Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát – Một bức tranh toàn diện về một con người cao đẹp hiếm có

Lin Feng Ph. D. - First News - Trí Việt
Bìa sách Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, một biên dịch và tổng hợp từ khảo cứu Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom của tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng. Ảnh: First News – Trí Việt.

Đối với giới mộ điệu và dân nghiên cứu điện ảnh (ít nhất là trong khu vực Châu Á), Châu Nhuận Phát đóng một vai trò quan trọng không thể thay thế. Không chỉ nhận được sự mến mộ rộng khắp trong công chúng, Châu Nhuận Phát là một tượng đài lớn của nền điện ảnh Hồng Kông. Ông là người với sự nghiệp không chỉ gắn liền với từng nấc thang thăng trầm suốt hơn bốn mươi năm của một trong những nền điện ảnh lớn nhất Châu Á và trên thế giới, mà cuộc đời cũng như con người với nhân cách cao cả ấy đã trở thành hiện thân cho bản sắc Hồng Kông. Trong khảo cứu chi tiết và toàn diện của mình, tiến sỹ Lin Feng đã nói “Diễn viên Châu Nhuận Phát chính là giấc mơ có thực, giấc mơ gần gũi nhất đối với người Hồng Kông, bản sắc Hồng Kông và ở một góc nhìn khái quát, Châu Nhuận Phát có thể đại diện cho những thuộc tính nổi bật của Hồng Kông.”

Một khảo cứu toàn diện và chi tiết

Trong khảo cứu có tên Chow Yun-fat and Territories of Hong Kong Stardom, mà chúng ta được biết đến dưới cái tên tiếng Việt là Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu điện ảnh Lin Feng đã sắp xếp các dữ kiện về cuộc sống và sự nghiệp của Châu Nhuận Phát theo trình tự từ lúc ông bắt đầu sự nghiệp đến đỉnh cao và thời điểm xế chiều của sự nghiệp diễn xuất theo một cấu trúc tuần tự và khoa học. Trong khảo cứu công phu của mình, Lin Feng còn gắn sự nghiệp rực rỡ của Châu Nhuận Phát với lịch sử điện ảnh và truyền hình Hồng Kông, từ đó, đặt trên tương quan với một bối cảnh lịch sử và xã hội rộng lớn hơn là những ẩn ức và nỗi chênh vênh mơ hồ trong lòng xã hội và con người Hồng Kông từ trước và sau năm 1997 – thời điểm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Thật khó có thể nói về Châu Nhuận Phát nếu không đặt ông trong bối cảnh lịch sử của Hồng Kông, bởi người dân Hồng Kông sớm đã coi ông là một đại diện cho bản sắc của họ. Là một ngôi sao lớn nhưng Châu Nhuận Phát rất chân thành, gần gũi và điều này khiến người Hồng Kông có thể nhìn thấy chính họ qua cuộc đời thật của ông.

Vốn xuất thân nghèo khó và từng bước vươn lên trên những nấc thang xã hội, Châu Nhuận Phát chưa bao giờ quên đi xuất thân bần hàn của mình, ông đi xe buýt và tàu điện ngầm, không sa đà vào cuộc sống sa hoa dù là diễn viên hàng đầu Hồng Kông với khối tài sản hàng trăm triệu USD, ông vẫn đi chợ bình dân, ăn uống ở các tiệm ăn lề đường, nhường ghế cho người già và vui vẻ chụp hình, nói chuyện với tất cả mọi người, Châu Nhuận Phát xóa nhòa ranh giới giữa một ngôi sao và người dân, ông sống trong lòng người Hồng Kông không chỉ như một ngôi sao điện ảnh mà là một anh hàng xóm thân thiện, tốt bụng, một phần của họ. Mặt khác, ông xuất hiện trên màn ảnh (cả truyền hình lẫn điện ảnh) đều vào vai những nhân vật có xuất thân thấp nhưng từng bước, bằng nỗ lực của mình, đã đạt được thành công và vị thế xã hội, được xã hội trọng vọng, điều này cũng khiến Châu Nhuận Phát gần gũi với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng trong xã hội Hồng Kông vào thập niên 50, 60 khi tầng lớn chuyên gia ngày càng gia tăng và những người này tiến vào thế giới trung lưu. Châu Nhuận Phát hiện diện trong đời sống của người Hồng Kông ở mọi khía cạnh, mọi tầng lớp, và vì thế mà ông đã trở thành đại diện cho bản sắc Hồng Kông.

