Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát – Một bức tranh toàn diện về một con người cao đẹp hiếm có

Lin Feng Ph. D. - First News - Trí Việt
Bìa sách Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, một biên dịch và tổng hợp từ khảo cứu Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom của tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng. Ảnh: First News – Trí Việt.

Đối với giới mộ điệu và dân nghiên cứu điện ảnh (ít nhất là trong khu vực Châu Á), Châu Nhuận Phát đóng một vai trò quan trọng không thể thay thế. Không chỉ nhận được sự mến mộ rộng khắp trong công chúng, Châu Nhuận Phát là một tượng đài lớn của nền điện ảnh Hồng Kông. Ông là người với sự nghiệp không chỉ gắn liền với từng nấc thang thăng trầm suốt hơn bốn mươi năm của một trong những nền điện ảnh lớn nhất Châu Á và trên thế giới, mà cuộc đời cũng như con người với nhân cách cao cả ấy đã trở thành hiện thân cho bản sắc Hồng Kông. Trong khảo cứu chi tiết và toàn diện của mình, tiến sỹ Lin Feng đã nói “Diễn viên Châu Nhuận Phát chính là giấc mơ có thực, giấc mơ gần gũi nhất đối với người Hồng Kông, bản sắc Hồng Kông và ở một góc nhìn khái quát, Châu Nhuận Phát có thể đại diện cho những thuộc tính nổi bật của Hồng Kông.”

Một khảo cứu toàn diện và chi tiết

Trong khảo cứu có tên Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom, mà chúng ta được biết đến dưới cái tên tiếng Việt là Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng đã sắp xếp các dữ kiện về cuộc sống và sự nghiệp của Châu Nhuận Phát theo trình tự từ lúc ông bắt đầu sự nghiệp đến đỉnh cao và thời điểm xế chiều của sự nghiệp diễn xuất theo một cấu trúc tuần tự và khoa học. Trong khảo cứu công phu của mình, Lin Feng còn gắn sự nghiệp rực rỡ của Châu Nhuận Phát với lịch sử điện ảnh và truyền hình Hồng Kông, từ đó, đặt trên tương quan với một bối cảnh lịch sử và xã hội rộng lớn hơn là những ẩn ức và nỗi chênh vênh mơ hồ trong lòng xã hội và con người Hồng Kông từ trước và sau năm 1997 – thời điểm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Thật khó có thể nói về Châu Nhuận Phát nếu không đặt ông trong bối cảnh lịch sử của Hồng Kông, bởi người dân Hồng Kông sớm đã coi ông là một đại diện cho bản sắc của họ. Là một ngôi sao lớn nhưng Châu Nhuận Phát rất chân thành, gần gũi và điều này khiến người Hồng Kông có thể nhìn thấy chính họ qua cuộc đời thật của ông.

Vốn xuất thân nghèo khó và từng bước vươn lên trên những nấc thang xã hội, Châu Nhuận Phát chưa bao giờ quên đi xuất thân bần hàn của mình, ông đi xe buýt và tàu điện ngầm, không sa đà vào cuộc sống sa hoa dù là diễn viên hàng đầu Hồng Kông với khối tài sản hàng trăm triệu USD, ông vẫn đi chợ bình dân, ăn uống ở các tiệm ăn lề đường, nhường ghế cho người già và vui vẻ chụp hình, nói chuyện với tất cả mọi người, Châu Nhuận Phát xóa nhòa ranh giới giữa một ngôi sao và người dân, ông sống trong lòng người Hồng Kông không chỉ như một ngôi sao điện ảnh mà là một anh hàng xóm thân thiện, tốt bụng, một phần của họ. Mặt khác, ông xuất hiện trên màn ảnh (cả truyền hình lẫn điện ảnh) đều vào vai những nhân vật có xuất thân thấp nhưng từng bước, bằng nỗ lực của mình, đã đạt được thành công và vị thế xã hội, được xã hội trọng vọng, điều này cũng khiến Châu Nhuận Phát gần gũi với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng trong xã hội Hồng Kông vào thập niên 50, 60 khi tầng lớn chuyên gia ngày càng gia tăng và những người này tiến vào thế giới trung lưu. Châu Nhuận Phát hiện diện trong đời sống của người Hồng Kông ở mọi khía cạnh, mọi tầng lớp, và vì thế mà ông đã trở thành đại diện cho bản sắc Hồng Kông.

