Gạt bỏ định kiến để bước trên “Con đường Hồi giáo”

Trung Đông là gì ư?

Trung Đông đối với tôi là rất nhiều khía cạnh, rất nhiều mảng màu, giống như chiếc kính vạn hoa đủ màu bằng nhựa mà ngày nhỏ tôi vẫn thường được mua cho mỗi dịp Trung thu về. Bắt đầu từ những mảng màu sặc sỡ của đền đài, cung điện, những đêm Ả Rập huyền bí, trong chiều sâu văn hóa, sự bí ẩn, nơi có ông hoàng ác độc ở thành Bagdah đã được cảm hóa bởi nàng Scheherazade xinh đẹp bằng ngàn lẻ một câu chuyện kể hàng đêm đã làm mê mẩn tôi suốt những ngày thơ ấu. Cho đến những câu chuyện lịch sử, những cuốn phim Thổ làm về Đế chế Ottoman hùng mạnh, từng xứng bá trên địa cầu và là nỗi khiếp sợ của toàn cõi châu Âu, châu Á và cả châu Phi. Sau này, cứ như thể nhìn thấu suốt những bất an trong quãng đường trưởng thành của tôi, số phận lần nữa đưa tôi gặp Trung Đông trong những tin tức kinh hoàng về khủng bố, về giết chóc, những câu chuyện về thế giới huyền bí năm xưa bị thay thế bằng những tin tức rùng rợn, niềm tin bị thử thách đến tận cùng, những mơ mộng tươi đẹp của thuở ấu thơ bị đập tan tành, sự mơ mộng bị thay thế bởi nỗi sợ, hàng loạt câu hỏi diễn ra trong tôi trong sự hoang mang tột độ đòi hỏi phải đi tìm bằng được câu trả lời cho thực xác đáng.

Nếu ai đã từng đọc “Tôi là một con lừa” của Nguyễn Phương Mai và thấy rằng mình cần phải thay đổi, thấy rằng tác giả đã dẫn mình đi qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đập tan hàng loạt định kiến bên trong mình, thì với “Con đường Hồi giáo” sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác hẳn – hoàn toàn không định kiến, rộng mở hơn rất nhiều, thấu suốt và sâu sắc hơn rất nhiều, đòi hỏi tất cả chúng ta phải cởi bỏ hoàn toàn những tư duy thâm căn cố đế trong đầu mình để cùng tác giả bước trên một hành trình mới – khám phá Trung Đông nhiều ẩn ức.


Đầu tiên, tôi phải nói rằng tôi ngưỡng mộ tác giả – vì sự dũng cảm của chị, vì tinh thần trân trọng tri thức hết sức đáng quý và đầy kiên định của chị, mà ta có thể thấy ngay ở đoạn đầu của cuốn sách, trong thái độ gay gắt chị dành cho kẻ đáng ghét chẳng những đã không hiểu được niềm vui khám phá và tiếp nhận tri thức, mà còn chẳng hiểu cái quái gì về cuộc đời hết.

Một thương nhân tầm thường như George không thể tiêu thụ được cái sự thật là một cô-gái-Việt-Nam (rất không liên quan!) đã lao động cực nhọc suốt gần một năm qua, không mua một xu quần áo mới, trở thành kẻ bủn xỉn vắt cổ chày ra nước để dành tiền cho một chuyến đi nhiều hiểm nguy hơn vui thú, một chuyến đi không hề liên quan gì đến niềm tin tôn giáo của cá nhân cô ấy, cũng không phải do sự đồng thuận văn hóa, hoặc thậm chí cũng chẳng phải là đòi hỏi công việc. Một chuyến đi chỉ đơn thuần với một mục đích để hiểu biết, và để chia sẻ sự hiểu biết ấy đến mọi người.

