Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens

Rating: 3 out of 5.

Có nhiều cách để người ta có thể tóm gọn lại những thành tựu và hiểu biết của cuộc đời mình, thường thì người ta sẽ làm nó thông qua một cuốn sách, còn Delia Owens viết một cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ về nỗi đau và sức mạnh chữa lành kỳ diệu của tự nhiên.

Bìa sách. Ảnh: Fado

Vào cái này cô bé Kya 6 tuổi chứng kiến mẹ mình bỏ đi, mở đầu cho sự rời bỏ nối tiếp rời bỏ trong cuộc đời mình, cô cũng đã bắt đầu học cách sống một mình, đối diện với nỗi cô đơn, chỉ có một mình đơn độc trong vùng đồng lầy hoang dã nơi miền Nam nước Mỹ. Sống bên cạnh một người cha luôn say xỉn và có thể đánh đập bất cứ ai trong gia đình bất cứ lúc nào, Kya sớm học được cách sống luồn lách trong cái lán nhỏ mà gia đình cô bé sinh sống – ngôi nhà duy nhất mà cô biết, và sau này kỹ năng chạy trốn đó đã giúp Kya an toàn khỏi con người để sống trong vòng tay bao dung và đầy tình yêu của đồng lầy. Mọi người trong cái thị trấn bé nhỏ đó đều mang một định kiến sâu sắc trong lòng về cô gái đồng lầy, chính vì thế Kya càng lùi sâu vào nơi đồng lầy, nơi trú ẩn an toàn của mình. Nhưng khi cơn đói cồn cào hành hạ một đứa bé 6 tuổi, Kya vẫn phải xoay xở tìm cách ra bên ngoài để kiếm thứ gì đó lấp đầy cái bụng trống rỗng, nhờ thế cô gặp được Jumpin’ và vợ ông Mabel, hai con người tốt bụng đã cho cô bé nhỏ cái mặc, cái ăn và đã bảo vệ, ấp ôm lòng tự trọng của cô bé bằng việc không cho đi một cách hiển nhiên mà bằng sự trao đổi, Kya bán vẹm để đổi lấy tiền đổ xăng cho con thuyền, cho đi những con cá hun khói để đối lấy quần áo. Cô bé cũng đã gặp Tate, người bạn của anh trai Jodie của cô bé, một cậu trai được nuôi dạy bằng tình yêu thương và sống trong hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt với Kya. Nhưng Tate đã là điều đẹp đẽ hiếm hoi khác trong cuộc đời Kya, nếu Jumpin’ và Mabel yêu thương Kya như con gái của mình, thì Tate đã thay đổi cuộc đời cô bé bằng ánh sáng của tri thức và tình yêu thủy chung, đằng đẵng.

Continue reading “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – Delia Owens”

Bitna dưới dưới bầu trời Seoul – thế gian này có hình dạng thế nào?

Trong Bitna dưới bầu trời Seoul, Le Clézio mang đến cho độc giả câu chuyện về Bitna, một cô gái 19 tuổi từ làng chài nhỏ Joella lên Seoul học đại học. Cô sống chung với người bác là chị gái của bố cô và cô chị họ Paek Hwa nhưng thực chất cuộc sống của cô không khác nào một người giúp việc cho nhà bà bác, lại còn phải trông coi cô chị họ kênh kiệu và hư hỏng, tất cả mọi sai lầm của Paek Hwa đều bị đổ lên Bitna và bị bà bác coi là đồ vô ơn. Để rời khỏi nhà bác và có tiền đi thuê nhà bên ngoài, Bitna nhận một công việc làm người kể chuyện cho Salomé, một cô gái giàu có, tật nguyền muốn tìm người mang đến cho cô những câu chuyện đầy sắc màu về thế giới mà cô chưa bao giờ được nhìn ngắm và sắp không còn cơ hội để làm điều đó nữa. Bitna, trong vai trò của một nàng Scheherazade, đã đưa Selomé ra với thế giới đầy sắc màu bên ngoài, xoa dịu nỗi đau của cô và níu giữ cô lại với cuộc sống.

