Đôi dòng về “Nhà giả kim”

“Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi mình trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện rõ trong đôi mắt chàng.”

Kết quả hình ảnh cho nhà giả kim

Tôi không nhớ mình đã đọc “Nhà giả kim” bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng không thôi bị cuốn hút bởi câu nói này. Với tôi, đây không chỉ là một câu khẳng định vô thưởng vô phạt của một cái hồ nước thần kì trong truyện cổ tích, mà đó là một lời nhắc nhở tinh tế mà thâm sâu về những giá trị mà chúng ta tìm kiếm kì thực vẫn luôn hiển lộ bên cạnh chúng ta hay bên trong con người ta, mà hiếm khi ta nhận ra điều đó.

Tại sao việc đi du hành đối với chàng chăn cừu Santiago lại quan trọng hơn việc làm gia đình vui lòng hay việc được hiểu về Chúa và những tội lỗi của con người? Như Elizabeth Gilbert đã từng nói trong cuốn sách nổi tiếng “Ăn, cầu nguyện, yêu” của mình, cái người ta cần tìm kiếm, cần giao tiếp được là Thượng Đế, mà Thượng Đế luôn ngự trị trong mỗi chúng ta. Như câu nói “Mình thật không hiểu nổi làm sao người ta có thể tìm thấy Chúa trong lớp học cho chủng sinh được.”, thì Chúa trời của Santiago kì thực không tồn tại ở một dạng phi bản thể vật chất để tất cả chúng ta ngưỡng vọng, mà Chúa trời tồn tại trong chính bản thân con người, và việc thực hiện giấc mơ của mình chính là con đường đúng đắn nhất dẫn con người tới với Thượng Đế. Trong trường hợp của mình, Santiago đã thực hành một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình tiếp cận Thượng Đế của con người – lắng nghe trái tim. Cái “mơ ước phiêu du” mà tác giả nhắc đến trong tác phẩm là một ẩn dụ đẹp về cuộc hành trình khám phá chính mình mà tác giả khuyến khích tất cả những độc giả của ông hãy dấn thân vào đó. Continue reading “Đôi dòng về “Nhà giả kim””

Dan Brown và “Hỏa Ngục”

Tôi không phải là một độc giả dễ tính. Bởi vì tôi yêu văn và yêu ngôn từ, cho nên, mọi sự hời hợt và buông thả về ngôn từ đều là thứ tôi không thể chấp nhận nổi. Tôi có những yêu cầu khắt khe để đánh giá một tác phẩm hay và để yêu thích một tác giả nào đó. Bởi vì đối với tôi mà nói, việc đọc giống như việc nuôi dưỡng chính tâm hồn mình, và hiển nhiên tôi không thể nào để tâm hồn mình vấy bẩn và ngộ độc bởi những “thứ thức ăn” không sạch sẽ và lành mạnh. Tuy nhiên, tôi cũng không phải là một độc giá khó tính – điều đó đồng nghĩa với việc tôi có thể chấp nhận nhiều thể loại sách, kể cả nó có nội dung chỉ ở mức trung bình khá, và tôi cũng không phán xét quá nhiều và đặt quá nặng yêu cầu cho một tác giả mà tôi đã hiểu văn phong và phương thức viết của họ, nói tóm lại là tôi có thể thông cảm cho một tác giả, với điều kiện là tác giả đó phải thành thật và trung thành với chính bản thân mình và độc giả, không lọc lừa và dối trá.

—————————————————————————–

Đối với tôi mà nói, Dan Brown chính là một sự tình cờ thú vị mà tôi gặp trong đời, một thể loại sách mà tôi từng nghĩ mình sẽ không hợp, cho đến khi “Mật mã Da Vinci” xuất hiện trong đời tôi mà mang tôi chìm sâu vào một thế giới của lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo và biểu tượng. Không sai khi nói Dan Brown chính là người khơi dậy trong tôi khao khát được đặt chân đến nước Ý, đứng ở nơi mà tác giả đã từng đứng, sống ở nơi mà ông đã từng sống để cảm nhận những vẻ đẹp kì bí bất tận mà ông miêu tả, để cảm nhận hơi thở của truyền thống và hiện đại, của phương Đông và phương Tây, của tôn giáo và chính trị, của vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn hài hòa chảy qua tôi.

Tĩnh đến giờ, tôi đã đọc hết tất cả những tác phẩm của “Dan Brown”, và mỗi tác phẩm của ông đều đem đến cho tôi sự thăng hoa đến tột cùng của cảm xúc, niềm háo hức mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể tìm được chỉ qua những trang sách. Và cuốn sách mới gần đây nhất của Dan Brown mà tôi đọc là “Hỏa Ngục”, có tên gốc là “Inferno”.

