Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ – hành trình tìm kiếm chính mình của những đứa trẻ bị tổn thương

Ngày đầu tiên của năm 2022, tôi đọc Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Tiến sỹ (TS.) Đặng Hoàng Giang và ở mỗi một chương, tôi cóp nhặt một mảnh ghép để kiến tạo nên hình hài của chính mình. Cuốn sách tập hợp những ghi chép của Đặng Hoàng Giang về những người trẻ ở độ tuổi trên dưới hai mươi, độ tuổi mà vừa bước qua tuổi thơ nhưng chưa đến trưởng thành, vì thế ông gọi đây là độ tuổi “hậu tuổi thơ”, cùng với những dẫn chứng từ các nghiên cứu tâm lý học để cố gắng đem đến những góc nhìn đầy nhân văn, thấu hiểu và thấu cảm đối với những người trẻ hoang mang, lạc lõng, bơ vơ trong dòng đời và hành trình kiếm tìm bản thân.

Những người trẻ cô độc

silhouette of a woman with pink and purple sky
“Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”. Ảnh: Unsplash.com

Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên. Những đứa trẻ, người trẻ trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đều ở trạng thái cô độc như thế, cô độc trong chính gia đình mình, trong vòng tròn xã hội của mình, cô độc ở tận sâu tâm hồn, cô độc trong tình yêu thương (hay những nhân danh tình yêu thương). Thật buồn đau khi nghe một cô gái mới mười tám tuổi thốt lên rằng “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”, nỗi buồn không chỉ là thoảng qua kiểu trùng xuống một chút nhưng chỉ cần cái chép miệng, thở dài là có thể qua đi, nỗi buồn giống như vũng nước đọng trên lòng đường, rồi cũng sẽ ngấm xuống và khô dần nhưng đã kịp ảnh hưởng lâu dài đến vùng đất phía dưới. Những bậc phụ huynh – là sản phẩm của một thời quá vãng, cũng là nạn nhân của những tổn thương, đớn đau mà họ chưa kịp nhận ra hay không muốn nhận ra, trở thành những người đi làm tổn thương đến chính con cái mình. Nỗi đau thành sẹo trở thành một nỗi ám ảnh, những đứa trẻ không được yêu thương trở nên không quen với việc yêu thương người khác.

Những mái ấm lạnh lẽo

Trong suốt hành trình của cuốn sách, nhiều lần ta sẽ không khỏi ngập ngừng và tự hỏi, Liệu rằng ta có thể trách cứ những bậc cha mẹ ấy? hay Có trách thì trách đến đâu là đủ? Điều nhân văn mà tác giả đưa được vào cuốn sách của ông là dù có đau đớn, tổn thương, nhức buốt đến tận tâm can, dù cho những tâm hồn bị tổn thương mãi mãi, bị hủy hoại vì chính người thân yêu của mình, thì đến cùng những đứa trẻ vẫn thổn thức tình yêu và tình thương với chính những người đã khiến chúng tổn thương. Tình yêu con cái với cha mẹ là một lẽ tự nhiên như vạn vật hữu sinh trên cõi đời này. Nhưng những đòn roi, chửi rủa, người mẹ dùng thắt lưng thắt cổ con gái mình, người mẹ chửi con mình là con chó, con đĩ, người cha thờ ơ, lạnh nhạt và vô trách nhiệm,…đã hủy hoại những tâm hồn ấy vĩnh viễn. Đó là khi tình yêu cũng không cứu rỗi nổi con người, không một sự bù đắp nào khỏa lấp được nữa cho những tháng năm đã mất, những phần đời đã bị hủy hoại. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ nỗ lực hướng đến nhân bản, đã cố gắng bóc tách và gợi mở trái tim những người cha người mẹ tưởng như lạnh lẽo ấy để ta thấy rằng sâu bên trong những người gây ra khổ đau cho người khác cũng là một trái tim và tâm hồn vằn vện những vết sẹo. Ta trách cứ họ một nhưng cũng phải thương họ một, thương cho những con người chưa từng được yêu thương, chưa từng được cứu rỗi khỏi hố đen địa ngục của chính mình.