Lạc giữa cánh đông lau tại Công viên Bầu trời Seoul
Rồi ngày này hay ngày khác, chúng ta sẽ gặp lại nhau dưới bầu trời Seoul. Ảnh: Tour Du lịch – Du lịch Việt Nam

Bằng óc tưởng tượng và sự quan sát sắc bén của mình, Bitna đã phác họa lên hình hài của Seoul – một thành phố đầy cô độc khi con người sống giữa con người nhưng lại chẳng ai nhìn đến ai, thành phố chứa đựng đầy những ẩn ức con người và hoài vọng quá khứ xa xăm, thành phố là trái tim của quốc gia vốn mãi mãi mang vết thương của sự chia cắt. Chuỗi câu chuyện mở đầu bằng chuyện về ông Cho và những con bồ câu của ông. Người đàn ông thuộc thế hệ người Triều Tiên thứ hai ở Hàn Quốc, cả đời mình ông đã đau đáu tìm cách liên hệ với những người họ hàng còn ở Triều Tiên, để được cho họ thấy rằng mình vẫn còn sống, rằng đứa con của mẹ ông – là ông, vẫn mong nhớ họ, và cũng để hoàn thành nỗi tiếc nuối của mẹ ông. Sự chăm sóc, thương yêu của ông Cho cùng những hy vọng, hoài nhớ ông đặt vào lũ chim bồ câu mang đến một cảm tình đầy thương mến và dịu ngọt cho Selomé vốn buồn rầu và héo hon vì bệnh tật. Hình ảnh tự do của lũ chim bồ câu khi sải cánh vút bay trên bầu trời như làn gió mát lành thổi vào đời Selomé, mang đến cho cô những giấc mơ, niềm khao khát có được niềm vui hạnh ngộ với lũ chim ở phương trời xa xăm nơi cô cũng được tự do bay lượn như vậy.

Sau ông Cho, chúng ta đến với câu chuyện về con mèo Kitty bí ẩn xuất hiện lần đầu ở salon tóc dưới chân chung cư. Không ai biết con mèo đến từ đâu và trở về đâu, nhưng nó gây ngạc nhiên về những thông điệp mà nó mang theo ở mỗi nơi nó đến. Dần dà, con mèo trở thành một người chuyên chở những thông điệp, thông qua con vật nhỏ bé ấy, những con người chẳng hề quen biết nhau đã giao tiếp, tìm đến nhau, đã thấu hiểu nhau, và sau cùng đã cứu vớt lẫn nhau. Rồi con mèo biến mất. Một bí ẩn lạ lùng và đầy tò mò cuốn Salomé và độc giả vào một thế giới ly kỳ, khác hẳn với bầu trời tự do của những con bồ câu của ông Cho.

Bitna: Under the Sky of Seoul by J.M.G. Le Clézio
Ảnh: Goodreads

Dần dà, những câu chuyện dần mang nhiều những sắc thái tối tăm hơn, như tên sát thủ wannabe, kẻ bám đuôi, cô ca sỹ Nabi là nạn nhân của những gã đàn ông đạo mạo biến thái và dần trở thành cỗ máy kiếm tiền bị vắt kiệt sức và vứt bỏ như một kẻ vô giá trị của ngành công nghiệp giải trí, cô bé Naomi có thể nói chuyện và nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những hình hài khác nhau của cuộc sống, có điều đẹp đẽ, nhưng cũng có cả những tai ác, nghiệt ngã của con người. Hiện thực đời sống đan xen với niềm hy vọng, vừa để kéo Salomé lại với cuộc sống đang trực rời bỏ cô từng giờ nhưng cũng vừa để cô biết rằng thế giới này muôn vẻ muôn dạng, không có cái gì là tốt đẹp mãi mãi và không có cái gì là xấu xa mãi mãi. Con người mãi là một tổng thể đầy phức tạp và ta chẳng bao giờ có thể nhìn thấu hết mọi nhẽ ở họ, cũng như ta chẳng bao giờ có thể lý giải hoàn toàn cách mà thế giới này vận hành. Ta chỉ biết rằng, mỗi người đều có phần sáng và phần tối trong tâm hồn họ, những điều họ sẵn sàng cởi mở và những điều họ muốn vùi lấp mãi mãi, chúng ta gặp nhau vào lúc này hay lúc khác vì thế giới này hình tròn, vì ta cùng sống trong cuộc sống lặp đi lặp lại mãi mãi, như câu ngạn ngữ mà nhà văn đã lấy làm đề từ của cuốn sách Rồi ngày này hay ngày khác, chúng ta sẽ gặp lại nhau dưới bầu trời Seoul.

