Patrick Modiano và “Catherine Certitude”: Từ thăm thẳm ký ức tuổi thơ

Image result for catherine certitude
Source/Nguồn:
edge of evening

Có nhiều người khi nghe đến văn học thiếu nhi bèn lập tức bỏ ngoài tai mà không cần nhìn đến lần thứ hai, đặc biệt là những người lớn thực tế và từng trải, bản thân tôi cũng từng rơi vào trạng thái đó. Tôi không đọc văn học thiếu nhi hồi nhỏ, và cũng tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ đọc thể loại văn học này, đơn giản là vì tôi không nghĩ mình sẽ phù hợp với những cuốn sách đơn giản dành cho bọn trẻ con. Nhưng lần đầu tiên gặp Luis Sepulvéda và “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay”, tôi đã lập tức đắm chìm vào trong những câu từ trong trẻo mà thấm đẫm tính nhân văn và tâm hồn yêu thương của dòng văn học này, sự mơ mộng của những tác phẩm dành cho thiếu nhi đã khiến tôi bàng hoàng nhận ra cái phần khuyết thiếu trong mình mà bản thân đã ngó lơ nó bấy lâu. Tại sao đại văn hào như Mark Twain lại chọn gửi gắm tính phiêu lưu, ước mơ và lòng nhân ái của nhân loại, cùng óc hài hước vô biên và sự đả kích sâu cay của ông vào hai tác phẩm thiếu nhi, phiêu lưu nổi tiếng nhất của mình là “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”? Tại sao nhà văn người Chile Luis Sepúlveda lại chọn gửi gắm vào những “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay”, “Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp”, hay “Chuyện con mèo và con chuột là bạn thân của nó” những suy tư, đau đáu của con người về bình đẳng, về chấp nhận sự khác biệt, về tình yêu thương và sự chân thành một cách hết sức không giáo điều và trong trẻo? Và Edith Nestbit gửi gắm cả điều gì cho con trai mình, bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến, để có thể viết nên một trước tác thiếu nhi kinh điển như “Lũ trẻ đường tàu”? Còn Patrick Modiano, người đàn ông dành cả đời để truy tìm về ký ức, lật mở tầng tầng lớp lớp những hoài niệm quá khứ để phơi bày vẻ đẹp đầy tinh khiết của sự rạn vỡ và những niềm đau đáu, nghĩ gì khi ông viết “Catherin Certitude”?

Image result for children's literature
Source/Nguồn: WBUR

Patrick Modiano là người đàn ông mãi mãi theo đuổi những ký ức của mình, đơn giản là vì nỗi cô đơn và những nỗi đau trong quá khứ chưa bao giờ thôi ám ảnh ông. Nhà văn đã viết ra nỗi khắc khoải và u uất của một tâm hồn vất vưởng trong thời kỳ Chiếm đóng với thường trực câu hỏi về vị trí của bản thân mình, đòi hỏi định vị bản thân trong “Quảng trường ngôi sao”, người đã truy hồi từng dòng ẩn ức của mình trong “Phố những cửa hiệu u tối” và “Từ thăm thẳm lãng quên”. Và cũng chính vì thế mà mà hội đồng trao giải Nobel Văn học đã quyết định trao cho ông giải thưởng danh giá này vào năm 2014 bởi “với nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới – cuộc sống trong sự chiếm đóng” (“for the art of memory with which he has evoked the most ungraspable human destinies and uncovered the life-world of the occupation.”). Chính vì thế, khi biết Patrick Modiano có một tác phẩm viết cho thiếu nhi – Catherine Certitude – tôi cũng hết lòng ngạc nhiên và tò mò về cuốn sách này.