Nguyễn Phương Mai, 2014

Chị lên đường đến Trung Đông với một trái tim trần trụi – một trái tim không vương định kiến dù bị bủa vây với biết bao tin tức tiêu cực hàng ngày, chị chỉ đơn giản là đi để trải nghiệm, để mở toang tâm trí và trái tim mình và tìm kiếm sự thật. Đây vừa là tinh thần của một nhà khoa học luôn và chỉ luôn đi tìm sự thật, chân lý trong trái tim của một kẻ phiêu lưu luôn khao khát được tới những chân trời mới, và sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố này trong Nguyễn Phương Mai đã đưa chị dấn thân vào cuộc hành trình 9 tháng băng qua một nửa Trung Đông (trải dài trên 3 lục địa Á, Phi, và Âu). Chị từ chối tin vào và chịu sự dẫn dắt của truyền thông hiện đại, từ chối tin vào điều mà đám đông xung quanh chị vẫn tin – sự đi ngược lại số đông đó vốn dĩ đã là một sự dũng cảm, nhưng tôi đồ rằng chị sẽ không chấp nhận chúng ta gọi nó như vậy đâu, và chặng đường của chị qua vùng đất mà thế giới đang nhìn họ với con mắt nửa khinh bỉ nửa ngán ngẩm ấy cũng là một lựa chọn dũng cảm không kém. Nhưng cũng nhờ thế, mà con người mới được gột bỏ những điều sai lệch đã bắt rễ trong tâm trí, nhờ thế mà chúng ta mới được cùng chị bước đến Trung Đông – nơi đã từng là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại, vùng đất đầy kiêu hãnh với lịch sử tiến bộ và những tư tưởng đi trước thời đại, nhưng cũng đồng thời đang bị giằng xé giữa những ẩn ức của quá khứ và hiện tại, trong xung đột của tôn giáo và đức tin, trong sự hèn hạ của những kẻ đã biến tôn giáo trở thành thứ công cụ chính trị phi nhân hòng kiểm soát con người.

Nguyễn Phương Mai thâm nhập vào đời sống của Trung Đông, sống, đi, quan sát, và cả thực hiện những nghiên cứu của riêng mình, rồi rút ra những kết luận cho riêng mình. Để rồi từ đó, rút ra những bài học quý giá về con người, về tôn giáo, về đức tin, về tự do. Nguyễn Phương Mai đặt ra nhiều câu hỏi đắt giá trong cuốn sách của mình, vừa là cho chính bản thân chị cũng vừa là cho những độc giả của mình. Chuyến đi của chị thách thức niềm tin của tất cả chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng mang lại niềm tin cho chúng ta về lòng tốt và sự hướng thiện của con người.

“Con đường Hồi giáo” đã vượt qua khuôn khổ của một cuốn sách du ký thông thường, bởi tác giả dã không chỉ đơn thuần là kể về cuộc hành trình của mình, đi những đâu, làm những gì, sống ở đâu. Mà trong cuốn sách này, tác giả đã đi sâu hơn, làm nhiều hơn, sống gần gũi với người dân bản địa, và đi với tâm thế không phải một người khác du lịch từ phương xa tới mà là một con người đang muốn học, khẳng định, đi tìm sự thật, và bác bỏ tin đồn, đây là sự kiểm chứng của riêng tác giả với những điều mà chị còn đang nghi ngờ. Bên cạnh đó, “Con đường Hồi giáo” là một nghiên cứu để bóc tách, nghiền ngẫm, và suy tư về tôn giáo, về bản chất của tôn giáo, và về văn hóa, lịch sử Trung Đông, từ đó, là suy tư sâu xa hơn về lịch sử, về con người và vai trò của con người trong xã hội, trong vũ trụ này, và từ đó, đối sánh với chính Việt Nam – quê hương của chị, vừa để thừa nhận những điều còn chưa tốt, nhưng cũng vừa để công nhận những điều mà chúng ta có.

