lại là chuyện đúng hơn hẳn việc Darcy cưới Dex, bởi vì tôi luôn cảm thấy tình cảm Dex dành cho Rachel từ buổi đầu họ gặp gỡ tại trường Luật, nhưng Rachel, dù yêu anh, nhưng lại quá nhút nhát để mà thừa nhận, hơn nữa một Rachel đã luôn quen làm cái bóng của Darcy thì chắc chắn theo bản năng cô sẽ rút lui khi biết Darcy cũng thích Dex và hiểu được không người đàn ông nào thoát khỏi sự quyến rũ của Darcy. Ở đây, tôi không biết là Rachel coi trọng Darcy quá mức mà hạ thấp bản thân mình hay cô ấy thực sự đã nghĩ sai về tình cảm, nhưng dù thế nào, ở ngay lần đầu tiên, cả Darcy, Rachel và Dex đều đã sai lầm, sai lầm dẫn đến mối quan hệ ngoài nóng trong lạnh kéo dài bảy năm giữa Dex và Darcy, sai lầm dẫn đến sự lỡ làng bằng ấy thời gian giữa Dex và Rachel. Thêm nữa, bằng cách nào đó, tôi vẫn luôn cảm thấy Darcy thực ra không phải là một cô gái đáng thương trong mối quan hệ đó, bởi chính bản thân cô cũng lựa chọn lừa dối Dex khi quan hệ với Marcus ngay từ đầu. Cả Dex và Darcy dường như đều lờ mờ nhận thấy được sự bất ổn trong mối quan hệ của mình nhưng không ai dám thừa nhận điều đó, để rồi cả hai đều lao vào những mối quan hệ nguy hiểm mà trong thâm tâm họ hiểu rõ hơn ai hết là nếu như bị phát hiện, cả hai sẽ chẳng còn con đường nào khác ngoài việc đường ai nấy đi. Phần tính cách phù phiếm, ganh đua, ưa xa hoa của Darcy còn được khắc họa rõ hơn nữa trong “London ngày nắng hạ” khi suốt đoạn đầu của cuốn sách, cô vẫn không thể thôi ám ảnh với Dex và Rachel, vẫn luôn tự coi mình là nạn nhân mà không nhận thấy nỗi trống rỗng sâu sắc trong con người mình, cố chấp không thừa nhận sự nông cạn của mình, cho đến khi cô đưa ra một quyết định làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi – đó là đến London thăm Ethan. Continue reading “Xúc xắc tình yêu & London ngày nắng hạ – Emily Giffin”

Lord of Scoundrels – Tình yêu của nàng hoàn thiện ta

Tôi là một fan cứng cựa của “Beauty and the Beast”, thậm chí còn đến mức điên cuồng. Suốt những năm qua, tôi đã sưu tầm hàng chục câu chuyện “Beauty and the Beast” – những dị bản khác nhau, những câu chuyện, những cuốn sách, những cuốn tiểu thuyết và những bộ phim được lấy cảm hứng từ “Beauty and the Beast”. Dạo gần đây, tôi có tìm ra một loạt sách được lấy cảm hứng từ “Beauty and the Beast”, do đó tôi sẽ bắt đầu một series các bài bình luận về những cuốn sách trong danh sách.