Ngoài ra, khảo cứu của Lin Feng còn chỉ ra một sự thật thú vị rằng các mốc trong sự nghiệp của Châu Nhuận Phát hầu như đều gắn liền với các giai đoạn bản lề của lịch sử Hồng Kông, và ở mỗi giai đoạn đó, Châu Nhuận Phát đều có những vai diễn thể hiện chính xác đời sống xã hội, những nỗi lo lắng và chênh vênh của người Hồng Kông trước thời điểm sự kiện trao trả diễn ra. Điều này càng khắc họa thêm mối liên hệ sâu sắc giữa Châu Nhuận Phát với đời sống và dòng chảy của quê hương yêu dấu của ông. Cùng với các tư liệu quý giá từ các học giả và nhà nghiên cứu điện ảnh khác, Lin Feng đã hoàn thiện một bức tranh về không chỉ sự nghiệp của một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn hoàn thiện một bức tranh đa sắc màu về lịch sử điện ảnh Hồng Kông cũng như một tổng quan về lịch sử điện ảnh thế giới có sự góp mặt của các yếu tố châu Á.

Chow Yun fat - Alchetron, The Free Social Encyclopedia
Một khảo cứu toàn diện và chi tiết về một trong những đại nhân vật được kính trọng và quan trọng nhất của nền điện ảnh Hồng Kông. Ảnh: Alectron.

Một gợi nhắc về một thời vàng son của điện ảnh Hồng Kông

Anh hùng bản sắc (1986) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm là bộ phim đã đưa tên tuổi của Châu Nhuận Phát vụt sáng trở thành ngôi sao điện ảnh hàng đầu của nền điện ảnh Hồng Kông và toàn bộ nền điện ảnh Hoa ngữ nói chung cho đến ngày hôm nay. Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc đứng bên bến cảng, phóng tầm mắt nhiều nỗi niềm và mông lung nhìn về xa xăm đã in đậm trong tâm trí những người yêu điện ảnh ở khắp muôn nơi và đã giúp Châu Nhuận Phát mãi mãi là “Phát ca” của Hồng Kông. Khảo cứu của tiến sỹ Lin Feng không chỉ cho người đọc một cái nhìn chi tiết, toàn diện về sự nghiệp điện ảnh của Châu Nhuận Phát, mà còn đưa khán giả sống lại những ngày tháng huy hoàng của điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim – một nền điện ảnh đầy bản sắc đã sản sinh ra những con người đặc biệt như Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, Thành Long… Anh hùng bản sắc (1986) không chỉ mang lại danh tiếng cho Ngô Vũ Sâm và Châu Nhuận Phát, mà nó còn đưa chính bản sắc điện ảnh của người Hồng Kông đến với thị trường Hollywood – một trường hợp chuyển dòng ngược đầy kỳ lạ và độc nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Đây là khởi đầu cho dòng phim xã hội đen thịnh hành ở Hồng Kông vào thập niên 80, 90 và trường phái “Võ súng Gun-fu” được sáng tạo bởi đạo diễn Ngô Vũ Sâm, hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc với áo choàng, kính đen, nụ cười nửa miệng, bắn súng hai tay như một của Châu Nhuận Phát đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn lừng danh của Hollywood sau này như Quentin Tarantino, Robert Rodriguez…và được áp dụng trong nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng sau này trong đó có thể kể đến The Matrix, Equilibrium, Captain America: The Winter Soldier…

From Face/Off to A Better Tomorrow: A John Woo Primer
Hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc ngạo nghễ mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng cồng chúng yêu điện ảnh trên khắp châu Á. Ảnh: Vulture