Tác giả Nguyễn Phương Mai – hình trên Tạp chí Đẹp online

👋

Hẹn hò với Paris khi ta còn trẻ

Hẹn Hò Với Paris by Trương Anh Ngọc
Nguồn ảnh: Goodreads

Nhà báo Trương Anh Ngọc trở thành tác giả du ký yêu thích của tôi vì một lý do rất đơn giản – anh luôn khuyến khích mọi người đi và tận hưởng cuộc sống theo cách tích cực nhất. Tôi rong ruổi cùng anh trên những chặng đường nước Ý ở “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, chứng kiến cuộc khám phá Nam Phi của anh trong “Phút 90++”, vì vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi tôi lại mong chờ cuộc hẹn hò của anh với Paris như vậy.

Trong “Hẹn hò với Paris”, tôi thấy một Trương Anh Ngọc khác. Anh, tất nhiên, sẽ không nhìn nhận Paris như cái cách anh nhìn nhận nước Ý của anh, sẽ không yêu Paris theo cách anh yêu nước Ý của anh, mà với anh, Paris giống như một nỗi nhung nhớ và khao khát khắc khoải, một món nợ trong đời nhất định phải trả. Và Trương Anh Ngọc đến với Paris, như người đàn ông đến với người tình mà anh ta khát khao bấy lâu. Trong suốt cuộc hành trình trên đất Pháp, và ở Paris của anh, tôi tưởng như anh muốn ôm trọn cả Paris ấy vào lòng, để hít hà, để yêu, và để giữ mai chẳng cho lìa xa.

Thoắt một cái, từ Paris xinh xắn và hoa lệ, anh đã đến Brazil, vùng đất Nam Mỹ sặc sỡ sắc màu với niềm đam mê bóng đá cháy bỏng – tất nhiên, không thể nào đọc một cuốn sách của Trương Anh Ngọc mà không thấy anh nhắc đến bóng đá, chỉ là sớm hay muộn, ít hay nhiều mà thôi, ở Brazil với muôn vàn sự đối lập, nơi người dân sống với một tinh thần khoáng đạt, tâm hồn rực rỡ y như đất nước của họ, và niềm đam mê bất tận dành cho trái bóng tròn và đức tin với Chúa trời.

Tôi tất nhiên sẽ không mong mỏi được nhìn thấy một Paris hay một nước Pháp mà trái tim mình ước ao trong những dòng chữ của người khác, qua con mắt và tâm hồn của người khác. Mà nhờ có Trương Anh Ngọc và sự cổ vũ cũng như thôi thúc không ngừng nghỉ từ anh rằng hãy “đi khi ta còn trẻ”, tôi đã và sẽ luôn tin rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ tới Paris hay bất cứ một nơi nào tôi muốn, để yêu theo cách của riêng tôi, nhìn bằng đôi mắt của riêng tôi, và cảm nhận bằng trái tim tôi. Lý do mà Trương Anh Ngọc trở thành nhà văn du ký yêu thích nhất của tôi cũng vì lẽ ấy, vì sự cổ vũ và thúc đẩy mang đầy năng lượng tích cực mà anh cứ không ngừng nghỉ truyền cho mọi người, năng lượng ấy chỉ có thể đến từ một tâm hồn phóng khoáng, yêu cuộc đời và yêu con người, và từ một trái tim cực kỳ tử tế.

“Phút 90++” – Trương Anh Ngọc

phut 90++ (2)

Cũng đã lâu lắm rồi tôi không vào blog và viết đôi dòng, bởi vì độ gần đây tôi bận quá với những dự định cá nhân của mình, và thứ nữa là tôi làm việc chăm chỉ để dịch một bài viết thú vị cho blog, nhưng hồi mới ra tết, tôi lại đọc được một cuốn sách cho bản thân nhiều cảm xúc và suy nghĩ quá, nên lại viết. Cuốn sách này là cuốn thứ ba tôi đọc của nhà báo Trương Anh Ngọc và sau khi đọc xong cuốn này thì cũng có nghĩa là tôi đã đọc tất cả sách được xuất bản của tác giả, mặc dù đây là cuộc phiêu lưu thứ hai của tác giả nhưng tôi lại đọc sau cùng. Lý do là bởi cuốn sách viết phần nhiều về bóng đá, tác giả thậm chí dùng bóng đá để chiêm nghiệm về cuộc sống và về mảnh đất mà mình đặt chân tới, trong khi tôi không phải là người quá cuồng nhiệt với bóng đá, đội bóng duy nhất tôi từng hò hét ủng hộ cho đến giờ là U23 Việt Nam, nhưng điều đó vẫn không làm giảm đi niềm háo hức của tôi khi đọc cuốn sách ấy. Vâng, viết đến đây ắt hẳn các bạn cũng đã phần nào biết tôi đang muốn nói đến cuốn sách nào rồi, là “Phút 90++” của nhà báo Trương Anh Ngọc. Continue reading ““Phút 90++” – Trương Anh Ngọc”