Cuốn sách đầu tiên tôi chọn đọc là “Lord of Scoundrels” (Dịch: Vô lại và quyến rũ) của nữ văn sĩ Loretta Chase. Sebastian Ballister, ngày Hầu tước Dain giàu có, quyền lực, tên trác táng bậc nhất London, tôi trộm nghĩ có khi là tên trác táng bậc nhất toàn cõi châu Âu luôn cũng nên, “chúa tể của những tên vô lại, tên đại dâm tặc trong cộng đồng các con chiên của Chúa, kẻ vô ơn cục súc và kiêu căng” theo lời vợ chàng và chính chàng thừa nhận, là một con quái vật trong hình dạng con người với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một đứa con trai không được cha mình yêu thương, ghét bỏ người mẹ của mình vì sự hiểu lầm suốt bao năm, một kẻ đã lớn lên với việc thay vì được học hỏi về lòng yêu thương và rộng lượng lại phải học và nhận biết quá sớm về sự khắc nghiệt và tàn tệ của thế giới này. Chàng đã sống, và có lẽ sẽ sống như thế đến hết đời, như một kẻ cặn bã dưới đáy xã hội, một kẻ mà bất cứ tiểu thư quyền quý nào nhìn thấy cũng sẽ giật mình ngất xỉu hoặc chạy xa trối chết bất kể chàng có giàu có đến đâu và quyền lực đến đâu. Nhưng, ở đâu đó sâu bên trong trái tim và tâm hồn mình, ngài Hầu tước Dain của chúng ta, chàng quái vật của chúng ta vẫn còn tồn tại những xúc cảm yếu mềm – thứ xúc cảm mà dù nó mềm mại và dịu dàng nhưng lại có sức mạnh vô song có thể khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn ai hết hết – là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Có lẽ chàng sẽ mãi mãi chối từ phần mềm yếu đó của mình, nếu như tiểu thư Jessica Trent, một cô nàng thông minh hơn cả trăm tên đàn ông cộng lại, tính tình độc lập thẳng thắn với miệng lưỡi độc địa, tâm địa trong sáng, lương thiện nhưng vẫn rất nhiệt thành và rộng rãi, không xuất hiện và vẫy đũa phép của nàng lên quái vật. Người đẹp xuất hiện và dần dần thuần hóa con dã thú. Chỉ có điều, tiểu thư Jessica của chúng ta rõ ràng là dũng cảm hơn Belle rất nhiều, và nàng chưa từng sợ chàng, hơn nữa, rõ rành rành là, yêu chàng say đắm, quá nhiều để mà buông tay thả rơi tình yêu của mình khi chưa có bất cứ sự cố gắng nào.

“Lord of Scoundrels” là một cuốn tiểu thuyết đầy lôi cuốn, đầy đam mê và say đắm. Một cuốn tiểu thuyết nhuốm đầy hơi thở của nhục dục, và tình yêu; nhuốm đầy màu đỏ như rượu vang của trái tim nồng nhiệt tô điểm thêm màu trắng trong như tuyết của tâm hồn thanh khiết, trong trẻo. Người đọc sẽ khó lòng mà rời ra khỏi được những trang sách đầy quyến rũ và nóng bỏng ấy. Sẽ không khỏi nhíu mày vì cái thái độ quá ư là cứng đầu cứng cổ, khó chiều, sáng nắng chiều mưa của ngài hầu tước; sẽ không khỏi bật cười mỗi khi thấy chàng bị nàng chọc cho tức phát điên mà không làm gì được; sẽ không khỏi ngưỡng mộ trước tình yêu rõ rành rành của Jess dành cho chàng mà nàng còn dũng cảm đến mức chẳng thèm che giấu nó, thẳng thắn đến mức chẳng thèm vòng vo mà thừa nhận nó với chàng; sẽ không khỏi cảm thấy tim mình mềm đi trước tình cảm chân thành sâu sắc của người đẹp đã dần cảm hóa quái vật và nàng không chỉ cho chàng tình yêu của mình, mà còn một gia đình.

Tuy nhiên, mặc dù nam chính của chúng ta là đại diện tiêu biểu cho tất cả những phẩm chất đáng ghét, suy đồi nhất ở một người đàn ông; và hiển nhiên là thứ biểu tượng đạo đức hoàn toàn đối lập với quy chuẩn đạo đức của cá nhân tôi; nhưng tôi lại hoàn toàn không thể ghét bỏ gì được người đàn ông đó. Bởi xuyên suốt cả cuốn sách, tất cả những gì tôi nhìn thấy là một người đàn ông với những nỗi đau và tổn thương quá sâu sắc đã ghi hằn trong trái tim chàng, không phải chàng không biết yêu thương mà là chàng không được dạy cách để yêu thương và không biết làm thế nào để yêu thương; bóng ma tâm lý trong lòng Sebastian giống như lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ quá mức quá quắt với con cái mình, quá mức lạnh lùng và quá mức ích kỉ để chấp nhận đứa con của mình bằng tình yêu thương vô điều kiện. Sebastian quả thực cần Jess, không chỉ vì chàng cần tình yêu của nàng sưởi ấm tâm hồn chàng và thắp sáng cuộc đời chàng, mà chàng cần  nàng dạy cho chàng cách để yêu thương, để hòa nhập vào cộng đồng mà bao lâu rồi chàng đã chối bỏ nó, để sống một cách trọn vẹn và hoàn thiện. Jess là nửa kia của Sebastian, là mặt sáng của chàng, là mảnh ghép hoàn thiện cuộc đời chàng.