Thứ tha và chữa lành

person with band aid on middle finger
“mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn.”. Ảnh: Unsplash.com

Cuộc hành trình nào rồi cũng có điểm kết thúc. Con đường dù tăm tối đến đâu thì cũng sẽ đến lúc nhìn thấy tia sáng cuối đường. Sau tất cả những tổn thương và đớn đau, người ta thường lựa chọn thứ tha, dù khó khăn. Thứ tha không phải là quên đi những nỗi đau, là coi như không có chuyện gì, thứ tha là để lòng thêm an bình và để cho những nỗi đau được cởi mở, những nút thắt được tháo gỡ, để rồi từ đó, họ an tâm bước tiếp trên hành trình đầy hy vọng đến với sự chữa lành. Hành trình này hẳn cũng không dễ chịu gì hơn, nhưng kết quả của nó thì luôn đáng giá. Cô gái cô độc tìm thấy những người sẵn sàng lắng nghe cô không phán xét. Một người mẹ đã hiểu con mình và cũng được chữa lành luôn cho cả chính mình. Một cậu con trai cuối cùng đã lựa chọn chụp cùng ba mình một bộ ảnh và nói với ông về những nỗi đau của cậu do ông gây ra. Thứ tha hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai dám nói rằng tha thứ là tốt hơn hay không tha thứ là tệ hơn, nhưng mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn. Mong rằng mỗi một con người trong cuốn sách này và trong cuộc đời này rồi đây sẽ tìm được những bình yên trong lòng.

Phân tích của một nhà khoa học

Điều khiến Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ khác biệt với những cuốn sách về tâm lý khác là nó không hướng đến sự tích cực ngạo ngược và giả tạo, nó không dùng thuần túy những quan sát cá nhân và võ đoán để dễ dàng nói về ai đó, nó cũng không sử dụng tiền đề tôn giáo và tâm linh như nhiều cuốn sách bán chạy khác trên thị trường. TS.Đặng Hoàng Giang đã viết lại những câu chuyện mà ông được lắng nghe từ người trong cuộc bằng sự thấu cảm tuyệt vời, lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn vô cùng, và ông phân tích chúng bằng kiến thức khoa học, bằng dẫn chứng có cơ sở từ các nghiên cứu tâm lý học nhưng không khô cứng và lạnh lùng.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là một cuốn sách đẹp về nỗi đau. Nó mô tả nỗi đau trần trụi nhưng không thô bạo, nó ân cần và dịu dàng với những tâm hồn chằng chịt vết thương và những trái tim đã bị hủy hoại, nó chứa đựng sự thấu cảm và nhạy cảm sâu sắc với con người. Đồng thời, nó vẫn mang tinh thần khoa học, vẫn đề cao sự thật và dùng khoa học, sự thật để cắt nghĩa nỗi đau, để kêu gọi người ta thấu cảm với những nỗi đau và không phán xét. Một cuốn sách thường thức vừa nhân văn với con người vừa ngợi ca vẻ đẹp của khoa học.

Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

Tôi từng đọc một câu chuyện, rằng có một cậu học trò nọ là con trai của một người huấn luyện ngựa du mục, cuộc sống của cậu và gia đình là một cuộc sống nay đây mai đó theo công việc của người cha, không ổn định, do đó, cậu bé cũng phải chuyển trường rất nhiều, nên cũng khó tránh khỏi kết quả học tập bị ảnh hưởng. Một lần nọ, cô giáo của cậu cho cả lớp một đề văn “Hãy viết về ước mơ của mình”, và cậu bé nọ đã viết về ước mơ có một trang trại ngựa rộng hơn 2000 mẫu, và cậu đã miêu tả ước mơ đó chi tiết trong tận 7 trang giấy. Nhưng cô giáo của cậu lại cho cậu điểm thấp nhất, khi cậu bé hỏi tại sao, thì cô giáo bèn nói rằng ước mơ đó của cậu thật viển vông và vô căn cứ, rằng cậu bé sẽ chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ của cậu. Nhưng cậu bé, người có một người cha thật tuyệt vời, đã động viên con mình tin vào ước mơ của mình, đã thực hiện được ước mơ của mình, từng chút một. Và tôi nhớ mãi câu nói của cô giáo khi gặp lại cậu bé và thấy những gì cậu đã làm được, “Trong những năm tháng dạy học, cô đã đánh cắp ước mơ của rất nhiều đứa trẻ. Cũng may, em đã đủ lý trí để giữ lấy ước mơ của mình!”

