TIẾNG NÓI TRONG VĂN HỌC PHÁP: CỦA RIÊNG BÀ

Lời người dịch: Nhân dịp Annie Ernaux được trao Nobel Văn Chương 2022 làm nức lòng người hâm mộ khắp nơi, thân là một người hâm mộ bé nhỏ của bà, tôi đã dịch nhanh một bài phỏng vấn của Annie Ernaux cho tờ The New York Times vào đợt Pháp bị phong tỏa do Covid-19 năm 2020. Một phỏng vấn giúp ta nhìn tổng quan về Ernaux và văn chương của bà.

Mời đọc bản gốc tại ĐÂY.

Từ thập niên 1970, Annie Ernaux đã dốc ký ức cả đời mình vào những tác phẩm mang đậm tính cá nhân. Giờ đây, độc giả nói tiếng Anh đang dần tiếp cận.

Annie Ernaux trong vườn của bà tại Cergy Pontoise, ngoại ô Paris. Cuốn sách mới nhất của bà, “Hồi Ức Một Cô Gái” sẽ được phát hành tại Mỹ trong tuần này. Isabelle Eshraghi chụp cho The New York Times

Vào một buổi chiều gần đây, qua điện thoại, từ ngôi nhà ở ngoại ô của mình, nhà văn Pháp Annie Ernaux đã mô tả phòng khách của bà. “Tôi đang ngồi trên chiếc ghế bành cũ kỹ. Từ khung cửa sổ hướng ra phía Nam, tôi có thể nhìn thấy bầu trời, một vài đám mây, và một cái cây ở bên trái,” bà nói, lựa chọn những chi tiết với sự dễ dàng từ một bậc thầy ký ức. “Đó là một nơi rất yên tĩnh. Thậm chí còn yên tĩnh hơn vào lúc này.”

Nước Pháp mới bước vào một đợt phong tỏa nghiêm ngặt do virus corona, và Annie Ernaux, 79 tuổi, không thể gặp mặt trực tiếp cho cuộc phỏng vấn. Nhưng thật dễ dàng mường tượng ra bà và ngôi nhà của bà trông như thế này từ những tác phẩm đậm tính cá nhân của bà: Bà đã dốc cả cuộc đời mình vào chúng.

Từ thập niên 1970, Annie Ernaux đã chiếm một vị trí đặc biệt trong ngôi đền văn chương Pháp vì khả năng không chỉ khơi gợi những ký ức cá nhân, mà còn thể hiện cách thức đầy tinh tế mà chúng tương tác với trải nghiệm đại chúng.

Cuốn sách đầu tiên của bà, “Quét Sạch” (Cleaned Out), ra đời năm 1974, là tường thuật mạnh mẽ của bà về tuổi thơ thuộc tầng lớp lao động ở Normandy, và cuộc phá thai chui mà bà đã trải qua. Tác phẩm được xuất bản một thời gian ngắn trước khi thủ thuật này được hợp pháp hóa tại Pháp. Trong khi những tác phẩm của bà ở thời kỳ đầu tương đối tiểu thuyết hóa, bà tập trung vào thể loại hồi ký từ thập niên 1980, viết về cuộc hôn nhân bất hạnh, sự suy sụp của người mẹ vì bệnh Alzheimer, trải nghiệm của chính bà với căn bệnh ung thư, cũng nhưu những cuộc tình đầy đam mê ở tuổi trung niên.

Dù cho Ernaux được tán dương từ lâu tại Pháp, bà vẫn ít được biết đến tại các nước nói tiếng Anh cho đến năm ngoái, khi một trong những cuốn tự họa gần nhất của bà được xuất bản, “Những Năm” (The Years), và được liệt vào chung khảo Giải thưởng Booker Quốc Tế. Giờ đây, độc giả Anh ngữ đang khám phá những tác phẩm trước của bà, và cuốn sách gần đây nhất, “Hồi Ức Một Cô Gái” (A Girl’s Story) sẽ được xuất bản tại Mỹ tuần này.

“Hồi Ức Một Cô Gái” bản tiếng Anh xuất bản bởi Seven Stories Press.