Về phần dịch thuật, lần này tôi lại muốn vỗ tay khen cho phần dịch thuật của Nhã Nam, dịch rất mượt, ngôn ngữ thuần Việt mà vẫn không mất đi hồn văn chương và văn phong của tác giả.

Dancing at Midnight – Để tình yêu sưởi ấm tâm hồn bạn

Có lẽ cũng khá lâu rồi tôi mới quay lại với một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử, và sự thật luôn chứng minh, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử luôn có khả năng làm mềm mại bất cứ trái tim lãng mạn bậc nhất nào. Cuốn sách lần này tôi chọn là “Dancing at Midnight” (Tạm dịch: Khiêu vũ lúc nửa đêm) của Julia Quinn. Một cuốn sách đáng yêu, một tác phẩm ngọt ngào về tình yêu.

John Blackwood – ngài nam tước mới được phong tước sau quãng thời gian ở trong quân đội của anh, sống trong một ngôi nhà nhỏ, à thực ra là cũng không nhỏ lắm, nhưng so với điền trang của ngài Công tước Ashbourne – người bạn chiến đấu cũ của anh, ở bên cạnh thì quả là một nơi khiêm nhường, thậm chí còn có một cái tên kì dị; và cô tiểu thư thành thị Arebelle Blydon xinh đẹp, con gái của một bá tước giàu có, rực rỡ, em họ vợ của ngày Công tước Ashbourne; hai người đó tưởng như không có điểm chung nào cả. Đặc biệt là khi John có quá nhiều những góc tối trong quá khứ, có quá nhiều những nỗi đau dày vò anh, khiến anh thật khó khăn để chấp nhận chính mình. Nhưng may mắn thay, định mệnh cho anh gặp được Belle, cô không giống như những cô tiểu thư thành thị tóc vàng và phù phiếm, cô có một trái tim tràn ngập tình yêu, tràn ngập khát khao, đầy độc lập và một cái đầu thực tế, lý trí. Một cô gái như thế sẽ không bao giờ từ bỏ người đàn ông đã khuất phục trái tim cô, ít nhất là không từ bỏ trước khi chưa thử cố gắng. Tôi luôn thích mẫu phụ nữ giống như Belle, một người luôn hết lòng trong tất cả những gì mình làm, yêu sách, lãnh mạn mà vẫn đủ thực tế và tỉnh táo để không để cho những thứ viễn vọng, phù phiếm làm chủ đầu óc mình; hết mình vì yêu, không bao giờ chịu khuất phục, nhưng cũng rất thông minh để tìm ra người đàn ông xứng đáng với mình, và đủ thông minh để giữ chặt lấy người đó và không buông bỏ khi chưa đấu tranh; một người phụ nữ không chỉ cần dựa vào sự bảo vệ của người đàn ông mà tự chính cô cũng sẽ đứng lên để bảo vệ người đàn ông cô yêu và tình yêu của họ. Belle có thể chỉ cho rằng John cần cô, cần tình yêu của cô; nhưng cũng đúng như những gì John đã nói, cô đã cứu anh, khi anh cứu sống cô cũng là khi cô đã  tháo bỏ những gông cùm, xiềng xích của quá khứ cho anh; cô dạy anh về tình yêu mà trước hết là cách để yêu thương, tha thứ và chấp nhận chính bản thân mình; cô đã kéo anh ra khỏi cơn ác mộng tuyệt vọng về quá khứ và về một thứ tội lỗi do người đàn ông khác gây ra mà anh đã đeo lên mình suốt bao năm. Belle đã dạy anh nhiều điều hơn bất cứ ai có thể dạy, đã cứu anh, đã yêu anh, đã cho anh một gia đình trọn vẹn và những người bạn thân thiết luôn sẵn sàng đứng lên vì họ; và ngược lại, anh cũng đã đền đáp lại cô với tất cả tình yêu và cuộc sống của mình, anh cũng đã cho cô sự công nhận mà cô xứng đáng có được – điều mà rất ít người đàn ông trong xã hội quý tộc phong kiến đó có thể nhìn nhận ở một người phụ nữ, anh đã ủng hộ cô, tung hô cô, tự hào vì cô; anh là một người chồng tận tụy và còn hơn cả thế, anh là một người chồng hoàn toàn say mê vợ mình và yêu cô điên cuồng với tất cả trái tim anh.