Qua câu chuyện của Le Clézio về Bitna, ta thấy một cô gái tỉnh lẻ lạc lõng giữa thành thị rộng lớn, nơi chẳng có ai nhìn thấy hay để tâm đến cô, nhưng đồng thời lại là nơi có thể giúp cô hoàn thành những giấc mơ mà nơi làng quê lại chẳng thể thấu hiểu. Seoul giống như Bitna, vừa khát khao tìm được chỗ đứng của mình trong thế giới rộng lớn, vừa muốn náu mình khỏi cái nhìn phán xét của người khác. Cô bị cuốn vào trò chơi tình ái của anh Pak, bị anh ta lôi cuốn, tác động và ảnh hưởng mà không thể thoát ra. Cô trả lại chính xác những gì Pak đã làm với mình lên Selomé vì cảm thức thỏa mãn khắc nghiệt về việc thao túng người khác, điều mà cô không thể trả lại cho anh Pak. Nhưng sau cùng, tất cả họ đều bị cuốn vào những lạc lõng, cô độc, buồn bã của riêng mình. Bitna nhạy cảm hơn những gã đàn ông mà cô gọi là những ông hoàng con, mấy kẻ trịch thượng và khinh khỉnh, chính vì thế nên bản thân cô cũng không hứng thú gì với trò chơi tai quái của mình với Selomé. Hoặc giả, mặc dầu nói rằng cô đang cuốn Selomé vào trò đùa của mình, thì thực chất cô lại đang cố gắng, bằng những câu chuyện của mình, giữ Selomé lại với thế giới này càng lâu càng tốt, mang lại niềm vui sống cho một cô gái vốn là tù nhân của bệnh tật và nỗi buồn sâu thẳm của một người biết trước cái chết nhưng lại không có chút sức mạnh nào để chống lại nó, hay thậm chí để làm một việc đơn giản là tận hưởng cuộc sống cũng không thể.  

Với cấu trúc truyện lồng trong truyện, Bitna dưới bầu trời Seoul kéo độc giả vào một thế giới lạ lùng, huyền nhiệm với đầy phức cảm đan xen, thế giới ấy đầy những tưởng tượng và hiện thực được xếp chồng lên nhau thành những lớp lang đòi hỏi người đọc phải từ từ vén mở và cảm nhận. Cả câu chuyện mà Le Clézio kể và những câu chuyện mà Bitna kể đều nhuốm màu hoài niệm, ẩn ức, những hoài mong về quá khứ xa xăm hư ảo, và bóc trần những tai ác của con người ở góc độ nào đó.  Thế giới ấy như giống như một lâu đài thủy tinh, đẹp đẽ bên ngoài nhưng muốn ngắm nhìn cũng phải cẩn trọng biết bao, bởi chỉ cần sơ sảy chút thôi, lâu đài thủy tin sẽ tan vỡ, còn lại chỉ còn là đổ nát, vụn vỡ. Trong thế giới ấy, cô gái mười chín tuổi Bitna chênh vênh khi vừa trong hành trình thấu hiểu bản ngã lại vừa nhìn thấy thế giới ở quá nhiều mặt khiến cho những giá trị của cô nhiều khi chao đảo, khiến cho cô gái trẻ tuổi lại nhìn thế giới đầy bình thản, lạnh nhạt.

[Suối Nguồn – Ayn Rand] Gail Wynand

Tôi từng đọc được một review của ai đó nói rằng, “Gail Wynand là nhân vật chính trực nhất trong “Suối Nguồn””, và không thể không đồng ý với điều đó. Con người từng trở thành ngoại lệ của Howard Roark, đến ngay cả Roark còn có những lúc phá vỡ những nguyên tắc của chính mình, chỉ có Gail Wynand là nhân vật từ đầu tới cuối vẫn trung thực với chính con người mình nhất.