“Hồi Ức Một Cô Gái” là mảnh ghép còn thiếu trong bộ xếp hình tiểu sử Annie Ernaux. Ở đó, bà tìm đường trở lại mùa hè năm 1958 và trải nghiệm tình dục đầu đời của mình – một sự kiện để lại sang chấn, đã bị bỏ ngỏ ở những cuốn sách trước, khiến bà rơi vào trầm cảm và gây ra chứng rối loạn ăn uống.

Ernaux nói rằng phải mất gần sáu thập kỷ để bà bước ra khỏi sự kiện đó “bởi vì nó thật phức tạp. Nếu đó là một vụ cưỡng hiếp, có lẽ tôi đã có thể nói về nó trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như thế.” Thay vào đó, tác phẩm của bà nương vào vùng xám về đồng thuận tình dục, ở thời mà khái niệm đó còn chưa được dạy hay thảo luận.

“Người đàn ông đó lớn tuổi hơn – điều đó quan trọng với tôi – và tôi thỏa hiệp, vậy nên có thể nói rằng, vì thiếu hiểu biết,” Ernaux bày tỏ. “Tôi thậm chí còn chẳng nhớ mình đã nói ‘Không’”.

Sau những sự kiện mùa hè năm đó, Ernaux mất thêm một thập kỷ rưỡi để tìm thấy tiếng nói của mình. Những ảnh hưởng đầu tiên của bà, từ Simone de Beauvoirs đến biến động xã hội vào tháng 5/1968, đã được thu vào những hình ảnh đầy sống động trong “Những Năm”, thứ đã dệt nên gần 70 năm tự truyện và lịch sử.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, viết thời đại học, bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì “quá tham vọng”, bà kể. Khi bà bắt đầu viết trở lại vào thập niên 1970, bà đang là một giáo viên tiếng Pháp và một người mẹ của hai đứa con, mới làm quen với nhà xã hội Pierre Bourdieu và lý thuyết tái sản xuất xã hội của ông.

Sự nhấn mạnh của Bourdieu vào cách thức hệ thống giáo dục loại trừ trẻ em ở tầng lớp lao động đã mang đến cho Ernaux một nhận thức: Bỗng nhiên, nỗi xấu hổ mà bà từng cảm thấy khi là một sinh viên nhận học bổng, với hoàn cảnh khác xa với các bạn đồng trang lứa trở nên hợp lý.

Bà viết “Quét Sạch” mà không kể với ai. “Chồng tôi đã trêu chọc tôi sau bản thảo đầu tiên. Tôi giả vờ đang làm luận văn Tiến sỹ vào những lúc một mình,” bà kể lại. Khi cuốn sách được chọn bởi một nhà xuất bản danh tiếng, Gallimard, chồng bà Philippe đã buồn phiền, Ernaux kể: “Anh ấy nói với tôi: Nếu em có thể viết một cuốn sách bí mật, vậy thì em cũng có thể lừa dối anh.” Trong cuốn sách thứ ba, “Người Phụ Nữ Băng Giá” (A Frozen Woman), cuốn sách khám phá những cảm xúc mâu thuẫn của nhà văn trong vai trò một người vợ và người mẹ, chuyện ly hôn xuất hiện.

Ernaux nói lựa chọn không tái hôn đã mang đến tự do cho bà. “Tôi sống với đàn ông một thời gian, nhưng nhanh chóng, tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tôi hình dung nó như việc bị phong tỏa với ai đó vào lúc này – một cơn ác mộng”, bà nói và cười.

Vào đầu thập niên 1990, bà gây choáng váng nhiều người ở Pháp với “Đam Mê Giản Đơn” (A Simple Passion), tường thuật về cuộc tình của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình, để khám phá khát khao trong sự giải phóng, chi tiết gợi cảm bất tuân đạo đức. Nhờ đó, Ernaux dừng bất cứ sự giả tạo giả tưởng nào, và cuốn sách bán được 200,000 bản trong vòng hai tháng, đã nhận thấy những lời chỉ trích nanh nọc từ những người thủ cựu trong xã hội.