Trước khi đọc cuốn sách, tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều người, nhiều độc giả trên khắp thế giới về “Inferno”, và thấy dường như đây là cuốn sách mang đến nhiều sự thất vọng cho độc giả. Tuy nhiên tôi vẫn cứ chờ để mua về đọc. Và sau khi đọc xong, tôi lại làm cái việc mà bất cứ khi nào đọc sách của Dan tôi đều làm – thở dài nhẹ nhõm và bắt đầu chuyến phiêu lưu của chính mình trong tâm thức.

Với “Hỏa Ngục”, Dan Brown vẫn là một ngưởi kể chuyện đầy sắc sảo, tinh tế và tài hoa. Ngòi bút của ông vẫn cống hiến những áng văn đẹp đẽ, những mảng sáng tối đan xen, những bất ngờ thú vị khiến người đọc không thể rời tay khỏi cuốn sách. Và đối với tôi, chưa từng có một nhà văn không phải người Ý nào miêu tả nước Ý đẹp như Dan Brown và chưa từng có một giáo sư nghệ thuật nào có thể dành cho lịch sử nghệ thuật và những biểu tượng một tình yêu trọn đời, bất tận như Robert Langdon. Đan xen giữa những cuộc rượt đuổi ngạt thở và sự đe dọa của cái chết, nghệ thuật vẫn bừng lên sức sống của nó, vẻ đẹp được đặt cạnh sự nguy hiểm càng khiến nó đẹp hơn gấp bội phần. Mỗi khi đọc sách của Dan tôi đều liên tưởng đến hình ảnh của một tấm lụa mềm mại, êm mát đặt cạnh một thanh kiếm sắc nhọn, cứng rắn. Hơn thế nữa, lần này, với “Hỏa Ngục”, Dan Brown đã khéo léo lồng ghép vào đó mối quan tâm của tất cả mọi người, mọi chính phủ, mọi tổ chức, mọi gia đình, mọi đội nhóm, mọi cá nhân trên thế giới – Dân Số. Đem chủ đề Dân Số ra để viết tiểu thuyết? Trời ạ! Có gì mà nói chứ? Có gì mà hấp dẫn chứ? Chúng ta sẽ rượt đuổi nhau cái gì về cái chủ đề Dân Số kia đây? Làm thế quái nào mà nghệ thuật Ý tinh tế, hấp dẫn có thể liên quan đến nhau? Những Dan Brown đã khéo léo lồng ghép chúng một cách tài tình với nhau. Cuộc rượt đuổi lần này lại diễn ra trên nền trời nên thơ và thấm đưỡm hơi thở lịch sử của Florence, Ý. Tấm lụa mịn mát lại dịu dàng nằm bên thanh kiếm sắc nhọn. Giữa những vấn đề nhức nhối, giữa những hiểm nguy rình rập, “Hỏa Ngục” vẫn đầy chất thơ.

Ai đó nói rằng họ thất vọng với “Hỏa Ngục”. Cũng đúng thôi, bởi vì họ đã chờ mong quá nhiều về một tác phẩm có thể lặp lại thành công của “Mật mã Da Vinci” hay “Thiên thần và Ác quỷ” mà quên mất rằng, mỗi tác phẩm được viết ra là một câu chuyện khác nhau. Chúng ta không thể nào yêu cầu hai tác phẩm kể hai câu chuyện khác nhau mà lại giống nhau được. Sự thật là, đặt “Hỏa Ngục” bên cạnh và tách bạch với những tác phẩm khác của Dan, nhìn “Hỏa Ngục” trên một con mắt khách quan, chúng ta sẽ thấy, ngòi bút của Dan Brown chưa bao giờ mất đi phong độ đỉnh cao của nó. Người kể chuyện tài năng ấy vẫn chưa khi nào lơi là sứ mệnh của mình. “Hỏa Ngục” vẫn đem đến cho tôi những giây phút quên mất chính mình, quên mất thực tại, vẫn khiến tôi sống trong từng trang sách và nước Ý xinh đẹp. Dan Brown vẫn đủ sức khơi dậy và nhóm lên trong tôi niềm khao khát được chạm sâu vào văn hóa, lịch sử Ý.

Hãy công bằng với tác giả, đừng quá đòi hỏi điều mà bạn biết là không ai có thể làm được: “Tắm hai lần trên một dòng sông”!!!!