The Secret – Julie Garwood

“The Secret” (tạm dịch: Bí mật) của Julie Garwood thực sự là một cuốn tiểu thuyết nữ tính, đầy tình yêu thương.

Lấy bối cảnh cao nguyên Scotland xinh đẹp với cuộc sống trong những lãnh địa như những thiên đường thu nhỏ nhưng tách biệt, khi con người vẫn còn đang ghét nhau vì những lý do hết sức vô lý – hay nói đúng hơn, sinh ra là để ghét nhau.

Tôi khá thích hình tượng được Garwood xây dựng trong “The Secret” mặc dù vẫn còn hơi non nay, phải thú thực là như vậy. Judith được xây dựng với hình tượng một cô tiểu thư người Anh điển hình, được nuôi dạy bởi một người mẹ vô trách nhiệm và một người bác suốt ngày say xỉn, cô lớn lên trong những lời dối trá về cha mình, chịu đựng những nỗi đau trong một gia đình mà không lúc nào muốn nhắc tên và là một người bạn trung thành và tận tụy. Judith độc lập và mạnh mẽ, đồng thời cũng rất ngây thơ và đúng mực, tốt bụng, và sẵn sàng đặt lợi ích của người khác lên trước bản thân mình. Một nét tính cách đặc biệt ở Judith mà tôi thích hơn những cô nữ chính khác là cô không cố gắng dấu diếm tình cảm của mình, mặc dù chịu nhiều tổn thương nhưng cô vẫn sẵn sàng nắm lấy hạnh phúc của mình khi nó đến và mang hạnh phúc và hơi ấm đến trong cuộc đời Iain – chàng lãnh chúa lạnh lùng, độc đoán, mạnh mẽ, thích ra lệnh nhưng có trái tim nồng ấm của chúng ta. Continue reading “The Secret – Julie Garwood”

5 cuốn sách tặng thầy/ cô nhân ngày 20/11

Sắp đến ngày 20/11 rồi, các bạn còn đang đau đầu không biết nên tặng gì cho thầy, cô của mình ư? Sách sẽ là một lựa chọn hay ho lắm đấy. Hi vọng năm cuốn sách được gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm lựa chọn quà tặng cho thầy, cô mà mình yêu mến. Continue reading “5 cuốn sách tặng thầy/ cô nhân ngày 20/11”

Beauty and the Beast: Lost in a book – Jennifer Donnely

Beauty_and_the_Beast_-_Lost_in_a_Book

Tôi là một fan cuồng cứng cựa của “Beauty and the Beast”, chắc hẳn ai từng theo dõi blog của tôi cũng như facebook tôi thì đều biết được điều này. Có dạo, ngày nào tôi cũng lên amazon sợt tất cả những thứ liên quan đến “Beauty and the Beast” đế đưa lên kế hoạch sưu tầm. Tình cờ, tôi có phát hiện ra một loạt những cuốn sách ăn theo câu chuyện nổi tiếng này, và hiển nhiên, số sách đó vẫn đang nằm trong to-buy list của tôi. Cuốn sách đầu tiên tôi mua trong đó là “Beauty and the Beast: Lost in the book” của tác giả Jennifer Donnely bởi tôi bị ấn tượng bởi cái bìa sách quá sức cổ tích và lời giới thiệu về việc bạn Belle tìm được một cuốn sách bí ẩn trong thư viện mà bạn Beast tặng bạn và rồi lại lạc trôi vào một thế giới khác với một cuộc phiêu lưu mới. Tôi rất tò mò không hiểu tác giả sẽ viết câu chuyện mới mẻ này như thế nào.

Ở trang đầu tiên của cuốn sách, tác giả có đề một lời tựa:

For every girl who wants to write her own story

(Dành cho mọi cô gái muốn viết câu chuyện của riêng mình)

Lúc đầu, tôi nghĩ rằng tác giả đang ám chỉ đến chính mình, và đến những người muốn viết lại những câu chuyện cổ tích cho riêng mình, nhưng hóa ra cách hiểu đó lại quá hời hợt và chỉ ở bề nổi. Còn hời hợt và thiếu sâu sắc như nào thì xin mời các bạn đọc sách nhóe.