Bất chấp điều đó, nhiều độc giả thấy bản thân mình trong “Đam Mê Giản Đơn”, và Ernaux ngập lụt trong thư từ, bà kể lại. “Đàn ông và đàn bà giãi bày với tôi, nói rằng họ ước gì họ viết cuốn sách đó,” bà thêm vào. (Một bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết, đạo diễn bởi Danielle Arbid, sẽ phát hành tại Pháp vào cuối năm nay.)

. “Thẳng thắn mà nói, tôi thà chết bây giờ còn hơn mất đi mọi điều tôi đã từng thấy và nghe,” Annie Ernaux bày tỏ. Isabelle Eshraghi chụp cho The New York Times

Nhà xã hội học, tiểu thuyết gia Chirstine Détrez, giáo sư tại Đại học Sư phạm Lyon, nói trong một cuộc phỏng vấn điện thoại rằng tác phẩm của Ernaux “loại bỏ đặc tả” các trải nghiệm của phụ nữ. “Bạn sợ công nhận bản thân, bởi vì sau đó bạn sẽ phải vẽ ra đoạn kết cho chính mình, nhưng bạn vẫn làm”, cô nói, bổ sung thêm rằng ảnh hưởng của Ernaux lên cuộc sống của phụ nữ pháp có thể sánh bằng ảnh hưởng của Beauvoir đến các thế hệ trước. Giáo sư Détrez cũng nói thêm, “Nó có ích, bởi vì như vậy có nghĩa là những gì bạn trải nghiệm là kết quả của một điều kiện chung.”

Điều này rất rõ ràng từ phản ứng của khán giả trong suốt buổi đọc cộng đồng cuốn “Hồi Ức Một Cô Gái” tạp rạp Comédie-Française tôn nghiêm ở Paris hồi đầu tháng Ba. Khi nữ diễn viên Dominique Blance cất tiếng, những tiếng rì rầm tán dương và tiếng cười khúc khích chào đón từng chi tiết đã tái hiện một thời kỳ đã mất từ rất lâu trước: sự đột phá của băng vệ sinh dùng một lần, một loại bánh quy nổi tiếng thời đó. Với những phụ nữ thuộc thế hệ Ernaux, họ là những miếng bánh madeliene của Proust.

Hôm đó Ernaux đã ngồi ở vị trí khán giả, nhưng bà thường thích tránh xa khỏi văn đàn Paris. Thay vào đó, bà ngày càng trở nên bộc trực trong các buổi phỏng vấn hay các tiểu luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Bà thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với phong trào #MeToo, còn khó khăn để đạt được sự chú ý trong giới văn nghệ Pháp, cũng như phòng trào Áo Vàng đã làm rung chuyển cả đất nước vào năm ngoái. “Tôi đến từ nhóm người có thể được xếp vào những người Áo Vàng”, Ernaux nói.

Sự chú ý của bà đối với các cấu trúc thống trị xã hội đã dọn đường tại Pháp cho các nhà văn như  Édouard Louis, 27 tuổi, người đã gây chú ý với “Kết Cục Của Eddy” (The End of Eddy) – tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chính sự trưởng thành từ tầng lớp lao động của anh. “Với tôi, nó là một sự bùng nổ”, Louis nói trong lần trao đổi đầu tiên với Ernaux, qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại: “Tôi thấy mình được đại diện.” Anh cũng thêm vào rằng Ernaux đã khiến anh “nhận ra tự truyện có thể phá hủy đến mức nào.”

Dầu vậy, khi chính trị hay các sang chấn cá nhân xuất hiện trong cuộc điện với Ernaux, không hề có chút dấu hiệu nào của sự phẫn nộ trong giọng bà. Bà trực tính nhưng có thể đo lường một cách ấn tượng; ngay cả trong “Hồi Ức Một Cô Gái”, khi loại bỏ được tổn thương mà bà đã trải qua vào năm 1958 dẫn đến một cảm thức bình yên.

Dường như, nỗi sợ duy nhất của Ernaux là mất đi khả năng nhìn sâu vào bên trong và tái hiện quá khứ, sau khi thấy những ký ức của mẹ mình dần phai nhòa vào thập niên 1980. “Thẳng thắn mà nói, tôi thà chết bây giờ còn hơn mất đi mọi điều tôi đã từng thấy và nghe,” bà bày tỏ. “Với tôi, ký ức là vô tận.”

