Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ – hành trình tìm kiếm chính mình của những đứa trẻ bị tổn thương

Ngày đầu tiên của năm 2022, tôi đọc Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Tiến sỹ (TS.) Đặng Hoàng Giang và ở mỗi một chương, tôi cóp nhặt một mảnh ghép để kiến tạo nên hình hài của chính mình. Cuốn sách tập hợp những ghi chép của Đặng Hoàng Giang về những người trẻ ở độ tuổi trên dưới hai mươi, độ tuổi mà vừa bước qua tuổi thơ nhưng chưa đến trưởng thành, vì thế ông gọi đây là độ tuổi “hậu tuổi thơ”, cùng với những dẫn chứng từ các nghiên cứu tâm lý học để cố gắng đem đến những góc nhìn đầy nhân văn, thấu hiểu và thấu cảm đối với những người trẻ hoang mang, lạc lõng, bơ vơ trong dòng đời và hành trình kiếm tìm bản thân.

Những người trẻ cô độc

silhouette of a woman with pink and purple sky
“Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”. Ảnh: Unsplash.com

Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên. Những đứa trẻ, người trẻ trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đều ở trạng thái cô độc như thế, cô độc trong chính gia đình mình, trong vòng tròn xã hội của mình, cô độc ở tận sâu tâm hồn, cô độc trong tình yêu thương (hay những nhân danh tình yêu thương). Thật buồn đau khi nghe một cô gái mới mười tám tuổi thốt lên rằng “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”, nỗi buồn không chỉ là thoảng qua kiểu trùng xuống một chút nhưng chỉ cần cái chép miệng, thở dài là có thể qua đi, nỗi buồn giống như vũng nước đọng trên lòng đường, rồi cũng sẽ ngấm xuống và khô dần nhưng đã kịp ảnh hưởng lâu dài đến vùng đất phía dưới. Những bậc phụ huynh – là sản phẩm của một thời quá vãng, cũng là nạn nhân của những tổn thương, đớn đau mà họ chưa kịp nhận ra hay không muốn nhận ra, trở thành những người đi làm tổn thương đến chính con cái mình. Nỗi đau thành sẹo trở thành một nỗi ám ảnh, những đứa trẻ không được yêu thương trở nên không quen với việc yêu thương người khác.

Những mái ấm lạnh lẽo

Trong suốt hành trình của cuốn sách, nhiều lần ta sẽ không khỏi ngập ngừng và tự hỏi, Liệu rằng ta có thể trách cứ những bậc cha mẹ ấy? hay Có trách thì trách đến đâu là đủ? Điều nhân văn mà tác giả đưa được vào cuốn sách của ông là dù có đau đớn, tổn thương, nhức buốt đến tận tâm can, dù cho những tâm hồn bị tổn thương mãi mãi, bị hủy hoại vì chính người thân yêu của mình, thì đến cùng những đứa trẻ vẫn thổn thức tình yêu và tình thương với chính những người đã khiến chúng tổn thương. Tình yêu con cái với cha mẹ là một lẽ tự nhiên như vạn vật hữu sinh trên cõi đời này. Nhưng những đòn roi, chửi rủa, người mẹ dùng thắt lưng thắt cổ con gái mình, người mẹ chửi con mình là con chó, con đĩ, người cha thờ ơ, lạnh nhạt và vô trách nhiệm,…đã hủy hoại những tâm hồn ấy vĩnh viễn. Đó là khi tình yêu cũng không cứu rỗi nổi con người, không một sự bù đắp nào khỏa lấp được nữa cho những tháng năm đã mất, những phần đời đã bị hủy hoại. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ nỗ lực hướng đến nhân bản, đã cố gắng bóc tách và gợi mở trái tim những người cha người mẹ tưởng như lạnh lẽo ấy để ta thấy rằng sâu bên trong những người gây ra khổ đau cho người khác cũng là một trái tim và tâm hồn vằn vện những vết sẹo. Ta trách cứ họ một nhưng cũng phải thương họ một, thương cho những con người chưa từng được yêu thương, chưa từng được cứu rỗi khỏi hố đen địa ngục của chính mình.

Thứ tha và chữa lành

person with band aid on middle finger
“mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn.”. Ảnh: Unsplash.com

Cuộc hành trình nào rồi cũng có điểm kết thúc. Con đường dù tăm tối đến đâu thì cũng sẽ đến lúc nhìn thấy tia sáng cuối đường. Sau tất cả những tổn thương và đớn đau, người ta thường lựa chọn thứ tha, dù khó khăn. Thứ tha không phải là quên đi những nỗi đau, là coi như không có chuyện gì, thứ tha là để lòng thêm an bình và để cho những nỗi đau được cởi mở, những nút thắt được tháo gỡ, để rồi từ đó, họ an tâm bước tiếp trên hành trình đầy hy vọng đến với sự chữa lành. Hành trình này hẳn cũng không dễ chịu gì hơn, nhưng kết quả của nó thì luôn đáng giá. Cô gái cô độc tìm thấy những người sẵn sàng lắng nghe cô không phán xét. Một người mẹ đã hiểu con mình và cũng được chữa lành luôn cho cả chính mình. Một cậu con trai cuối cùng đã lựa chọn chụp cùng ba mình một bộ ảnh và nói với ông về những nỗi đau của cậu do ông gây ra. Thứ tha hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai dám nói rằng tha thứ là tốt hơn hay không tha thứ là tệ hơn, nhưng mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn. Mong rằng mỗi một con người trong cuốn sách này và trong cuộc đời này rồi đây sẽ tìm được những bình yên trong lòng.

