Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

Tôi từng đọc một câu chuyện, rằng có một cậu học trò nọ là con trai của một người huấn luyện ngựa du mục, cuộc sống của cậu và gia đình là một cuộc sống nay đây mai đó theo công việc của người cha, không ổn định, do đó, cậu bé cũng phải chuyển trường rất nhiều, nên cũng khó tránh khỏi kết quả học tập bị ảnh hưởng. Một lần nọ, cô giáo của cậu cho cả lớp một đề văn “Hãy viết về ước mơ của mình”, và cậu bé nọ đã viết về ước mơ có một trang trại ngựa rộng hơn 2000 mẫu, và cậu đã miêu tả ước mơ đó chi tiết trong tận 7 trang giấy. Nhưng cô giáo của cậu lại cho cậu điểm thấp nhất, khi cậu bé hỏi tại sao, thì cô giáo bèn nói rằng ước mơ đó của cậu thật viển vông và vô căn cứ, rằng cậu bé sẽ chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ của cậu. Nhưng cậu bé, người có một người cha thật tuyệt vời, đã động viên con mình tin vào ước mơ của mình, đã thực hiện được ước mơ của mình, từng chút một. Và tôi nhớ mãi câu nói của cô giáo khi gặp lại cậu bé và thấy những gì cậu đã làm được, “Trong những năm tháng dạy học, cô đã đánh cắp ước mơ của rất nhiều đứa trẻ. Cũng may, em đã đủ lý trí để giữ lấy ước mơ của mình!”

Câu chuyện đầy tính thông điệp này thực ra lại không hề hiếm trong hiện thực, không chỉ giữa giáo viên và học trò, mà giữa cha mẹ với con cái, giữa người yêu với người yêu, giữa vợ với chồng, giữa người với người nói chung, chúng ta cũng thường vô tình hoặc cố tình gạt bỏ đi ước mơ của người khác và võ đoán về tương lai của một người chỉ dựa trên những gì mà ta thấy ở tại thời điểm này. Hầu hết thời gian, chúng ta đều quên mất mình phải tôn trọng khoảng không gian riêng của người khác, thậm chí, chúng ta còn cố can thiệp một cách thô bạo, và khi đối phương phản ứng lại, chúng ta bèn biện họ bằng một thứ mà hầu như không ai có thể trốn tránh hay chối bỏ – tình yêu. Nhưng theo tâm lý học Adler mà được Ichiro và Fumitake chuyển tải trong “Dám hạnh phúc” thì đó đơn thuần chỉ là cái “tôi” của chúng ta, đó là sự thiếu tôn trọng đối với cuộc đời của người khác, dù có lấy bao nhiêu lý do để bao biện thì chúng ta cũng quên mất một điều khi cố gắng gò ép người khác vào khuôn mẫu, đó là ta đang hành xử theo ý muốn của cá nhân mình chứ không phải hoặc chưa chắc đã là ý muốn của người kia. Sâu xa hơn, chúng ta hành xử như vậy để lấp đầy phức cảm tự ti của mình bằng việc sử dụng phức cảm tự tôn, ta cần cảm giác được tôn trọng, cần cảm giác được người khác khích lệ và khen ngợi, nhưng theo Ichiro và Fumitake, cảm giác đó cũng là cảm giác thời vụ không xuất phát từ bản thân của chúng ta, đó là cảm giác của người vẫn chưa thực sự coi trọng bản thân mình. Bởi vì nếu ta chỉ hành động vì sự khen ngợi và công nhận của người khác thì điều đó sẽ không bao giờ là đủ cả, từ đó, sinh ra cạnh tranh và ganh đua để giành lấy sự tán thưởng đó, nhưng sự công nhận của người khác lại giống như một lâu đài cát nếu ta thiếu đi một nền tảng cốt lõi là tự coi trọng chính bản thân mình. Lấy giáo dục làm chất liệu xuyên suốt của cuộc đối thoại giữa triết gia và chàng thanh niên, hai tác giả Ichiro và Fumitake đã đào sâu đến tận cùng những khái niệm cốt lõi trong tư tưởng của Adler, từ đó dần dần dẫn chiếu rộng ra các mối quan hệ trong xã hội, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Vậy những điều này thì có liên quan gì đến hạnh phúc? Ichiro và Fumitake nói rằng con người chỉ trưởng thành khi họ yêu, nhưng tình yêu theo như hai tác giả đề cập đến không phải là tình yêu xuất phát từ sự vị kỷ mà là tình yêu hòa hợp hai con người, tình yêu mà ở đó con người có thể triệt tiêu cái “tôi” của mình vì cái “chúng ta”. Chỉ có khi thấu triệt được khái niệm “chúng ta” và hiểu được nhiệm vụ của hai người là bản chất của tình yêu thì khi đó, ta mới có thể thực sự có được hạnh phúc. Theo tác giả, việc bỏ đi cái “tôi” của mình vì “chúng ta” là biểu hiện của việc cho đi không cầu nhận lại, biểu hiện cao cả nhất của tình yêu, và khi ta học được cách yêu một ai đó bằng tất cả sự vị tha đó, tức là ta đã học được cách chấp nhận bản thân mình xứng đáng được yêu, xứng đáng được hạnh phúc mà không đòi hỏi phải nhận lại như một sự trao đổi có điều kiện, tác giả đòi hỏi chúng ta ở một tình yêu cao hơn, đầy sự tín nhiệm hơn – tình yêu vô điều kiện, yêu chỉ vì niềm hạnh phúc được yêu chứ không phải tình yêu mang tính tín dụng, rằng có điều kiện thì mới yêu, chỉ khi đó, ta mới thực sự được hạnh phúc. Continue reading “Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake”