Ngoài ra, khảo cứu của Lin Feng còn chỉ ra một sự thật thú vị rằng các mốc trong sự nghiệp của Châu Nhuận Phát hầu như đều gắn liền với các giai đoạn bản lề của lịch sử Hồng Kông, và ở mỗi giai đoạn đó, Châu Nhuận Phát đều có những vai diễn thể hiện chính xác đời sống xã hội, những nỗi lo lắng và chênh vênh của người Hồng Kông trước thời điểm sự kiện trao trả diễn ra. Điều này càng khắc họa thêm mối liên hệ sâu sắc giữa Châu Nhuận Phát với đời sống và dòng chảy của quê hương yêu dấu của ông. Cùng với các tư liệu quý giá từ các học giả và nhà nghiên cứu điện ảnh khác, Lin Feng đã hoàn thiện một bức tranh về không chỉ sự nghiệp của một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn hoàn thiện một bức tranh đa sắc màu về lịch sử điện ảnh Hồng Kông cũng như một tổng quan về lịch sử điện ảnh thế giới có sự góp mặt của các yếu tố châu Á.

Chow Yun fat - Alchetron, The Free Social Encyclopedia
Một khảo cứu toàn diện và chi tiết về một trong những đại nhân vật được kính trọng và quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông. Ảnh: Alectron.

Một gợi nhắc về một thời vàng son của điện ảnh Hồng Kông

Anh hùng bản sắc (1986) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm là bộ phim đã đưa tên tuổi của Châu Nhuận Phát vụt sáng trở thành ngôi sao điện ảnh hàng đầu của nền điện ảnh Hồng Kông và toàn bộ nền điện ảnh Hoa ngữ nói chung cho đến ngày hôm nay. Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc đứng bên bến cảng, phóng tầm mắt nhiều nỗi niềm và mông lung nhìn về xa xăm đã in đậm trong tâm trí những người yêu điện ảnh ở khắp muôn nơi và đã giúp Châu Nhuận Phát mãi mãi là “Phát ca” của Hồng Kông. Khảo cứu của tiến sỹ Lin Feng không chỉ cho người đọc một cái nhìn chi tiết, toàn diện về sự nghiệp điện ảnh của Châu Nhuận Phát, mà còn đưa khán giả sống lại những ngày tháng huy hoàng của điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim – một nền điện ảnh đầy bản sắc đã sản sinh ra những con người đặc biệt như Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, Thành Long… Anh hùng bản sắc (1986) không chỉ mang lại danh tiếng cho Ngô Vũ Sâm và Châu Nhuận Phát, mà nó còn đưa chính bản sắc điện ảnh của người Hồng Kông đến với thị trường Hollywood – một trường hợp chuyển dòng ngược đầy kỳ lạ và độc nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Đây là khởi đầu cho dòng phim xã hội đen thịnh hành ở Hồng Kông vào thập niên 80, 90 và trường phái “Võ súng Gun-fu” được sáng tạo bởi đạo diễn Ngô Vũ Sâm, hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc với áo choàng, kính đen, nụ cười nửa miệng, bắn súng hai tay như một của Châu Nhuận Phát đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn lừng danh của Hollywood sau này như Quentin Tarantino, Robert Rodriguez…và được áp dụng trong nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng sau này trong đó có thể kể đến The Matrix, Equilibrium, Captain America: The Winter Soldier…

From Face/Off to A Better Tomorrow: A John Woo Primer
Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc ngạo nghễ mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng cồng chúng yêu điện ảnh trên khắp châu Á. Ảnh: Vulture