Phân tích của một nhà khoa học

Điều khiến Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ khác biệt với những cuốn sách về tâm lý khác là nó không hướng đến sự tích cực ngạo ngược và giả tạo, nó không dùng thuần túy những quan sát cá nhân và võ đoán để dễ dàng nói về ai đó, nó cũng không sử dụng tiền đề tôn giáo và tâm linh như nhiều cuốn sách bán chạy khác trên thị trường. TS.Đặng Hoàng Giang đã viết lại những câu chuyện mà ông được lắng nghe từ người trong cuộc bằng sự thấu cảm tuyệt vời, lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn vô cùng, và ông phân tích chúng bằng kiến thức khoa học, bằng dẫn chứng có cơ sở từ các nghiên cứu tâm lý học nhưng không khô cứng và lạnh lùng.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là một cuốn sách đẹp về nỗi đau. Nó mô tả nỗi đau trần trụi nhưng không thô bạo, nó ân cần và dịu dàng với những tâm hồn chằng chịt vết thương và những trái tim đã bị hủy hoại, nó chứa đựng sự thấu cảm và nhạy cảm sâu sắc với con người. Đồng thời, nó vẫn mang tinh thần khoa học, vẫn đề cao sự thật và dùng khoa học, sự thật để cắt nghĩa nỗi đau, để kêu gọi người ta thấu cảm với những nỗi đau và không phán xét. Một cuốn sách thường thức vừa nhân văn với con người vừa ngợi ca vẻ đẹp của khoa học.

“Phút 90++” – Trương Anh Ngọc

phut 90++ (2)

Cũng đã lâu lắm rồi tôi không vào blog và viết đôi dòng, bởi vì độ gần đây tôi bận quá với những dự định cá nhân của mình, và thứ nữa là tôi làm việc chăm chỉ để dịch một bài viết thú vị cho blog, nhưng hồi mới ra tết, tôi lại đọc được một cuốn sách cho bản thân nhiều cảm xúc và suy nghĩ quá, nên lại viết. Cuốn sách này là cuốn thứ ba tôi đọc của nhà báo Trương Anh Ngọc và sau khi đọc xong cuốn này thì cũng có nghĩa là tôi đã đọc tất cả sách được xuất bản của tác giả, mặc dù đây là cuộc phiêu lưu thứ hai của tác giả nhưng tôi lại đọc sau cùng. Lý do là bởi cuốn sách viết phần nhiều về bóng đá, tác giả thậm chí dùng bóng đá để chiêm nghiệm về cuộc sống và về mảnh đất mà mình đặt chân tới, trong khi tôi không phải là người quá cuồng nhiệt với bóng đá, đội bóng duy nhất tôi từng hò hét ủng hộ cho đến giờ là U23 Việt Nam, nhưng điều đó vẫn không làm giảm đi niềm háo hức của tôi khi đọc cuốn sách ấy. Vâng, viết đến đây ắt hẳn các bạn cũng đã phần nào biết tôi đang muốn nói đến cuốn sách nào rồi, là “Phút 90++” của nhà báo Trương Anh Ngọc. Continue reading ““Phút 90++” – Trương Anh Ngọc”

Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu – Trương Anh Ngọc

Sau “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi”, gã cuồng si nước Ý Trương Anh Ngọc lại tiếp tục dẫn chúng ta đến cuộc hành trình rong ruổi khắp nước Ý thứ hai của mình “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Nếu như trong “Nước Ý – Câu chuyện tình của tôi”, Trương Anh Ngọc viết về nước Ý vẫn thấp thoáng đâu đó là niềm háo hức của một gã trai trẻ lần đầu gặp người mình si mê, vẫn nhìn nước Ý với cái nhìn háo hức của một kẻ viễn xứ lần đầu được mục sở thị giấc mơ của chính mình. Thì ở “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” ta lại được thấy một Trương Anh Ngọc hoàn toàn khác, một người đàn ông trưởng thành, đang sống ở đất nước anh ta hằng yêu quý và trân trọng mỗi phút giây mình đang sống. Mạch cảm xúc của “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” diễn ra chậm rãi hơn hẳn, giống như những thước phim quay chậm qua tất cả những cảnh vật, con người, hòng thu vào ký ức của mình càng nhiều hình ảnh, càng nhiều dấu ấn càng tốt. Lần này, tác giả chậm rãi đi qua từng vùng đất trên những nẻo đường và ngóc ngách của Italia xinh đẹp để hưởng thụ cuộc sống theo cách mà những người dân nơi đó hưởng thụ cuộc sống, để chìm đắm mình vào hơi thở của đất nước mà mình yêu mến. Ở mỗi một nơi mà tác giả dừng chân, ta đều có thể cảm nhận thấy từng cảnh vật như hiển hiện trước mắt mình, cứ như thể trước mắt mình không phải là những câu từ được ghép nối tài tình với nhau nữa mà là những bức tranh được vẽ vô cùng sống động, có thể nhìn thấy màu của trời, của cỏ cây, của con đường, của tất cả những cảnh vật trong đó và dường như mọi thứ đều đang chuyển động không ngừng. Còn người đọc thì không thể ngăn mình bị hút vào những cảnh vật sống động đến dường ấy.