Đôi dòng về “Nhà giả kim”

“Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi mình trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện rõ trong đôi mắt chàng.”

Kết quả hình ảnh cho nhà giả kim

Tôi không nhớ mình đã đọc “Nhà giả kim” bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng không thôi bị cuốn hút bởi câu nói này. Với tôi, đây không chỉ là một câu khẳng định vô thưởng vô phạt của một cái hồ nước thần kì trong truyện cổ tích, mà đó là một lời nhắc nhở tinh tế mà thâm sâu về những giá trị mà chúng ta tìm kiếm kì thực vẫn luôn hiển lộ bên cạnh chúng ta hay bên trong con người ta, mà hiếm khi ta nhận ra điều đó.

Tại sao việc đi du hành đối với chàng chăn cừu Santiago lại quan trọng hơn việc làm gia đình vui lòng hay việc được hiểu về Chúa và những tội lỗi của con người? Như Elizabeth Gilbert đã từng nói trong cuốn sách nổi tiếng “Ăn, cầu nguyện, yêu” của mình, cái người ta cần tìm kiếm, cần giao tiếp được là Thượng Đế, mà Thượng Đế luôn ngự trị trong mỗi chúng ta. Như câu nói “Mình thật không hiểu nổi làm sao người ta có thể tìm thấy Chúa trong lớp học cho chủng sinh được.”, thì Chúa trời của Santiago kì thực không tồn tại ở một dạng phi bản thể vật chất để tất cả chúng ta ngưỡng vọng, mà Chúa trời tồn tại trong chính bản thân con người, và việc thực hiện giấc mơ của mình chính là con đường đúng đắn nhất dẫn con người tới với Thượng Đế. Trong trường hợp của mình, Santiago đã thực hành một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình tiếp cận Thượng Đế của con người – lắng nghe trái tim. Cái “mơ ước phiêu du” mà tác giả nhắc đến trong tác phẩm là một ẩn dụ đẹp về cuộc hành trình khám phá chính mình mà tác giả khuyến khích tất cả những độc giả của ông hãy dấn thân vào đó. Continue reading “Đôi dòng về “Nhà giả kim””

[Suối Nguồn – Ayn Rand] Gail Wynand

Tôi từng đọc được một review của ai đó nói rằng, “Gail Wynand là nhân vật chính trực nhất trong “Suối Nguồn””, và không thể không đồng ý với điều đó. Con người từng trở thành ngoại lệ của Howard Roark, đến ngay cả Roark còn có những lúc phá vỡ những nguyên tắc của chính mình, chỉ có Gail Wynand là nhân vật từ đầu tới cuối vẫn trung thực với chính con người mình nhất.