Cá nhân tôi khá thích cái motif mà tác giả đưa vào, rằng những chuyện xảy ra trong cuộc đời Belle đều là một cuộc cá cược giữa Love (Tình Yêu) và Death (Cái Chết), như thể mọi thứ xảy ra trong cuộc đời con người đều nằm trong bàn tay của vận mệnh, nhưng sau hết, là Tình Yêu hay Cái Chết sẽ chiến thắng, thì cái đó lại là cách chúng ta đối mặt với vấn đề của mình. Death có thể đầy mưu mẹo, đầy toan tính, và không bao giờ chịu thua, nhưng sau tất cả, Death không bao giờ chiến thắng, bởi vì chừng nào trái tim con người còn đập, chừng nào vẫn còn có người ở lại, còn người thương nhớ, thì chừng đó Tình Yêu (Love) vẫn còn tồn tại. Cuộc phiêu lưu của Belle trong cuốn sách hóa ra lại là một cuộc cá cược giữa Tình Yêu và Cái Chết, một cuộc đánh cược của vận mệnh mà Belle là nhân vật chính. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu con người ta có thể tự quyết định vận mệnh của mình không? Liệu một cô Belle giản đơn, lương thiện, mạnh mẽ đó có thể viết câu chuyện của chính mình không? Rốt cuộc thì vận mệnh hay chính mình mới là thứ quyết định?

Đây là một cuốn sách hay. Ít nhất là vậy. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình mong muốn nhiều hơn, mong muốn những thứ sâu sắc hơn đối với một vấn đề hay ho như tác giả đã đưa ra. Cuốn sách làm cho tôi vẫn cảm thấy đôi chút khiên cưỡng khi đọc và thấy mọi thứ diễn ra khá nhanh. Hoặc cũng có thể do cảm quan của tôi vẫn còn chưa cảm nhận được hết chiều sâu của nó. Có lẽ lần tới khi đọc lại, tôi sẽ rút ra  thêm được gì đó chăng?

Đây đích thị là một cuốn sách dành cho fan của “Beauty and the Beast”.

 

 

Cà phê cùng Tony – dành cho những người trẻ

Kết quả hình ảnh cho tony buổi sáng

Tôi đọc page “Tony buổi sáng” và “Ăn trưa cùng Tony” trên facebook từ khá lâu rồi, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định mua sách của tác giả Tony hết, bởi đơn giản là bình thường tôi không hề thích những dòng trạng thái viết trên facebook rồi được biên tập để in thành sách, nó khiến tôi có cảm giác như mình đang phải bỏ tiền ra mua những dòng trạng thái mà mình có thể đọc nhan nhản, đầy rẫy mỗi ngày.

Rồi đến hôm sinh nhật mình, ông anh họ mới mua tặng tôi quyển “Cà phê cùng Tony” này, nói là chẳng biết thích quyển nào nên đi nhà sách thấy cũng hay hay với nổi nổi bèn mua tặng. Tôi thì là đứa thích sách mà, đặc biệt còn thích được tặng sách, nên dù là sách gì cũng hí hửng nhận lấy, nhưng nếu là loại mình không thích, sẽ cất lên giá sách và để yên ở đấy thôi. Tròn 1 năm từ lúc được mua tặng, nhân một đêm mất ngủ tôi mới lôi đại một cuốn sách nào đó trong tủ ra để “gặm” chờ cơn buồn ngủ kéo đến, chẳng hiểu sao lại rút phải quyển này, tặc lưỡi đọc luôn xem sao.

“Cà phê cùng Tony” đúng như những gì tôi nghĩ, là những dòng chia sẻ, trạng thái trên page của “Tony buổi sáng” được biên  tập, sửa lại cho chỉn chu hơn. Đó là về mặt hình thức. Còn về nội dung, những bài viết của Tony quả thực rất trào phúng, vừa có sự châm biếm nhẹ nhàng, vừa có tâm tình chân thành và sâu sắc, cũng lại vừa có những câu nói đánh trúng vào chỗ yếu nhất trong lòng, trúng tim đen khiến người ta thấy xấu hổ cũng khiến người ta thấy ức chế nhưng không thể không thừa nhận nó sai.