Vài dòng về Tanizaki Junichiro

Tanizaki Junichiro – Wikipedia tiếng Việt
Chân dung Tanizaki trên Wikipedia

Hai năm nay, nhà văn yêu thích nhất của mình là Tanizaki Junichiro, kế đó là Yukio Mishima. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đọc văn học Nhật cho đến khi đọc Lòng ái quốc của Mishima rồi Chữ Vạn của Tanizaki. Nhưng phải đến Hai cuốn nhật ký mình mới thực sự say đắm chất văn của Tanizaki.

Khi xưa, mình hẳn sẽ cực lực phản đối văn chương kiểu Tanizaki. Nó suy đồi quá mức cần thiết, vô đạo đức và bất tuân những chuẩn mực chung. Nhưng tài năng của Tanizaki mà mình nhận ra, cũng chính là điều mà văn đàn đã tung hô ông, chính là bóc trần bản ngã con người, bộc lộ phần hiểm ác, đồi phế trong thâm tâm của chúng ta. Đó là lý do mà mình không ưa nhưng không thể ngừng đọc. Ở văn chương của Tanizaki có một thứ chất gây nghiện khiến cho con người ta phải ngây ngất, bị lôi cuốn vào những miền thăm thẳm tăm tối của vùng ẩn ức.

Văn chương của ông dường như tương đồng với những phẩm chất hết sức Nhật Bản – nói ít hiểu nhiều, tiết chế những hoa mỹ, nhưng chứa đựng tầng tầng lớp lớp những ẩn ức bệnh hoạn, dục tính và đắm say đen tối. Tuy nhiên, văn của ông cũng mang những phẩm chất rất khác Nhật Bản – đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo tam quốc, không dùng chữ nói người. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn của văn hóa Đông – Tây hiển hiện rõ trong những tác phẩm của Tanizaki. Không có lạ gì khi có một thời văn chương của ông trở thành một cấm kỵ vì nó gây suy đồi “đạo đức đám đông”. Tuy nhiên, sự suy đồi thực chất không đến từ những ẩn ức hay khát khao nhục dục nhuốm màu bản năng của con người, mà nó đến từ những giằng xé do những giới hạn đạo đức bị vi phạm hoặc giả nó đến từ sự chối bỏ chính cái bản ngã thực sự của con người. Nước Nhật hiện đại chưa bao giờ thoát khỏi những ấn ức đầy dục tính như thế, nó trở thành một phần của nền văn hóa và lan rộng ra khắp thế giới, Tanizaki đơn giản là thọc sâu vào và phơi bày nó ra trước bàn dân thiên hạ mà thôi.

Chính vì thế, khi đọc văn của Tanizaki ta rất dễ rơi vào cái lưỡng nan của nhận thức và cảm xúc như thế. Ta vừa muốn chối bỏ những tệ hại, đồi phế, tăm tối của con người, nhưng lại vừa không tránh khỏi bị nó thu hút phải nhìn vào, xoáy vào, đối diện với nó. Và từ đó, ta vén mở, cùng với tác, những bi kịch của kiếp người, nhưng dằn vặt bên trong mỗi tâm hồn mà chúng ta, thường thì, sẽ chẳng bao giờ (dám) bộc lộ ra bên ngoài.

The Wedding – Cuốn tiểu thuyết dành cho mọi cuộc hôn nhân và tất cả những ai đang có ý định tiến tới hôn nhân.

Kết quả hình ảnh cho the wedding nicholas sparks

“Love is sustained by action, a pattern of devotion in the things we do for each other.”

  • The wedding – Nicholas Sparks

 

Chắc hẳn đã hơn một lần bạn nghe đến câu: “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu.” và những người đã kết hôn thì dành cho những người độc thân lời khuyên rằng đừng nên trói mình vào hôn nhân. Nhưng liệu rằng, có phải chính sư cam kết, trách nhiệm đến từ cuộc hôn nhân đã buộc hai con người đến với nhau và tự nguyện trở thành một phần của đời nhau bằng tình yêu ngay từ đầu trở nên hết yêu nhau không? Và liệu rằng, người ta có yêu lại lần nữa, với cùng một người đó và chỉ một người đó?