Xét về khía cạnh cuộc đời, Wynand chưa bao giờ tự hào về cuộc đời ông, khi đọc “Suối Nguồn”, ta có cảm tưởng như ông xây dựng cuộc đời mình dựa trên hàng loạt những điều tệ hại khác nhau, cố tình xây dựng danh tiếng thật tệ hại và biến tờ báo của chính ông trở thành một trong những tờ báo đưa tin “lá cải” lớn nhất. Nhưng toàn bộ con người Gail là một tổng thể phức tạp hơn thế nhiều, mà con người thì có ai không phức tạp chứ? Gail đã trải qua một tuổi thơ quá mức thiếu thốn, cả tình thương lẫn vật chất, không có ai dạy bảo, không có ai bảo vệ, ông đã sống bằng cách ngạo nghễ đạp lên cuộc đời và tất thảy những quan niệm đạo đức thông thường. Với kẻ đã từng sống ở tận đáy xã hội, thì chẳng có câu nói đạo đức nào đáng giá hơn một nắm cơm cả. Ông đã lựa chọn cuộc đời của mình mà không phải đặt nó vào bàn tay của xã hội ngoài kia. Tôi có cảm tưởng như Gail đã luôn là một thực thể cô độc và lạc lõng nhất cõi đời, cho đến khi ông gặp được Dominique.

Gail yêu cô. Điều đó không ai có thể phủ nhận được. Nhưng lại một lần nữa, Gail đã chọn sai người để yêu. Tôi nghĩ, ông đã lựa chọn Dominque không chỉ vì trái tim già cỗi, mệt mỏi và đầy đau đớn của ông cuối cùng đã rung động, mà còn vì, khi nhìn thấy Dominique, ông đã cảm thấy được sự tồn tại của chính mình, và ông đã nhìn thấy chính mình. Những ước mong của Gail và Dominique giống nhau, không biết ông có nhận ra không, nhưng cách ông yêu cô cũng chính là cách mà cô yêu Roark. Gail và Dominique giống như hai nửa của một con người, một bên trái – một bên phải, do đó, họ hòa hợp với nhau một cách nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Nhưng cũng như tôi đã nói trước đó về Dominique, hai nửa của một con người không thể yêu nhau theo cái cách mà hai con người hoàn toàn tách biệt yêu nhau. Chắc Gail cũng không hiểu tại sao ông lại yêu quý Roark, cũng như ông đã lập tức rơi vào tình yêu với Dominique, nhưng tôi thấy câu trả lời quả thực rất đơn giản – đó là vì Dominique cũng yêu Roark. Xem nào, hai nửa của một con người yêu một con người khác, điều đó thì có gì phải thắc mắc chứ, dám chắc nếu Gail là một người đàn bà thì ông cũng sẽ yêu Roark không kém gì Dominique. Cả hai người họ đều bị “dính chặt” vào với Roark ngay từ lần đầu tiên họ gặp anh, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dominique thì là lúc ở hầm mỏ, còn Gail thì là lúc ông tìm đến anh để đặt hàng bản thiết kế đầu tiên của mình.

