Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.

img039

Bao nhiêu đời nay, toàn bộ loài người đều cố công đi tìm hiểu, giải thích và cắt nghĩa “tình yêu”, nhưng rốt cuộc có ai làm được đâu. Vì thế, người ta mới đem tình yêu vào thi tứ, vào hội họa, vào âm nhạc, như một cách tôn vinh một loại cảm tình riêng có ở nhân loại, một loại cảm tình đã tưới tắm biết bao khối óc và trái tim khô cằn ở nhân thế, vừa là nỗi đau lại vừa là niềm hạnh phúc, vừa là quả ngọt nhưng cũng lại vừa là trái đắng, một thứ tình cảm mà càng cố càng chẳng thể nắm bắt được nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai thoát được ma lực của nó.

Chính thế, cho nên “Con hủi” của nữ văn sĩ Ba Lan – Helena Mniszek đã có thể đi từ một tác phẩm bị ghẻ lạnh bởi giới phê bình trở thành một kiệt tác văn chương để đời nơi nhân thế. Hàng vô vàn con người đã ca ngợi “Con hủi” như là một tác phẩm viết về mối tình tuyệt đẹp đầy đắm say nhưng bi kịch giữa chàng đại công tử Waldermar Michorowski – chàng thanh niên đứng đầu dòng họ quyền quý nhất cả nước, người quyền quý nhất trong những người quyền quý, ông chủ của những ông chú – với nàng Stefcia Rudecka – con gái một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Nhưng trong tôi, “Con hủi” mang nhiều giá trị và niềm gửi gắm lớn lao hơn là chỉ một câu chuyện tình giữa hai con người.

Trong tác phẩm này, tác giả đã nêu ra một cách rất rõ ràng và chi tiết về sự phân tầng trong xã hội ngày ấy, không chỉ là sự phân chia tầng lớp giữa tầng lớp quý tộc và thứ dân, mà ngay cả trong tầng lớp quý tộc của Waldermar và Stefcia cũng có sự phân rẽ sâu sắc. Tầng lớp đại quý tộc của Waldermar sẽ không bao giờ chấp nhận tầng lớp quý tộc nhỏ bé của Stefcia, dù cho nàng có là một người thiếu nữ đức hạnh và tốt đẹp đến đâu, dù cho nàng còn cao quý hơn biết bao nhiêu tiểu thư đại quý tộc khác. Nhưng thói ích kỉ và sự phù phiếm vẫn đạp lên tất cả trong cái xã hội hậu phong kiến đang dần đi đến hồi kết ấy, những con người trong tầng lớp cao quý luôn nhìn kẻ dưới với con mắt của kẻ bề trên lại luôn cho rằng bản thân mình đức hạnh khi là người ban phát những đặc ân nhưng kì thực lại không hiểu ra rằng chính mình lại đang sắm vai những kẻ đạo đức giả và phi nhân tính. Nói như Waldermar thì đó là sự vô luân. Và sự vô luân ấy được thể hiện ở những hành động đáng khinh rẻ từ việc vị hôn thê hụt của Waldermar công khai ra mặt bỉ bai Stefcia ở chốn công cộng đến việc những lá thư nặc danh gửi đến hạ nhục nàng khiến nàng lâm trọng bệnh, những hành động đầy tính dân đen và hèn hạ đó cho thấy sự đi ngược lại hoàn toàn những giá trị cao quý mà chính bản thân những kẻ tự cho mình cao quý nhất đó thường rao giảng. Mà cũng chính từ sự vô luân đó, ta mới đồng thời thấy rõ rệt rằng, sự khác biệt của con người chẳng hề nằm ở địa vị, tầng lớp hay tiền bạc; không thể nào phân chia kẻ này hạ đẳng và người kia cao quý chỉ dựa vào tầng lớp hay tước vị họ có được; mà sự khác biệt của con người nằm ngay trong chính nội tại của mỗi người, từ chính những sự giáo dục họ nhận được và cách cư xử. Vậy nên, đám đại quý tộc hèn hạ trong tầng lớp của Waldermar chẳng hề cao quý như chúng vẫn tưởng, trong khi đó, Stefcia lại thực ra mang đầy đủ những phẩm chất cao quý và đức hạnh mà giới quý tộc đó yêu cầu. Vậy thì sự phân tầng đó có còn thực sự cần thiết và xứng đáng tồn tại nữa không? Việc viết ra những điều mang ẩn ý sâu sắc như vậy của tác giả lại giống như một cái tát thẳng vào giới quý tộc đang ở thời kì suy kiệt và tàn tệ nhất. Để rồi, khi đọc được  những điều ấy, ta mới thấy trân trọng hơn một thế giới đang hết sức mình tiến đến với sự bình đẳng giữa con người với con người với nhau. Continue reading “Con hủi – Khi số phận con người bị trói buộc trong giai tầng, lề thói.”