Wilson Lewis là một người đàn ông trung niên viên mãn với tất cả những gì một người từng mong muốn trong đời: một công việc thành đạt với vị trí là một luật sư công, chăm chỉ, một người vợ xinh đẹp, chung thủy với ba đứa con tuyệt vời đều đã trưởng thành. Nhưng vào ngày kỉ niệm ba mươi năm ngày cưới, Wilson lại đột ngột nhận ra một sự thật khủng khiếp rằng, có vẻ như vợ ông – Jane – đã không còn yêu ông nữa. Và đó là khi Wilson bắt đầu tỉnh ngộ, nghĩ lại quãng thời gian suốt ba mươi năm hôn nhân của mình, những điều mình đã bỏ lỡ, những trận bóng, những vở kịch, những ngày lễ cùng các con và gia đình; đặc biệt là khi Wilson không sẵn sàng đánh mất vợ mình – người phụ nữ mà ông nhận ra rằng mình vẫn luôn yêu sâu sắc như ngày đầu. Rồi kế hoạch cứu vãn cuộc hôn nhân của mình và giành lại tình yêu nơi vợ mình của Wilson bắt đầu với sự trợ giúp của Noah – người cha vợ đáng kính, người có một cuộc hôn nhân tuyệt vời, đáng mơ ước kéo dài đến năm mươi năm với vợ ông – Allie (Nếu ai đã từng đọc “The Notebook” thì ắt hẳn sẽ biết hai nhân vật này).

Wilson không phải là người đàn ông lãng mạn, ông luôn tự nhận thấy bản thân mình không thể nào lãng mạn như cha vợ mình – người luôn viết cho vợ mình những lá thư, những bài thơ và yêu bà sâu sắc đến từng hơi thở; và trong lòng mình, dù sau ba mươi năm đằng đẵng của cuộc hôn nhân đẹp đẽ với người phụ nữ trong mơ, Wilson vẫn không khỏi tự hỏi bằng cách nào Jane lại chọn ông ngay từ đầu chứ chẳng phải hàng tá người đàn ông khác xứng đáng hơn. Nhưng, sự thể là, sự lãng mạn không phải thứ xuất phát từ tâm tưởng cũng như không phải thứ có thể học được như những môn toán, văn, kinh tế, lịch sử,…ở trường. Mà lãng mạn là một điều gì đó sâu sắc hơn thế, sâu thẳm hơn thế, nó thuộc về địa hạt của trái tim và tâm hồn, nó chỉ có thể sống dậy khi người ta yêu bằng tất cả linh hồn và con tim mình, và nó chỉ có thể sống dậy khi người ta thực sự đối mặt và thấu hiểu cảm xúc của chính mình. Ngoài ra, tình yêu là thứ chẳng thể lý giải bằng những suy nghĩ và tư duy logic, làm sao có thể bóc tách một thứ luôn luôn có xu hướng đi chệch khỏi những điều người ta dự đoán. Ví như Wilson đã không có ý định yêu đương nghiêm túc một ai cho đến khi học xong trường Luật và kiếm được một công việc nhưng rốt cuộc đã không thể kìm được bản thân bị thu hút bởi Jane. Không thể nào và cũng chẳng cần lý giải lý do Jane chọn ông thay vì những người khác xứng đáng hơn để làm gì, bởi vì rằng, chỉ có người ta yêu mới thực sự nhìn thấy được điều họ yêu trong bản thân ta mà thôi. Mọi câu hỏi đều chẳng cần thiết.