Câu chuyện đầy tính thông điệp này thực ra lại không hề hiếm trong hiện thực, không chỉ giữa giáo viên và học trò, mà giữa cha mẹ với con cái, giữa người yêu với người yêu, giữa vợ với chồng, giữa người với người nói chung, chúng ta cũng thường vô tình hoặc cố tình gạt bỏ đi ước mơ của người khác và võ đoán về tương lai của một người chỉ dựa trên những gì mà ta thấy ở tại thời điểm này. Hầu hết thời gian, chúng ta đều quên mất mình phải tôn trọng khoảng không gian riêng của người khác, thậm chí, chúng ta còn cố can thiệp một cách thô bạo, và khi đối phương phản ứng lại, chúng ta bèn biện họ bằng một thứ mà hầu như không ai có thể trốn tránh hay chối bỏ – tình yêu. Nhưng theo tâm lý học Adler mà được Ichiro và Fumitake chuyển tải trong “Dám hạnh phúc” thì đó đơn thuần chỉ là cái “tôi” của chúng ta, đó là sự thiếu tôn trọng đối với cuộc đời của người khác, dù có lấy bao nhiêu lý do để bao biện thì chúng ta cũng quên mất một điều khi cố gắng gò ép người khác vào khuôn mẫu, đó là ta đang hành xử theo ý muốn của cá nhân mình chứ không phải hoặc chưa chắc đã là ý muốn của người kia. Sâu xa hơn, chúng ta hành xử như vậy để lấp đầy phức cảm tự ti của mình bằng việc sử dụng phức cảm tự tôn, ta cần cảm giác được tôn trọng, cần cảm giác được người khác khích lệ và khen ngợi, nhưng theo Ichiro và Fumitake, cảm giác đó cũng là cảm giác thời vụ không xuất phát từ bản thân của chúng ta, đó là cảm giác của người vẫn chưa thực sự coi trọng bản thân mình. Bởi vì nếu ta chỉ hành động vì sự khen ngợi và công nhận của người khác thì điều đó sẽ không bao giờ là đủ cả, từ đó, sinh ra cạnh tranh và ganh đua để giành lấy sự tán thưởng đó, nhưng sự công nhận của người khác lại giống như một lâu đài cát nếu ta thiếu đi một nền tảng cốt lõi là tự coi trọng chính bản thân mình. Lấy giáo dục làm chất liệu xuyên suốt của cuộc đối thoại giữa triết gia và chàng thanh niên, hai tác giả Ichiro và Fumitake đã đào sâu đến tận cùng những khái niệm cốt lõi trong tư tưởng của Adler, từ đó dần dần dẫn chiếu rộng ra các mối quan hệ trong xã hội, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Vậy những điều này thì có liên quan gì đến hạnh phúc? Ichiro và Fumitake nói rằng con người chỉ trưởng thành khi họ yêu, nhưng tình yêu theo như hai tác giả đề cập đến không phải là tình yêu xuất phát từ sự vị kỷ mà là tình yêu hòa hợp hai con người, tình yêu mà ở đó con người có thể triệt tiêu cái “tôi” của mình vì cái “chúng ta”. Chỉ có khi thấu triệt được khái niệm “chúng ta” và hiểu được nhiệm vụ của hai người là bản chất của tình yêu thì khi đó, ta mới có thể thực sự có được hạnh phúc. Theo tác giả, việc bỏ đi cái “tôi” của mình vì “chúng ta” là biểu hiện của việc cho đi không cầu nhận lại, biểu hiện cao cả nhất của tình yêu, và khi ta học được cách yêu một ai đó bằng tất cả sự vị tha đó, tức là ta đã học được cách chấp nhận bản thân mình xứng đáng được yêu, xứng đáng được hạnh phúc mà không đòi hỏi phải nhận lại như một sự trao đổi có điều kiện, tác giả đòi hỏi chúng ta ở một tình yêu cao hơn, đầy sự tín nhiệm hơn – tình yêu vô điều kiện, yêu chỉ vì niềm hạnh phúc được yêu chứ không phải tình yêu mang tính tín dụng, rằng có điều kiện thì mới yêu, chỉ khi đó, ta mới thực sự được hạnh phúc. Continue reading “Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake”

[Review cuốn chiếu] Tâm lý học đám đông – Gustav Le Bon

pic-Servi_635804600780767134_HasThumb

“Tâm lý học đám đông” là một tác phẩm quan trọng của không chỉ Lebon mà còn của ngành khoa học xã hội thế giới. Đây là một tác phẩm ấn chứa nhiều điều thú vị về cách vận hành của tâm lý đám đông, tầm ảnh hưởng của đám đông và tâm lý của họ lên những cuộc đại biến cũng như từng thay đổi nhỏ nhất của nhân loại. Cuốn sách này được chia thành ba quyển: Quyển 1 về tâm hồn của đám đông, quyển 2 về quan điểm của đám đông, và quyển 3 là phân loại các loại đám đông. Tôi nghĩ, sở dĩ tác giả chia cuốn sách thành 3 phần là bởi đám đông cũng giống như một cá thể hoàn chỉnh chăng? Một cá thể có tâm hồn – tức là cảm tính trước hết, nhưng để duy trì sự tinh tường của bản thân hay biến mình thành kẻ mông muội thì cái đó lại cần đến sự quyết định của lý trí – mà lý trí là tập hợp của rất nhiều những quan điểm khác nhau để giữ cho một cá thể giữ vững duy lý của chính mình mà không bị chi phối nhiều bởi cảm xúc, đến cuối cùng, cá thể đó khi đã có đủ tâm hồn và lý trí sẽ hình thành một cá thể hoàn chỉnh, và khi đó, người ta mới có thể nhìn toàn diện vào cá thể và chia ra thành các loại khác nhau. Đám đông cũng như vậy.