Những trăn trở về sự chênh vênh của số phận Hồng Kông

Nếu đã nhắc đến Hồng Kông, dù là điện ảnh hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, thật khó mà không nhắc đến những ẩn ức, những chênh vênh, mơ hồ trong tâm trí người Hồng Kông về số phận của họ. Những cảm thức này đã có từ trước năm 1997 rất lâu và nó càng thể hiện rõ khi thời điểm này càng đến gần. Tiến sỹ Lin Feng chia khảo cứu của mình thành hai phần: Phần I nói về sự nghiệp điện ảnh tại Hồng Kông của Châu Nhuận Phát từ năm 1973 đến năm 1995 – như đã bình luận ở trên, sự nghiệp điện ảnh của ông trong khoảng thời gian này gắn liền với sự thăng trầm và những nỗi lo lắng mơ hồ trong lòng xã hội Hồng Kông. Vừa tự do với vai trò là con rồng châu Á, trung tâm sự phát triển, vừa mang một ẩn ức xa xăm về số phận không rõ ràng của mình, Hồng Kông hăm hở trong công cuộc toàn cầu hóa và sớm đi tìm bản sắc của mình, đồng thời cũng cựa quậy trong nỗ lo lắng uẩn quẩn mơ hồ về tương lai. Nhà phê bình điện ảnh Julian Stringer đã chỉ ra “Nam chính trong các bộ phim của Ngô Vũ Sâm, đặc biệt là những vai do Châu Nhuận Phát thủ vai, đã chỉ ra nỗi sợ, sự không chắc chắn và sự hoang mang về tương lai của Hồng Kông.” Điều này đồng thời càng tỏ rõ sự gắn bó của Châu Nhuận Phát đối với Hồng Kông và lý giải vì sao người dân Hồng Kông lại coi Châu Nhuận Phát chính là đại diện cho bản sắc của họ. Chúng ta hẳn không quên rằng Châu Nhuận Phát là một trường hợp diễn viên Hồng Kông đã công khai ủng hộ phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hồng Kông chống lại các chính sách của Trung Quốc với biểu tượng là chiếc Dù Vàng. Khi bị phong sát tại Đại Lục, ông chỉ đơn giản nói rằng “Kiếm tiền ít đi thì đã làm sao?”. Phần II của cuốn sách tập trung vào sự vươn mình ra thị trường điện ảnh quốc tế của Châu Nhuận Phát, khẳng định ông không chỉ với vai trò một ngôi sao điện ảnh Châu Á mà là một ngôi sao điện ảnh toàn cầu, tại đây, Châu Nhuận Phát còn nắm vai trò một cầu nối cho sự hòa hợp Đông – Tây. Tiến sỹ Lin Feng dành hẳn một chương trong phần này để nói về tham vọng quyền lực và củng cố địa vị của Trung Quốc nhằm thu phục Hồng Kông trở về dưới trướng mình. Trung Quốc đã dùng Châu Nhuận Phát với hy vọng ông cũng sẽ trở thành cầu nối để thu phục Hồng Kông. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc không ngờ tới là dù thời thế biến động thăng trầm, Châu Nhuận Phát mãi mãi là một Phát ca của Hồng Kông không thay đổi bản sắc. Ý thức rõ ràng về vị trí của mình, không chạy theo đồng tiền nhưng cũng không giữ thái độ khinh khi tiền bạc, không khuất phục trước cường quyền và vật chất, Châu Nhuận Phát tỏ rõ lập trường và thái độ của mình, ông ủng hộ những con người dũng cảm đang đấu tranh cho mảnh đất quê hương yêu dấu của họ khỏi móng vuốt cường quyền và độc tài.

Toàn bộ cuốn khảo cứu công phu này của tiến sỹ Lin Feng là một nguồn tư liệu quý và toàn diện về không chỉ sự nghiệp điện ảnh của một long đầu đại ca được trọng vọng của nền điện ảnh Hồng Kông mà còn gói gọn trong đó toàn bộ dòng chảy của điện ảnh Hồng Kông và khái quát hóa lịch sử điện ảnh thế giới có sự tham gia của các yếu tố châu Á.

Hong Kong Stuck in the Middle of U.S.-China Power Struggle | Time
Hồng Kông – nơi chứa đựng biết bao ẩn ức, nỗi lo lắng mơ hồ và sự chênh vênh trước số phận của mình. Ảnh: TIME

Lời chê dành cho cách làm sách của First News

Điều đầu tiên, phải thừa nhận rằng đội ngũ biên dịch của First News đã thực hiện một nhiệm vụ tuyệt vời khi biên dịch một khảo cứu khoa học ra tiếng Việt một cách mượt mà, sát nghĩa, và vẫn giữ được tinh thần trung lập khoa học của tác phẩm.