Nước Ý, câu chuyện tình của tôi – Trương Anh Ngọc

Cũng như biết bao nhiêu người trên thế giới, tôi cũng đem một tấm lòng yêu mảnh đất châu Âu xinh đẹp mà người ta thường nói “cả châu Âu là một viện bảo tàng”, đặc biệt là nước Ý. Tôi chẳng biết tôi yêu châu Âu từ bao giờ. Từ những thước phim tôi được xem trên ti vi từ tấm bé? Từ những trang sách của Dan Brown – nhà văn tôi yêu quý? Hay từ những chương trình cuối năm của VTV mà những dịp tết không tết nào tôi bỏ qua? Tôi không rõ, tôi chỉ biết rằng lòng mình lúc nào cũng hừng hực khát khao được chạm tay vào Âu châu, nơi phương xa mang biết bao mộng ước của tôi, mang theo giấc mơ thời thủa ấu thơ của tôi, mang theo những giấc mơ cho tương lai tôi nữa. Nhờ “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” và Trương Anh Ngọc mà tôi đã có thêm một cơ hội nữa để chạm tay gần hơn đến giấc mơ của mình và khao khát của mình thêm sâu sắc.
Có lẽ, các fan bóng đá ở Việt Nam sẽ biết Trương Anh Ngọc nhiều hơn, còn tôi, một kẻ chưa bao giờ hứng thú với bóng đá sẽ chẳng biết Trương Anh Ngọc là ai cho đến cái ngày tôi đọc được một bài báo mà chú viết về giáo dục, về con gái và về cách đối xử giữa mọi người với nhau, cách viết của chú Ngọc nhẹ nhàng, không rườm rà, nhưng vẫn đầy chất thơ và chất mộng mơ của một người mang trái tim nghệ sĩ. Khi tìm hiểu sâu hơn về tác giả của những bài viết tôi yêu thích đó, tôi mới phát hiện hóa ra chú Ngọc từng là một bình luận viên bóng đá rất có tiếng ở Việt Nam và chú đã sống ở Ý rất nhiều năm, và cũng từ chính cơ duyên đó mà tôi được theo dõi facebook của chú và tìm đọc “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” của chú Ngọc.
Tôi đọc cuốn sách ấy với tất cả niềm háo hức của một đứa con gái say mê châu Âu và say mê nước Ý. Dan Brown – tác giả yêu thích của tôi – người dường như cũng có một niềm say mê và tình yêu hết sức sâu đậm với nước Ý đã đặt biết bao bối cảnh trong sách của ông ở Ý, nhưng những dòng mô tả về châu Âu nói chung và nước Ý nói riêng với tôi cũng vẫn chưa đủ, tôi cần một cái gì đó thật hơn thế, chân tình hơn nữa và sâu sắc hơn nữa. Và tôi đọc sách chú Ngọc, một con người yêu nước Ý, say nước Ý, mê nước Ý với tất cả trái tim và tâm hồn bay bổng của mình. Chú viết về nước Ý với tất cả tình yêu và lòng thành kính của mình. Nhưng những trang viết của chú cũng thể hiện chất Ý trong chú, chú viết rằng nước Ý là tập hợp của những sự đối lập, và tương tự, chính chú cũng mang hết tất cả những đối lập ấy vào những trang viết của mình. Say mê là thế, yêu sâu đậm là thế, đọc những trang viết của chú về Firenze, về Toscana, về Venize, ta có thể mường tượng được nỗi đắm say sâu đậm đến dường nào của một kẻ phương xa đã trót lạc vào trái tim của nước Ý và cam nguyện được đắm đuối trong đôi mắt của “nàng thơ” Ý mãi mãi, nhưng cũng không vì thế mà mù quáng, mà tâng bốc để biến tất cả những cái xấu xa cũng đều trở nên tốt đẹp, chú Ngọc vẫn tỉnh táo để chỉ ra những mặt trái của nước Ý mà chúng ta không nhìn thấy và bị che mắt bởi những điều đẹp đẽ, tráng lệ. Chú nói về nước Ý với tất cả sự đối lập của nó, xuyên suốt cuốn sách, tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất câu nói “Yêu ai yêu cả đường đi lối về” mà các cụ vẫn thường nói, bởi chú yêu nước Ý chân thật đến nỗi chú không chỉ yêu những kiệt tác nghệ thuật, những cung đường lịch sử, những mộng mơ, nên thơ, đam mê của Ý, mà chú còn yêu luôn cả nước Ý chân thật nhất, nước Ý còn mang nhiều những bê bối, những hoang tàn trên tàn tro của những vinh quang xưa cũ, một nước Ý chân thật không đẹp như tranh vẽ mà chúng ta vẫn từng mường tượng mới là một nước Ý mà Trương Anh Ngọc yêu bằng tất cả trái tim mình.
Khi gấp lại cuốn sách, tôi không thể làm kìm giữ được cái ham muốn được đặt chân ngay lên đất Ý và khám phá từng ngóc ngách chú Ngọc đã viết bằng tất cả trái tim vào cuốn sách. Một người bình luận đã nói rằng tình yêu của Trương Anh Ngọc nhiều đến nỗi chú không thể cất giữ nó trong trái tim mình mà phải chia sẻ với tất cả mọi người, nhưng tôi lại thấy, ngay cả khi đã chia sẻ với tất cả mọi người, tình yêu ấy vẫn đong đầy, sâu sắc và mênh mông quá đỗi, dường như cả đời cũng không thể cất hết tình yêu và nỗi nhớ của chú dành cho nước Ý. Một ngày nào đó tôi sẽ đến Ý, sẽ đi trong cuộc hành trình của riêng cuộc đời mình, và tôi nhất định sẽ mang theo “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” để cùng cảm nhận với chú và để giúp chú mang một chút nho nhỏ tình yêu trả về cho Ý – cho đất nước chú đã yêu như quê hương thứ hai của mình.

