Đã có thời Hà Nội lầm than!

“Hà Nội lầm than” là một thiên phóng sự của Trọng Lang được in trên báo Đời Nay từ năm 1938, tức là thời kì trước Cách mạng tháng Tám 1945. Để viết “Hà Nội lầm than”, tác giả đã đi đến những nơi cùng bần, khổ đau nhất của mảnh đất rồng bay để sâu sát đến những con người đau khổ nhất trên mảnh đất này, để hỏi chuyện, để lắng nghe họ, và để xót xa cho những kiếp người khổ đau ấy. Trọng Lang đã đến gặp những gái nhảy, những nhà cô đầu, thậm chí đã đi đến cả cái nơi ô uế nhất mà “người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm. Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào…nhà thổ”, và cả những ổ ăn mày mà thời đó, người ta còn có những thứ nghề nghiệp hết sức mỉa mai như “nghề ăn mày” hay theo như cách nói của tác giả, là “ăn mày chuyên nghiệp”. Trong “Hà Nội lầm than”, tác giả dành một niềm cảm thương sâu sắc cho cô đầu, những người đàn bà đáng ra đem tiếng hát của mình để góp vui cho đời, cho người; nhưng vì cái thối nát bần tiện của xã hội, vì cái xâm lăng đau đớn của những thói phù phiếm, xa hoa mà họ đã phải bán đi cả con người và linh hồn mình, để cho những gã đàn ông phù phiếm thỏa mãn thứ dục vọng bần hèn của mình mà vẫn khoác lên người “tấm áo” đạo mạo, cao sang. Rồi đến những kiếp đàn bà trong nhà thổ mà thậm chí tác giả cho rằng họ chẳng còn là đàn bà mà là một loại con vật nào đó, một loại sinh vật chẳng ra hình người, lệ thuộc vào thuốc phiện và chỉ sống vật vờ qua ngày như cái xác khô để chờ chết. Dưới ngòi bút của mình, Trọng Lang đã viết nên nỗi cơ cực của những kiếp người ấy; đã viết nên sự ác độc của cái gọi là sự xâm lược về tinh thần khi mà những làn khói thuốc phiện đang giết dần, giết mòn một thế hệ, một dân tộc; đã viết về những cảnh người bần cùng nhất trong mọi sự bần cùng, đau khổ nhất trong mọi cái đau khổ; đã khắc họa lên một xã hội mục ruỗng, thối nát mà ở đó, ai nhìn vào cũng thấy là một bức tranh sơn son thếp vàng nhưng kì thực bên trong đã bị mối mọt gặm nhấm đến tận cùng; tác giả cảm thương cho thân phận người đàn bà trong xã hội ấy và chỉ trích sâu cay những gã đàn ông mạt hạng chà đạp lên thân xác những người đàn bà yếu đuối để thỏa mãn cái dục vọng của mình và để vắt kiệt những người đàn bà ấy đến tận hơi thở cuối cùng để thỏa mãn những cơn thèm thuốc phiện. Thậm chí, còn có những con chuột, con mèo…bị gia chủ cho dùng thuốc phiện để chúng nghe lời, trung thành với gia chủ, để chúng có thể nghe theo lời sai khiến của gia chủ. Cả một xã hội bị bao bọc trong khói thuốc phiện hiện lên dưới ngòi bút của Trọng Lang làm ta cảm thấy không khỏi rùng mình mà cũng chẳng khỏi xót xa. Quả là Hà Nội lầm than! Cái lầm than ánh lên từ mọi ánh mắt, mọi ngóc ngách trong cái thành phố đã từng là đất kinh kỳ, phồn hoa ấy.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta đều biết đến một Việt Nam anh dũng, kiên cường và hào hùng; chúng ta đều biết một Hà Nội vẫn sừng sững, hiên ngang vươn mình sau những đau thương chất chồng từ giặc lũ xâm lược; nhưng chúng ta lại không biết, hoặc là vì một lý do nào đó đã vô tâm bỏ qua, một Hà Nội đã từng chịu những cảnh đau thương mà chẳng phải do súng bom, đạn dược mang tới – đó là những nỗi đau thương trong những cảnh người lầm than, những nỗi đau thương trong tinh thần rệu rã của một kiếp người bị chìm trong khói thuốc phiện, một kiếp những con người bị những thứ tha hóa, bỉ ổi, bẩn thỉu và vô đạo chà đạp; một kiếp mà những hình người không ra hình người, những con người chẳng còn là người mà chỉ là những con vật vô cảm chỉ bởi nỗi cùng cực đã ngày này qua tháng khác tẩy đi hết phần “người” trong họ. Vậy nên mới phải đọc “Hà Nội lầm than” của Trọng Lang để được cảm nhận hết những nỗi đau đó của đất kinh kì phồn hoa, để thấy được Hà Nội để có thể vươn mình sừng sững như hôm nay, đã từng phải oằn mình gồng gánh biết bao kiếp người đau khổ. Đã có thời, Hà Nội lầm than!