Tuy nhiên, ở “Dancing at Midnight” tôi vẫn cảm thấy một đôi chút không hài lòng vì các tình tiết diễn ra hơi quá nhanh so với mong đợi của tôi và hơi quá nhiều vấn đề, hai nhân tố đó kết hợp với nhau sẽ biến tiết tấu câu chuyện trở nên có phần hời hợt vì bị lướt quá nhanh và gây ra sự hụt hẫng. Có lẽ tiết tấu và nhịp điệu như trong series Brigerton sẽ là hợp lý hơn cho một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lịch sử mang phong cách Julia Quinn thế này. Ấy nhưng, tôi thực thích cách xây dựng nhân vật của tác giả, cả John và Belle đều được tái hiện một cách hết sức sinh động, chân thực và tinh tế, và tôi cho rằng họ đã lột tả một cách trọn vẹn những điều tác giả muốn ở họ.

Về phần dịch, bản ebook tôi đọc là một bản dịch khá mượt mà về câu cú lẫn cách dùng từ, tuy rằng có một số đoạn vẫn còn chút sạn vì một vài lỗi nhầm lẫn khi dịch, nhưng tôi không cho rằng đó là điều quá là to tát. Bản dịch đã lột tả được nhân vật rất chân thực và vẫn giữ được nét văn phong của tác giả, tôi cho rằng người dịch đã có sự hiểu biết nhất định đối với cả tác giả và tác phẩm.

“Dancing at Midnight” là một tác phẩm khá ổn cho những ai thích dòng tiểu thuyết lãng mạn lịch sử và đặc biệt là cho các fan của Julia Quinn, tuy nhiên với tôi đây vẫn chưa phải là tác phẩm tốt nhất của Quinn.

“Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp”: Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta!

Source: nhanam.vn

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta cũng đã từng tự hỏi những điều “vì sao”?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta cảm thấy cuộc sống tù túng và bé nhỏ quá nên chỉ muốn thoát ra?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta khát khao được bay xa hơn, đi xa hơn?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta bị chế nhạo, xem thường vì những ước mơ “khác biệt” hay những điều “lạ thường” mà mình nói?

Mỗi người trong chúng ta đều là một con ốc sên. Và “Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp” không phải là câu chuyện riêng của một con ốc sên, mà là câu chuyện của chính chúng ta, tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều đang sống ở trong cái vỏ ốc của riêng mình, nhìn thế giới qua đôi mắt nằm trên hai sợi râu của mình với tầm nhìn chẳng quá được ngọn cỏ, và mang quá nhiều sự nặng nề trên vai khiến chúng ta trở nên mơ hồ, chậm chạp nhưng lại dần quen với sức nặng ấy đến mức cảm thấy nó chẳng còn nặng nữa, cảm thấy ta chẳng có gánh nặng nào. Nhưng chỉ có một số ít người trong chúng ta mới dám hỏi và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình, bước ra khỏi cái ốc đảo thân thuộc và đi tìm đến những điều họ chưa bao giờ biết, chỉ có một số ít người có dũng khí dám chế ngự nỗi sợ hãi của mình để bước đi và đương đầu với biết bao sự chế giễu và sự an toàn.