Khi Dominique quyết định bỏ ông ra đi, cô đã để lại nỗi đau và nỗi trống trải quá lớn trong đời Gail, và chắc chắn tâm hồn ông sẽ không bao giờ còn có thể hồi phục nữa. Lại thêm một điều bổ sung vào cột “không ưa” của tôi đối với Dominique. Nhưng khách quan mà nói, chính Gail đã chấp nhận điều đó và biết điều đó ngay từ lúc ông quyết định sẽ cầu hôn cô, mặc dù sau này, ông đã phần nào mong ước cô sẽ ở lại đến cùng, con người mà, khi đã quá quen với những điều tốt đẹp rồi, họ sẽ khao khát nhiều hơn mà quên đi điều đáng ra họ phải nhớ như tạc. Khi Dominique ra đi, tôi nghĩ Gail đã chấp nhận, dù đau đớn, nhưng ông đã chấp nhận, và ông đã chấp nhận điều đó từ rất lâu trước đó. Bởi vì, dù đau đớn, nhưng Gail vẫn phải thừa nhận một điều rằng, Dominique Francon không thể yêu ông, và sẽ không bao giờ yêu ông như cách ông muốn. Bởi Gail là tấm gương của cô, hai nửa của nhau trên đời, Gail yêu cô theo cách cô yêu Roark, chính vì thế mà cô không thể yêu lại ông. Cô chỉ có thể dựa vào Gail để thấu suốt chính mình và trở nên không sợ hãi nữa, dù đau khổ nhưng có lẽ chính Gail cũng hiểu ra, ông chỉ là kẻ phát quang những bụi tầm gai chắn lối người đàn bà ông yêu đến với người đàn ông cô yêu.

[Suối Nguồn – Ayn Rand] Dominique Francon

dominiqueFountainhead_367Pyxurz

howard-roark-dominique-francon

Dominique Francon có lẽ là nhân vật tôi ít yêu thích nhất trong toàn bộ tác phẩm, thậm chí còn không thích hơn cả Ellsworth Toohey, bởi vì, vì cô, mà đã có đến hai người đàn ông cùng phải trải qua sự đau đớn. Tuy nhiên, mặc dù trách cứ cô vì đã khiến Roark đau đớn đến dường ấy (bạn biết đấy, cái cảm giác căm ghét người khiến cho người đàn ông bạn yêu đau khổ ấy mà!), nhưng tôi cũng không tìm ra bất cứ lý do gì để trách cứ hành động của cô.

Ngay từ đầu, khi gặp Peter Keating, cô đã nói với anh ta rằng cô không mong muốn được gặp người đàn ông của đời mình. Bởi một người đàn bà lúc nào cũng đề cao sự lý tưởng như cô, cô sẽ không chịu đựng được việc phải chia sẻ người đó với mọi người, cô sẽ tìm cách hủy hoại những thứ cô yêu quý chỉ để nó thuộc về mình, tính cầu toàn kết hợp với ham muốn được chiếm hữu khiến Dominique chối bỏ nhiều thứ trong đời cô và chuốc lấy nhiều đau khổ từ những quyết định sai lầm. Nhiều người nói, Dominique là đại diện cho chủ nghĩa nữ quyền, nhưng tôi không đồng tình, phần nào đó cô thể hiện vai trò của một người phụ nữ độc lập, đạp lên mọi lề thói và khuôn mẫu của xã hội, nhưng thực sự, sâu trong lòng cô vẫn còn nhiều sợ hãi và e dè. Cô không thực sự hiểu bản thân mình, cũng không thực sự tin tưởng vào chính mình như cô vẫn nghĩ, bởi nếu như cô thực sự hiểu và tin tưởng, cô sẽ không sợ hãi những điều sẽ đến với Roark đến như vậy, cô sẽ không đem lòng sợ hãi việc đám đông sẽ hủy hoại anh và rồi quyết định hủy hoại chính mình trước.