Trái tim đàn bà – Nguyễn Quỳnh Hương

16425745_1061823213923649_158359768679626897_n

Có lạ kì không khi tôi – một cô gái mới chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi, chưa một lần yêu và chắc chắn chưa trở thành một người đàn bà lại cảm thấy đồng cảm và rung động sâu sắc với “Trái tim đàn bà” của Nguyễn Quỳnh Hương?

“Trái tim đàn bà” là tập hợp những mẩu chuyện hết sức vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày của một người phụ nữ bình thường, những câu chuyện trong “Trái tim đàn bà” hoàn toàn là những câu chuyện mà tất cả chúng ta đều có thể gặp được, có thể tìm thấy mỗi ngày trong cuộc sống của mình, xung quanh mình. Nhưng Nguyễn Quỳnh Hương đã dùng lối kể rất dung dị, rất đàn bà của chị để chạm vào trái tim mỗi người đọc. Tất nhiên, không phải tôi đồng ý với mọi thứ chị viết trong cuốn sách này, nhưng tôi đồng cảm. Tôi cảm nhận được trái tim thổn thức và bao la yêu thương của một người mẹ dành cho đứa con gái nhỏ của mình. Tôi cảm nhận được tình yêu thương vĩnh cửu dành cho cho người mẹ của mình – tình yêu chưa bao giờ được nói thành lời nhưng lại nằm vĩnh viễn trong trái tim để mang theo suốt đời. Tôi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng như một sợi dây kết nối những người đàn bà lại với nhau, hơn ai hết, phụ nữ được thiên phú cho một đặc quyền mà đàn ông không bao giờ có – đó là được hoài thai đứa con của mình trong chính cơ thể mình, được giao tiếp với đứa con của mình chẳng cần bằng lời nói và trong thế giới của mỗi đứa trẻ, người mẹ chính là hình hài đầu tiên về con người, Mẹ chính là Yêu Thương, là hình mẫu đầu tiên về Yêu Thương mà một đứa trẻ cảm nhận được trong đời sống của nó mà không bao giờ khác đi, không có một thế lực nào trên đời có thể thay đổi được điều đó.

Tôi cảm tưởng như có thể với lấy cuốn sách này trên giá sách của mình vào bất kể lúc nào và mở bất kể một trang nào đó ra tôi cũng có thể tìm được một tiếng nói đầy dịu dàng, đầy trìu mến, đầy yêu thương dang thì thầm ve vuốt trái tim mình.

“Trái tim đàn bà” là một cuốn sách hết sức đàn bà, hết sức nữ tính, đầy ngọt ngào và ăm ắp tình yêu.

 

[One-shot Review] TẠI TÂM – Bí Bứt Bông

Trước khi bước vào phần cảm nhận chính, tôi muốn tâm sự một chút về lý do mà mình quyết định viết một loại bài về tiểu thuyết lịch sử và chọn một truyện ngắn làm mở màn chứ không phải một trường thiên tiểu thuyết đầy hùng tráng hay đầy bi thương phẫn hận nào đó.

Đầu tiên, tôi quyết định viết loạt bài về tiểu thuyết lịch sử này là vì muốn lưu giữ lại những cái hay ho trong quá trình đọc và học hỏi của mình, thứ nữa là muốn giới thiệu đến những người đọc khác những câu chuyện sử đầy chất lượng, cho mọi người thấy sử Việt là một chất liệu văn học hết sức phong phú và không hề thiếu đề tài, khía cạnh để khai thác; đồng thời cũng muốn giới thiệu đến người đọc những tác giả tâm huyết, những tác giả thực thụ vẫn đang ẩn mình trong khi xã hội hiện tại nói chung và làng văn Việt nói riêng đang tồn tại đầy rẫy những thứ “văn học” rẻ tiền, những kẻ “đi bán chữ”.

Thứ hai, vì sự nổi cộm của những “tác phẩm văn học” không chất lượng gần đây, đặc biệt là những tiểu thuyết lịch sử chắp vá, thiếu cái tâm người viết và đầy tính phù phiếm, khiến tôi muốn đưa đến cho người đọc những tác phẩm thực sự có thể khiến bạn thay đổi cách nhìn và tư duy lịch sử của mình.

Và lý do vì sao tôi chọn một câu chuyện ngắn, tôi sẽ nói trong bài viết dưới. Continue reading “[One-shot Review] TẠI TÂM – Bí Bứt Bông”

Đã có thời Hà Nội lầm than!