Chú ốc sên trong câu chuyện kia chính là Dũng Khí, chính xác hơn thì chú đại biểu cho Dũng Khí, một thứ mà chúng ta cần để vượt qua hay chế ngự mọi nỗi sợ để vươn đến những chân trời mới lạ trong khi những người khác vẫn còn nằm mãi trong vùng an toàn của họ.

Nhưng đối với tôi,

Chú ốc sên trong câu chuyện kia cũng đại biểu cho một Người Tiên Phong, kẻ dám làm mọi thứ, bất chấp luật lệ và bất chấp những sự an toàn cố hữu mà thực ra là thứ giam giữ con người ta khỏi những thứ tốt đẹp hơn và sự khám phá. Chú ốc sên chính là Người Tiên Phong trong cộng đồng chúng ta, những con người có khả năng dẫn dắt, đi đầu, vượt mọi rào cản và đem đến cho những người tin tưởng họ trái ngọt sau lòng quyết tâm son sắt.

Chú ốc sên cũng đại biểu cho Mơ Ước. Câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi đầy  tò mò của chú ốc sên rằng vì sao chú chậm chạp và vì sao chú lại không có một cái tên như các giống loài khác. Từ tò mò dẫn đến sự hiểu biết, và từ hiểu biết dẫn đến ước mơ. Ốc sên đã dần nghiệm ra vì sao bản thân mình lại chậm chạp sau khi gặp bác rùa, và đồng thời, từ sự suy ngẫm đó, chú đã mong ước được một cái tên, đối với tôi, ước mong đó là biểu hiện cho sự khẳng định bản thân mình, cho mong muốn được biết đến và được vươn xa.

Hơn tất cả, chú ốc sên đại biểu cho Lòng Quyết Tâm. Lòng quyết tâm ấy giúp chú chế ngự mọi nỗi sợ hãi để dẫn dắt đồng loại đến được nơi tốt đẹp hơn. Theo tôi, lòng quyết tâm đó được xây dựng từ mơ ước, được bồi đắp bởi dũng khí và được hoàn thiện bởi vai trò tiên phong của chú ốc sên muốn biết vì sao mình chậm chạp ấy.

Và xuyên suốt câu chuyện, tôi thực sự không nghĩ rằng ốc sên chậm chạp, mà đơn giản là những giống loài khác đã nhanh quá. Mỗi giống loài trên thế gian này được sinh ra với những chức năng riêng của mình, chúng ta nên học cách chấp nhận chính chúng ta. Cuộc hành trình đi tìm câu trả lời cho việc vì sao mình chậm chạp và vì sao mình không có một cái tên của chú ốc sên không phải là cuộc hành trình để tách mình khỏi cộng đồng, mà là cuộc hành trình để tìm thấy chính bản thân mình, để giúp người ta soi vào nội tại của chính mình để tìm tòi và khám phá chính con người mình, để từ đó biến mình trở thành con người hoàn thiện và tốt đẹp hơn. Đồng thời, câu chuyện cũng là lời nhắc nhở đầy đáng yêu nhưng cũng đầy chân thành để chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống mình đang sống, và cởi bỏ những lớp vỏ ốc đang đè nặng lên vai chúng ta và hướng về phía trước với tư thế của một kẻ tiên phong, đầy dũng khí và dám ước mơ, chẳng ngại ngần hay sợ hãi điều chi.

“Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” hay là bài học sâu sắc về con người

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng: “Văn học thiếu nhi không phải chỉ viết dành riêng cho thiếu nhi, mà nó dành cho phần trẻ thơ trong mỗi con người.” Ở tuổi hai mươi rưỡi, lần đầu tiên tôi cầm lên một cuốn sách dành cho thiếu nhi và đọc ngấu nghiến cho đến tận trang cuối cùng, và rồi bật khóc bởi niềm xúc động trào dâng trong lòng trước những ngôn từ sao mà trong trẻo đến thế, nhân văn đến thế, đầy sức gợi và đi vào lòng người đến thế.