Tôi chắc chắn Dominique yêu Roark, anh là tình yêu của cuộc đời cô và là nửa kia được sinh ra dành cho cô trên mọi phương diện. Nhưng đồng thời, tôi cũng tin rằng cô yêu Gail Wynand. Cô chọn Peter không hẳn chỉ vì lòng khinh bỉ, mà còn bởi vì anh ta an toàn, nếu cô còn khinh bỉ anh ta, việc chung sống với anh ta vẫn còn là một thứ địa ngục với cô, thì cô có thể nhanh chạm đến sự hủy hoại hơn, nhưng sẽ không bao giờ thực sự hiểu được điều mà Roark muốn cô hiểu ra. Còn với Wynand, tôi nghĩ cô yêu ông, giống như cách chúng ta yêu chính bản thân mình, yêu cái bản thể giống chúng ta y đúc. Gail Wynand và Dominique Francon thực sự là bản sao khác giới của nhau, khi ở cạnh Gail, Dominique sẽ nhìn thấy chính cô trong ông, Gail là tấm gương phản chiếu cô. Chính thế, nên cô mới cho rằng nếu cô hiểu được Gail thì cô sẽ hiểu được chính mình. Do đó, mặc dù yêu Gail, thì cô cũng không thể yêu ông như cách cô yêu Roark.  Tất cả chúng ta đều không thể yêu bản thân mình giống cách ta yêu một bản thể hoàn toàn khác với mình, Gail là hình ảnh phản chiếu cô, việc yêu ông và học cách hiểu ông giống như cách cô yêu chính mình và học cách hiểu chính mình, cô cần phải hiểu bản thân để cởi bỏ những sợ hãi ở sâu trong lòng mình, chỉ khi cởi bỏ được những xiềng xích của nỗi sợ đó, cô mới có thể hoàn toàn thanh thản bước về phía Roark.

Có thể người đọc sẽ cho rằng Dominique luôn đưa ra những sự lựa chọn ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân cô, cô sợ hãi phải chứng kiến đám đông hủy hoại Roark nên chọn hủy hoại chính mình trước bằng cách lấy Peter, cô sợ mình sẽ phản bội Roark để yêu Wynand nên đã cố tình kiềm chế cơn khoái cảm của mình trong đêm đầu tiên của cô với ông, và khi quyết định rằng con đường đến với người đàn ông cô yêu đã rộng mở, cô sẵn sàng bỏ hết tất cả để đến bên anh, bất chấp việc sẽ rạch vào tim Gail một nỗi đau vô cùng lớn. Tôi thì nghĩ, với tính cách và bản chất của Dominique, những điều này là cần thiết, Howard Roark đã là một con người ngay thẳng và vô tư đến mức như thế, thì người bên cạnh anh cũng nhất định phải là người như vậy. Cô cần học cách chấp nhận những sai lầm, không sợ hãi, bỏ qua tất cả những khuôn mẫu của xã hội nếu như muốn trở thành nửa kia thực sự của anh. Họ đã đi một vòng lớn để quay trở về bên nhau, nhưng quãng đường đó xem ra là cần thiết. Dominique cần những bài học đó để nhận ra những điều thực sự quan trọng với mình và bỏ đi những điều không quan trọng, mặc dù cái giá phải trả là làm tổn thương hai người đàn ông quan trọng trong đời cô, mà trên đời thì không có bài học nào là miễn phí cả.

[Suối nguồn – Ayn Rand] Đức tin Howard Roark

 

Sau bao nhiêu ngày dượt đi dượt lại “Suối nguồn”, cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao cuốn sách cùng những tư tưởng của Ayn Rand lại gây tranh cãi đến thế, và tại sao các nhà phê bình lại không thích nó, trong khi công chúng thì chia ra hai nửa, một bên theo phe các nhà phê bình và một bên cuồng loạn vì những tư tưởng của Ayn Rand. Bởi vì nếu thế giới được chia ra thành những phần chính xác như Ayn Rand hình dung, thì phần lớn loài người đều là đám đông chống lại Howard Roark bất chấp việc làm trái lương tâm của mình trong cuốn sách. Một cá thể như Roark đã đóng trọn vai trò của anh trong cuộc đời, trong sứ mệnh mà anh được sinh ra để làm – thứ mà dường như từ khi sinh ra anh đã nhận biết được nó. Thực chất thì, tôi nghĩ, đám đông đó sợ hãi sự đột phá, thay đổi, tính vị kỉ hơn, vì họ luôn thèm khát sự an toàn, ổn định bên trong vòng tay đồng loại, thèm khát sự công nhận lẫn nhau. Và một cá thể như Roark thì lại không cần sự công nhận nào cả, chỉ mình anh công nhận anh là đủ, anh sống vì lý tưởng và vì chính con người mình, chứ không sống vì đám đông.