“Hà Nội lầm than” là một thiên phóng sự của Trọng Lang được in trên báo Đời Nay từ năm 1938, tức là thời kì trước Cách mạng tháng Tám 1945. Để viết “Hà Nội lầm than”, tác giả đã đi đến những nơi cùng bần, khổ đau nhất của mảnh đất rồng bay để sâu sát đến những con người đau khổ nhất trên mảnh đất này, để hỏi chuyện, để lắng nghe họ, và để xót xa cho những kiếp người khổ đau ấy. Trọng Lang đã đến gặp những gái nhảy, những nhà cô đầu, thậm chí đã đi đến cả cái nơi ô uế nhất mà “người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm. Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào…nhà thổ”, và cả những ổ ăn mày mà thời đó, người ta còn có những thứ nghề nghiệp hết sức mỉa mai như “nghề ăn mày” hay theo như cách nói của tác giả, là “ăn mày chuyên nghiệp”. Trong “Hà Nội lầm than”, tác giả dành một niềm cảm thương sâu sắc cho cô đầu, những người đàn bà đáng ra đem tiếng hát của mình để góp vui cho đời, cho người; nhưng vì cái thối nát bần tiện của xã hội, vì cái xâm lăng đau đớn của những thói phù phiếm, xa hoa mà họ đã phải bán đi cả con người và linh hồn mình, để cho những gã đàn ông phù phiếm thỏa mãn thứ dục vọng bần hèn của mình mà vẫn khoác lên người “tấm áo” đạo mạo, cao sang. Rồi đến những kiếp đàn bà trong nhà thổ mà thậm chí tác giả cho rằng họ chẳng còn là đàn bà mà là một loại con vật nào đó, một loại sinh vật chẳng ra hình người, lệ thuộc vào thuốc phiện và chỉ sống vật vờ qua ngày như cái xác khô để chờ chết. Dưới ngòi bút của mình, Trọng Lang đã viết nên nỗi cơ cực của những kiếp người ấy; đã viết nên sự ác độc của cái gọi là sự xâm lược về tinh thần khi mà những làn khói thuốc phiện đang giết dần, giết mòn một thế hệ, một dân tộc; đã viết về những cảnh người bần cùng nhất trong mọi sự bần cùng, đau khổ nhất trong mọi cái đau khổ; đã khắc họa lên một xã hội mục ruỗng, thối nát mà ở đó, ai nhìn vào cũng thấy là một bức tranh sơn son thếp vàng nhưng kì thực bên trong đã bị mối mọt gặm nhấm đến tận cùng; tác giả cảm thương cho thân phận người đàn bà trong xã hội ấy và chỉ trích sâu cay những gã đàn ông mạt hạng chà đạp lên thân xác những người đàn bà yếu đuối để thỏa mãn cái dục vọng của mình và để vắt kiệt những người đàn bà ấy đến tận hơi thở cuối cùng để thỏa mãn những cơn thèm thuốc phiện. Thậm chí, còn có những con chuột, con mèo…bị gia chủ cho dùng thuốc phiện để chúng nghe lời, trung thành với gia chủ, để chúng có thể nghe theo lời sai khiến của gia chủ. Cả một xã hội bị bao bọc trong khói thuốc phiện hiện lên dưới ngòi bút của Trọng Lang làm ta cảm thấy không khỏi rùng mình mà cũng chẳng khỏi xót xa. Quả là Hà Nội lầm than! Cái lầm than ánh lên từ mọi ánh mắt, mọi ngóc ngách trong cái thành phố đã từng là đất kinh kỳ, phồn hoa ấy.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta đều biết đến một Việt Nam anh dũng, kiên cường và hào hùng; chúng ta đều biết một Hà Nội vẫn sừng sững, hiên ngang vươn mình sau những đau thương chất chồng từ giặc lũ xâm lược; nhưng chúng ta lại không biết, hoặc là vì một lý do nào đó đã vô tâm bỏ qua, một Hà Nội đã từng chịu những cảnh đau thương mà chẳng phải do súng bom, đạn dược mang tới – đó là những nỗi đau thương trong những cảnh người lầm than, những nỗi đau thương trong tinh thần rệu rã của một kiếp người bị chìm trong khói thuốc phiện, một kiếp những con người bị những thứ tha hóa, bỉ ổi, bẩn thỉu và vô đạo chà đạp; một kiếp mà những hình người không ra hình người, những con người chẳng còn là người mà chỉ là những con vật vô cảm chỉ bởi nỗi cùng cực đã ngày này qua tháng khác tẩy đi hết phần “người” trong họ. Vậy nên mới phải đọc “Hà Nội lầm than” của Trọng Lang để được cảm nhận hết những nỗi đau đó của đất kinh kì phồn hoa, để thấy được Hà Nội để có thể vươn mình sừng sững như hôm nay, đã từng phải oằn mình gồng gánh biết bao kiếp người đau khổ. Đã có thời, Hà Nội lầm than!

Nhật kí Đặng Thùy Trâm -Lời đại diện của một thế hệ anh hùng

“Mà nói vậy: “Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu…”

(Trích “Bài ca mùa xuân 1961” – Tố Hữu)

Tôi vừa mới gập lại trang cuối cùng trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” – cuốn nhật kí của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc đời này.