Kết quả hình ảnh cho chuyện con mèo dạy hải âu bay

“Chuyện con mèo dạy con hải âu” bay của nhà văn Chile – Luis Sepúlveda đã không còn dừng lại ở ranh giới một cuốn sách cho trẻ em nữa, mà nó thực sự đã là một tác phẩm có khả năng khơi dậy những tình cảm tốt đẹp nhất trong lòng chúng ta. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện ngụ ngôn hiện đại của các loài vật, mà nó cho chúng ta thấy nhiều hơn thế. Tác giả đã dùng một cách rất thông minh để cho người đọc thấy được sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên thông qua hình ảnh về cái chết đầy ám ảnh của cô hải âu Kengah sau khi bị mắc kẹt trong đám dầu hôi hám, bẩn thỉu mà con người đã sử dụng để tàn phá biển cả, hay đoạn bốn chú mèo nói với nhau nguyên nhân vì sao lũ mèo lại không dám nói tiếng người dù rằng chúng có thể – bởi vì chúng sợ sẽ giống như những loài vật khác, bị con người gông cùm sau khi đã phát hiện ra tài năng của chúng, trí thông minh của chúng, chỉ đơn giản là bởi con người không thể chấp nhận được bất cứ loài vật nào có cùng những khả năng như mình. Con người luôn tự cho mình là loài động vật cao cấp nhất, họ kiêu ngạo, họ tự cho mình có quyền lực lên thiên nhiên, lên động vật, lên tất cả mọi điều, và hiển nhiên, chẳng dễ dàng gì để một giống loài với tất cả sự ưu việt và kiêu ngạo như thế chấp nhận được một giống loài nào đó khác cũng có những ưu việt như mình, huống chi là nhiều loài, chẳng vị vua mà muốn bị tiếm quyền, và loài người hốt nhiên vẫn luôn coi mình là vua. Nhưng đồng thời, cũng lại cho ta hiểu rằng không phải con người nào cũng tàn phá, cũng tồi tệ, bằng chứng là anh  thi sĩ mà các chú mèo đã nhờ giúp đỡ để giúp Lucky học bay, anh chàng thi sĩ với trái tim rộng mở, với tâm hồn phơi phới, đã gạt bỏ được tất cả giới hạn trần tục nhất của lòng tham trong con người, đã dám tin tưởng những điều khó tin nhất mà không một lời phán xét, đã ngưỡng mộ những điều vô song dù anh ta chưa từng thấy nó nhưng vẫn chấp nhận nó như thể một phần diệu kì chưa được khám phá trong thế giới này, anh đã giúp đỡ chú mèo cao thượng và chú hải âu bé nhỏ với tất cả tâm hồn và lòng hào hiệp của mình.

Ngoài ra, “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” dường như là câu chuyện về con người, về chúng ta hơn bất cứ câu chuyện có nhân vật là con người nào khác. Một câu chuyện kể về loài vật nhưng hóa ra lại chính là câu chuyện kể về tất cả chúng ta, những con người trong thế giới rộng lớn, đầy vị kỉ, đầy phán xét, đầy cao ngạo, đầy tự tin, nhưng dường như lại thiếu đi sự đồng cảm và chấp nhận. Chúng ta luôn cho rằng bản thân mình rất biết đồng cảm với những người nghèo khổ, những người bị khiếm khuyết, hay tựu chung lại là những người khác chúng ta. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sự đồng cảm đó là sự chấp nhận với vòng tay và trái tim  rộng mở, hay chỉ đơn giản là sự thương hại?

Tôi đặc biệt ấn tượng với những điều mà chú mèo mun mập mạp Zorbra đã nói với Lucky khi cô hải âu bé nhỏ hoài nghi về lòng tốt của những chú mèo.

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng  ta đành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ với việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khs khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay.”