Wilson đã bỏ lỡ ba mươi năm để trở thành người đàn ông mà ông đáng ra phải trở thành, nhưng rồi ông đã tỉnh ngộ thật đúng thời điểm, có lẽ tình yêu luôn còn đó đã dẫn dắt con người ta đi đúng đường. Tuy nhiên, Jane cũng quả thực là một người phụ nữ đầy nhẫn nại, bao dung và yêu thương. Bà đã thông cảm cho Wilson bởi những đêm ngày bận rộn của ông ở hãng luật, nuôi dưỡng những đứa con mà không kêu ca điều gì. Jane có mệt mỏi, nhưng bà không nói ra điều đó không phải bởi vì sự cố chấp hay muốn làm cao gì đó, chỉ đơn giản là tính cách của bà và cả Wilson đều không muốn nói về những vấn đề của mình. Tôi nghĩ, có lẽ không phải Jane không biết mệt mỏi hay đau buồn hay cảm thấy cô đơn, mà bà đã tin và đã hiểu. Jane đã tin người đàn ông bà chọn làm chồng ba mươi năm trước đủ để bao dung và thấu hiểu cho ông. Và có lẽ, phần nào đó trong bà cũng đã chờ đợi đến ngày Wilson nhận ra và tìm cách cứu vãn lại những thiếu sót đã đẩy họ đi quá xa nhau trong suốt ngần ấy năm. Khi mà tình yêu vẫn còn đó, vẫn luôn tồn tại, thì chẳng còn gì khó khăn để mà tìm về bên nhau.

Continue reading “The Wedding – Cuốn tiểu thuyết dành cho mọi cuộc hôn nhân và tất cả những ai đang có ý định tiến tới hôn nhân.”

Jane Austen

Chào đời ngày 16 tháng 12 năm 1775 tại SteventonHampshireAnh, Jane Austen là con thứ bảy trong gia đình có tám người con của Mục sưGeorge Austen (17311805), cai quản giáo xứ Steventon, và bà Cassandra (nhũ danh Leigh) (17391827). Người thân thiết nhất trong cuộc đời Jane Austen là cô chị Cassandra; cả hai không bao giờ kết hôn. Người cha là một học giả luôn khuyến khích con cái tính ham học hỏi. Tuy thế, Jane không được tiếp thu nhiều giáo dục từ nhà trường mà chủ yếu được người cha dạy học, và cũng có điều kiện đọc nhiều sách vở. Không khí gia đình sinh động, đầm ấm và đầy ắp tình yêu thương, cộng thêm những mối quan hệ rộng rãi với họ hàng và bạn hữu, đã cung cấp bối cảnh cho các tác phẩm của tác giả. Đây là môi trường tốt giúp phát triển năng khiếu văn chương của cô. Gia đình Austen thường cùng nhau diễn kịch, điều này giúp Jane có cơ hội ra mắt các sáng tác của mình. Họ cũng thường mượn các tác phẩm văn học từ thư viện địa phương, và những cuốn tiểu thuyết này đã ảnh hưởng đến văn phong của cô. Các thành viên trong gia đình thường khuyến khích Jane sáng tác, nhất là ông anh Henry, người cũng viết lách chút ít.

Từ tuổi nhỏ, Jane Austen đã bắt đầu viết những vở kịch ngắn và tiểu phẩm nhằm tạo vui thú trong gia đình, tiếp theo là một ít thơ và văn xuôi. Cô viết tác phẩm đầu tay từ năm 1789. Jane Austen đã sử dụng khung cảnh đời sống của mình – vùng nông thôn, giáo xứ, láng giềng và những thị trấn miền quê, cùng những chuyến thăm viếng đến các thành phố Bath và London để lấy chất liệu cho những tình huống, cá tính và đề tài trong các tác phẩm của mình.

Tác phẩm Sense and Sensibility được viết vào năm 1784 dưới tựa đề Elinor and Marianne, qua nhiều bổ sung và chuyển thể đến năm 1811 mới được xuất bản, chỉ ghi tác giả là “một phụ nữ”, và với chi phí tác giả tự bỏ ra. Tương tự, truyện Pride and Prejudice được phác thảo trong thời gian 17961797 và xuất bản lần đầu tiên năm 1813. Thêm truyện Mansfield Park được xuất bản năm 1814, và Emma năm 1816. Một nhà phê bình văn học có uy tín đã ca ngợi “tác giả không tên” là ngòi bút tuyệt diệu của “tiểu thuyết hiện đại” trong truyền thống mới về hiện thực. Tất cả tác phẩm xuất bản lúc Jane Austen còn sống vẫn đề tên tác giả vô danh. Sau khi qua đời, lần đầu tiên tên thật của Jane Austen mới xuất hiện năm 1818, trên truyện Persuasion.