Image result for catherine cô bé đeo mắt kính


Cũng như trong những tác phẩm khác, Modiano vẫn hoài niệm quá khứ, nhưng là hoài niệm dưới con mắt của một cô bé “Catherine Certitude”, trong vỏn vẹn chưa đầy 100 trang sách, điều duy nhất ta biết về cô là cô quản lý trường dạy múa mà cô được thừa kế từ mẹ mình cùng với con gái. Rồi sau đó, ta được theo Catherine lần theo dòng ký ức, trở về với Quận 10, Paris, nơi cô bé Catherine sống chung với người bố không-biết-làm-nghề-gì. Catherine được sống một tuổi thơ vô lo và đầy mộng mơ, phần nhiều là nhờ người cha luôn cố gắng giữ cho cô con gái một cuộc sống nhiều sự mộng mơ nhất. Cô bé Catherine ấy sống giữa hai thế giới, một thế giới rõ ràng, góc cạnh qua cặp kính giúp cô bé nhìn rõ mọi thứ; thế giới còn lại là thế giới khi cô mặc lên bộ váy ballet, cởi bỏ cặp kính – một thế giới mềm mại, lướt qua trước mắt, kỳ ảo.

Nhưng ngay cả trong cách kể chuyện của Catherine ta cũng không thể nào ngừng tự hỏi, còn có điều gì đó trong những câu chuyện mà cô kể nữa mà dường như chẳng thể nói được thành lời, nó như một nỗi buồn vất vưởng vô định, như một nỗi hoài tiếc vô hình mà người ta mãi chẳng hể rời bỏ. Catherine kể về tuổi thơ đầy mộng mơ ở quận 10, Paris, nhưng cô cũng cho thấy mình đã sống trong một thế giới chia làm hai nửa như thế nào. Trong giọng kể của cô, càng về cuối càng cảm thấy mơ hồ một nỗi buồn, một loại tiếc nuối cứ thoang thoảng và càng đậm hơn về cuối, khi cô bé Catherine và cha mình chuẩn bị phải rời khỏi Paris để đến New York.

Trong suốt quãng thời gian trưởng thành ở New York, tôi không biết Catherine đã lớn lên thế nào, đã sống thế nào ngoài việc cô đang quản lý studio dạy múa được thừa kế từ mẹ mình. Nhưng tôi chắc chắn là một phần nào đó, thẳm sâu trong tâm hồn của cô gái, vẫn luôn là cô bé Catherine ở Quận 10, Paris. Tôi cảm tưởng như việc dời tới New York cũng đồng nghĩa với việc khiến cô mất đi một sự kết nối sâu sắc với nơi mình đã sinh ra, và nó mãi để lại một khoảng trống trong tâm hồn như một vết thương, một sự trống vắng và thiếu hụt mà người ta mãi không thể lấp đầy, không thể tìm thấy được nữa. Bởi vì, chỉ có một nỗi thiếu hụt sâu sắc đến mức ấy mới có thể khiến người ta nhớ về quá khứ, hoài niệm nó trong một niềm tiếc thương vừa hạnh phúc lại vừa đầy nhớ nhung, đau đáu đến thế.

Modiano vẫn là người viết những hoài niệm, nhưng lần này, bằng sự trong trẻo, vô tư và hài hước trong tâm hồn của một cô bé, ông gửi gắm tâm hồn bị tổn thương của mình vào đó. Dường như Modiano đang muốn nhớ về cả những ký ức vui vẻ, trong trẻo của tuổi thơ chứ không chỉ có những ký ức mang những nỗi buồn đau hoang hoải của tuổi trẻ hay của những mất mát. “Catherine Certitude” tôi cho rằng là tác phẩm nói lên tiếng lòng sâu thẳm nhất, hoàn thiện nhất của nhà văn.

The Polar Express – Chuyến tàu chở những ký ức tuổi thơ

the polar express

Tôi cho “The Polar Express” 5 sao không phải vì giải thưởng mà nó đạt được, cũng không phải bởi vì ai đó nói rằng nó hay đến mức xứng đáng được 5 ngôi sao, mà là bởi vì tôi cảm thấy phần tuổi thơ đã trôi qua của mình xứng đáng nhận 5 ngôi sao ấy, và “The Polar Express” đã đưa tôi về với “tôi” năm 10 tuổi.
Hình như khi trưởng thành, cuộc sống và những nỗi lo rất đời đều khiến cho họ cảm xúc của chúng ta chai lì hơn, và ta ít khi nào chìm đắm trong thế giới tưởng tượng mà ngày thơ bé ta vẫn hăng dạo chơi trong đó nữa. Những câu chuyện như “The Polar Express” dường như là một kí ức rất đỗi xa xăm rồi. Ông già Noel, những chú tuần lộc, chiếc xe kéo, món quà giấu sau cây thông hay tiếng chuông bạc trên cỗ xe của ông già Noel, lớn lên, chẳng ai còn tin điều đó. Ông già Noel không có thật! Lâu đài ở nơi cao nhất trên trái đất không có thật!  Continue reading “The Polar Express – Chuyến tàu chở những ký ức tuổi thơ”