Ở phần đám động dễ bị ám thị và cả tin, tôi đã thực hiện một số case study nho nhỏ để tự mình kiểm chứng các luận điểm Le Bon đưa ra trong phần này.

Case study 1

Thiện, Ác và Smartphone – Đâu là ranh giới giữa nhân tính và phi nhân tính.

Kết quả hình ảnh cho thiện ác và smartphone sách

Đọc “Thiện, Ác và Smartphone” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là một trải nghiệm hoàn toàn khiến tôi bàng hoàng và sửng sốt. Sửng sốt trước những kiến thức mà tác giả đưa vào và bàng hoàng trước sự thật tàn nhẫn và phũ phàng đang quật thẳng vào mình về cách cư xử của bản thân bấy lâu nay. “Thiện, Ác và Smartphone” mang đến một cái nhìn đa chiều về những sự kiện đang diễn ra hàng ngày trong đời sống hiện đại của chúng ta ngày nay, phân tích chúng với sự nhạy bén của một tư duy sắc sảo và thông tuệ. Tác giả đưa vào cuốn sách một trong những vấn đề nhức nhối nhất của thời đại công nghệ số – vấn đề lăng nhục công cộng. Bằng việc cho độc giả thấy chiều dài lịch sử của vấn đề, đưa ra nguyên nhân của vấn đề, sử dụng các luận điểm và dẫn chứng đầy thuyết phục, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã vẽ cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về xã hội hiện đại chúng ta sống đang đứng trên bờ vực của sự ác hóa. Có những cách cư xử giữa người với người mà xưa kia chúng ta vẫn nghĩ nó là chuẩn mực, là đạo đức, thì giờ, với những bằng chứng xác đáng, tác giả đã lật lên sự thật xấu xí và phi nhân tính đằng sau cái vỏ bọc đạo đức ta vẫn khoác lên trên những hành vi của chúng ta và rồi sau đó sẽ dùng nó để tự ru ngủ bản thân rằng mình vẫn còn lương tâm và nhân tính. Nhưng kì thực không phải thế!

Tôi đặc biệt ấn tượng với bài viết  “Xét xử lưu động: Show diễn của công lý”, đọc đến đây tôi mới giật mình nhận ra những nghịch lý mà bấy lâu nay chúng ta vẫn cứ nghiễm nhiên coi là bình thường dù cho rõ ràng về bản chất nó là thứ phi nhân tính, và dù trên đời này tồn tại bao nhiêu loại đạo đức thì chắc chắn thứ ấy không nằm trong bất cứ loại đạo đức nào. Việc xét xử một người trước thanh thiên bạch nhật kì thực không đem lại lợi ích như các nhà lập pháp và hành pháp mong mỏi – rằng có thể giáo dục pháp luật và răn đe người dân – mà thậm chí nó còn khoét sâu thêm ý niệm của cái ác khi con người ta thỏa mãn một cách hết sức kệch cỡm trên việc đem nhân phẩm của một con người ra vầy vò giữa thanh thiên bạch nhật chỉ để thỏa mãn cái khao khát trừng phạt của đám đông và làm mỏng thêm cái lằn ranh giữa thiện và ác. Đồng thời, chính việc xét xử lưu động cũng phần nào đã trao cho đám đông quyền được lăng mạ và xỉ nhục người đang đứng trước vành móng ngựa bất chấp phán quyết về sau như thế nào, có đôi khi sự căm phẫn xuất phát từ nỗi đau khiến con người ta mù quáng và mất đi lý trí để phân biệt giữa cái đúng và cái sai, và từ đó, khi đám đông dần dần mất đi khả năng phân định đúng – sai, cái sai thành đúng và cái đúng sẽ thành sai, lúc này bản thân lý trí của từng người trong đám đông nếu không mạnh mẽ thì lập tức sẽ bị mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn của đám đông và tư duy của chính mình, và đám đông từ đó tự cho mình quyền được lăng nhục, xúc phạm người khác, sự bùng nổ của internet và các loại hình công nghệ cao chỉ càng khiến điều đó trở nên thêm tồi tệ.

Tuy nhiên, cuốn sách này không phải là một cuộc “đấu tố” công khai mà là một tác phẩm khoa học xã hội thường thức, mà ở đó tác giả ngoài việc phân tích thực trạng, nguyên nhân với những dẫn chứng được tìm tòi một cách công phu, còn đưa cho chúng ta giải pháp hết sức nhân văn và đầy tình người, giải pháp sẽ khiến xã hội chúng ta sống trở nên nhân văn và tử tế hơn rất nhiều. Continue reading “Thiện, Ác và Smartphone – Đâu là ranh giới giữa nhân tính và phi nhân tính.”