Có lẽ, chính Roark mới là người hiểu nhất cái gọi là lý tưởng, và trong mắt anh, thuyết vị nhân sinh hóa ra lại là một thứ đạo đức giả. Quả vậy, làm sao ta có thể lo lắng và chăm lo cho người khác nhiều hơn chính bản thân mình, và kẻ phàm tục nào sẽ làm điều đó ngoài mục đích muốn người khác công nhận và nhìn nhận hắn ta như một vị thánh? Trong lịch sử, từng có nhà tư tưởng, nhà kiến quốc, nhà đạo đức nào…hay tất cả những nhân vật từng tự vỗ ngực thậm xưng hay được xưng tụng là những kẻ sống vì cộng đồng, vì lý tưởng lại chưa từng dính máu trên đôi bàn tay, chưa từng hạ sát một ai đó để thực hiện những lý tưởng vị nhân sinh của mình? Quả như Roark nói, con người sinh ra với tư cách là những cá thể riêng biệt, cái “tôi” riêng biệt, nhưng chính xã hội lại khép tất cả loài người vào một cái khuôn “vị nhân sinh” – vì cộng đồng, và nếu như ta không sống vì lý tưởng chung thì ta chẳng là gì khác ngoài một kẻ vô lại, bỏ đi. Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu ta không sống vì cộng đồng, nếu ta không để đám đông định nghĩa mình và sự tồn tại của mình, vậy thì ta có còn là con người nữa không? Ta có còn là ta nữa không? Trả lời câu hỏi đó, ta rốt cuộc sẽ hiểu ra vì sao Roark (hay chính tác giả) lại lên án và khinh bỉ thuyết “vị nhân sinh” đến thế. Về cá nhân mình, tôi không cho rằng sống vì người khác nên là lý tưởng của con người, nếu ta không đền đáp, đáp ứng được từng nhu cầu của cá nhân mình, thì sống vì người khác cũng chỉ là dạng sống tầm gửi, dựa dẫm, hay chính xác như Roark nói, đó là kiểu “sống thứ sinh”. Continue reading “[Suối nguồn – Ayn Rand] Đức tin Howard Roark”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi hay là sự mở mang về vai trò của “thực học”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi là một cuốn sách đặc sệt tinh thần và tư tưởng Nhật Bản hiện đại, được viết ra bởi một học giả người Nhật Bản, nói về xã hội và con người Nhật Bản, và được viết ra từ tận thế kỉ thứ XIX, nhưng khi cầm trên tay cuốn sách và đọc rồi thấm lấy từng dòng chữ tác giả viết trong sách, tôi có cảm tưởng như Yukichi đang viết về chính Việt Nam của tôi, về chính xã hội và con người Việt Nam hiện tại – tại thế kỉ XXI này.

Vấn đề được tác giả đề cập đến xuyên suốt trong tác phẩm là vấn đề – THỰC HỌC, lấy học vấn làm trung tâm và cụ thể là vấn đề “Thực học”, từ đó đưa ra những quan điểm về đạo đức, xã hội, pháp luật, tư duy, quan hệ giữa người với người hay là vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội. Mặc dù vẫn có những tư tưởng không phù hợp với hiện tại, vì đây là cuốn sách đã được viết từ thế kỉ cũ, nhưng về bình diện chung và trên mọi khía cạnh mà cuốn sách đề cập đến, tính thời sự và tính mới mẻ của nó vẫn còn rất lớn, rất sâu rộng và sâu sắc.