Xét về khía cạnh cuộc đời, Wynand chưa bao giờ tự hào về cuộc đời ông, khi đọc “Suối Nguồn”, ta có cảm tưởng như ông xây dựng cuộc đời mình dựa trên hàng loạt những điều tệ hại khác nhau, cố tình xây dựng danh tiếng thật tệ hại và biến tờ báo của chính ông trở thành một trong những tờ báo đưa tin “lá cải” lớn nhất. Nhưng toàn bộ con người Gail là một tổng thể phức tạp hơn thế nhiều, mà con người thì có ai không phức tạp chứ? Gail đã trải qua một tuổi thơ quá mức thiếu thốn, cả tình thương lẫn vật chất, không có ai dạy bảo, không có ai bảo vệ, ông đã sống bằng cách ngạo nghễ đạp lên cuộc đời và tất thảy những quan niệm đạo đức thông thường. Với kẻ đã từng sống ở tận đáy xã hội, thì chẳng có câu nói đạo đức nào đáng giá hơn một nắm cơm cả. Ông đã lựa chọn cuộc đời của mình mà không phải đặt nó vào bàn tay của xã hội ngoài kia. Tôi có cảm tưởng như Gail đã luôn là một thực thể cô độc và lạc lõng nhất cõi đời, cho đến khi ông gặp được Dominique.

Gail yêu cô. Điều đó không ai có thể phủ nhận được. Nhưng lại một lần nữa, Gail đã chọn sai người để yêu. Tôi nghĩ, ông đã lựa chọn Dominque không chỉ vì trái tim già cỗi, mệt mỏi và đầy đau đớn của ông cuối cùng đã rung động, mà còn vì, khi nhìn thấy Dominique, ông đã cảm thấy được sự tồn tại của chính mình, và ông đã nhìn thấy chính mình. Những ước mong của Gail và Dominique giống nhau, không biết ông có nhận ra không, nhưng cách ông yêu cô cũng chính là cách mà cô yêu Roark. Gail và Dominique giống như hai nửa của một con người, một bên trái – một bên phải, do đó, họ hòa hợp với nhau một cách nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Nhưng cũng như tôi đã nói trước đó về Dominique, hai nửa của một con người không thể yêu nhau theo cái cách mà hai con người hoàn toàn tách biệt yêu nhau. Chắc Gail cũng không hiểu tại sao ông lại yêu quý Roark, cũng như ông đã lập tức rơi vào tình yêu với Dominique, nhưng tôi thấy câu trả lời quả thực rất đơn giản – đó là vì Dominique cũng yêu Roark. Xem nào, hai nửa của một con người yêu một con người khác, điều đó thì có gì phải thắc mắc chứ, dám chắc nếu Gail là một người đàn bà thì ông cũng sẽ yêu Roark không kém gì Dominique. Cả hai người họ đều bị “dính chặt” vào với Roark ngay từ lần đầu tiên họ gặp anh, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dominique thì là lúc ở hầm mỏ, còn Gail thì là lúc ông tìm đến anh để đặt hàng bản thiết kế đầu tiên của mình.

Khi Dominique quyết định bỏ ông ra đi, cô đã để lại nỗi đau và nỗi trống trải quá lớn trong đời Gail, và chắc chắn tâm hồn ông sẽ không bao giờ còn có thể hồi phục nữa. Lại thêm một điều bổ sung vào cột “không ưa” của tôi đối với Dominique. Nhưng khách quan mà nói, chính Gail đã chấp nhận điều đó và biết điều đó ngay từ lúc ông quyết định sẽ cầu hôn cô, mặc dù sau này, ông đã phần nào mong ước cô sẽ ở lại đến cùng, con người mà, khi đã quá quen với những điều tốt đẹp rồi, họ sẽ khao khát nhiều hơn mà quên đi điều đáng ra họ phải nhớ như tạc. Khi Dominique ra đi, tôi nghĩ Gail đã chấp nhận, dù đau đớn, nhưng ông đã chấp nhận, và ông đã chấp nhận điều đó từ rất lâu trước đó. Bởi vì, dù đau đớn, nhưng Gail vẫn phải thừa nhận một điều rằng, Dominique Francon không thể yêu ông, và sẽ không bao giờ yêu ông như cách ông muốn. Bởi Gail là tấm gương của cô, hai nửa của nhau trên đời, Gail yêu cô theo cách cô yêu Roark, chính vì thế mà cô không thể yêu lại ông. Cô chỉ có thể dựa vào Gail để thấu suốt chính mình và trở nên không sợ hãi nữa, dù đau khổ nhưng có lẽ chính Gail cũng hiểu ra, ông chỉ là kẻ phát quang những bụi tầm gai chắn lối người đàn bà ông yêu đến với người đàn ông cô yêu.