Những trăn trở về sự chênh vênh của số phận Hồng Kông

Nếu đã nhắc đến Hồng Kông, dù là điện ảnh hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, thật khó mà không nhắc đến những ẩn ức, những chênh vênh, mơ hồ trong tâm trí người Hồng Kông về số phận của họ. Những cảm thức này đã có từ trước năm 1997 rất lâu và nó càng thể hiện rõ khi thời điểm này càng đến gần. Tiến sỹ Lin Feng chia khảo cứu của mình thành hai phần: Phần I nói về sự nghiệp điện ảnh tại Hồng Kông của Châu Nhuận Phát từ năm 1973 đến năm 1995 – như đã bình luận ở trên, sự nghiệp điện ảnh của ông trong khoảng thời gian này gắn liền với sự thăng trầm và những nỗi lo lắng mơ hồ trong lòng xã hội Hồng Kông. Vừa tự do với vai trò là con rồng châu Á, trung tâm sự phát triển, vừa mang một ẩn ức xa xăm về số phận không rõ ràng của mình, Hồng Kông hăm hở trong công cuộc toàn cầu hóa và sớm đi tìm bản sắc của mình, đồng thời cũng cựa quậy trong nỗ lo lắng uẩn quẩn mơ hồ về tương lai. Nhà phê bình điện ảnh Julian Stringer đã chỉ ra “Nam chính trong các bộ phim của Ngô Vũ Sâm, đặc biệt là những vai do Châu Nhuận Phát thủ vai, đã chỉ ra nỗi sợ, sự không chắc chắn và sự hoang mang về tương lai của Hồng Kông.” Điều này đồng thời càng tỏ rõ sự gắn bó của Châu Nhuận Phát đối với Hồng Kông và lý giải vì sao người dân Hồng Kông lại coi Châu Nhuận Phát chính là đại diện cho bản sắc của họ. Chúng ta hẳn không quên rằng Châu Nhuận Phát là một trường hợp diễn viên Hồng Kông đã công khai ủng hộ phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hồng Kông chống lại các chính sách của Trung Quốc với biểu tượng là chiếc Dù Vàng. Khi bị phong sát tại Đại Lục, ông chỉ đơn giản nói rằng “Kiếm tiền ít đi thì đã làm sao?”. Phần II của cuốn sách tập trung vào sự vươn mình ra thị trường điện ảnh quốc tế của Châu Nhuận Phát, khẳng định ông không chỉ với vai trò một ngôi sao điện ảnh Châu Á mà là một ngôi sao điện ảnh toàn cầu, tại đây, Châu Nhuận Phát còn nắm vai trò một cầu nối cho sự hòa hợp Đông – Tây. Tiến sỹ Lin Feng dành hẳn một chương trong phần này để nói về tham vọng quyền lực và củng cố địa vị của Trung Quốc nhằm thu phục Hồng Kông trở về dưới trướng mình. Trung Quốc đã dùng Châu Nhuận Phát với hy vọng ông cũng sẽ trở thành cầu nối để thu phục Hồng Kông. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc không ngờ tới là dù thời thế biến động thăng trầm, Châu Nhuận Phát mãi mãi là một Phát ca của Hồng Kông không thay đổi bản sắc. Ý thức rõ ràng về vị trí của mình, không chạy theo đồng tiền nhưng cũng không giữ thái độ khinh khi tiền bạc, không khuất phục trước cường quyền và vật chất, Châu Nhuận Phát tỏ rõ lập trường và thái độ của mình, ông ủng hộ những con người dũng cảm đang đấu tranh cho mảnh đất quê hương yêu dấu của họ khỏi móng vuốt cường quyền và độc tài.

Toàn bộ cuốn khảo cứu công phu này của tiến sỹ Lin Feng là một nguồn tư liệu quý và toàn diện về không chỉ sự nghiệp điện ảnh của một long đầu đại ca được trọng vọng của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn gói gọn trong đó toàn bộ dòng chảy của điện ảnh Hồng Kông và khái quát hóa lịch sử điện ảnh thế giới có sự tham gia của các yếu tố châu Á.

Hong Kong Stuck in the Middle of U.S.-China Power Struggle | Time
Hồng Kông – nơi chứa đựng biết bao ẩn ức, nỗi lo lắng mơ hồ và sự chênh vênh trước số phận của mình. Ảnh: TIME

Lời chê dành cho cách làm sách của First News

Điều đầu tiên, phải thừa nhận rằng đội ngũ biên dịch của First News đã thực hiện một nhiệm vụ tuyệt vời khi biên dịch một khảo cứu khoa học ra tiếng Việt một cách mượt mà, sát nghĩa, và vẫn giữ được tinh thần trung lập khoa học của tác phẩm.