“Nhật kí Đặng Thùy Trâm” là cuốn nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những năm tháng chị làm quân y ở chiến trường miền Nam trong thời kháng chiến chống Mĩ, chị, cũng như bao nhiêu người con miền Bắc thời đó, đã rời bỏ miền Bắc thương yêu, đã rời bỏ vòng tay gia đình ấm êm để lên đường vào Nam, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và Thùy Trâm cũng như bao nhiêu con người ở thời đó, đã chiến đấu, đã ngã xuống, đã đánh đổi ngày mai của chính mình cho ngày mai của dân tộc.

Trong cuốn nhật kí này, Thùy Trâm đã ghi lại những tháng ngày gian khó trên chiến trường, khi chị vừa phải cố gắng hết mình để chăm sóc cho các thương, bệnh binh trong chiến tranh, với chị, họ là những người đồng chí thân yêu, những con người mà với chị họ còn khổ đau hơn chị vì “ít ra mình còn được biết đến hòa bình; còn những con người ở đây, có người đã ngã xuống mà chưa được biết một ngày hòa bình”; chị cứu chữa cho những thương binh ấy không chỉ vì trách nhiệm của một người bác sĩ, mà còn vì trách nhiệm mà chị tự đặt ra cho riêng mình với tổ quốc – trách nhiệm ấy đòi hỏi chị phải cứu cho kì được những người con đã hi sinh tất cả của mình cho tổ quốc quyết sinh; với gia đình những người thương binh, với cha mẹ già, với vợ con họ. Thùy Trâm là một cô gái miền Bắc đã được nếm trải những ngày hòa bình, là một nữ trí thức với trái tim đầy nhạy cảm, và đầy ước mong; nhưng chị đã chọn ra đi vào chiến trường miền Nam, bỏ lại sau lưng những ấm êm để đi theo tiếng gọi của tổ quốc; trưởng thành qua bao khó khăn, gian khổ, nhưng ở chị vẫn luôn ánh lên một niềm lạc quan, những ước mong rất đỗi giản dị, rất đỗi lãng mạn, thơ mộng của một cô gái ở độ tuổi đôi mươi. Ở trong mỗi trang sách, ta nhìn thấy được cái ác liệt của chiến trường, nỗi đau của dân tộc, những hào hùng xen lẫn đau thương khiến cho trái tim người đọc chẳng khỏi run rẩy, những ngày tháng gian khó đến chẳng thể tưởng nổi; nhưng đồng thời ta cũng nhìn thấy sự lạc quan ánh lên qua mỗi trang viết của cô gái trẻ Đặng Thùy Trâm, những mơ ước của chị về ngày mai hòa bình sẽ lập lại trên mảnh đất mà chị đã coi như quê hương thứ hai của mình và dân tộc chị sẽ được đoàn viên; những ước vọng về ngày được sống trong vòng tay gia đình. Ở “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, ta nhìn thấy sự lạc quan đến kinh ngạc của những người lính, nhìn thấy những mối chân tình trong sáng chỉ đơn thuần là tình cảm giữa con người với con người mà chắc hẳn nếu không ở trong một hoàn cảnh gian lao, khổ cực như thế, người ta sẽ chẳng tìm thấy được – và ở cuộc chiến tưởng như là tận cùng của sự vô nhân đó, ta lại tìm thấy thứ ánh sáng chói lọi của tình người cao cả tột cùng.

Tôi nghĩ, “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” nên là cuốn sách gối đầu của thế hệ trẻ Việt Nam, dù là ở bất cứ thời kì nào đi nữa. Không phải để nhắc nhở những điều mà mấy đứa trẻ đã được nghe cả triệu lần mà chưa chắc chúng đã thấm được “Nếu không có những con người đó thì sao có chúng mày ngày hôm nay!”, không, không phải thế, đó không phải mục đích tôi muốn mỗi người trẻ nên đọc cuốn sách này, mặc dù điều trên là đúng; mà, chúng ta nên đọc để thấy được mình nên sống như thế nào, để thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về cuộc sống này. Chúng ta không thể mãi nhìn về quá khứ, cũng chẳng thể nhìn đến tương lai khi mà hiện tại chưa trọn vẹn, hãy sống mỗi ngày thật trọn vẹn bởi chẳng ai nói được ngày mai sẽ ra sao, để mai này sẽ chẳng phải hối tiếc điều chi. Đặng Thùy Trâm và những con người ở thế hệ chị đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, họ đã hiến dâng tuổi xuân, ngày mai của họ, thậm chí là tính mệnh của họ cho sự nghiệp cao cả của tổ quốc, với sống thật trọn vẹn với lý tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; những con người ấy họ đã ngã xuống cho ngày mai của dân tộc, những con người dù chưa từng được nhìn thấy hòa bình nhưng họ đã chiến đấu đến từng hơi thở cho nền hòa bình mà họ sẽ mãi chẳng được nhìn thấy, và Đặng Thùy Trâm chính là một đại diện cho cả một thế hệ anh hùng như thế.

Cầm trên tay cuốn sách này, tôi tự hào vì mình được sinh ra trên đất nước này, tự hào vì mình đã được nghe, được biết, và được thấu hiểu những mất mát và nỗi đau của dân tộc. Và tôi tự hào vì dân tộc này đã vượt qua những đau thương, để lại đằng sau những hận thù, đớn đau để đi lên. Khi đọc xong cuốn sách, tôi đã nhìn lên bầu trời và hít căng đầy lồng ngực mình bầu không khí của tự do quý giá, nhìn ngắm bầu trời ngát xanh hòa bình mà những con người này đã ngã xuống để mang lại cho chúng tôi. Và khi gấp lại cuốn sách này, tôi cũng như đã gấp lại những đau đớn của quá khứ của chính mình, đã gấp lại những tăm tối trong tâm hồn mình, đã gấp lại những sân si trong lòng để bắt đầu nhìn cuộc sống khác đi, tập sống khác đi.

