Đâu là giới hạn của nghệ thuật?

Mấy hôm trước, tôi có đọc được một bài viết trên website Trạm Đọc với tựa đề Lolita: Khi đàn ông điên cuồng vì tình, và tôi có một số luận điểm phản biện lại bài viết đó. Lưu ý là, tất cả những luận điểm của tôi tại đây đều là quan điểm cá nhân, phản biện trên tinh thần xây dựng và theo góc nhìn của tôi, không có ý lên án bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.

Điều đầu tiên phải khẳng định là tôi không đồng ý với quan điểm xuyên suốt của toàn bộ bài viết trên, đó là quan điểm “đàn ông điên cuồng vì tình”, nhưng tôi không phủ nhận toàn bộ các quan điểm trong bài viết.

Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm về một cô gái ở tuổi dậy thì, ngoài việc phát triển về mặt cơ thể thì phần “dục” cũng phát triển. Tuổi dậy thì cũng được gọi là tuổi phát dục, đây là thời điểm mà các hooc-môn trong cơ thể thay đổi mạnh mẽ, khiến cho người ta sẽ nảy sinh những cảm giác và ham muốn mà mình chưa bao giờ có trước đó. Tôi không phủ nhận sự phát dục ở tuổi mới lớn, sự khao khát bản năng của con người và sự tò mò của những cô/ cậu mới lớn. Và sự thu hút về mặt bản năng giới tính là điều hoàn toàn tự nhiên giữa hai con người có cùng xu hướng tính dục với nhau.

Còn đây là những điều tôi không thể đồng ý với bài viết được.

(1) “Nymphet (con gái dậy thì) sinh ra đã có sức quyến rũ tự nhiên, không ý thức, nó tỏa ra sức thu hút mà chỉ một số dạng đàn ông ở những trạng thái đặc biệt mới nhận thấy được. Hầu hết, đó là những mẫu đàn ông hoài cổ, lãng mạn.”

Tôi không thể nào đồng ý nổi cái quan điểm này, ở phần lãng mạn hóa những mẫu người đàn ông bị thu hút bởi những bé gái ở tuổi dậy thì (13, 14, 15…tuổi). Bởi việc bị hấp dẫn tình dục với trẻ em là một dạng thiên hướng tính dục có thực, khi một người trưởng thành bị hấp dẫn về mặt tình dục với trẻ em (bạn có thể hiểu rõ hơn về ái nhi tại ĐÂY). Tuy nhiên, không phải người nào có ham muốn tình dục với trẻ em cũng sẽ quan hệ với trẻ em. Con người giống động vật ở chỗ chúng ta có bản năng, nhưng chúng ta lại khác động vật ở chỗ biết chế ngự bản năng của mình. Người ái nhi không thể ngăn cản thiên tính tự nhiên của họ, nhưng họ có thể chế ngự bản năng của mình bằng cách không quan hệ tình dục với trẻ em. Không phải người ái nhi nào cũng có hành vi ấu dâm, anh/ cô ta có thể không cưỡng lại được ham muốn của mình, nhưng ham muốn đi thành hành vi lại đưa câu chuyện đi sang hướng hoàn toàn khác rồi. Chúng ta không thể thi vị hóa những người đàn ông ái nhi, bởi đơn giản đó là một hành vi hoàn toàn bất công với họ và gây ra những hiểu biết lệch lạc về ái nhi. Nếu như người ái nhi được cổ vũ rằng hành vi ấu dâm là một hành vi thể hiện tình yêu của họ, thể hiện tâm hồn “lãng mạn, hoài cổ” của họ, thì ranh giới giữa ái nhi và ấu dâm sẽ bị vi phạm nghiêm trọng. Lãng mạn hóa ái nhi, và gián tiếp lãng mạn hóa ấu dâm là một việc vô cùng nguy hiểm mà chúng ta cần hết sức cẩn trọng mỗi khi có ý định đó.

Ở trong bài viết, để chứng minh cho luận điểm của mình, tác giả cũng đã đưa ra những dẫn chứng như câu nói của Marguerite Duras trong tác phẩm “Người tình” rằng “Trong tôi đã có sẵn khoái cảm, ở tuổi mười lăm nó đã hiện diện, mặc dù tôi chưa hề trải nghiệm nó”. Hay dẫn chứng về bá tước tiểu thư Natalia Rostova khi mười ba tuổi đã biết yêu và chủ động hôn Boris nụ hôn đầu tiên. Rồi là “Trong quá khứ dài hàng nhiều thế kỷ, phụ nữ quý tộc châu Âu kết hôn sớm từ độ tuổi mười hai, mười ba. Vô vàn câu chuyện lãng mạn về những mối tình hiệp sĩ gắn với thiếu nữ mới chớm qua tuổi dậy thì”. Trên quan điểm của tôi, đây là những dẫn chứng hết sức khiên cưỡng để chứng minh cho luận điểm trên, nó không khác nào việc ta đang đổ lỗi cho những cô bé tuổi dậy thì về sức hấp dẫn và sự cuốn hút mà họ không thể kiểm soát, đã dẫn đến việc khiến những người đàn ông “có tâm hồn đặc biệt” ham muốn họ. Như tôi đã nói ở trên, ở tuổi dậy thì, mỗi người đồng thời cũng sẽ phát dục, và họ sẽ trải qua ham muốn tình dục rất bản năng. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi cô gái ở tuổi mười lăm đều muốn được làm tình với một người đàn ông nào đó hay nhất thiết phải đi tìm, đi thử khoái cảm. Thêm nữa, bối cảnh của những câu chuyện được tác giả lấy làm dẫn chứng đều thuộc về xã hội cổ xưa, khi mà độ tuổi kết hôn vẫn còn được tự do quyết định bởi hai bên gia đình, khi mà chưa có luật lệ nào cấm chuyện tảo hôn hay quan hệ tình dục khi chưa đủ 18 tuổi, và điển hình là khi khoa học chưa phát triển để có những minh chứng chỉ ra rằng việc quan hệ tình dục trước tuổi gây nguy hại đến cơ thể của những cô gái mới lớn, việc có con sớm sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chuyện loạn luân sẽ dẫn đến những biến dị về mặt di truyền học hay quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là cưỡng hiếp và quan hệ tình dục với trẻ em là ấu dâm. Việc cấm ấu dâm, loạn luân, cưỡng hiếp…không phải là sản phẩm của một xã hội đầy những sợ hãi, không phải sản phẩm của xã hội không có tư duy nghệ thuật hay thiếu đi sự lãng mạn, mà đó là sự tiến bộ của xã hội loài người – một bước đi tất yếu phải đến khi con người ngày càng phát triển và hoàn thiện cả về thể chất và nhận thức, sự tiến bộ đó cho phép con người được sống đúng với mong ước của cá nhân họ, được sống trong một thế giới an toàn hơn nơi mà trẻ em gái không phải lo nơm nớp rằng mình sẽ bị một gã đàn ông nào đó vồ lấy, cưỡng hiếp và phải cưới hắn để bảo toàn danh dự gia đình. Continue reading “Đâu là giới hạn của nghệ thuật?”