Ngoài ra, ở “Khuyến học”, tác giả còn đưa cho ra một hình dung bao quát và sinh động về một đất nước Nhật Bản ở thời kì đó – phong kiến, lạc hậu, tư tưởng thuần Nho học, mà cũng chính nhờ thế, ta mới có thể hiểu hết được sự “thần kì” trong sự phát triển và đi lên của nhà nước Nhật Bản hiện đại.

Yukichi phải nói là một học giả có tư tưởng Tây phương và hết sức cấp tiến, điển hình ở việc ngay từ đầu cuốn sách ông đã đề cập đến vấn đề “bình đẳng” giữa con người với con người trong xã hội, giữa đàn ông với phụ nữ – một vấn đề mà sự bất bình đẳng của nó được thể hiện rất rõ ràng trong xã hội cũ, ngay tại thời điểm đó, Yukichi đã đặt lại khái niệm bình đẳng trong xã hội và đề cao vai trò của học vấn, ông cho rằng sự bình đẳng không phải là sự cào bằng giữa các cá nhân mà là sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người, ai bỏ ra nhiều sẽ nhận lại được nhiều và ai bỏ ra ít thì sẽ nhận lại được ít, mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội là những nhiệm vụ và nghĩa vụ riêng cần thực hiện và không ai xâm phạm đến quyền lợi của ai. Một tư tưởng hoàn toàn hiện đại mà có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, ông cũng đặt lại khái niệm “học vấn”, đề cao tinh thần học hỏi và sự tự học, cho rằng đó là cái “đinh” nhất của việc học, bài bác những cách học cổ hủ của Nho học và đề cao học vấn đích thực. Ông còn nêu rõ ra vai trò của học vấn khi cho rằng học vấn mới chính là chìa khóa để định hình xã hội chứ không phải việc phân chia các giai tầng như trong xã hội cũ.

Ngoài ra, mặc dù là một người rất ngưỡng mộ văn hóa phương Tây nhưng tác giả cũng đồng thời là người rất coi trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, điển hình ở việc ông đã viết trong Phần mười sáu của cuốn sách về việc học hỏi phương Tây rằng việc học hỏi cần phải có chọn lọc, đó là quá trình tiếp thu tinh hoa rồi biến thành của mình chứ không phải quá trình bão hòa nền văn hóa dân tộc, ông đã liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về việc không phải cái gì của Tây cũng tốt hơn của Ta, và rằng văn hóa dân tộc cần được đề cao, gìn giữ, phê phán thói sính Tây của các nhà khai hóa và lối hành văn sính Anh ngữ của những người trẻ. Mỗi một vấn đề đều được tác giả trình bày một cách súc tích với ngôn từ dễ hiểu nhất, nhưng đều để lại thật nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.

Sẽ có nhiều người khi đọc “Khuyến học” thì cảm thấy nhàm chán và giáo điều vì trong đó viết toàn những chuyện họ đã biết và thậm chí là đã hiểu, tuy nhiên hãy đặt mình vào trong bối cảnh của tác phẩm, khi đó mới có thể thấy rõ được hiệu ứng về cảm xúc, tư duy và tinh thần tác phẩm mang đến mạnh mẽ thế nào. Và đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện đại, mặc dù Việt Nam đã thoát phong kiến từ rất lâu rồi, nhưng về mặt bằng chung, xã hội Việt Nam hiện đại đang gặp những vấn đề chẳng khác nào xã hội Nhật Bản mà Yukichi đã đề cập đến vào thời kì đó, những vấn đề của các nhà trí thức, các vấn đề của xã hội, các vấn đề của người dân với chính phủ,…dường như ta đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Thật không phóng đại chút nào khi nói rằng “Khuyến học” chính là tác phẩm đã làm thay đổi bộ mặt đất nước Nhật Bản và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến tư tưởng của các nhà giáo dục sau này. Tôi thực sự hi vọng mọi người dân Việt Nam có thể đọc được tác phẩm này, bởi biết đâu đến khi đó, Việt Nam chúng ta cũng có thể trở thành một điều “thần kì” tiếp theo của Châu Á này.