Đá nhọn vực sâu – Nguyễn Vân Anh

“Đá nhọn vực sâu” là một sự lựa chọn đến với tôi hết sức tình cờ, đến mức mà bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên khi không hiểu sao cuốn sách này lại lọt vào tầm ngắm đang lơ đễnh của tôi lúc ấy. Phải nói một điều, tôi không còn xa lạ với cuốn sách này khi mà mấy hôm rồi, trên newfeed của tôi không ngừng có những bài giới thiệu về nó, nhưng nếu như là một “độc giả” quen thuộc của ĐỌC, bạn sẽ biết tôi không lựa chọn bất cứ cuốn sách nào dễ dàng, hay lựa chọn điều mà tất cả mọi người cùng lựa chọn.

Trước hết, phải nói là tôi chưa từng ấn tượng bất cứ cuốn sách nào trong mảng Sống của Alphabook, nhưng tôi thực sự ấn tượng với “Đá nhọn vực sâu”, vì những hình ảnh hoang sơ của thiên nhiên từ Sơn Đoòng – nơi mà tác giả đã ghé thăm và lý do hình thành nên cuốn sách, những hình ảnh mộc mạc, giản dị của thiên nhiên thực sự khiến tôi muốn được chạm đến nó. Đây không phải là một cuốn sách trình bày quá đẹp, nhưng nó giản dị, đúng với tinh thần của nội dung.

“Đá nhọn vực sâu” kể về trải nghiệm khám phá hang động (tôi nghĩ là) nổi tiếng nhất Việt Nam và cũng có không ít thị phi xoay quanh nó – Sơn Đoòng, những năm gần đây, Sơn Đoòng trở thành một niềm tự hào cho kì quan nước Việt, một địa danh nổi tiếng được truyền thông khắp nơi trên thế giới nhắc đến, và cũng không thiếu những chuyến thám hiểm để khám phá hang động kì thú này. Tác giả đã đến Sơn Đoòng với tâm thế của một người khám phá, và hơn hết, với tâm thế của một người muốn chinh phục bản thân và những giới hạn của cá nhân mình. Cách kể chuyện tự nhiên và hài hước, tôi thực sự đã không ngăn được mình phá lên cười ở một số đoạn, tinh thần và sự tươi trẻ trong tinh thần của tác giả đã tác động đến tôi – một người trẻ hơn tác giả rất nhiều tuổi. Và từ những câu chuyện kể trên chuyến hành trình khám phá và chinh phục Sơn Đoòng của mình, tác giả cũng lồng ghép những chiêm nghiệm của bà về cuộc đời, những kí ức ẩn hiện từ thuở ấu thơ với những bài học bà học được bên mẹ đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời bà cũng như cuộc hành trình của bà, đồng thời, qua cuốn sách, tác giả có vẻ cũng muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ những tâm tư và cảm xúc của, như lời của một người bà, một người bác, người chị đang tâm tình với người trẻ về những trải nghiệm trong đời bà, trong vỏn vẹn chưa đến 100 trang của cuốn sách. Continue reading “Đá nhọn vực sâu – Nguyễn Vân Anh”

Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu – Trương Anh Ngọc

Sau “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi”, gã cuồng si nước Ý Trương Anh Ngọc lại tiếp tục dẫn chúng ta đến cuộc hành trình rong ruổi khắp nước Ý thứ hai của mình “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Nếu như trong “Nước Ý – Câu chuyện tình của tôi”, Trương Anh Ngọc viết về nước Ý vẫn thấp thoáng đâu đó là niềm háo hức của một gã trai trẻ lần đầu gặp người mình si mê, vẫn nhìn nước Ý với cái nhìn háo hức của một kẻ viễn xứ lần đầu được mục sở thị giấc mơ của chính mình. Thì ở “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” ta lại được thấy một Trương Anh Ngọc hoàn toàn khác, một người đàn ông trưởng thành, đang sống ở đất nước anh ta hằng yêu quý và trân trọng mỗi phút giây mình đang sống. Mạch cảm xúc của “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” diễn ra chậm rãi hơn hẳn, giống như những thước phim quay chậm qua tất cả những cảnh vật, con người, hòng thu vào ký ức của mình càng nhiều hình ảnh, càng nhiều dấu ấn càng tốt. Lần này, tác giả chậm rãi đi qua từng vùng đất trên những nẻo đường và ngóc ngách của Italia xinh đẹp để hưởng thụ cuộc sống theo cách mà những người dân nơi đó hưởng thụ cuộc sống, để chìm đắm mình vào hơi thở của đất nước mà mình yêu mến. Ở mỗi một nơi mà tác giả dừng chân, ta đều có thể cảm nhận thấy từng cảnh vật như hiển hiện trước mắt mình, cứ như thể trước mắt mình không phải là những câu từ được ghép nối tài tình với nhau nữa mà là những bức tranh được vẽ vô cùng sống động, có thể nhìn thấy màu của trời, của cỏ cây, của con đường, của tất cả những cảnh vật trong đó và dường như mọi thứ đều đang chuyển động không ngừng. Còn người đọc thì không thể ngăn mình bị hút vào những cảnh vật sống động đến dường ấy.