Phải rồi, chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình thì rất dễ. Nhưng để chấp nhận và yêu thương ai đó khác mình thì không hề dễ dàng chút nào. Nhưng Zorba, chú mèo đã ấp trứng và chăm nom cho Lucky từ khi chưa ra đời, chú mèo đã giữ tất cả những lời hứa với người mẹ đã qua đời của Lucky và tìm mọi cách để cô hải âu bé nhỏ có thể bay; hay Đại tá, chú mèo đã bảo bọc Lucky với sự hào hiệp và phóng khoáng của mình, đã mở rộng cánh cửa đón một tạo vật khác biệt vào với cộng đồng của mình mà không hề một lần do dự; hay Eintein – chú mèo uyên bác đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách không thể hoàn hảo hơn, từ việc tìm hiểu làm thế nào để ấp một quả trứng đến việc làm thế nào để Lucky có thể bay; hay Secretario, chú mèo Ý đã chăm lo cho Lucky; và Bốn Biển, chú mèo thủy thủ đã xác định giới tính cho Lucky; và trên tất cả, cả năm chú mèo đó không chỉ cho cô hải âu Lucky bé nhỏ một sự săn sóc, mà chúng đã cho Lucky một mái ấm với đầy ắp tình yêu thương và sự quan tâm, chúng đã bảo bọc Lucky với tất cả khả năng của mình, và chúng đã yêu thương Lucky vì chính con bé mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ một sự thay đổi nào ở con bé ngoài việc là chính mình. Đó là một loại yêu thương vô điều kiện, đầy hào sảng, không hề vị kỉ và không hề tư lợi, đó là một sự chấp nhận còn hơn cả sự chấp nhận. Dù cho vẫn có những kẻ trong cộng đồng mèo hay con đười ươi say xỉn với tâm hồn xấu xí và bần tiện luôn cho rằng lũ mèo chỉ vỗ béo Lucky để trực chờ nó lớn lên rồi sẽ thực hiện những điều mà theo thứ bản năng tham lam và vị kỉ của mọi giống loài thì hẳn chúng sẽ làm. Nhưng không, tình yêu thương vô hạn và sự chấp nhận vô điều kiện của Zorba, của mèo Đại tá, của Secretario, của Bốn Biển, của Einstein đã nuôi Lucky lớn lên, và đã giúp cho Lucky bay được và bay lên thật cao, thật xa. Zorba chắc chắn là một con mèo “tử tế, cao quý, một con mèo của bến cảng”. Và một con người có thể sống một cách hào sảng như Zorba chắc chắn là một con người cao quý và tốt đẹp. Tôi đoan chắc rằng mỗi người khi đọc xong “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” cũng sẽ phải giật mình soi xét lại chính mình, tự hỏi lại chính mình xem mình đã thực sự yêu thương đủ chưa. Và với chính bản thân mình, tôi tin rằng, nếu thế giới có càng nhiều Zorba, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn. Tôi chẳng dám mong ai cũng là Zorba, vì chẳng có ai hoàn hảo, nên thế giới cũng chẳng thể hoàn hảo với đầy điều tốt đẹp, tôi chỉ dám mong ước thế giới sẽ có nhiều Zorba nhất có thể mà thôi.

Dành hết cho em – Nicholas Sparks

(Nguồn: nhanam.tumblr.com)

“Anh đã trao cho em phần tốt đẹp nhất trong anh.”

Câu chuyện của Dawson và Amanda đã từng được viết và bị bỏ ngỏ từ mùa xuân của năm 1984 khi hai người họ vẫn còn là học sinh trung học. Cho đến tận hai mươi lăm năm sau, khi số phận đã một lần nữa cho họ gặp lại nhau. Thời gian quả đã lấy đi của hai con người đó nhiều thứ cũng như nó đã lấy đi của tất cả mọi người. Tình yêu đầu đời, tuổi trẻ, ước vọng, đam mê. Nhưng bằng cách nào đó, thời gian vẫn luôn có cách để đưa những câu chuyện đi đến hồi kết.