Những bất hạnh của Sophie – Nữ bá tước De Ségur

img852

“Những bất hạnh của Sophie” quả thực xứng đáng được xếp vào hàng ngũ của những tác phẩm thiếu nhi kinh điển, xứng đáng được độc giả thế giới đọc đi đọc lại suốt hơn 200 năm qua, bởi vì sức cuốn hút chưa bao giờ phôi pha của nó, bởi vì những câu chuyện, những bài học vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Nữ bá tước de Segúr đã viết về Sophie theo hình thức của những câu chuyện dân gian, mang đậm tính giáo dục. Cô bé Sophie, 4 tuổi, hiện lên trong câu chuyện mang theo hình ảnh tuổi thơ của tất cả chúng ta, dù ở bất cứ thời đại nào, thì hình như trẻ con cũng đều không có gì đổi khác, đều tò mò, ngỗ nghịch và ham thích được khám như vậy, dù đôi khi chính sự tò mò, khám phá lại gây ra những hậu quả kinh khủng, không mong muốn. Cấu trúc của mỗi câu chuyện đều đơn giản, không phức tạp, nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn, kể cả khi bạn đã là một người lớn tồng ngồng và trải qua biết bao dư vị của cuộc sống, và dù có là một em bé 3, 4 tuổi cũng có thể hiểu được cuốn sách qua những ngôn từ giản dị như thế. Nếu là một người lớn, đọc “Những nỗi bất hạnh của Sophie”, sẽ có lúc bạn cau mày khó chịu vì sự ngỗ nghịch, thói xấu mãi không sửa của cô bé, sẽ có lúc cảm thấy đứa bé này thật…hết thuốc chữa, sẽ có lúc cảm thấy tức giận thay khi thấy những trò đùa của Sophie, vậy thì xin chúc mừng, bạn vừa được trải qua cảm giác làm các bậc phụ huynh mà không cần phải có một đứa con. Nhưng dù có bức bối, giận giữ, bất lực hay tức giận như nào với Sophie, chúng ta cũng không thể nào giận dữ với cô bé này quá lâu được. Hey, đây mới chỉ là một đứa bé 4 tuổi, đang cố gắng khám phá  thế giới đầy những điều lạ kì xung quanh mình và cố gắng học hỏi về thế giới mà cô đang sống. “Những bất hạnh của Sophie” có thể đưa ta về thời ấu thơ vô lo của mình, đưa ta nhớ về những kí ức, những kỉ niệm tuyệt đẹp mà chẳng có tuổi trưởng thành nào có thể sánh được, và cho ta thấy ấm áp với tình cảm trong sáng của hai đứa trẻ Paul và Sophie – một Paul tốt bụng, ngoan ngoãn, điềm tĩnh, luôn bao dung – có vẻ như là một dấu hiệu của một người đàn ông đầy trách nhiệm trong tương lai, và một cô bé Sophie – bướng bỉnh, nhiều tật xấu, tò mò, thích khám phá, sáng tạo và cũng đầy cương trực – có thể là biểu hiện cho một người phụ nữ sẽ không hề dễ bảo, khá cứng đầu nhưng cũng rất cương trực và nhân hậu. Còn lũ trẻ thì ắt hẳn sẽ tìm thấy không ít điều đồng cảm với cô bé Sophie trong đây đâu.

Một cuốn sách trong sáng, giản dị và đầy thú vị.

“Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp”: Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta!

Source: nhanam.vn

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta cũng đã từng tự hỏi những điều “vì sao”?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta cảm thấy cuộc sống tù túng và bé nhỏ quá nên chỉ muốn thoát ra?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta khát khao được bay xa hơn, đi xa hơn?