Tôi nghĩ “Cà phê cùng Tony” là một cuốn sách nên đọc cho những bạn trẻ đang tìm một phương hướng cho mình. Có rất nhiều điều tác giả nói trái với quan điểm sống của cá nhân tôi, tôi không biết là do tác giả thực sự có ý vậy hay đó chỉ là một cách làm quá lên, nhưng việc xung đột quan điểm là chuyện không thể tránh khỏi giữa hai cá nhân hoàn toàn độc lập về tư duy và suy nghĩ với nhau nên chúng ta sẽ tạm không bàn đến vấn đề này. Còn về tổng thể, những ý tưởng cùng tư duy của Tony về việc lập thân, lập nghiệp, trau dồi kĩ năng và tri thức,..đều là những chỉ dẫn hết sức có ích dành cho người trẻ, những người đang ở phần đời tươi đẹp nhất của một cuộc đời con người và luôn có quá nhiều cơ hội để dấn thân.

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi hay là sự mở mang về vai trò của “thực học”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi là một cuốn sách đặc sệt tinh thần và tư tưởng Nhật Bản hiện đại, được viết ra bởi một học giả người Nhật Bản, nói về xã hội và con người Nhật Bản, và được viết ra từ tận thế kỉ thứ XIX, nhưng khi cầm trên tay cuốn sách và đọc rồi thấm lấy từng dòng chữ tác giả viết trong sách, tôi có cảm tưởng như Yukichi đang viết về chính Việt Nam của tôi, về chính xã hội và con người Việt Nam hiện tại – tại thế kỉ XXI này.

Vấn đề được tác giả đề cập đến xuyên suốt trong tác phẩm là vấn đề – THỰC HỌC, lấy học vấn làm trung tâm và cụ thể là vấn đề “Thực học”, từ đó đưa ra những quan điểm về đạo đức, xã hội, pháp luật, tư duy, quan hệ giữa người với người hay là vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội. Mặc dù vẫn có những tư tưởng không phù hợp với hiện tại, vì đây là cuốn sách đã được viết từ thế kỉ cũ, nhưng về bình diện chung và trên mọi khía cạnh mà cuốn sách đề cập đến, tính thời sự và tính mới mẻ của nó vẫn còn rất lớn, rất sâu rộng và sâu sắc.

Ngoài ra, ở “Khuyến học”, tác giả còn đưa cho ra một hình dung bao quát và sinh động về một đất nước Nhật Bản ở thời kì đó – phong kiến, lạc hậu, tư tưởng thuần Nho học, mà cũng chính nhờ thế, ta mới có thể hiểu hết được sự “thần kì” trong sự phát triển và đi lên của nhà nước Nhật Bản hiện đại.

Yukichi phải nói là một học giả có tư tưởng Tây phương và hết sức cấp tiến, điển hình ở việc ngay từ đầu cuốn sách ông đã đề cập đến vấn đề “bình đẳng” giữa con người với con người trong xã hội, giữa đàn ông với phụ nữ – một vấn đề mà sự bất bình đẳng của nó được thể hiện rất rõ ràng trong xã hội cũ, ngay tại thời điểm đó, Yukichi đã đặt lại khái niệm bình đẳng trong xã hội và đề cao vai trò của học vấn, ông cho rằng sự bình đẳng không phải là sự cào bằng giữa các cá nhân mà là sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người, ai bỏ ra nhiều sẽ nhận lại được nhiều và ai bỏ ra ít thì sẽ nhận lại được ít, mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội là những nhiệm vụ và nghĩa vụ riêng cần thực hiện và không ai xâm phạm đến quyền lợi của ai. Một tư tưởng hoàn toàn hiện đại mà có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, ông cũng đặt lại khái niệm “học vấn”, đề cao tinh thần học hỏi và sự tự học, cho rằng đó là cái “đinh” nhất của việc học, bài bác những cách học cổ hủ của Nho học và đề cao học vấn đích thực. Ông còn nêu rõ ra vai trò của học vấn khi cho rằng học vấn mới chính là chìa khóa để định hình xã hội chứ không phải việc phân chia các giai tầng như trong xã hội cũ.

