“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi hay là sự mở mang về vai trò của “thực học”

“Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi là một cuốn sách đặc sệt tinh thần và tư tưởng Nhật Bản hiện đại, được viết ra bởi một học giả người Nhật Bản, nói về xã hội và con người Nhật Bản, và được viết ra từ tận thế kỉ thứ XIX, nhưng khi cầm trên tay cuốn sách và đọc rồi thấm lấy từng dòng chữ tác giả viết trong sách, tôi có cảm tưởng như Yukichi đang viết về chính Việt Nam của tôi, về chính xã hội và con người Việt Nam hiện tại – tại thế kỉ XXI này.

Vấn đề được tác giả đề cập đến xuyên suốt trong tác phẩm là vấn đề – THỰC HỌC, lấy học vấn làm trung tâm và cụ thể là vấn đề “Thực học”, từ đó đưa ra những quan điểm về đạo đức, xã hội, pháp luật, tư duy, quan hệ giữa người với người hay là vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội. Mặc dù vẫn có những tư tưởng không phù hợp với hiện tại, vì đây là cuốn sách đã được viết từ thế kỉ cũ, nhưng về bình diện chung và trên mọi khía cạnh mà cuốn sách đề cập đến, tính thời sự và tính mới mẻ của nó vẫn còn rất lớn, rất sâu rộng và sâu sắc.

Ngoài ra, ở “Khuyến học”, tác giả còn đưa cho ra một hình dung bao quát và sinh động về một đất nước Nhật Bản ở thời kì đó – phong kiến, lạc hậu, tư tưởng thuần Nho học, mà cũng chính nhờ thế, ta mới có thể hiểu hết được sự “thần kì” trong sự phát triển và đi lên của nhà nước Nhật Bản hiện đại.

Yukichi phải nói là một học giả có tư tưởng Tây phương và hết sức cấp tiến, điển hình ở việc ngay từ đầu cuốn sách ông đã đề cập đến vấn đề “bình đẳng” giữa con người với con người trong xã hội, giữa đàn ông với phụ nữ – một vấn đề mà sự bất bình đẳng của nó được thể hiện rất rõ ràng trong xã hội cũ, ngay tại thời điểm đó, Yukichi đã đặt lại khái niệm bình đẳng trong xã hội và đề cao vai trò của học vấn, ông cho rằng sự bình đẳng không phải là sự cào bằng giữa các cá nhân mà là sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người, ai bỏ ra nhiều sẽ nhận lại được nhiều và ai bỏ ra ít thì sẽ nhận lại được ít, mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội là những nhiệm vụ và nghĩa vụ riêng cần thực hiện và không ai xâm phạm đến quyền lợi của ai. Một tư tưởng hoàn toàn hiện đại mà có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, ông cũng đặt lại khái niệm “học vấn”, đề cao tinh thần học hỏi và sự tự học, cho rằng đó là cái “đinh” nhất của việc học, bài bác những cách học cổ hủ của Nho học và đề cao học vấn đích thực. Ông còn nêu rõ ra vai trò của học vấn khi cho rằng học vấn mới chính là chìa khóa để định hình xã hội chứ không phải việc phân chia các giai tầng như trong xã hội cũ.

Ngoài ra, mặc dù là một người rất ngưỡng mộ văn hóa phương Tây nhưng tác giả cũng đồng thời là người rất coi trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, điển hình ở việc ông đã viết trong Phần mười sáu của cuốn sách về việc học hỏi phương Tây rằng việc học hỏi cần phải có chọn lọc, đó là quá trình tiếp thu tinh hoa rồi biến thành của mình chứ không phải quá trình bão hòa nền văn hóa dân tộc, ông đã liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về việc không phải cái gì của Tây cũng tốt hơn của Ta, và rằng văn hóa dân tộc cần được đề cao, gìn giữ, phê phán thói sính Tây của các nhà khai hóa và lối hành văn sính Anh ngữ của những người trẻ. Mỗi một vấn đề đều được tác giả trình bày một cách súc tích với ngôn từ dễ hiểu nhất, nhưng đều để lại thật nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.

Sẽ có nhiều người khi đọc “Khuyến học” thì cảm thấy nhàm chán và giáo điều vì trong đó viết toàn những chuyện họ đã biết và thậm chí là đã hiểu, tuy nhiên hãy đặt mình vào trong bối cảnh của tác phẩm, khi đó mới có thể thấy rõ được hiệu ứng về cảm xúc, tư duy và tinh thần tác phẩm mang đến mạnh mẽ thế nào. Và đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện đại, mặc dù Việt Nam đã thoát phong kiến từ rất lâu rồi, nhưng về mặt bằng chung, xã hội Việt Nam hiện đại đang gặp những vấn đề chẳng khác nào xã hội Nhật Bản mà Yukichi đã đề cập đến vào thời kì đó, những vấn đề của các nhà trí thức, các vấn đề của xã hội, các vấn đề của người dân với chính phủ,…dường như ta đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Thật không phóng đại chút nào khi nói rằng “Khuyến học” chính là tác phẩm đã làm thay đổi bộ mặt đất nước Nhật Bản và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến tư tưởng của các nhà giáo dục sau này. Tôi thực sự hi vọng mọi người dân Việt Nam có thể đọc được tác phẩm này, bởi biết đâu đến khi đó, Việt Nam chúng ta cũng có thể trở thành một điều “thần kì” tiếp theo của Châu Á này.