Có phải đã có những lần trong đời chúng ta bị chế nhạo, xem thường vì những ước mơ “khác biệt” hay những điều “lạ thường” mà mình nói?

Mỗi người trong chúng ta đều là một con ốc sên. Và “Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp” không phải là câu chuyện riêng của một con ốc sên, mà là câu chuyện của chính chúng ta, tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều đang sống ở trong cái vỏ ốc của riêng mình, nhìn thế giới qua đôi mắt nằm trên hai sợi râu của mình với tầm nhìn chẳng quá được ngọn cỏ, và mang quá nhiều sự nặng nề trên vai khiến chúng ta trở nên mơ hồ, chậm chạp nhưng lại dần quen với sức nặng ấy đến mức cảm thấy nó chẳng còn nặng nữa, cảm thấy ta chẳng có gánh nặng nào. Nhưng chỉ có một số ít người trong chúng ta mới dám hỏi và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình, bước ra khỏi cái ốc đảo thân thuộc và đi tìm đến những điều họ chưa bao giờ biết, chỉ có một số ít người có dũng khí dám chế ngự nỗi sợ hãi của mình để bước đi và đương đầu với biết bao sự chế giễu và sự an toàn.

Chú ốc sên trong câu chuyện kia chính là Dũng Khí, chính xác hơn thì chú đại biểu cho Dũng Khí, một thứ mà chúng ta cần để vượt qua hay chế ngự mọi nỗi sợ để vươn đến những chân trời mới lạ trong khi những người khác vẫn còn nằm mãi trong vùng an toàn của họ.

Nhưng đối với tôi,

Chú ốc sên trong câu chuyện kia cũng đại biểu cho một Người Tiên Phong, kẻ dám làm mọi thứ, bất chấp luật lệ và bất chấp những sự an toàn cố hữu mà thực ra là thứ giam giữ con người ta khỏi những thứ tốt đẹp hơn và sự khám phá. Chú ốc sên chính là Người Tiên Phong trong cộng đồng chúng ta, những con người có khả năng dẫn dắt, đi đầu, vượt mọi rào cản và đem đến cho những người tin tưởng họ trái ngọt sau lòng quyết tâm son sắt.

Chú ốc sên cũng đại biểu cho Mơ Ước. Câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi đầy  tò mò của chú ốc sên rằng vì sao chú chậm chạp và vì sao chú lại không có một cái tên như các giống loài khác. Từ tò mò dẫn đến sự hiểu biết, và từ hiểu biết dẫn đến ước mơ. Ốc sên đã dần nghiệm ra vì sao bản thân mình lại chậm chạp sau khi gặp bác rùa, và đồng thời, từ sự suy ngẫm đó, chú đã mong ước được một cái tên, đối với tôi, ước mong đó là biểu hiện cho sự khẳng định bản thân mình, cho mong muốn được biết đến và được vươn xa.

Hơn tất cả, chú ốc sên đại biểu cho Lòng Quyết Tâm. Lòng quyết tâm ấy giúp chú chế ngự mọi nỗi sợ hãi để dẫn dắt đồng loại đến được nơi tốt đẹp hơn. Theo tôi, lòng quyết tâm đó được xây dựng từ mơ ước, được bồi đắp bởi dũng khí và được hoàn thiện bởi vai trò tiên phong của chú ốc sên muốn biết vì sao mình chậm chạp ấy.

Và xuyên suốt câu chuyện, tôi thực sự không nghĩ rằng ốc sên chậm chạp, mà đơn giản là những giống loài khác đã nhanh quá. Mỗi giống loài trên thế gian này được sinh ra với những chức năng riêng của mình, chúng ta nên học cách chấp nhận chính chúng ta. Cuộc hành trình đi tìm câu trả lời cho việc vì sao mình chậm chạp và vì sao mình không có một cái tên của chú ốc sên không phải là cuộc hành trình để tách mình khỏi cộng đồng, mà là cuộc hành trình để tìm thấy chính bản thân mình, để giúp người ta soi vào nội tại của chính mình để tìm tòi và khám phá chính con người mình, để từ đó biến mình trở thành con người hoàn thiện và tốt đẹp hơn. Đồng thời, câu chuyện cũng là lời nhắc nhở đầy đáng yêu nhưng cũng đầy chân thành để chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống mình đang sống, và cởi bỏ những lớp vỏ ốc đang đè nặng lên vai chúng ta và hướng về phía trước với tư thế của một kẻ tiên phong, đầy dũng khí và dám ước mơ, chẳng ngại ngần hay sợ hãi điều chi.

“Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” hay là bài học sâu sắc về con người

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng: “Văn học thiếu nhi không phải chỉ viết dành riêng cho thiếu nhi, mà nó dành cho phần trẻ thơ trong mỗi con người.” Ở tuổi hai mươi rưỡi, lần đầu tiên tôi cầm lên một cuốn sách dành cho thiếu nhi và đọc ngấu nghiến cho đến tận trang cuối cùng, và rồi bật khóc bởi niềm xúc động trào dâng trong lòng trước những ngôn từ sao mà trong trẻo đến thế, nhân văn đến thế, đầy sức gợi và đi vào lòng người đến thế.

Kết quả hình ảnh cho chuyện con mèo dạy hải âu bay

“Chuyện con mèo dạy con hải âu” bay của nhà văn Chile – Luis Sepúlveda đã không còn dừng lại ở ranh giới một cuốn sách cho trẻ em nữa, mà nó thực sự đã là một tác phẩm có khả năng khơi dậy những tình cảm tốt đẹp nhất trong lòng chúng ta. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện ngụ ngôn hiện đại của các loài vật, mà nó cho chúng ta thấy nhiều hơn thế. Tác giả đã dùng một cách rất thông minh để cho người đọc thấy được sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên thông qua hình ảnh về cái chết đầy ám ảnh của cô hải âu Kengah sau khi bị mắc kẹt trong đám dầu hôi hám, bẩn thỉu mà con người đã sử dụng để tàn phá biển cả, hay đoạn bốn chú mèo nói với nhau nguyên nhân vì sao lũ mèo lại không dám nói tiếng người dù rằng chúng có thể – bởi vì chúng sợ sẽ giống như những loài vật khác, bị con người gông cùm sau khi đã phát hiện ra tài năng của chúng, trí thông minh của chúng, chỉ đơn giản là bởi con người không thể chấp nhận được bất cứ loài vật nào có cùng những khả năng như mình. Con người luôn tự cho mình là loài động vật cao cấp nhất, họ kiêu ngạo, họ tự cho mình có quyền lực lên thiên nhiên, lên động vật, lên tất cả mọi điều, và hiển nhiên, chẳng dễ dàng gì để một giống loài với tất cả sự ưu việt và kiêu ngạo như thế chấp nhận được một giống loài nào đó khác cũng có những ưu việt như mình, huống chi là nhiều loài, chẳng vị vua mà muốn bị tiếm quyền, và loài người hốt nhiên vẫn luôn coi mình là vua. Nhưng đồng thời, cũng lại cho ta hiểu rằng không phải con người nào cũng tàn phá, cũng tồi tệ, bằng chứng là anh  thi sĩ mà các chú mèo đã nhờ giúp đỡ để giúp Lucky học bay, anh chàng thi sĩ với trái tim rộng mở, với tâm hồn phơi phới, đã gạt bỏ được tất cả giới hạn trần tục nhất của lòng tham trong con người, đã dám tin tưởng những điều khó tin nhất mà không một lời phán xét, đã ngưỡng mộ những điều vô song dù anh ta chưa từng thấy nó nhưng vẫn chấp nhận nó như thể một phần diệu kì chưa được khám phá trong thế giới này, anh đã giúp đỡ chú mèo cao thượng và chú hải âu bé nhỏ với tất cả tâm hồn và lòng hào hiệp của mình.