Ngoài ra, mặc dù là một người rất ngưỡng mộ văn hóa phương Tây nhưng tác giả cũng đồng thời là người rất coi trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, điển hình ở việc ông đã viết trong Phần mười sáu của cuốn sách về việc học hỏi phương Tây rằng việc học hỏi cần phải có chọn lọc, đó là quá trình tiếp thu tinh hoa rồi biến thành của mình chứ không phải quá trình bão hòa nền văn hóa dân tộc, ông đã liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về việc không phải cái gì của Tây cũng tốt hơn của Ta, và rằng văn hóa dân tộc cần được đề cao, gìn giữ, phê phán thói sính Tây của các nhà khai hóa và lối hành văn sính Anh ngữ của những người trẻ. Mỗi một vấn đề đều được tác giả trình bày một cách súc tích với ngôn từ dễ hiểu nhất, nhưng đều để lại thật nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.

Sẽ có nhiều người khi đọc “Khuyến học” thì cảm thấy nhàm chán và giáo điều vì trong đó viết toàn những chuyện họ đã biết và thậm chí là đã hiểu, tuy nhiên hãy đặt mình vào trong bối cảnh của tác phẩm, khi đó mới có thể thấy rõ được hiệu ứng về cảm xúc, tư duy và tinh thần tác phẩm mang đến mạnh mẽ thế nào. Và đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện đại, mặc dù Việt Nam đã thoát phong kiến từ rất lâu rồi, nhưng về mặt bằng chung, xã hội Việt Nam hiện đại đang gặp những vấn đề chẳng khác nào xã hội Nhật Bản mà Yukichi đã đề cập đến vào thời kì đó, những vấn đề của các nhà trí thức, các vấn đề của xã hội, các vấn đề của người dân với chính phủ,…dường như ta đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Thật không phóng đại chút nào khi nói rằng “Khuyến học” chính là tác phẩm đã làm thay đổi bộ mặt đất nước Nhật Bản và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến tư tưởng của các nhà giáo dục sau này. Tôi thực sự hi vọng mọi người dân Việt Nam có thể đọc được tác phẩm này, bởi biết đâu đến khi đó, Việt Nam chúng ta cũng có thể trở thành một điều “thần kì” tiếp theo của Châu Á này.

Những điều khó đỡ khách hàng nói trong hiệu sách – Jen Campbell

Bạn nghĩ rằng trong hiệu sách chỉ toàn những anh chàng và cô nàng một sách với những cặp kính dày cộp?

Bạn nghĩ rằng khi bước vào hiệu sách sẽ chỉ luôn thấy một bầu không khí tĩnh lặng và mọi người thì đang chăm chú vào những cuốn sách?

Bạn nghĩ rằng trong hiệu sách sẽ chỉ toàn những khách hàng đáng yêu và những người bán sách sẽ thật là nhàn hạ, ít nhất là nhàn hạ hơn so với những người bán hàng ở các cửa hàng khác?

Vậy thì bạn phải đọc “Những điều khó đỡ khách hàng nói trong hiệu sách” của Jen Campbell. Những tình huống khôi hài xảy ra trong cách hiệu sách trên khắp thế giới và các thư viện được tác giả tổng hợp lại sẽ mang đến những phút giây thư giãn, cười đến bể bụng nhưng cũng giúp ta hiểu hơn về công việc của những người bán sách. Hóa ra ở đâu cũng chẳng thiếu những vị khách kì quặc, ngây ngô đến mức khôi hài, và đôi lúc thì quá quắt đến chẳng thể chịu nổi. Đọc cuốn sách này, ngoài những lúc cười phá lên vui vẻ, bạn hẳn cũng sẽ có những lúc chợt giật mình khi nghĩ đến mình có khi cũng đã từng mắc những tình huống tương tự để rồi phải giật mình, đỏ mặt bối rối và xấu hổ.

“Những điều khó đỡ khách hàng nói trong hiệu sách” là một cuốn sách thực sự dễ thương, khôi hài, thậm chí là cười ra nước mắt, nhưng dù thế nào, thì làm việc trong một hiệu sách hoặc thậm chí là làm chủ một hiệu sách vẫn là một công việc cực kì thú vị mà bạn nên thử nếu như có cơ hội.

“Có phải Harry Potter đã giết Hitler không?”

“Chúng tôi có thể chơi críc-kê trong hiệu sách không?”