Một đoạn trích trong tác phẩm:

1.1 [70]

Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nưa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn đứng đắn Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đới còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có…

Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhưng bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm lin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th. mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hay giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thuỳ!

 

Phải lấy người như anh – Trần Thu Trang

Sau “Cocktail cho tình yêu” thì “Phải lấy người như anh” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của tác giả Trần Thu Trang mà tôi đọc, bởi từ “Cocktail cho tình yêu” tôi đã khá bị thu hút bởi cách hành văn nhẹ nhàng, giản dị, cách sử dụng những từ ngữ đơn giản nhất mà lại hút người đọc của chị.

“Phải lấy người như anh” mang nội dung khác hoàn toàn “Cocktail cho tình yêu”, mặc dù cũng là một “truyện sến” khác, nhưng ở “Phải lấy người như anh”, những mâu thuẫn, sóng gió có vẻ khắc nghiệt hơn, và thực tại cuộc sống được tác giả đưa vào những trang sách khiến người đọc cảm thấy khắc nghiệt, day dứt hơn rất nhiều. “Phải lấy người như anh” là câu chuyện về Thái Vân, một cô gái hai mươi sáu tuổi với số phận cũng giống như cái tên của cô vậy, cô xinh đẹp, thích xe vespa, và nhiếp ảnh. Tuy nhiên, cuộc đời không bao giờ cho người ta được toại nguyện hoàn toàn, hay đúng hơn như các cụ vẫn thường cay đắng chép miệng mà nhắc đến “phận hồng nhan”, số phận cùng cuộc sống khắc nghiệt đã đẩy đưa cuộc đời cô gái trẻ đến biết bao thăng trầm. Cho đến khi cô gặp Thanh, tình yêu trong sáng và ấm áp, đầy cao thượng, bao dung của anh đã làm tan chảy trái tim cô. Nhưng cũng đồng thời khi hai người bắt đầu mở lòng mình với nhau thì cũng là biết bao sóng gió ập đến, một lần lại một lần đẩy họ cách xa nhau. Nhưng Thanh, với tình yêu cao thượng và lòng chở che, bao dung của mình, cũng đã từng bước, từng bước đưa cô trở về bên anh. Trong truyện, tác giả dùng danh xưng “chàng” và “nàng” để nói về hai nhân vật chính khiến cho câu chuyện dù dung dị nhưng cũng đầy chất thơ, lãng mạn, ấm áp, dịu nhẹ, cũng khiến cho người ta đôi lần cảm thấy trong tiếng “nàng” đó là nỗi xót xa, thương cảm, cũng là niềm cảm phục dành cho Thái Vân.

Bản thân tôi trước đó chưa từng thích dạng người như Thái Vân, chỉ cảm thấy trên đời này vốn dĩ không nên tồn tại những loại người như thế. Nhưng Trần Thu Trang đã làm thay đổi khá nhiều nhận thức của tôi ở thời điểm ấy, lần đầu tiên tôi cảm thấy thương và cảm phục một người con gái như Thái Vân chứ không phải khinh khi hay ghét bỏ cô ấy. Trong lòng tôi cũng tồn tại khá nhiều phức cảm với nhân vật này, bởi nếu như bình thường, chúng ta không thể nào mường tượng nổi bằng cách nào mà một người như thế lại có thể còn lại thứ gọi là lòng kiêu hãnh và tự tôn; nhưng Thái Vân có, thậm chí là có rất nhiều. Cô có thể đem thân thể mình ra như một sự đổi chác, nhưng trong tâm hồn cô gái trẻ ấy, vẫn luôn kiêu hãnh, khiêm nhường nhưng kiêu hãnh. Và qua cô, ta mới thấy, những kẻ đáng hổ thẹn, đáng bị ê chề không phải cô, mà là đám đàn ông “phàm phu tục tử” chỉ biết chà đạp lên thân xác người đàn bà để hòng tìm lấy thứ khoái lạc ghê tởm của mình. Ở Thái Vân còn có phần bất chấp, bất cần đời, cô không lưu luyến gì bất cứ người đàn ông nào đó từng tìm kiếm trong cuộc đời mình dục vọng của hắn, cũng xác định rất rõ vị trí của chính mình, cho nên dường như lúc nào cô cũng ở trong tâm thế của người sẵn sàng ngẩng cao đầu mà ra đi. Thái Vân cần tiền, nhưng không tham tiền, cô cần mọi thứ chỉ đủ để giúp mình. Và Thanh hẳn nhiên là làn gió ấm áp, là bến đỗ bình an cuối cùng dành cho một cô gái như thế. Bờ vai anh vững chãi, vòng tay anh ấm áp, trái tim anh rộng mở, và đó mới đích thực là điều mà một người phụ nữ như Vân cần. Tình yêu giữa Vân và Thanh, sau tất cả mọi  biến cố, sau tất cả những trái ngang và nghiệt ngã của cuộc đời, lại là tình yêu trong sáng và chân thành nhất. Một tình yêu đủ để sống đến hết một đời; thực ra là, Tình yêu đủ sâu để cần nhau đến hết cuộc đời.