Tuy nhiên, việc First News đưa thêm các thông tin tổng hợp vào trong cuốn sách và chèn các nội dung không có trong bản thảo gốc là một việc làm lợi bất cấp hại. Những thông tin mà đội ngũ First News bổ sung không thể nói là không thú vị nhưng nó không thực sự cần thiết với nội dung khảo cứu chặt chẽ và trung lập của tiến sỹ Lin Feng. Việc bổ sung thêm chương sách so sánh Châu Nhuận Phát với diễn viên Thành Long là một sự bổ sung (có thể nói là) đã đi chệch hướng hoàn toàn với bản thảo gốc, điều tối kỵ trong công tác biên dịch. Những so sánh mang tính chủ quan và có phần chỉ trích nặng nề với một bên để nâng một bên lên không những không đạt được hiệu quả khắc họa phẩm chất cao đẹp của Châu Nhuận Phát mà nó còn gây ra một cảm thức về sự cạnh tranh không lành mạnh. Có lẽ, nếu là Châu Nhuận Phát thì ông cũng sẽ không ủng hộ cách làm này. Là một diễn viên tài năng có tác phong lịch thiệp, cư xử khéo léo và thái độ công minh với mọi người, Châu Nhuận Phát không cần thiết phải dìm bất cứ ai xuống để nâng mình lên, tự thân ông đã là biểu tượng tuyệt vời cho một tài năng và một nhân cách sống. Ngoài ra, sự so sánh mang tính chỉ trích này, như đã nhấn mạnh ở trên, làm mất đi tính độc lập của một khảo cứu điện ảnh – điều mà chắc chắn không phải là ý định ban đầu của tác giả. Còn chương về đời sống cá nhân của Châu Nhuận Phát là một bổ sung thú vị, dù nó không cần thiết lắm nhưng đơn vị làm sách bổ sung thêm để giới thiệu thêm đến các khán giả (hẳn sẽ có những người tò mò về đời sống riêng tư của các ngôi sao) cảm thấy thích thú và có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật.

Tuy nhiên (một lần nữa), First News đã thiếu sót một điểm trầm trọng và tối kỵ khác trong hoạt động làm sách đó là bỏ đi toàn bộ các trích dẫn. Nội dung gốc của tiến sỹ Lin Feng có một mục rất dài các nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách của mình, việc First News bỏ đi nội dung này là không tôn trọng tác phẩm gốc cũng như không có sự tôn trọng đối với các nội dung được trích dẫn trong các nghiên cứu học thuật khác, một điều tối kỵ trong nghiên cứu. Thứ nữa, những thông tin được tổng hợp không có ghi chú để độc giả có thể phân biệt được nội dung dịch từ bản thảo gốc với nội dung được bổ sung thêm có thể gây nhầm lẫn cho người đọc, khiến tác phẩm trở thành một tác phẩm không hoàn toàn là biên dịch mà gần như là một kiểu phóng tác, nhưng là phóng tác không trung thực và không cung cấp đầy đủ thông tin cho người đọc. Cuối cùng, sự thiếu sót trong việc đưa mục lục trích dẫn đối với các thông tin mà First News tổng hợp là một hành vi rất không đúng mực trong không chỉ khoa học mà còn trong vấn đề tác quyền. Các thông tin được tổng hợp, như First News đã nhấn mạnh trong rất nhiều bài viết giới thiệu sách của họ, tức là các thông tin này được tham khảo và trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải do chính người tổng hợp, người dịch của First News tự mình có được thông qua các gặp gỡ trực tiếp với nhân vật, và cũng tức là họ đang sử dụng một lượng thông tin thứ cấp. Nguyên tắc của việc trích dẫn và sử dụng các thông tin thứ cấp là bạn cần cho người đọc biết được bạn đang sử dụng thông tin thứ cấp từ ai, nguồn nào, nhưng First News hoàn toàn lờ đi việc này. Điều này là một hành vi khá đáng tiếc vì nó thể hiện sự nhập nhằng về nguồn gốc thông tin, thiếu trung thực và thiếu tôn trọng đối với các tác giả gốc và hoàn toàn có khả năng First News đang có một hành vi vi phạm bản quyền (điều này còn tùy thuộc vào các tác giả gốc có nhận ra và đưa các cáo buộc hay không).

Những thiếu sót không đáng có và không nên có của đơn vị xuất bản đã làm giảm đi giá trị của một tác phẩm khảo cứu xuất sắc về một nhân vật mà hình ảnh của ông không chỉ được gắn liền với tài năng toàn diện mà còn là nhân cách cao đẹp, tinh thần của một vị nhất đại tông sư. Quả thực là một sự đáng tiếc và khó chấp nhận.

Leave a comment