Năm 1802, Jane Austen gần như đã nhận lời kết hôn với Harris Bigg-Wither, 21 tuổi, nhưng cô thay đổi ý định. Không ai biết rõ về cuộc đời tình ái của cô ngoại trừ những mẩu chuyện mâu thuẫn nhau. Cô chị Cassandra luôn muốn bảo vệ chi tiết đời tư của em gái mình, nên sau khi tác giả qua đời, cô đã tiêu hủy rất nhiều thư từ của tác giả để lại. Nhưng các tác phẩm cho thấy tác giả thông hiểu kinh nghiệm của tình yêu và của tình tuyệt vọng.

Sau khi cha bà qua đời năm 1805, Austen cùng chị gái và mẹ đến sống tại Southampton với gia đình Frank, anh trai của Jane, trong vài năm trước khi dời đến Chawton trong năm 1809. Tại đây, Jane cùng mẹ và các chị gái sống tại một điền trang có nhà nghỉ thôn dã là tài sản của ông anh Edward giàu có. Ngôi nhà này, nay trở thành viện bảo tàng, là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch và những người yêu thích văn học. Trong những ngày sống ở đây, Austen đã viết những tác phẩm sau cùng của bà.

Năm 1816, Austen bắt đầu mắc bệnh. Tháng 5 năm 1817, bà đến sống ở Winchester để tiện cho bác sĩ chăm sóc. Tình trạng sức khỏe của bà ngày càng tồi tệ, đến ngày 18 tháng 7 năm 1817, mới 41 tuổi, Austen từ trần do bệnh Addison (thoái hóa tuyến thượng thận). Bà được an táng tại Đại giáo đường Winchester

(Wikipedia)

* Lời của độc giả:

Theo tôi, chẳng cần phải tìm đâu trong những tác phẩm về một nữ anh hùng mà làm gì, bởi chính tự bản thân Jane Austen đã là một nữ anh hùng trong không chỉ thời đại của bà mà còn cả mãi về sau. Jane Austen là hình tượng mẫu mực của một người phụ nữ và là nỗi thống khổ cũng như mối ác cảm của đôi số người đàn ông cả ở thời đại của bà và bây giờ – học thức, tài năng, độc lập, ý chí lớn lao, và nhất là không bị ràng buộc bởi lề thói. Jane Austen có lẽ là một trong những con người hiếm hoi trên địa cầu này đã đặt ra vấn đề bình đẳng giới từ rất sớm. Bà đề cao hình tượng người phụ nữ, đề cao sức mạnh phái nữ, đề cao sự độc lập – tự chủ của phái nữ – những hình tượng mà mỗi người phụ nữ hiện đại đều đang hướng đến. Và vì những lý do đó, Jane Austen luôn là tác giả nữ mà tôi yêu thích và ngưỡng mộ nhất.

Barbara Cartland

1003211_489891737783469_1434082685_n

(Nguồn ảnh: www.facebook.com)

Dame Mary Barbara Hamilton Cartland, Nữ hiệp sĩ trưởng dòng của đế chế Anh (DBE), Chỉ huy của Dòng Thánh John của Jerusalem (CStJ) (sinh ngày 09 tháng 07 năm 1901 – mất ngày 21 tháng 5 năm 2000) là một nhà văn người Anh, là một trong những nhà văn sáng tác và bán được nhiều nhất ở thế kỷ 20, tác giả của 723 quyển tiểu thuyết được dịch sang 36 thứ tiếng và tiếp tục được nhắc đến trong sách kỷ lục Guinness cho người viết nhiều tiểu thuyết nhất trong vòng một năm. Barbara Cartland được biết đến qua nhiều tiểu thuyết lãng mạn và bà cũng từng viết dưới bút danh là tên sau khi kết hôn của mình – Barbara McCorquodale. Bà đã viết hơn 700 cuốn sách và bán được hơn 750 triệu bản. Một nguồn khác ước tính bà đã bán được hơn 1 tỉ bản sách. Bà cũng đã trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất trong tầng lớp thượng lưu ở Luân Đôn và là một những người nổi tiếng nhất trong giới truyền thông nước Anh.