Tuy nhiên, việc First News đưa thêm các thông tin tổng hợp vào trong cuốn sách và chèn các nội dung không có trong bản thảo gốc là một việc làm lợi bất cấp hại. Những thông tin mà đội ngũ First News bổ sung không thể nói là không thú vị nhưng nó không thực sự cần thiết với nội dung khảo cứu chặt chẽ và trung lập của tiến sỹ Lin Feng. Việc bổ sung thêm chương sách so sánh Châu Nhuận Phát với diễn viên Thành Long là một sự bổ sung (có thể nói là) đã đi chệch hướng hoàn toàn với bản thảo gốc, điều tối kỵ trong công tác biên dịch. Những so sánh mang tính chủ quan và có phần chỉ trích nặng nề với một bên để nâng một bên lên không những không đạt được hiệu quả khắc họa phẩm chất cao đẹp của Châu Nhuận Phát mà nó còn gây ra một cảm thức về sự cạnh tranh không lành mạnh. Có lẽ, nếu là Châu Nhuận Phát thì ông cũng sẽ không ủng hộ cách làm này. Là một diễn viên tài năng có tác phong lịch thiệp, cư xử khéo léo và thái độ công minh với mọi người, Châu Nhuận Phát không cần thiết phải dìm bất cứ ai xuống để nâng mình lên, tự thân ông đã là biểu tượng tuyệt vời cho một tài năng và một nhân cách sống. Ngoài ra, sự so sánh mang tính chỉ trích này, như đã nhấn mạnh ở trên, làm mất đi tính độc lập của một khảo cứu điện ảnh – điều mà chắc chắn không phải là ý định ban đầu của tác giả. Còn chương về đời sống cá nhân của Châu Nhuận Phát là một bổ sung thú vị, dù nó không cần thiết lắm nhưng đơn vị làm sách bổ sung thêm để giới thiệu thêm đến các khán giả (hẳn sẽ có những người tò mò về đời sống riêng tư của các ngôi sao) cảm thấy thích thú và có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật.

Tuy nhiên (một lần nữa), First News đã thiếu sót một điểm trầm trọng và tối kỵ khác trong hoạt động làm sách đó là bỏ đi toàn bộ các trích dẫn. Nội dung gốc của tiến sỹ Lin Feng có một mục rất dài các nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách của mình, việc First News bỏ đi nội dung này là không tôn trọng tác phẩm gốc cũng như không có sự tôn trọng đối với các nội dung được trích dẫn trong các nghiên cứu học thuật khác, một điều tối kỵ trong nghiên cứu. Thứ nữa, những thông tin được tổng hợp không có ghi chú để độc giả có thể phân biệt được nội dung dịch từ bản thảo gốc với nội dung được bổ sung thêm có thể gây nhầm lẫn cho người đọc, khiến tác phẩm trở thành một tác phẩm không hoàn toàn là biên dịch mà gần như là một kiểu phóng tác, nhưng là phóng tác không trung thực và không cung cấp đầy đủ thông tin cho người đọc. Cuối cùng, sự thiếu sót trong việc đưa mục lục trích dẫn đối với các thông tin mà First News tổng hợp là một hành vi rất không đúng mực trong không chỉ khoa học mà còn trong vấn đề tác quyền. Các thông tin được tổng hợp, như First News đã nhấn mạnh trong rất nhiều bài viết giới thiệu sách của họ, tức là các thông tin này được tham khảo và trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải do chính người tổng hợp, người dịch của First News tự mình có được thông qua các gặp gỡ trực tiếp với nhân vật, và cũng tức là họ đang sử dụng một lượng thông tin thứ cấp. Nguyên tắc của việc trích dẫn và sử dụng các thông tin thứ cấp là bạn cần cho người đọc biết được bạn đang sử dụng thông tin thứ cấp từ ai, nguồn nào, nhưng First News hoàn toàn lờ đi việc này. Điều này là một hành vi khá đáng tiếc vì nó thể hiện sự nhập nhằng về nguồn gốc thông tin, thiếu trung thực và thiếu tôn trọng đối với các tác giả gốc và hoàn toàn có khả năng First News đang có một hành vi vi phạm bản quyền (điều này còn tùy thuộc vào các tác giả gốc có nhận ra và đưa các cáo buộc hay không).