Anh đã yêu cô bằng tất cả cuộc đời mình. Anh đã dành cho cô phần tốt đẹp nhất của anh, mà thực ra tôi nghĩ, anh đã dành cho cô tất cả của anh. Hiếm có người đàn ông nào lại yêu chung thủy và sâu sắc đến suốt đời một người phụ nữ dù cho có bất cứ chuyện gì đã xảy ra. Và cũng hiếm có con người nào có thể ôm ấp mãi một tình yêu trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời dù người kia đã bước ra khỏi đời mình từ rất lâu trước đó rồi. Dawson từng nói rằng anh đã dành cho Amanda phần tốt đẹp nhất của mình và khi cô ra đi, phần đó trong anh cũng mất đi. Nhưng tôi lại nghĩ, Dawson với  tất cả con người anh đã thật tốt đẹp, thật hoàn thiện, thật cao quý làm sao. Dường như trong suốt cả cuộc đời mình, anh đã chẳng khi nào sống riêng cho bản thân mình. Anh đã cố gắng để thoát khỏi bóng ma của gia đình mình cứ đeo bám anh, anh cũng đã làm hết sức mà một con người có thể làm để bù đắp cho một lỗi lầm mà ảnh chẳng có chủ định gây ra, và anh đã làm tất cả cho người phụ nữ anh yêu trong suốt cả cuộc đời cho đến hơi thở cuối cùng.

Còn Amanda, tôi đau cho Dawson một, thì tôi đau cho cô gấp mười và hơn thế. Bởi tôi hiểu rõ nỗi đau đớn và dày vò trong lòng lớn đến nhường nào khi mà mối tình đầu tiên và sâu sắc đó vẫn cứ mãi ngự trị trong nơi sâu thẳm trái tim mà chẳng thể nào buông. Amanda – con người luôn bị giằng xé giữa trách nhiệm và tiếng gọi của trái tim, giữa niềm say mê và tình yêu chưa bao giờ lụi tàn với Dawson và những trách nhiệm với gia đình có người chồng Frank và những đứa con còn đang cần dựa vào cô. Tôi đã thốt lên đau đớn từ tận sâu trong lòng mình khi người luật sư thông báo cho Amanda về cái chết của Dawson, tôi có thể mường tượng ra nỗi đau căm lặng đông đặc trong lòng cô, tôi có thể cảm thấy kể từ giây phút đó, Amanda đã chỉ còn sống nửa cuộc đời và sự ra đi của Dawson tưởng như là sự giải thoát nhưng thực ra lại là nỗi đau đóng đinh tâm hồn cô suốt quãng đời về sau. Bởi vì, không còn được ở bên cạnh người mình yêu là một chuyện, nhưng khi người ấy không còn tồn tại trên cõi đời này nữa thì lại là một chuyện khác, không gì có thể tả được nỗi đau và nỗi mất mát ấy. Việc không còn được hít thở chung một bầu không khí với anh, việc không còn được tự lừa dối mình là anh vẫn còn sống rất ổn, việc không còn được mơ mộng đến ngày được gặp lại anh, việc không còn được mơ đến ngày được nhìn thấy anh lần nữa…tất cả đều thật quá sức chịu đựng. Dawson đã dành cho Amanda tình yêu của anh, mạng sống của con trai cô, nhưng trên tất cả, anh đã dâng tặng cho Amanda tất cả cuộc đời anh. Và cô biết mình vẫn cứ phải tiếp tục sống, vì những đứa con đang còn cần dựa vào cô, và vì anh đã đi rồi, nên từ giờ cô sẽ chỉ cần sống với trách nhiệm với gia đình mình và chờ đợi, ao ước đến ngày được gặp lại anh – cái ngày mà tro cốt cô sẽ hòa vào với tro cốt của anh, cái ngày mà linh hồn cô sẽ đi tìm linh hồn anh vẫn luôn đón đợi cô.

Ở đây, trong “Dành hết cho em”, Nicholas Sparks đã lại một lần nữa ghi vào trong lòng tôi dấu ấn sâu đậm, đã lại một lần nữa khiến trái tim độc giả thổn thức, run rẩy trong niềm đau đớn, nỗi day dứt, nỗi hối tiếc, nhưng vượt lên trên tất cả là một tình yêu đẹp đẽ đến mức hoàn thiện, không tì vết, không tư lợi, không hồi tố, cao thượng và đầy nhân văn.