Trái tim em có ước mơ.
Em vẫn nghĩ lấy chồng phải lấy người như anh.
Đêm đêm ngước nhìn trăng, mơ có anh bên cạnh.
Hoa trên mặt đất nở vì ai, uyên ương dưới nước thành đôi vì ai.
Thả chiếc khăn tay theo gió bay đến bên anh….

Cocktail cho tình yêu – Trần Thu Trang

Tôi đọc “Cocktail cho tình yêu” vào độ năm năm trước, tức là khi tôi còn đang học lớp 11, lúc đó chỉ là tình cờ nhìn thấy đứa bạn cầm nó, trong khi tôi lại đang “đói” một quyển sách và cũng cần giết thời gian trong giờ nghỉ, nên tôi đã đề nghị được mượn. Thực ra tôi cũng đã có nghe đến “Cocktail cho tình yêu” trước đó, nhưng lại chưa từng có ý định đọc, chẳng vì lý do gì, chỉ là tôi cảm thấy mình chưa muốn đọc, thế thôi.

Hồi đầu khi vô tình lướt qua cái bìa sách ở nhà sách, tôi còn cứ tưởng đó là một cuốn sách dạy pha chế nào đó, nên cũng cho qua. Đến lần thứ hai vô tình nhìn thấy quyển sách này ở một hội sách, đọc kĩ mới thấy tên là “Cocktail cho tình yêu” của Trần Thu Trang, lại nghĩ hẳn đây là một cuốn tiểu thuyết sến súa đi, mà tác giả có cái tên lạ quá, từ cái bìa đến tên sách, đều không có hứng thú, thôi cho qua đi. Đến lần thứ ba thì là lần tôi mượn đứa bạn quyển sách để đọc giết thời gian, lúc đó chỉ nghĩ là tìm cái gì đó “gặm” cho đỡ nhàm chán cũng chẳng sao, lúc ấy giả mà vớ được quyển sách giáo khoa nào đó thì tôi cũng đọc ngấu nghiến mà thôi.

“Cocktail cho tình yêu” quả thực không khác xa tôi nghĩ là mấy, một cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sệt, hay nói theo lời tác giả thì là một dạng “truyện sến”. Câu chuyện mở đầu bằng việc cô nàng nữ chính Hoài Đan, là một nhà thiết kế, bắt gặp anh bạn trai là ca sĩ của mình đang lén lút tằng tịu với một người đàn bà xa lạ, hốt nhiên là như mọi câu chuyện khác, nữ chính lập tức bỏ đi không nói một lời. Rồi vì quá buồn bã mà cô quyết định lên Ba Vì ở với một người bạn ít hôm, vừa để lấy lại cân bằng cho cuộc sống vừa để tìm cảm hứng cho công việc. Ở đó, cô đã gặp Lập, ông chủ của khu nghỉ, một người đàn ông giàu có, nhưng tính cách khắc nghiệt. Hai người có một số hiểu lầm, dẫn đến xích mích. Nhưng sự đời đưa đẩy, họ lại cứ chạm mặt nhau trong những tình huống dở khóc dở cười nhất, để rồi đến khi, cả hai nhận ra trong lòng họ đã không còn có thể dứt được hình bóng của đối phương nữa. Mối tình của Lập và Hoài Đan không có quá nhiều sóng to gió lớn, không có chết đi sống lại, cũng không có đảo điên, quay cuồng. Chỉ là những mâu thuẫn hết sức vụn vặt như mọi đôi tình nhân khác, cũng có những khi ghen tuông khiến người ta mù quáng, sự ích kỉ khiến người ta làm ra những chuyện ấu trĩ. Có lẽ Lập và Hoài Đan đến với nhau quá vội vàng, cho nên, dù yêu đến mấy, thì tình yêu cũng không thể tồn tại nếu không trải qua thực tế thử thách. Mà thử thử thách nghiệt ngã nhất của tình yêu là gì? Là lòng tin. Khi lòng tin bị thử thách, là lúc con người ta mới biết mình yêu đến thế nào.

Nếu như bạn tìm kiếm một câu chuyện mang tính nhân văn cao cả, một câu chuyện mà tình yêu của một cặp tình nhân xuất phát từ tình yêu thế nhân, thì tôi nghĩ bạn không nên đọc cuốn tiểu thuyết này. Đây là một câu chuyện tình yêu, hoàn toàn đơn giản chỉ là tình yêu, dù bên trong nó vẫn tồn tại nhiều mối quan hệ khác, nhưng tất cả chỉ là thứ yêu. Khó lòng mà nhận ra một thể loại nào khác ngoài thể loại “truyện sến” rõ rành rành, đặc sệt trong đây như tác giả đã có lần trả lời phỏng vấn truyền hình cũng như từng nói trên trang facebook riêng của chị.  Vậy nên, với tôi, đây là một cuốn tiểu thuyết giúp tôi cảm thấy đủ thoải mái, đủ nhẹ nhõm bởi nó mang đủ yêu, đủ ghen, đủ ghét, đủ tha thứ, đủ tin yêu để làm nên câu chuyện tình đẹp. Là vậy đó!