Những thiếu sót không đáng có và không nên có của đơn vị xuất bản đã làm giảm đi giá trị của một tác phẩm khảo cứu xuất sắc về một nhân vật mà hình ảnh của ông không chỉ được gắn liền với tài năng toàn diện mà còn là nhân cách cao đẹp, tinh thần của một vị nhất đại tông sư. Quả thực là một sự đáng tiếc và khó chấp nhận.

Machiavelli: A Biography – Miles J. Unger

Mặc dù chưa có một thước đo nào định lượng được sự đóng góp hay tầm ảnh hưởng của Niccolò Machiavelli đối với khoa học chính trị hiện đại là đến đâu, nhưng không gì có thể phủ nhận được Machiavelli đã đặt một tiền đề cho khoa học chính trị và việc nghiên cứu chính trị hiện đại. Tuy nhiên, vị Đại pháp quan thứ hai của Florence thường được gắn liền với những tính từ như mưu mô, xảo quyệt, và tư tưởng chính trị của ông thường bị coi là ủng hộ khuynh hướng đàn áp bằng bạo lực, dối trá, và tư tưởng chuyên chế thông qua những điều mà người ta biết về ông từ tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất, có tầm ảnh hưởng nhất của ông – Quân Vương. Tác phẩm ra đời trong thời kỳ thất thế của Machiavelli với mục đích ban đầu là một bản “CV xin việc” mà ông định dâng lên những nhà cầm quyền Florence lúc đó để mong được trở lại với công việc ngoại giao của mình, nhưng sau này đã trở thành một trong những tác phẩm chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất, từng nằm trong danh mục sách cấm của Giáo hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ đọc “Quân Vương” và nghe/đọc những phân tích của giới khoa học cũng như giới chính trị về tác phẩm này thôi và phán xét về tác giả của nó thì sẽ thật thiếu sót, mặc dầu “Quân Vương” mang nặng tư tưởng chuyên chế và được các nhà độc tài như Hitler, Stalin…ưa chuộng, nhưng rõ ràng “Quân Vương” là một tác phẩm mang nặng tính suy nghiệm và đưa ra các phân tích nhiều hơn là sự phán xét dù được viết bằng một thứ ngôn ngữ thẳng thắn, bộc trực, và không hoa mỹ. Vậy nên, thật khó để chấp nhận rằng người viết ra những tư tưởng sâu sắc dường đó lại là người ngây ngô đến nỗi chỉ thể hiện duy nhất một khía cạnh của mình, thậm chí là để cho khía cạnh ấy hiển lộ rõ ràng như thế trong tác phẩm.  Cuốn tiểu sử về Machiavelli được chắp bút bởi Miles J. Unger – một cây viết kỳ cựu về nghệ thuật và văn hóa của các tờ báo lớn như The Economist, The New York Times – sẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho những nghi ngại của chúng ta về vị Đại pháp quan đặc biệt của thành Florence.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút ở Florence vào thời Phục Hưng, với người cha là một học giả có khuynh hướng yêu sách vở hơn là lo gầy dựng lại gia tộc đang sa sút, Niccolò Machiavelli có lý do để cho rằng bản thân ông sinh ra trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, chính hoàn cảnh đó đã giúp tạo ra một người đàn ông mang đầy đủ cả những phẩm chất của một nhà quý tộc lẫn phẩm chất của một học giả. Như con em của các gia đình danh giá khác, Machiavelli được giáo dục hết sức tử tế và cũng giống cha mình, ông có niềm đam mê đặc biệt với các tác phẩm kinh điển, hiểu biết sâu sắc về lịch sử và triết học, và được ảnh hưởng sâu sắc bởi chính các nhà tư tưởng trong quá khứ và những bài học lịch sử mà chính chúng đã góp phần tạo ra trí tuệ mẫn tiệp và góc nhìn sâu sắc và sắc sảo của ông đối với chính trị. Trí tuệ đó không ngừng được mài giũa trong những cuộc đi sứ trên danh nghĩa Cộng hòa Florence trên cương vị Đại pháp quan thứ hai của Florence, ông đã gặp gỡ và đàm phán với những vị vua, những vị lãnh chúa hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ và có cơ hội được chứng kiến tận mắt sự xung đột chính trị đương thời trên con đường đi sứ của ông tới các thành quốc của nước Ý. Thời kỳ mà Machiavelli sống là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử nước Ý nói riêng và lịch sử châu Âu nói chúng, đó là thời kỳ mà nước Ý chia năm xẻ bảy thành các lãnh địa riêng biệt với những lãnh chúa đầy tham vọng, hùng mạnh và chưa bao giờ ngừng kiếm tìm sự xung đột. Đó cũng là thời kỳ mà người ta gọi là “ra ngõ gặp thiên tài” khi sản sinh ra những nhà nghệ thuật lẫn những triết gia vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Dante,v.v. Thế nên có lẽ, đó là lý do mà tài năng của Machiavelli đã không được nhìn nhận và đón nhận đúng mực khi đó. Cuộc đời ông gắn liền với việc phụng sự chính quyền và khao khát vực dậy những vinh quang từ thời tổ tiên của đất nước mà ông yêu hơn tất thảy, tuy nhiên, với tính cách thẳng thắn đến mức thô lỗ, ông lại không được lòng mọi người, đặc biệt là những nhà cầm quyền, chính vì lẽ đó nên cuộc đời của Machiavelli cũng thăng trầm như chính số phận của đất nước quê hương ông vậy.