Nước Ý, câu chuyện tình của tôi – Trương Anh Ngọc

Cũng như biết bao nhiêu người trên thế giới, tôi cũng đem một tấm lòng yêu mảnh đất châu Âu xinh đẹp mà người ta thường nói “cả châu Âu là một viện bảo tàng”, đặc biệt là nước Ý. Tôi chẳng biết tôi yêu châu Âu từ bao giờ. Từ những thước phim tôi được xem trên ti vi từ tấm bé? Từ những trang sách của Dan Brown – nhà văn tôi yêu quý? Hay từ những chương trình cuối năm của VTV mà những dịp tết không tết nào tôi bỏ qua? Tôi không rõ, tôi chỉ biết rằng lòng mình lúc nào cũng hừng hực khát khao được chạm tay vào Âu châu, nơi phương xa mang biết bao mộng ước của tôi, mang theo giấc mơ thời thủa ấu thơ của tôi, mang theo những giấc mơ cho tương lai tôi nữa. Nhờ “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” và Trương Anh Ngọc mà tôi đã có thêm một cơ hội nữa để chạm tay gần hơn đến giấc mơ của mình và khao khát của mình thêm sâu sắc.
Có lẽ, các fan bóng đá ở Việt Nam sẽ biết Trương Anh Ngọc nhiều hơn, còn tôi, một kẻ chưa bao giờ hứng thú với bóng đá sẽ chẳng biết Trương Anh Ngọc là ai cho đến cái ngày tôi đọc được một bài báo mà chú viết về giáo dục, về con gái và về cách đối xử giữa mọi người với nhau, cách viết của chú Ngọc nhẹ nhàng, không rườm rà, nhưng vẫn đầy chất thơ và chất mộng mơ của một người mang trái tim nghệ sĩ. Khi tìm hiểu sâu hơn về tác giả của những bài viết tôi yêu thích đó, tôi mới phát hiện hóa ra chú Ngọc từng là một bình luận viên bóng đá rất có tiếng ở Việt Nam và chú đã sống ở Ý rất nhiều năm, và cũng từ chính cơ duyên đó mà tôi được theo dõi facebook của chú và tìm đọc “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” của chú Ngọc.
Tôi đọc cuốn sách ấy với tất cả niềm háo hức của một đứa con gái say mê châu Âu và say mê nước Ý. Dan Brown – tác giả yêu thích của tôi – người dường như cũng có một niềm say mê và tình yêu hết sức sâu đậm với nước Ý đã đặt biết bao bối cảnh trong sách của ông ở Ý, nhưng những dòng mô tả về châu Âu nói chung và nước Ý nói riêng với tôi cũng vẫn chưa đủ, tôi cần một cái gì đó thật hơn thế, chân tình hơn nữa và sâu sắc hơn nữa. Và tôi đọc sách chú Ngọc, một con người yêu nước Ý, say nước Ý, mê nước Ý với tất cả trái tim và tâm hồn bay bổng của mình. Chú viết về nước Ý với tất cả tình yêu và lòng thành kính của mình. Nhưng những trang viết của chú cũng thể hiện chất Ý trong chú, chú viết rằng nước Ý là tập hợp của những sự đối lập, và tương tự, chính chú cũng mang hết tất cả những đối lập ấy vào những trang viết của mình. Say mê là thế, yêu sâu đậm là thế, đọc những trang viết của chú về Firenze, về Toscana, về Venize, ta có thể mường tượng được nỗi đắm say sâu đậm đến dường nào của một kẻ phương xa đã trót lạc vào trái tim của nước Ý và cam nguyện được đắm đuối trong đôi mắt của “nàng thơ” Ý mãi mãi, nhưng cũng không vì thế mà mù quáng, mà tâng bốc để biến tất cả những cái xấu xa cũng đều trở nên tốt đẹp, chú Ngọc vẫn tỉnh táo để chỉ ra những mặt trái của nước Ý mà chúng ta không nhìn thấy và bị che mắt bởi những điều đẹp đẽ, tráng lệ. Chú nói về nước Ý với tất cả sự đối lập của nó, xuyên suốt cuốn sách, tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất câu nói “Yêu ai yêu cả đường đi lối về” mà các cụ vẫn thường nói, bởi chú yêu nước Ý chân thật đến nỗi chú không chỉ yêu những kiệt tác nghệ thuật, những cung đường lịch sử, những mộng mơ, nên thơ, đam mê của Ý, mà chú còn yêu luôn cả nước Ý chân thật nhất, nước Ý còn mang nhiều những bê bối, những hoang tàn trên tàn tro của những vinh quang xưa cũ, một nước Ý chân thật không đẹp như tranh vẽ mà chúng ta vẫn từng mường tượng mới là một nước Ý mà Trương Anh Ngọc yêu bằng tất cả trái tim mình.
Khi gấp lại cuốn sách, tôi không thể làm kìm giữ được cái ham muốn được đặt chân ngay lên đất Ý và khám phá từng ngóc ngách chú Ngọc đã viết bằng tất cả trái tim vào cuốn sách. Một người bình luận đã nói rằng tình yêu của Trương Anh Ngọc nhiều đến nỗi chú không thể cất giữ nó trong trái tim mình mà phải chia sẻ với tất cả mọi người, nhưng tôi lại thấy, ngay cả khi đã chia sẻ với tất cả mọi người, tình yêu ấy vẫn đong đầy, sâu sắc và mênh mông quá đỗi, dường như cả đời cũng không thể cất hết tình yêu và nỗi nhớ của chú dành cho nước Ý. Một ngày nào đó tôi sẽ đến Ý, sẽ đi trong cuộc hành trình của riêng cuộc đời mình, và tôi nhất định sẽ mang theo “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” để cùng cảm nhận với chú và để giúp chú mang một chút nho nhỏ tình yêu trả về cho Ý – cho đất nước chú đã yêu như quê hương thứ hai của mình.