Ngoài ra, “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” dường như là câu chuyện về con người, về chúng ta hơn bất cứ câu chuyện có nhân vật là con người nào khác. Một câu chuyện kể về loài vật nhưng hóa ra lại chính là câu chuyện kể về tất cả chúng ta, những con người trong thế giới rộng lớn, đầy vị kỉ, đầy phán xét, đầy cao ngạo, đầy tự tin, nhưng dường như lại thiếu đi sự đồng cảm và chấp nhận. Chúng ta luôn cho rằng bản thân mình rất biết đồng cảm với những người nghèo khổ, những người bị khiếm khuyết, hay tựu chung lại là những người khác chúng ta. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sự đồng cảm đó là sự chấp nhận với vòng tay và trái tim  rộng mở, hay chỉ đơn giản là sự thương hại?

Tôi đặc biệt ấn tượng với những điều mà chú mèo mun mập mạp Zorbra đã nói với Lucky khi cô hải âu bé nhỏ hoài nghi về lòng tốt của những chú mèo.

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng  ta đành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ với việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khs khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay.”

Phải rồi, chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình thì rất dễ. Nhưng để chấp nhận và yêu thương ai đó khác mình thì không hề dễ dàng chút nào. Nhưng Zorba, chú mèo đã ấp trứng và chăm nom cho Lucky từ khi chưa ra đời, chú mèo đã giữ tất cả những lời hứa với người mẹ đã qua đời của Lucky và tìm mọi cách để cô hải âu bé nhỏ có thể bay; hay Đại tá, chú mèo đã bảo bọc Lucky với sự hào hiệp và phóng khoáng của mình, đã mở rộng cánh cửa đón một tạo vật khác biệt vào với cộng đồng của mình mà không hề một lần do dự; hay Eintein – chú mèo uyên bác đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách không thể hoàn hảo hơn, từ việc tìm hiểu làm thế nào để ấp một quả trứng đến việc làm thế nào để Lucky có thể bay; hay Secretario, chú mèo Ý đã chăm lo cho Lucky; và Bốn Biển, chú mèo thủy thủ đã xác định giới tính cho Lucky; và trên tất cả, cả năm chú mèo đó không chỉ cho cô hải âu Lucky bé nhỏ một sự săn sóc, mà chúng đã cho Lucky một mái ấm với đầy ắp tình yêu thương và sự quan tâm, chúng đã bảo bọc Lucky với tất cả khả năng của mình, và chúng đã yêu thương Lucky vì chính con bé mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ một sự thay đổi nào ở con bé ngoài việc là chính mình. Đó là một loại yêu thương vô điều kiện, đầy hào sảng, không hề vị kỉ và không hề tư lợi, đó là một sự chấp nhận còn hơn cả sự chấp nhận. Dù cho vẫn có những kẻ trong cộng đồng mèo hay con đười ươi say xỉn với tâm hồn xấu xí và bần tiện luôn cho rằng lũ mèo chỉ vỗ béo Lucky để trực chờ nó lớn lên rồi sẽ thực hiện những điều mà theo thứ bản năng tham lam và vị kỉ của mọi giống loài thì hẳn chúng sẽ làm. Nhưng không, tình yêu thương vô hạn và sự chấp nhận vô điều kiện của Zorba, của mèo Đại tá, của Secretario, của Bốn Biển, của Einstein đã nuôi Lucky lớn lên, và đã giúp cho Lucky bay được và bay lên thật cao, thật xa. Zorba chắc chắn là một con mèo “tử tế, cao quý, một con mèo của bến cảng”. Và một con người có thể sống một cách hào sảng như Zorba chắc chắn là một con người cao quý và tốt đẹp. Tôi đoan chắc rằng mỗi người khi đọc xong “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” cũng sẽ phải giật mình soi xét lại chính mình, tự hỏi lại chính mình xem mình đã thực sự yêu thương đủ chưa. Và với chính bản thân mình, tôi tin rằng, nếu thế giới có càng nhiều Zorba, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn. Tôi chẳng dám mong ai cũng là Zorba, vì chẳng có ai hoàn hảo, nên thế giới cũng chẳng thể hoàn hảo với đầy điều tốt đẹp, tôi chỉ dám mong ước thế giới sẽ có nhiều Zorba nhất có thể mà thôi.