Chân dung Machiavelli vẽ thời Phục Hưng, theo Wikipedia

Tuy nhiên, nếu như chỉ nhìn vào “Quân Vương” và đánh giá thì quả thực rất dễ để cho rằng vị Đại pháp quan thứ hai của Florence là một kẻ vô đạo đức, xảo quyệt, không vững lập trường và gió chiều nào che chiều nấy. Nếu chiếu theo quan điểm đạo đức dựa trên sự trung thành với chính thể thì Machiavelli còn xa với đạt tới được ngưỡng chớm bắt đầu. Vậy nhưng, tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa chúng ta đến một cách tiếp cận khác với nhiều góc nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về nhân vật này. Unger sử dụng lối tiếp cận vấn đề khá tương đồng với nhân vật chính của mình khi cố gắng hết sức đưa ra càng nhiều nhất các góc nhìn có thể và trung thực hết sức nhưng không sa đà vào sự phán xét, điều này cũng giống như Machiavelli khi viết “Luận bàn về Livy” – một tác phẩm nổi tiếng khác của ông, ra đời trước “Quân Vương”, hay các báo cáo mà ông gửi về nhà cầm quyền Florence trong những cuộc đi sứ của mình. Trên nền lịch sử và chính trị thời kỳ Phục Hưng, Unger cho thấy rõ ràng những ảnh hưởng của sự đổi thay của thời cuộc lên sự nghiệp của Machiavelli, mặc dầu là một người hay châm biếm, thích mỉa mia, bất tuân mọi tiêu chuẩn đạo đức và các chuẩn mực của Giáo Hội, cũng từ chối kiểu mê tín, tin vào thần thánh, nhưng ông nhắc nhiều đến nữ thần Số Mệnh và sự đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa của vị thần này như một cách để nói về những “trò đùa tai quái, trêu ngươi” mà số phận đã giáng lên ông không khoan nhượng. Trong tác phẩm tiểu sử của mình, Unger đã giải thích được cho thái độ “gió chiều nào che chiều ấy” của Mechiavelli khi mới ngày hôm trước còn ủng hộ người bạn, nhà cầm quyền cũ của Florence – Sordini; thì thời gian ngắn sau ông đã cố gắng tìm cách để lấy lòng những người nhà Medici – những vị quân vương mới của Cộng hòa Florence sau khi phế truất Sordini; thái độ đó của Machiavelli thường bị cho là vô đạo đức và không nhất quán lập trường, tuy nhiên, từ Unger chúng ta thấy được vị Đại pháp quan thứ hai của Florence chưa bao giờ thực sự quan tâm đến việc ai là nhà cầm quyền mà ông quan tâm hơn đến việc làm sao để nhà cầm quyền thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Lòng trung thành của Machiavelli, vốn bị những đồng liêu đương thời và các thế hệ sau đánh giá một cách sai lầm, không đặt trên người nhà cầm quyền mà đặt ở chính mảnh đất quê hương mà ông yêu quý và chiến đấu cả đời để bảo vệ, đau đáu, do đó, với ông, chỉ cần là chính quyền mang lại lợi ích cho nền cộng hòa và nước Ý thì ông sẽ phụng sự chính quyền đó. Tuy nhiên, với bản chất là một người bộc trực và thẳng thắn đến mức thô lỗ, ưa thích châm biếm và tự