MTE4MDAzNDEwNDczNjgyNDQ2

(Nguồn ảnh: www.biography.com)

*Lời của độc giả:
Barbara Cartland đã luôn là một trong những nhà văn nữ được yêu thích nhất mọi thời đại của tôi. Nếu bạn tự hỏi một cuốn sách dày chỉ vỏn vẹn hơn 200 trang thì sẽ làm được gì? Ồ ấy vậy mà có đấy, Barbara Cartland khiến tôi nhận ra rằng không cần thiết phải viết một câu chuyện quá dài dòng, quá chi tiết, chỉ cần đủ. Và để dành không gian cho cảm xúc của độc giả. Tôi đã giành hàng giờ bên máy tính, chỉ để cùng cười, cùng cay cay sống mũi với những câu chuyện kể của Barbara Cartland.
P/S: Nếu bạn muốn đọc những tác phẩm của bà, hãy bắt đầu bằng “Sự may rủi của trái tim”.

Marc Levy – My first love. The most romantic man in France.

marc levy

(Nguồn ảnh: www.tiki.vn) 

Marc Levy sinh ngày 16 tháng 10 năm 1961 tại Boulogne-Billancourt, nước Pháp, là nhà văn Pháp gốc Do Thái. Ở tuổi 18 ông tham gia Hội Chữ Thập Đỏ ở Pháp, nơi ông đã dành 6 năm hoạt động. Trong cùng thời gian, ông học ngành quản lí máy tính tại trường Đại học Paris-Dauphine và sau đó sinh sống tại Hoa Kì từ năm 1984 đến nam 1991. Tại đây, ông đã đặt nền tảng cho hai công ty – 1 đặt cơ sở tại California và 1 ở Colorado – chuyên về đồ họa tin học. Vào năm 1991, ông hợp tác lập ra một công ty thiết kế và xây dựng ở trong nước mà sau này đã trở thành một trong những hãng kiến trúc dẫn đầu ở Pháp.
Marc Levy viết quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình với tên Et si c’était vrai… vào năm 1998. Ông viết cuốn sách này cho con trai mình, khi đã là một thương gia thành công. Năm 1999, sau khi bán bản quyền phim Et si c’était vrai… cho hãng Dreamworks, ông kết thúc công việc ở hãng kiến trúc để theo đuổi sự nghiệp viết văn của mình. Năm 2001, ông cho xuất bản quyển sách thứ hai, Où es-tu?, tiếp theo là quyển Sept jours pour une éternité… vào năm 2003, La prochaine fois vào năm 2004 và quyển Vous revoir vào năm 2005. Năm 2005 cũng là năm trình chiếu bộ phim Just like Heaven của hãng Dreamworks – phỏng theo tiểu thuyết Et si c’était vrai… bởi các diễn viên chính: Reese Witherspoon và Mark Ruffalo. (wikipedia)

mac-levy-ke-ban-giac-mo-cua-nuoc-phap-2

(Nguồn ảnh: www.emdep.vn. Nhiếp ảnh gia: Claudia)

*Lời của độc giả:
Tôi đã luôn coi Marc Levy là “mối tình đầu” của mình, những con chữ được sắp đặt tài tình, những câu chuyện được kể theo một phương thức lãng mãn nhất mà tôi từng biết, đã thu hút tôi một cách mãnh liệt. Tôi dành nhiều giờ, nhiều ngày để đọc một cuốn sách của Marc và chiêm nghiệm, suy nghĩ. Ở trong mỗi tác phẩm của Marc, tôi nhìn thấy mình, nhìn thấy tuổi trẻ của mình, Marc dạy cho tôi nhiều điều về thời gian, về những thứ không thể phí hoài, về tuổi trẻ tươi đẹp biết mấy và tôi thì cần phải trân quý nó đến nhường nào. Tôi đã yêu và sẽ luôn yêu những gì Marc Levy đã làm cho tôi, những câu chuyện kể của ông và cách ông chạm vào trái tim tôi qua sức mạnh diệu kì của ngôn từ.

My first true love  Always and Forever.