trào, Machiavelli, như đã nói ở trên, không được lòng bất cứ phe phái nào, chưa kể đến việc ông cũng không màng đến chuyện phe phái và công khai khinh bỉ ra mặt các kiểu phe phái. Việc một con người đứng giữa dòng chảy lịch sử nhưng lại từ chối nghe lệnh của dòng chảy đó vốn đã là một hành động báo trước những bấp bênh trong số phận của con người ấy. Cuốn tiểu sử của Unger đi sâu vào những mâu thuẫn từ Machiavelli và cố gắng xoay lăng kính của mình ở mọi góc độ để thấu hiểu và lý giải những mâu thuẫn đó, và Unger đã làm được điều đó. Phẩm chất của một nhà báo và một nhà nghiên cứu đã giúp cho Unger phản ánh trung thực và khách quan hình ảnh của một nhà chính trị, triết gia đặc biệt sinh ra trong một thời kỳ đặc biệt, người mà cho đến giờ vẫn không ngừng gây tranh cãi nhưng cũng không có ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của ông tới nền khoa học chính trị hiện đại. Tuy nhiên, dù khắc họa ở khía cạnh sự nghiệp của Machiavelli khách quan bao nhiêu, thì ở khía cạnh cá nhân và tính cách, Unger hẵng còn sa đà vào những thiên kiến khi cố gắng tẩy trắng cho đời sống cá nhân của nhân vật. Machiavelli, dù là một trí tuệ mẫn tiệp của thời đại, nhưng cũng không nghi ngờ gì là một người đàn ông bình thường ở thời Phục Hưng, sinh ra trong một gia đình quý tộc, nên bên cạnh thú vui trí tuệ, ông cũng có những thú vui tầm thường khác như qua lại với gái điếm, một thú vui mà ông không bao giờ từ bỏ ngay cả khi đã có vợ con đề huề và sống trong cảnh điền viên bị ép buộc ở thời kỳ thất thế. Đây có lẽ là điểm trừ khiến cho cuốn tiểu sử của Unger không thực sự trọn vẹn như kỳ vọng.

Bất chấp những điểm còn chưa trọn vẹn, thì tác phẩm tiểu sử của Unger đã đưa cho chúng ta góc nhìn đa chiều về không chỉ Machiavelli mà còn có cả một bức tranh tổng quan về tình hình chính trị, địa chính trị, lịch sử, và xã hội của nước Ý thời Phục Hưng. Đó là một thời kỳ đặc biệt, khi ở đó, nước Ý đã sản sinh ra những thiên tài của thế giới, những danh họa kiệt xuất, các nhà tư tưởng và triết gia xuất chúng, mà cũng chỉ có thời kỳ đó mới có thể sinh ra hai con người vĩ đại với sự trái ngược hoàn toàn, không có lấy bất cứ một điểm chung nào, thời kỳ đó đã sinh ra Niccolò Machiavelli, một triết gia, một nhà chính trị sắc sảo, người đã đặt tiền đề cho khoa học chính trị hiện đại, người đã dành cả đời để phụng sự cho quê hương nhưng lại bị hắt hủi và ghẻ lạnh bởi chính quê hương và đồng bào mình. Cuốn tiểu sử về Machiavelli là một sự gợi mở để chúng ta không chỉ đi tìm hiểu nhiều hơn về vị triết gia gây tranh cãi mà nó còn là một tiền đề thúc đẩy cho tinh thần tìm tòi, khám phá, luôn hoài nghi những khẳng định được đưa cho trước khi có thể tìm đến hoặc khẳng định sự thật.